Ba câu chuyện về Bác Hồ
16.06.2015
Mỗi câu chuyện nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày của Hồ Chủ tịch là một bài học về đạo đức, lối sống, nhân cách cho mọi thế hệ người Việt Nam. Những câu chuyện dưới đây được rút từ bản thảo một cuốn sách sắp ra mắt bạn đọc (Nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành), do nhà văn Vũ Minh Nguyệt ghi lại theo lời kể của cụ Hoàng Phát Hiền, năm nay 90 tuổi, một cán bộ cách mạng lão thành từng có thời gian gần gũi với Bác.
VŨ MINH NGUYỆT (ghi theo lời kể của cụ Hoàng Phát Hiền)
V.M.N(Nguồn VNQĐ)
VŨ MINH NGUYỆT (ghi theo lời kể của cụ Hoàng Phát Hiền)
1. Công văn đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Năm 1954 cơ quan Trung ương đóng trong An toàn khu của núi rừng Việt Bắc, chỗ nào cũng náo nức làm việc, không khí vô cùng khẩn trương và sôi nổi, tất cả hướng về Điện Biên Phủ. Ai cũng nghĩ nếu mình được điều động lên Điện Biên Phủ phục vụ chiến dịch thì tự hào biết mấy! Công việc chuẩn bị cho chiến dịch nhộn nhịp quá, đoàn quân của đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đi trước, ở cơ quan Văn phòng Trung ương ai cũng thấy chộn rộn, náo nức. Chiều ấy, đồng chí Hoàng Tùng (Chánh Văn phòng) gọi tôi lên phòng giao nhiệm vụ, nói là có việc rất gấp. “Đồng chí điều thêm hai đồng chí giao liên khỏe mạnh, người dân tộc đi cùng để đảm bảo công văn đến tay 41 ngay tối nay. Đồng chí 41 đang họp Mặt trận và Quốc hội cách đó khoảng 10km nhưng phải qua nhiều suối sâu và đèo cao đấy”. “Điện khẩn của anh Văn gửi đến Bác và Chính phủ. Các đồng chí phải đi ngay, chuyển bằng được công văn đến tay Bác trước 8 giờ”.
Nhận mệnh lệnh, ba người đang chuẩn bị lên đường thì trời kéo mây, cơn mưa rừng đổ xuống ầm ầm. Xem đồng hồ đã 3 giờ chiều, đường rừng lại qua nhiều đèo cao, suối sâu, gay go rồi, mỗi người phải mang theo một đèn pin và áo mưa. Đường trơn như đổ mỡ, cành que, cây lá trút xuống. Mưa sầm sập như nước cuốn, ai cũng nghĩ đến lũ rừng tràn về mà sợ, quả nhiên đến bờ một con suối thường ngày hiền hòa mà khi đó mênh mông như không có bờ bên kia. Nơi đây cách chỗ Bác làm việc hai cây số, nhìn đồng hồ đã là 6 giờ. Cởi hết quần áo gói vào mảnh nilông làm phao, một người bơi sang trước tìm đường. Nước suối chảy xiết, thăm thẳm một màn đêm đen đặc. Kim đồng hồ nhích từng khắc một, chưa bao giờ tôi thấy sốt suột và lo lắng căng thẳng như lúc ấy. Đồng chí kia đã vớ được một khúc chuối rừng, bơi sang được đến bờ suối bên kia rộng khoảng hơn 100m, rồi có tín hiệu đèn pin nhấp nháy. Hai anh em bên này bàn nhau, kiếm thêm cây chuối nữa và cứ theo tín hiệu đèn pin mà bơi. Đánh vật với nước lũ, sang đến bờ bên kia cả ba lại vừa đi vừa chạy cho kịp giờ đã hẹn. Đến nơi gần 8 giờ. Đồng chí bảo vệ mừng quá nói: “Bác đang chờ kìa”. Trông thấy chúng tôi, Bác nói ngay: “Tốt quá rồi, đưa công văn cho Bác, các cháu rét run cầm cập kìa”. Rồi Bác quay ra gọi: “Chú Văn đâu (chú Văn là đồng chí phục vụ Bác – H.P.H), đưa mấy chú xuống bếp sưởi ấm và cho các chú ăn ngay kẻo vừa đói vừa rét là dễ ốm đấy”. Đọc tài liệu xong, Ông Cụ lại gọi lên hỏi: “Đã đỡ rét chưa, Bác trông chờ, Bác biết các chú vất vả lắm”. Trong số ba anh em hôm ấy chỉ có mình tôi là dân miền xuôi lên, chưa quen thung thổ lại xa gia đình, thấy được Bác săn sóc thế vừa cảm động vừa phấn khởi.
