Bà già quên khóc

03.11.2023
Võ Diệu Thanh
Tôi về lại Bửu Minh Đường vào mùa đoan ngũ. Không ai ngờ, hôm đó tôi lại về. Bởi tôi nói với mọi người tới chết cũng không muốn về.

Bà già quên khóc

Minh hoạ: Lê Trí Dũng

Em nhà báo của đài nói sẽ cho đường dây nói về Năm Phận, để tôi không phải lên hình. Anh quay phim nói lúc nào cảm thấy quá buồn hoặc mệt thì mọi người sẽ dừng để đưa tôi về.

Bốn mươi năm tôi không nghĩ mình lại thay đổi. Không phải những ám ảnh. Bởi khi đó tôi như một người đã chết. Không ai trách một người trở về từ cõi chết, bản thân tôi cũng không trách tôi, Mằng Ri cũng không trách tôi. Mà tôi cũng không còn quan tâm ai trách phiền hay giận hờn.

Tôi đã chứng kiến máu tràn núi Tượng. Tôi tận mắt nhìn thấy thằng Polpot đầu tiên lúc nó đang đập đầu một đứa nhỏ vô đá núi Tượng. Sau đó mọi thứ diễn ra như một cơn mộng du. Gần 70 người chúng tôi trốn trong hang, Mằng Ri đói, lũ chó săn sắp sửa quẹo vô hang. Thấy hết, như một người đang coi phim và không can dự gì được vào từng tình huống. Khi hoàn được một phần hồn, tôi mới nhận ra mình đã rời xứ, sắp sửa sinh những đứa trẻ mới. Ngay cả chuyện chăn gối của hai vợ chồng tôi cũng diễn ra như cơn mộng du. Mà sao những đứa trẻ tượng hình dễ dàng như vậy. Giống như là ngọn cỏ, nhánh rau, cắt bữa trước bữa sau chồi non đâm tược mơn mởn. Cơn sợ hãi về no đói của những đứa trẻ sau này lớn không thua gì cơn sợ giặc giã đã qua. Tôi không còn đủ thời gian để nghĩ tới Mằng Ri hay nghĩ tới ngày về.

Nhưng khi cháu Cà Na chào đời, nó giống y cô Mằng Ri của nó. Nhìn cái miệng chúm chím hồng tươi tôi tưởng trước mắt mình là Mằng Ri, tôi nghe một cơn xót xa tràn từ đôi mắt, tràn xuống từng cái lóng tay. Nếu giặc tràn tới đây, nếu nó đập đầu Cà Na hay nếu tôi phải… Không không không. Nam mô Đức Bổn Sư. Nam mô đại từ đại bi. Nam mô…

*

*           *

Tôi về núi Tượng giữa mùa lễ đoan ngũ, ngay những ngày đám giỗ tập thể. Vừa quẹo qua cây dầu tôi nhìn thấy vài chiếc xe máy đang chở người bưng hương án đi thỉnh điệp. Hai bên đường, những bàn hương án nghi ngút khói nhang. Những nhóm người ngồi xếp chè xôi hai bên chiếu. Mùa cúng hội hằng năm hiện nay là dấu ấn của mùa đoan ngũ thảm khốc năm xưa. Mấy ngàn người đã khuất núi mà không được hưởng một lễ lộc cúng bái bình thường nhất. Đám ma cũng không, thậm chí là không có cả nấm mồ.

Trước thảm sát thì rộn rịp lắm. Cả xóm vừa tập cho mấy đứa cháu cúng lạy, vừa tập cho chạy giặc. Cúng lạy để cứu vớt những linh hồn người đã khuất thoát địa ngục âm ty. Chạy giặc để cứu vớt người sống khỏi địa ngục trần gian. Cái nhà chị Tám hàng xóm chuẩn bị cho con bọc trứng gà, cái la dô, là cả gia tài của họ, dặn nó mang theo khi giặc tới, đứa lớn phải dắt tay đứa nhỏ. Nhà tôi không tập vậy. Mằng Ri còn rất nhỏ, chạy giặc tôi chỉ việc bồng nó theo, tưởng đâu vậy là an toàn nhất.

