Ngôi sao sáng từ trái tim người lính
Trong cuộc sống với biết bao bộn bề, lo toan của đời thường, thật ít có lúc ngồi thư thái để đọc thơ, chưa bao giờ dám nghĩ mình là người am tường, biết thưởng thức thơ. Bất chợt cầm trên tay tập thơ văn Ngôi sao màu lửa - Nhà xuất bản Hội nhà văn 2008 của nhà thơ Trương Quang Sinh, lật từng trang và... lại bất chợt thấy như đang sống lại trong tôi những năm tháng khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong tiếng bom rơi đạn nổ là tiếng gầm rú, tiếng xích xe tăng vượt qua tuyến lửa băng nhanh về chiến trường và trong những mất mát hy sinh là những chiến công hào hùng giữa đoàn quân trùng điệp đi giải phóng miền Nam...
Ngôi sao màu lửa được trình bày, in ấn công phu, trang nhã với độ dày gần 200 trang gồm cả thơ và văn. Mỗi trang viết như một trang sử chứa đựng tình cảm thân thương, những kỷ niệm buồn vui không bao giờ quên trong cuộc đời binh nghiệp. Đọc Ngôi sao màu lửa chúng ta như được gặp, như nuốt vào tim những lời chỉ bảo ân tình của Bác Hồ, người cha già kính yêu của dân tộc:
Bác Hồ tha thiết yêu dân
Bác giữa lòng ta Bác rất gần
...Công đức nghìn thu vang vọng mãi
Tấm lòng bát ngát ánh trăng ngân...
(Tình Bác)
Có một Võ Nguyên Giáp song toàn văn võ:
Người là võ - người là văn
Song toàn văn võ - võ văn đều là
Mênh mông dào dạt hải-hà
Tài cao, đức trọng non xa nước gần
(Từ lời anh dặn)
Hay Nguyễn Chí Thanh, một vị tướng trên nhiều mặt trận:
Nắm thắt lưng địch mà đánh
Đỏ rực lòng Nguyễn Chí Thanh
...Sóng Duyên hải, gió Đại phong
Cờ Ba nhất bay phất phới
(Nhớ đại tương Nguyễn Chí Thanh)
Và những người anh đi trước, những người bạn chiến đấu một thời với anh nay đã trở thành những sĩ quan giữ trọng trách trong binh chủng Tăng-Thiết giáp như: Đoàn Sinh Hưởng, Phạm Bân, Trần Doãn Kỳ, Mai Văn Phúc...
Lần đọc những bài trong Ngôi sao màu lửa chúng ta như được trở về soi trong mắt đồng đội, đang gấp gáp hành quân qua những chiến trường, để rồi làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ:
Quân Pháp cuốn cờ về đất Pháp
Dân
Địa cầu chấn động Điện Biên Phủ
Vang dội năm châu Khúc khải hoàn
(Âm vang Điện Biên)
Những bản chân không mỏi đã vượt qua Phai Khắt, Nà Ngần, đèo Lũng Lô, Him Lam, Độc Lập... rồi lại xẻ dọc dãi Trường Sơn:
Hành trang trĩu nặng ba lô
đường dài dằng dặc
... ... ... ...
Trùng trùng quân đi xông vào chiến trận
Trường Sơn ơi ! Trường Sơn ơi !
(Âm vang Trường Sơn)
Tinh thần lạc quan hay lãng mạn cách mạng là điều dễ nhận ra trong thơ anh:
Tết ở chiến trường cũng rất sang
Ung dung thanh thản núi non ngàn
Làm thơ, đánh giặc ăn mừng Tết
Nổ súng tưng bừng tiếp đón xuân...