4 giờ sáng hôm sau, anh em chúng tôi dậy ăn sáng rồi lên chào Bác, mang công văn trả lời anh Văn (đồng chí Võ Nguyên Giáp) về ngay trước khi trời sáng hẳn. Bác lại hỏi: “Các cháu đã thấy khỏe lại chưa, ăn gì chưa, cố gắng nhé”. Mãi sau này chúng tôi mới biết đó là công văn quan trọng nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp xin ý kiến Bác và Chính phủ: “ĐÁNH HAY KHÔNG ĐÁNH?”. Thật vui mừng và vinh dự, vậy là trong chiến thắng vĩ đại của đất nước có góp phần của chúng tôi...
2. Cắt tóc cho Bác Hồ
Khi được điều động lên công tác tại Văn phòng Trung ương Đảng (trước đó tôi là cán bộ của ngành quân giới Liên khu III và Liên khu IV), ngoài các công việc được giao là phụ trách đội giao thông liên lạc của Trung ương trong An toàn khu và công tác hành chính văn phòng, lúc rỗi rãi, tôi thường cắt tóc cho anh em. Thời gian này, đồng chí chuyên cắt tóc cho Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo bị ốm phải về địa phương dưỡng bệnh, nên tôi vinh dự được cắt tóc cho Bác lần đầu tiên. Chả nói thì ai cũng biết tâm trạng của tôi lúc ấy, vừa vui vừa sợ...
Đó là một buổi chiều tháng 5 năm 1953, trời oi ả, nóng bức, tôi đang ngồi làm việc ở Văn phòng Trung ương thì có điện thoại của anh Hoàng Tùng gọi đến nói: “Hiền cắp tráp đến ngay 41”. Tôi hiểu là đến cắt tóc cho Bác Hồ. Nhiệm vụ quá đột ngột, chưa bao giờ tôi nghĩ đến. Nơi Bác ở cách Văn phòng Trung ương khoảng 3km. Đến nơi, thấy đồng chí bảo vệ chạy ra bảo: “Bác đang chờ, đồng chí lên ngay”. Ngôi nhà sàn lợp mái lá nằm trên sườn đồi dưới một lùm cây xanh um tùm tỏa bóng mát, ở tầng dưới Bộ Chính trị đang họp. Anh Hoàng Tùng, người giúp việc Bộ Chính trị, đứng ở cửa phòng gọi tôi lên. Lên đến nơi, tôi thấy Bác và các anh Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh đang họp. Tự tay Bác kéo cái ghế đang ngồi ra cách mọi người hơn 1m rồi bảo tôi: “Chú cắt tóc cho Bác, ai làm việc nấy”. Tôi vâng dạ mà trống ngực đánh thùm thụp, phải cố trấn tĩnh mới để được tráp đồ nghề lên ghế bên cạnh, lấy chiếc khăn vải trắng choàng lên vai Bác, trong bụng băn khoăn không biết cắt thế nào cho hợp. Thỉnh thoảng tôi cũng hớt tóc cho các anh lãnh đạo nhưng hớt tóc cho một ông già có râu thì chưa bao giờ. Thấy tôi lúng túng, Bác đùa: “Bác chỉ cắt ngắn cho mát thôi mà, không kiểu cách làm dáng như các chú đâu”. Mọi người bật cười, tôi cũng vững dạ thêm. Sau khi hớt hai bên và sau gáy cho gọn, tôi đánh mắt nhìn sang anh Hoàng Tùng, ý muốn hỏi anh xem có được không. Anh Hoàng Tùng hiểu ý của tôi nên nói luôn: “Thưa Bác, trông Bác trẻ ra đấy ạ”. Anh Trường Chinh cũng nói vui: “Tôi đã được kiểm tra tay nghề của anh này rồi, làm được đấy”. Tôi đỡ băn khoăn và tiếp tục công việc. Khó khăn nhất vẫn là tỉa râu mép của Bác, nhỡ mà cạo vào môi, chảy máu thì gay to. Tôi cẩn thận, tỉ mỉ từng li từng tí, cạo, tỉa, ngắm nghía, cũng là cơ hội để được ngắm Bác thật kĩ càng. Thật may mọi việc đạt yêu cầu, tôi báo cáo với Bác: “Thưa Bác cháu làm xong rồi ạ”. Bác đến bên bàn họp, lấy một điếu thuốc và một quả cam đưa cho tôi và bảo: “Bác thưởng công cho chú đây, cảm ơn chú”. Tôi chào Bác và các anh để trở về Văn phòng Trung ương, trên đường về, cảm thấy như mình vừa qua một giấc mơ...