Lúc đó cả làng Ba Chúc không có xe máy. Chỉ vài chiếc xe đạp. Mấy người đàn ông đi bộ, đội hương án trên đầu tới nhà những cư sĩ thỉnh điệp về cúng rồi đốt cho hương linh người chết. Những bức điệp là bản kinh giúp linh hồn người chết trong u mê được tỉnh ngộ rồi tìm về cõi sáng. Người thỉnh điệp bưng hương án đi theo con đường mòn lượn dọc chân núi Tượng. Vài cục đá, những cội cây bên đường như chào đón họ. Những cục đá không hề thay đổi, cây thì đã cháy, đã chết và đã mọc trở lại. Cây vẫn còn đứng nguyên là cây chôm mọc cheo leo bên triền núi Tượng đoạn gần đỉnh. Đứng dưới chợ Cây Me có thể nhìn thấy. Nó ít được chú ý. Chỉ có cây dầu ngay ngã ba thì ai cũng biết. Nó là cây thiêng. Nó chứng kiến những cuộc chết thường tình được cúng hàng chục lễ và chứng kiến những cuộc chết hàng loạt không có bất cứ một nén nhang hay giọt nước mắt tiễn biệt nào.

Tôi không còn xót xa vì điều đó. Tôi về vì linh cảm mình có thể tìm được câu trả lời cho câu hỏi đã lớn dần theo bốn mươi năm. Cũng chính linh cảm đó, tôi tình nguyện theo em nhà báo dù chân tôi lỏng lẻo khi bước lên từng bệ đá, lỏng lẻo trên đường trở lại chùa Long Hoa, núi Tượng, cánh đồng chết Lạc Quới.

Tôi không tính toán gì nhiều. Tôi cảm thấy trong người mình hiện tại rất khỏe. Những cảnh cũ có làm tôi hoảng loạn hay không cũng chưa biết được. Nhưng trốn chạy đã nhiều năm, giờ tôi cảm thấy mình phải làm gì đó khác đi.

Em nhà báo rất dịu dàng với từng người trong xóm Thanh Lương. Chắc em thương cảm những tháng ngày bi thảm chúng tôi từng chịu đựng. Nhưng em hay bỏ mặc tôi để nhìn vào điện thoại. Màn hình lúc nào cũng mở, văng vẳng tiếng nói sang sảng của một người đàn bà.

- Con đang rất kinh hãi. Ngồi giữa mảnh đất nhiều thương tổn này, con cần nghe giọng nói của cô Hai A.

Chị Hai A em nhà báo nhắc là một bà già thấp người nhưng đầy đặn, chị đang nói về những trận đánh ở đâu đó trên biên giới. “Ê, mấy anh qua biên giới bất hợp pháp là tui cho anh em bắn à”.

Nghe câu nói đó bất giác tôi hỏi em nhà báo.

- Nếu là cháu, cháu bắn hay bỏ chạy?

- Hồi lúc ba con còn sống có hỏi con, nếu kẻ thù giết ba, con có giết họ để trả thù không. Con nói không. Giết một con người không dễ dàng dẫu hắn ta ác.

Em nhà báo nhìn tôi ái ngại. Hình như em biết mình nói hớ.

Tôi thở dài. Giết một con người sao lại dễ dàng? Cái mùi non nớt của trẻ con chợt lớt phớt tràn qua mũi tôi. Nó không giống lúc tôi đang nằm trên giường đẻ, nó không giống lúc tôi đang đưa mũi hun mấy đứa con mới đẻ sau này. Bởi khi đó tình thương, cơm áo gạo tiền với những đứa con hiện tại làm tôi quên hết tất cả chuyện đã qua. Còn lúc này, lúc tuổi già, dư dả thời gian mà thiếu hụt sức khỏe lẫn sức sống, tôi nghe hoang mang hơn, sợ hãi hơn, ngày cũ của tôi đang bắt đầu bị đánh thức. Tôi thấy mọi thứ như mới nguyên. Tôi thấy mùi trẻ con từ đôi má phúng phính của Mằng Ri lất phất. Cà Na thơm mùi thơm như Mằng Ri vậy. Sao tự nhiên tôi có mong muốn bọn trẻ con đừng chào đời. Cuộc đời này có gì vui đâu.

Anh nhà báo hỏi tôi có sao không, có muốn dừng không. Không. Đi đi. Tôi chẳng còn muốn bước tiếp mà dừng lại cũng chẳng muốn chút nào.