(Tết ở chiến trường)
Và trong vô vàn những chiến công ấy, binh chủng tăng-thiết giáp đã góp phần viết thêm vào trang sử mới hào hùng:
Ra quân là đánh thắng
Trận đầu xuân Làng Vây
(Tăng ta thần tốc)
Tăng tiến lên Tây Nguyên
Pơ-lang hoa nở rộ
...Tăng xông vào Thành Cổ
Hoa rực lửa trời cao
Mỹ cuốn cờ, Ngụy đổ
Thần tốc tới Sài Gòn
(Ngôi sao máu lửa)
Làm tròn sứ mạng Quốc tế cao cả, sát cánh cùng ba nước Đông dương:
Tăng sang tận đất Lào
Trắng ngời hoa Chăm-pa
...Tràn đến Kông-Pông-Thơm
Lên Xiêm-Riệp
Vượt tiếp Tông-Lê-Sáp
Ta vào giải phóng Nông-Pênh
(Sang K giúp bạn)
Là một người lính, có những lúc nghẹn ngào, bật òa tiếng khóc mừng vui trước tin thắng trận. Trong ngày vui đại thắng mùa xuân bảy lăm, non sông thu về một mối, lòng anh lại bồi hồi bao cảm xúc khi nhớ về đồng đội của mình đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc. Đó là hình ảnh người lính Đinh Văn Hòe với tâm huyết:
Lòng trai cháy bỏng
Ham mê ra chiến trường chống giặc
Khước từ con đường đại học yên thân
Là Hoàng Thọ Mạc hết mình vì đồng đội:
Hai lần anh bị thương
Hai lần tự băng bó
Vẫn hăng hái động viên
Vẫn chở che đồng đội...
Và còn rất nhiều những chiến sĩ khác đã anh dũng hy sinh, để ngày hòa bình gặp lại đồng đội với vui buồn xen lẫn:
Gặp nhau nhớ tới bao người
Ra đi khuất bóng giữa đời yêu thương
(Một nén hương lòng)
Bên cạnh những bài thơ có sức lay đọng lòng người, có sức truyền cảm từ một cuộc đời rất thật ấy, ta lại còn nghe đâu đó những lời tâm tình, thủ thỉ của các cô gái và người lính, nghĩa tình quân dân gắn bó keo sơn như cá với nước thật lãng mạn làm sao:
Đi đâu anh cũng gặp em
Thao trường năm ấy anh luyện rèn
Điệu hò lơ hố lơ xanh vách núi
Hòa cùng tiếng lòng xích xe tăng
...Nón vẫy gọi xe em chỉ lối
Băng qua vườn mía của nhà em
(Chuyện gặp em)
Ngoài thơ văn, trong Ngôi sao màu lửa còn có cả những tấm ảnh về truyền thống của binh chủng, mới thấy hết tình yêu của anh đối với đơn vị như thế nào. Mấy chục năm qua anh vẫn luôn nâng niu, gìn giữ như những báu vật để rồi ngày nay được mang ra cho bạn đọc cùng chiêm nghiệm chứ không chỉ cho riêng mình nữa. Để rồi qua đó anh tìm được sự đồng cảm sâu sắc, chân tình của các nhạc sĩ khi chấp cánh cho thơ anh bay cao, bay xa hơn trong từng nốt nhạc. Nếu như bài hát "Năm anh em trên một chiếc xe tăng" của nhạc sĩ Doãn Nho phổ từ thơ Hữu Thỉnh mà trong chúng ta đã từng biết đến với giai điệu hào hùng nhưng đầy chất tâm tình tự sự thì bài thơ Ngôi sao màu lửa của anh được nhạc sĩ Huy Thục viết lên thành khúc ca hoành tráng mang đậm chất quân hành. Tôi tin rằng đây sẽ là bài hát được binh chủng tăng - thiết giáp đưa vào những bài ca truyền thống của mình.
Viết đến đây, những cảm xúc khi thì trầm lắng, lúc thăng hoa về Ngôi sao màu lửa của anh khiến tôi phải ghi lại những nhận xét, đánh giá của nhà thơ Hưu Thỉnh, chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam khi nói về anh: "Rồi đây, nhiều thế hệ lãnh đạo, chỉ huy và chiến sĩ xe tăng sẽ tiếp tục chiến đấu dưới lá cờ vinh quang của binh chủng. Tôi nghĩ rằng, trong ngày đầu tiên nhận bộ quân phục mới, họ cần được đọc những tập sách về lịch sử của binh chủng, trong đó có tập Ngôi sao màu lửa của anh Trương Quang Sinh".
Với tôi, Ngôi sao màu lửa - đó là ngôi sao trên tháp pháo, ngôi sao của binh chủng, của quân đội nhân dân, của Tổ quốc Việt
LÊ HUY HẠNH