Từ đấy, thỉnh thoảng tôi lại được gọi đến cắt tóc cho Bác. Mỗi lần cắt tóc, Bác thường hỏi han chuyện nọ, chuyện kia. Bác hỏi chuyện gia đình, chuyện anh em tăng gia sản xuất, tình hình bên ngoài xã hội... Tôi vừa làm vừa nói chuyện với Bác. Có lần, choàng tấm khăn lên người Bác, tôi hỏi: “Thưa Bác cháu cắt kiểu như vậy, Bác có ưng ý không ạ? Ở đây Bác là to nhất, nếu cháu có gì sơ suất, xin được Bác dạy bảo”. Nghe vậy, Bác cười rồi nói vui: “Không, giờ chú to hơn Bác nhá. Chú bảo Bác cúi xuống, ngẩng lên, quay phải, quay trái là Bác phải nghe theo lệnh ngay!”. Tôi thấy cảm động, gần gũi quá, một vị Chủ tịch nước mà hiền lành thân thiết với cả người thợ cắt tóc như cha với con.
Cho đến bây giờ, đã 90 tuổi, mọi việc đã qua đi lâu lắm rồi, mỗi lần nhớ lại tôi vẫn hình dung ra khuôn mặt hiền từ của Bác, mái tóc bạc, dày cứng và chòm râu bồng bềnh rất đẹp của Người.
3. Ngôi nhà của người thợ điện
Sau ngày giải phóng thủ đô 10/10/1954, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng và Chính phủ đã chia tay đồng bào Việt Bắc để trở về Hà Nội.
Đề phòng âm mưu phá hoại của địch, Bác và một số đồng chí lãnh đạo về ở tạm tại nhà thương Đồn Thủy cũ của Pháp (bây giờ là Bệnh viện Hữu Nghị). Trong thời gian đó, Văn phòng Trung ương, Văn phòng Chính phủ nghiên cứu chuẩn bị chỗ ở cho Bác và nơi làm việc của hai cơ quan này.
Trung ương cho hướng là Bác và cơ quan Trung ương về khu vực quanh phố Phan Đình Phùng, Quán Thánh và quanh phủ Toàn quyền cũ cho tiện vì ở đây có tiện nghi làm việc và bảo vệ tốt hơn. Và một lí do nữa, khu vực ấy, lên phía Bắc cũng tiện, vào phía Nam cũng dễ, lại gần con sông Hồng.
Lĩnh hội phương hướng đó, Văn phòng Trung ương và Văn phòng Chính phủ chỉ đạo anh em xúc tiến ngay việc nghiên cứu và bố trí khu làm việc, nơi ăn ở của Bác và mọi người. Sau khi khảo sát tình hình, anh em thấy việc sắp xếp nơi ở và làm việc của Văn phòng Trung ương, Văn phòng Chính phủ rất thuận lợi, nhưng riêng nơi ở và làm việc của Bác thì rất khó.
Có người đưa ra ý kiến để Bác về dinh của viên Toàn quyền cũ. Khi biết ý định ấy, Bác nói một câu ngắn gọn: “Nơi ấy toàn mùi thực dân”. Vậy là mọi người thống nhất để Bác làm việc ở căn nhà hai tầng phía bên phải dinh Toàn quyền, căn nhà có bảy phòng ăn, ở, làm việc và tiếp khách. Đó từng là nơi ở của viên quan ba giúp việc Toàn quyền. Còn đồng chí Phạm Văn Đồng thì ở căn nhà một tầng gần căn nhà của Bác. Nhìn chung nơi này rất sạch sẽ, tĩnh mịch và đàng hoàng.