Chúng tôi lên chùa Long Châu. Mọi người biết rất ít về ngôi chùa này vì nó không để lại xác người như Phi Lai. Nhưng ngôi chùa đó đã chứng kiến hàng ngàn người lần cuối. Họ tụ lại đó bằng tất cả sự trông cậy, họ đi theo bọn giặc bằng sự thường tình và mãi mãi không về. Chúng tôi đi về phía Bửu Minh Đường. Phía ngoài kia, con đường bọc quanh núi Tượng xe vẫn xuôi ngược nhộn nhịp. Lúc đi ngang qua chợ Cây Me, tôi thấy nhiều rổ trái mây, bòn bon, cá đồng đổ đầy những tấm đệm trải bên lề đường.

Lúc ăn cơm em nhà báo chỉ ăn măng kho và thịt xào mặn. Anh quay phim thúc em.

- Ăn cá đi, cá mùa mưa béo lắm.

- Những con cá béo ú này là con của những con cá ăn xác người hồi đó.

- Chèn ơi hơn bốn mươi năm rồi cụ ơi.

Hơn bốn mươi năm đã đủ dài chưa. Nhìn xe cộ, trang phục, những tiệm gà nướng cà phê sân vườn, tự nhiên tôi thấy Ba Chúc ngày thảm khốc chỉ là trong giấc mơ của tôi chớ nó chưa từng phải nơi này. Con đường này lúc đó chỉ là đường mòn, cây cỏ bị đốt cháy rụi. Từ đây nhìn thông thống ra ngoài đồng, qua bên kia biên giới. Lúc trốn trên núi Tượng, nhìn xuống cánh đồng thấy áo xanh áo đỏ áo đen nối đuôi nhau như kiến. Sau một vài cuộc hụt chết, nhìn lại phía cánh đồng những áo xanh áo đỏ áo đen nằm chồng chất lên nhau dưới nắng dưới mưa hết ngày này qua ngày khác.

Năm đó nước rất lớn, tràn lênh láng cánh đồng Lạc Quới. Từ trên núi Tượng nhìn xuống, những áo quần đủ màu nằm chồng chéo lên nhau chìm dần trong nước. Những người đi chài quăng lưới xuống kéo lên nặng những túi cá và cả xương người. Họ lượm xương để một bên rồi đi chài tiếp. Cá nấu với rau đồng ăn thay cơm. Những lá rau dền mọc trên nền tro tàn lớn như bàn tay xòe.

Người chết muốn hết nên người bắt cá nhiều hơn thì phải. Cá nổi lên mặt nước, ú nu ú nần. Cá sinh con đẻ cái. Chúng tôi vẫn ăn cá mỗi ngày cho tới bây giờ.

Nhìn tôi thờ thẫn em nhà báo lại dỗ dành.

- Dạ con hay suy tưởng khùng khùng vậy thôi. Mọi chuyện đã qua lâu rồi.

Tôi phất tay như kiểu không bận tâm.

Đoàn tìm góc quay. Nghe nói để thể hiện được không khí thanh bình và phải hơi cũ cũ một chút. Giống như đưa khán giả trở về thời Ba Chúc vẫn còn quê thiệt quê, mấy bà già trầu ngồi kể chuyện đời xưa.

Anh quay phim chọn được góc sân có nhiều lá khô và những bệ đá mọc đầy rêu.

Em nhà báo bàn bạc với anh quay phim về đường dây nói về Năm Phận xong lại quay qua cái điện thoại. Nó vẫn phát ra giọng nói khỏe khoắn sôi sục của chị Hai A. “Tụi Polpot cái nó bắn B40 cũng dữ lắm nghe con.”

Anh quay phim đang bắt đầu quay cảnh Năm Phận quét lá trên chùa. Anh kêu thím vừa quét vừa kể cảm giác mình lúc nhớ lại cảnh mấy con bị giết.

- Thôi kể làm gì. Thù hận gì đâu à. Ai làm ác người đó mang tội với Phật trời.

Tiếng chị Hai A trong điện thoại chửi thề làm tôi giật mình quay lại.

“Cô giắt lựu đạn đầy mình rồi đi họp với tụi nó. Mình gan tụi nó mới sợ. Đụ mẹ tụi nó giỡn mặt hả. Cô Hai không đánh thì thôi, đánh vài bữa nghề dạy nghề, chẳng tè thằng nào.” Chưa ai chửi thề nghe giòn như chị Hai A này. Ngôn từ trở nên vô nghĩa. Người ta chỉ còn nghe như đó là một tiếng cười giòn tan hay một tiếng vỗ đùi đồm độp chớ không còn nghe chữ nghĩa thô tục miếng nào.

Lúc này anh quay phim đã quay xong cảnh Năm Phận quét lá. Cả sân Bửu Minh Đường sạch tưởng như cây cối ở đây không phải mùa thay lá.

- Phải nhà con gần, Năm quét sạch sân nhà con luôn. Không sạch không ăn tiền. Thiệt chớ. Mà mấy đứa con chiều nay ăn cơm ở đâu? Hổng ấy Năm nấu cơm cho ăn. Nấu được. Củi Năm còn cưa được nữa mà. Núi dài Năm còn leo được nữa mà.

Anh quay phim lượm những cái lá rải bên cạnh bệ đá. Bệ đá xanh sắc rêu. Anh muốn lấy hậu cảnh thím quét lá là những tảng đá phủ sắc rêu. Năm Phận đứng nhìn cười như nhìn mấy đứa con nít chơi nhà chòi. Rồi thím quét lá.

- Thím Năm ngừng lại cho khỏe chừng nào quay hãy quét. Quét một hồi mệt quay không được.

- Mệt mỏi gì.

- Thím quét hết lá rồi sao mà quay được.

- Thì rải lá ra như hồi nãy rồi quét nữa.

Mấy người trong chùa nói:

- Bả quét vậy đó. Đi đâu thấy cỏ là nhổ, thấy lá là quét. Cầm chổi quét sáng đêm không ngủ. Rồi ban ngày cầm bộ đồ giặt mà vừa giặt vừa gục giữa con suối. Ngủ gật chút xíu, giật mình chộp áo rồi giặt tiếp. Giặt đồ suốt ngày nhưng nhà không có bộ đồ nào khô ráo để mặc. Chổi quét sàn sạt nhưng quanh nhà lúc nào cũng đầy lá. Không hiểu lá ở đâu ra.

Anh quay phim giành cây chổi trên tay Năm Phận đem giấu đi. Năm Phận cười cười.

- Mắc công hông.

Lúc kéo lên núi Dài chỗ suối Ô Đá quay cảnh giặt đồ Năm Phận chỉ tay lên con dốc trước mặt rồi cười.

- Chỗ đó đó, tụi con chạy xe đi, đường xa lắm, mệt đó.

- Vậy thím lên xe đi.

- Hỏi mắc công lắm, Năm đi bộ được.

Năm Phận nói đó là con đường thím lên rẫy, đi chặt củi mỗi ngày.

- Đem củi xuống bằng cách nào thím?

- Năm kéo xuống. Để Năm làm cho coi.

Vậy là Năm Phận kéo củi xuống con đường mòn, vừa kéo vừa nói.

- Suối Ô Đá nè. Hồi lúc mà nó chưa vô tới đó, mấy ông mình đánh nó đó, chết nhiều. Người ta chở xác vô đây nè, rửa xác rồi liệm. Chất cao lên tới nóc nhà.

- Xác người hả thím.

- Không, hòm á. Chất cao lên tới nóc nhà. Một chút xíu là hết hòm rồi lại chất cao lên tới nóc nhà.

Anh quay phim nói thím kể chuyện hồi đó, lúc mà ngồi nhớ lại cảnh năm đứa con bị giết thím buồn như thế nào. Năm đứa con lận mà. Thím hận thế nào. Thím chửi cũng được, mà khóc lóc gào thét cũng được.

- Chèn ơi, thì cũng buồn khổ lắm chớ. Con mình mà. Bồng đứa nhỏ đi kiếm ba sắp nhỏ, ổng hiền lắm. Vừa thấy ổng thì nó tràn tới. Trốn gá trong miệng hang. Nó đi rồi quay lại bắn bậy bạ vô hang. Vậy mà nó bắn trổ đầu đứa nhỏ. Chết chớ sao không chết. Trổ qua ngón tay thím luôn nè. Nhìn ngón tay ểnh ngược nè. Đâu khoảng bằng lúc mấy cháu tới đây vầy nè thì thím thấy nó lùa mấy đứa lớn xuống. Nó phát hiện hang trên đó. Chèn ơi tụi nó khóc lóc. Năm bồng đứa nhỏ chết rồi nhìn theo mấy đứa kia, điếng hết hồn vía. Thì cũng chết hết chớ đâu đứa nào sống, đâu ai biết chết chỗ nào. Khóc tích tác. Giờ khóc sao được. Thì khóc cũng có được gì đâu. Thì lúc đó cũng ngồi khổ. Thì ai cũng khổ chớ có phải một mình mình đâu, cũng chịu thôi. Mà mấy con ăn cơm hé. Cây chổi đâu rồi. Năm có gạo, bao no bụng luôn. Thì ăn với cá. Năm hổng ăn thịt lâu rồi.