Sau một tháng chuẩn bị, Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Trung ương báo cáo với Bác và các đồng chí lãnh đạo. Một buổi chiều thứ bảy tháng 11 năm 1954, Bác bảo anh em đưa Bác đi thăm hồ Tây. Theo lời kể của đồng chí Dũng, bảo vệ tiếp cận của Bác, hôm ấy xe đi đến đầu đường Quán Thánh, Bác bảo rẽ vào thăm khu nhà đã chuẩn bị cho Bác. Bác xuống xe, đi bộ một vòng quanh khu nhà, xem kĩ từng nơi, cả khu ao cá. Bác nói: “Ao này thả cá tha hồ mà cải thiện”. Trời xâm xẩm tối, Bác bảo: “Thôi ta về”.
Hai ngày sau đó, anh Vũ Tuân - Phó Văn phòng Trung ương Đảng gọi tôi và anh Nguyễn Xiển (phụ trách công tác hành chính quản trị của Văn phòng Trung ương) nhắn chúng tôi: “Có việc cần, các anh lên ngay phòng làm việc của anh Trường Chinh nhận chỉ thị”. Anh Trường Chinh chậm rãi nói: “Hôm qua, sau khi làm việc, Bác có nói với chúng tôi, Bác đã đến xem nơi anh em cho Bác về ở, thấy bên trong các phòng của căn nhà này sao mà bày biện đồ đạc, giường tủ, bàn ghế, tách chén... sang trọng thế. Như vậy không cần thiết và tốn kém, trong khi ta vừa tiếp quản cơ ngơi của chính quyền cũ là “một chiếc két rỗng” mà ta còn biết bao việc phải chi tiêu. Nơi Bác ở cần gọn nhẹ, đơn giản thôi, chuyển những thứ Bác đã dùng trên chiến khu về cho Bác, có sao đâu. Những thứ chuẩn bị cho Bác dùng, nên chuyển sang cơ quan giao tế để phục vụ khách quốc tế (giao tế là nhà khách của Trung ương – H.P.H)”. Anh Trường Chinh trầm ngâm một lúc thật lâu, rồi nói bằng giọng đẫm nước mắt: “Bác nói thế này đây: Mới về Hà Nội được một tháng mà nếp sinh hoạt giản dị của chín năm kháng chiến đã thay đổi nhanh thế?” (Nghe xong câu ấy, anh Hoàng Quốc Việt òa khóc, còn các anh Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn thì đứng lặng người). Anh Trường Chinh ngẩng lên nói với hai chúng tôi: “Các em ạ, tôi có khuyết điểm đã không kiểm tra lại việc chuẩn bị nơi ăn ở, làm việc của Bác, cũng như nơi chuẩn bị cho chúng tôi, làm Bác phải phiền lòng”.
Lúc ấy, tôi cảm thấy anh đau đớn, dằn vặt lắm, cứ nhìn đau đáu vào một khoảng không nào đó. Rồi anh ân cần nói với chúng tôi: “Thôi các em về bàn lại với anh em Văn phòng Chính phủ làm ngay việc này cho mau ổn định để mọi người yên tâm làm việc. Các em ở cơ quan đã lâu, đã nắm được nếp ăn ở của Bác, các em cố gắng về làm ngay, chú ý nơi làm việc, phòng ăn, phòng ngủ của Bác cũng là chỗ Bác tiếp khách các nơi đến làm việc đấy nhé”.
Chúng tôi bước ra khỏi phòng làm việc của đồng chí Trường Chinh mà lòng nặng trĩu. Bố trí nơi Bác ở như thế nào cho hợp ý Bác nhỉ? Giữa lúc bế tắc nhất thì anh Dũng, bảo vệ tiếp cận của Bác chợt nhớ hôm anh em đưa Bác đi thăm khu nhà mới, Bác đã dừng chân ở đầu ao cá có căn nhà nhỏ. Hôm ấy Người đã nói: “Căn nhà này gần ao, thoáng mát đấy nhỉ?”. Có thể Bác thích ở căn nhà này cũng nên?