Anh quay phim quay sang nói gì đó kiểu như phá sản rồi. Cảnh tình gì mà kể năm đứa con bị giết mà bà cụ tám mươi tư tuổi cứ cười đôn hậu như kể chuyện nấu cơm kho cá. Mà nụ cười bà già sún răng nữa làm cho ai cũng cười theo. Chọc cười người ta chớ lấy cảm xúc gì nổi.

Năm Phận nhìn anh quay phim cười.

- Bộ con đói bụng hả mà mặt nhăn nhăn như khỉ vậy. Năm nấu cơm con ăn hé. Cây chổi đâu rồi?

“Đụ mẹ tụi bây đừng có hờ hỏng, nó đánh úp mình đó con? Đất mình mình giữ, không có chạy nghe bây. Chỗ mình, cái gò đất, cái đìa cạn mình cũng quen. Tụi nó cái gì cũng lạ, mình dễ đánh. Chừng mình bỏ chạy, nhà mình thành nhà nó. Mình lang thang xứ người, quét cái lá tre nấu cơm cũng phải nhìn mặt người khác, sống sao được. Lúc đó nó lại lấn tới, mình nổi điên chống lại nó thì đuối sức rồi, mà không quen đất không quen người nữa, ai tin ai, ai đỡ ai, chết chớ đánh đấm gì. Tao đánh trên đất tao, bỏ một mạng tao thì cũng đổi trăm ngàn mạng tụi nó chớ đừng giỡn. Tao chết, anh em tao, con cháu tao sẽ giữ đất tiếp chớ đừng giỡn.”

Tôi như thấy mọi người nhỏ bé dưới tiếng nói của chị Hai A lẫn cái nắng rực rỡ của đất Ba Chúc.

Thời nào nơi đây con người cũng nhỏ bé trước nắng. Nắng uy quyền ngạo ngược làm cho cả ngọn núi Tượng um tùm bỗng trơ trọi. Nắng nuốt chửng những buồn vui ước mơ thực tại đầy cơm áo gạo tiền lẫn ước mơ đắc đạo. Nắng tiếp tay cho nghịch cảnh của trận thảm sát. Ví dụ những cuộc truy đuổi diễn ra giữa mùa mưa thì sao? Mọi người không phải đi kiếm nước uống để rồi bị giết. Mà rồi tôi chợt nhận ra nếu bị truy đuổi giữa mùa mưa, không có chỗ trốn bị cảm lạnh chắc cũng chết.

- Thím Năm ơi đừng kiếm chổi nữa, nghỉ quét rồi. Nè Năm ngồi xuống đây kéo cái khăn rằn xuống cầm trên tay vầy nè. Rồi thím kể chuyện con của thím đi. Đẻ mười một người con, nuôi mười một người con đâu phải dễ. Vậy mà…

- Năm có mười một đứa con. Đẻ dễ ợt hà. Nuôi dễ ợt hà. Ông chồng Năm hiền lắm.

*

*         *

Anh quay phim kêu Năm Phận ngồi trên tảng đá nơi ngày xưa cả nhà thím nằm phơi nắng trốn tụi Polpot. Ngồi một chút mà ai cũng chịu không nổi kéo nhau vô bóng mát. Hồi đó họ nằm trên tảng đá đó mười ngày, dưới cái nắng ngạo ngược như vậy.

- Nếu bây giờ giặc tới thím Năm có phản kháng không?

- Chắc Năm cũng bỏ đi. Mình nhát không giết được ai đâu. Thà bỏ đi để khỏi chứng kiến. Chớ chứng kiến nhiều chuyện nó kì cục lắm. Không hình dung nổi đâu. Giết luôn con là có thiệt mà. Năm nghĩ nếu như ai được bọn Polpot tốn một viên đạn bắn bất ngờ vô đầu, vô tim ngay khi đang bỏ chạy là may mắn. Hơn cả chứng kiến cảnh mình tự tay bóp mũi con mình để cứu sống những người còn lại trong hang. Nhưng lúc đó năn nỉ tụi nó cũng không bắn mình bằng đạn. Hình như nó tiếc đạn.

Tôi nghe tai mình hơi lùng bùng một chút. Như thấy được trước mắt những lõi cây dành đập đầu người. Thấy lại tất cả.

Trời đã chiều, phía ngoài vạt rừng suối Ô Đá rất âm u. Nhìn Năm Phận lui cui mặc áo dài cúng trong cái tối nhập nhoạng tôi liên tưởng tới buổi chiều Năm Phận ém đàn con vô hang bồng đứa nhỏ nhất đi kiếm chồng. Tôi liên tưởng tới buổi chiều cả nhóm chúng tôi đang ngồi đầy hang, tiếng khóc đòi ăn quen thuộc của Mằng Ri lồng lộng nát cả trời chiều. Cách đó chừng năm mươi thước, khuất tán cây chôm là tiếng chó của tụi nó sủa đầy háo hức. Chúng nó đã phát hiện tiếng khóc của Mằng Ri. Chỉ cần men theo tiếng khóc. Những ánh mắt sợ hãi gồng lên trên từng gương mặt người. Tôi không nhận ra quanh mình là những gương mặt quen lạ nữa mà chỉ nhận thấy chung những ánh mắt sợ hãi hoảng loạn. Tôi không nhận ra mình là ai mà chỉ nghe tiếng khóc Mằng Ri lồng lộng như xé nát cả núi rừng tĩnh lặng. Tiếng chó, tiếng khóc, tiếng chó, tiếng khóc... Tôi không nhớ cái miệng nhỏ bé, cái mũi non mềm của con tôi ngập ngụa trong vòng tay tôi. Tôi không nhận ra con tôi ngập ngụa yếu dần yếu dần và lạnh lẽo. Tôi đã đi đâu đó xa lắm. Lúc đó tôi không có chút đau đớn gì hết. Như một người mộng du đi trên mái nhà. Người mộng du có thể nhai được cả lửa đỏ.

Bây giờ cảm giác đó đang sống lại. Tôi cảm thấy khó thở nên ngồi bệt xuống dựa cột nhà Năm Phận, mắt nhắm hờ.

“Mà ngộ, mình không sợ chết nên mình tỉnh lắm, lựa phương án tác chiến dễ lắm nghe mấy đứa. Con người ta nuôi hồi còn bằng cùm tay mà bây giờ lớn vầy giao cho mình, mình phải giữ gìn mạng sống của tụi nó chớ. Phải gan phải tỉnh thì đánh giặc cũng dễ như đi chèo ghe, làm mắm vậy hà.

Ờ mắm này cô Hai làm đó. Ờ không gọi được cô hả. Tại mấy đứa cháu rước lên Bắc Đai chơi. Nó nói ngoại ở nhà một mình buồn lắm, lên tụi con cho vui. Ở đây với thằng cháu mà lúc này nó đi làm ở Bình Dương rồi.

Con cháu của ông chồng không hà. Cô Hai mất nết lắm, đâu có đẻ chửa được đứa nào dù thèm đẻ gần chết. Mà không sao. Ai đẻ sẵn mình nuôi cũng sướng vậy. Thương thấy bà chớ khác gì đâu à.”

Bất giác tôi nhướng mắt lên nhìn vào màn hình điện thoại của em nhà báo. Tôi thấy chị Hai A đang ngồi chơi với một đứa nhỏ có đôi mắt nhỏ xíu. Khi nó cười tôi không thấy mắt nó nữa chỉ thấy cái miệng của nó hồng hồng rộng rinh với hai cây răng cửa mới nhú.

Phía trong nhà anh quay phim đang quay cảnh Năm Phận quỳ cúng. Năm Phận ngồi xếp chè he trên đệm, vai vắt hờ cái khăn rằn hồng trắng sổ xuống ngực. Bốn bề là những bàn thờ, lư hương. Mùi nhang khói nghi ngút. Phía vườn bông ngoài sân những chùm trang nở màu cam rực. Mấy con bướm cũng màu cam bay chập chờn. Tiếng van vái lầm rầm của Năm Phận nghe thật rõ.

- Nam mô bổn sư, nam mô… cầu cho mọi người bình an đừng giặc giã, cầu cho mấy đứa con bình an, đừng gây gổ giận hờn nhau nữa.

Trong mơ màng tôi như nhìn thấy cái khăn choàng cổ của Năm Phận giống y cái mộ bia màu ca rô đỏ. Một tấm mộ bia rực rỡ. Mộ bia im lìm bên làn khói bay về trời. Tôi hỏi Mằng Ri có theo làn khói về trời không. Tôi nghe tiếng Cà Na cười khằng khặc. Nó cười cũng không thấy đôi mắt mà chỉ thấy cái miệng rộng rinh với những cái răng cửa non trong nhỏ xíu.

(VNQĐ)