Đó là căn nhà của một người thợ điện, lụp xụp, úi xùi và tuềnh toàng quá, chỉ được mỗi ưu điểm nằm gần ao, mát mẻ yên tĩnh, cửa quay hướng Đông Nam, chung quanh có thể trồng mấy khóm nhài, vài bụi hồng gai, dăm cây ớt... Sửa sang, nâng cấp lại căn nhà, chắc Ông Cụ sẽ ưng. Chúng tôi xin ý kiến anh Vũ Tuân. Anh Tuân băn khoăn do dự, chúng tôi hứa sẽ tập trung sửa sang lại trong vòng một tuần. Căn nhà ba gian xinh xắn cạnh cầu ao. Gian đầu là phòng làm việc nhìn ra ao cá, gian giữa làm phòng ăn, gian cuối làm phòng ngủ.
Tạm ổn, nan giải nhất là đồ đạc trong nhà. Anh em chúng tôi kéo nhau lên nhà cũ của viên Toàn quyền để tìm, nhưng toàn đồ sang trọng quá, Bác sẽ không nghe. Mấy anh em lại kéo nhau sang Sở Tài chính cũ của Pháp, giờ là Bộ Ngoại giao của ta, chọn được một chiếc bàn lim cũ kĩ nhưng bề thế và chắc chắn để Bác làm việc, hai chiếc ghế xa lông, một chiếc tủ áo cũ cũng bằng gỗ lim. Bộ bàn ăn, tám ghế ngồi cũng là đồ cũ. Duy chỉ có chiếc giường ngủ thì chưa tìm ra. Mấy anh em lại rủ nhau đạp xe ra phố để tìm mua. Đến phố gần Hàng Bạc có mấy hàng bán đồ gỗ, có loại giường ngủ cho một người nằm, hai đầu có ba rẻ quạt gọi là giường cho “cán bộ tiếp quản”. Anh em mua hai chiếc, thuê xe ba gác chở về cổng đỏ (cổng phủ Toàn quyền cũ), kê vào phòng ngủ cho Bác.
Thế là mọi việc coi như hoàn tất. Chúng tôi mời anh Vũ Tuân đến kiểm tra lại. Anh Vũ Tuân thấy cũng tạm được, rồi anh sang báo cáo với anh Trường Chinh. Buổi trưa hôm ấy, chúng tôi đang ngồi ăn cơm ở nhà ăn thì đồng chí Dũng đi vào vỗ vai tôi, vừa cười vừa nói: “Ổn rồi, ổn rồi, Bác ưng rồi”. Tôi hỏi: “Ổn sao anh?”. Đồng chí Dũng nói: “Chiều qua Ông Cụ đến xem nhà mới nhưng không nói gì, sáng nay Cụ gọi tôi lên bảo: Ta chuẩn bị về nhà mới chứ?”. Anh em chúng tôi buông đũa bát, ôm chầm lấy nhau: Hoàn thành nhiệm vụ rồi. Thế là ngôi nhà ngói đơn sơ của người thợ điện đã thành dinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
60 năm đã đi qua, lớp người già chúng tôi người mất, người còn, ai cũng nghĩ về ngôi nhà đơn sơ, thoáng mát gọn gàng ấy như một nơi thân thiết linh thiêng, yêu dấu của mình.
V.M.N(Nguồn VNQĐ)
Có thể bạn quan tâm
Bồi dưỡng sức dân theo tư tưởng Hồ Chí MinhTrọng dụng nhân tài và nghệ thuật dùng người cho dân, cho nước của Bác HồHọc tập và làm theo Bác để tăng cường kỷ luật, kỷ cươngPhong cách lãnh đạo Hồ Chí MinhHồ Chí Minh-Gương sáng ngời về thực hành chữ NhẫnVận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân nhằm củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của ĐảngNhững kỉ niệm đọng mãi trong tôiHồ Chí Minh và dự cảm hậu hiện đạiTiếng hát tháng năm – Thơ Nguyễn QuânPhim truyện điện ảnh về đề tài Bác Hồ - dấu ấn và thành tựu