Bảo tồn, phát triển âm nhạc truyền thống xứ Quảng trong bối cảnh mới
Thiếu thế hệ kế cận
Đã không ít lần chúng tôi được nghe trăn trở của những người nặng lòng với âm nhạc truyền thống đất Quảng, rằng lớp trẻ bây giờ không mấy mặn mà với vốn quý cha ông để lại, còn người gắn bó với loại hình này bấy lâu thì ngày một già đi.
Nói như nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải (Hội Liên hiệp văn học - nghệ thuật thành phố Đà Nẵng): “Chúng ta đang thiếu vắng một thế hệ kế cận cho công tác bảo tồn, gìn giữ và phát triển âm nhạc truyền thống đất Quảng”. Âm nhạc truyền thống theo cách diễn giải của nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải bao gồm các làn điệu dân ca, hò vè, tuồng, lý, diễn xướng dân gian… đều là những vốn quý mà qua hàng ngàn năm khai phá và gầy dựng mảnh đất xứ Quảng, từ cuộc sống lao động, từ sinh hoạt cộng đồng… cha ông đã hun đúc, chắt chiu cho đến ngày nay.
Có một thực trạng rất đáng lo hiện nay là không có hoặc rất hiếm người trẻ tìm học nhạc cụ dân tộc. Ngay cả những đội nhạc tang lễ từng tồn tại ở hầu khắp các làng quê xứ Quảng, nay chỉ còn lèo tèo vài ba người già phụ trách.
Hiện tại, Đà Nẵng đang có trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật, đây sẽ là môi trường tốt để phát hiện, đào tạo những hạt nhân âm nhạc truyền thống ở các loại hình nhạc cụ dân tộc. Từ đây, chọn lựa bổ sung vào các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của thành phố như tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, dân ca kịch và nhất là các đội thông tin lưu động ở tuyến cơ sở…
Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích - nguyên Chủ tịch Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh Quảng Nam đã không ít lần “than thở” về sự khan hiếm đội ngũ viết lời mới và viết tiểu phẩm dân ca bài chòi xứ Quảng. Ngoảnh đi ngoảnh lại chỉ còn ít người có nghề gắn bó với công việc này như Nghệ sĩ ưu tú Đỗ Linh, nghệ sĩ Minh Bá, tác giả Hồ Thành Hải, Nguyễn Thanh Bình, Lê Trung Thùy, Phùng Tấn Đông, Văn Thúy, Lý Như Sanh, Thế Lữ, Như Lai... Thành ra, những hoạt động như liên hoan đưa thông tin về cơ sở xuất hiện trường hợp một người cùng lúc viết tiểu phẩm cho bốn, năm đơn vị.
Rất may là “vốn liếng” về thực tế cuộc sống, về sự trải nghiệm cũng như nghề viết của tác giả này rất phong phú nên hầu hết tiểu phẩm đều được đánh giá cao.
Tác giả Lê Trung Thùy tỏ ra không mấy vui về sự “được mùa” này khi chia sẻ: “Thật ra là chuyện chẳng đặng đừng nên mới thế, chứ thật lòng tôi rất muốn có một thế hệ nối tiếp đảm đương công việc này. Nhưng đây là câu chuyện không hề dễ khi chúng ta không có quyết tâm đào tào một thế hệ bài bản và chúng ta không có sẵn một lực lượng trẻ đủ niềm đam mê tiếp nối…”.
Để tạo sức lan tỏa
Lâu nay ngành chức năng đã nỗ lực tổ chức các hoạt động, sân chơi để khơi dậy, làm sống lại đời sống sinh hoạt văn nghệ dân gian đã có thời vàng son trên quê hương xứ Quảng. Đó là chương trình sân khấu học đường được thử nghiệm ở một số trường tiểu học và THCS cách đây mấy năm nhằm tạo cho học sinh những cảm nhận cơ bản về vốn quý âm nhạc truyền thống xứ sở, góp phần hun đúc tình yêu cũng như sự trân quý của các em với loại hình này.
Đó là các liên hoan hát ru, hội thi đàn và hát dân ca được tổ chức ở nhiều cấp độ, để người dân lao động trên ruộng đồng được hóa thân thành những diễn viên trên sân khấu. Đó còn là liên hoan đưa thông tin về cơ sở mà một trong những yếu tố quan trọng của nội dung liên hoan là xây dựng các tiểu phẩm dân ca phản ánh sinh động đời sống lao động, những đổi thay trên các mặt kinh tế - văn hóa - xã hội ở Quảng Nam trong tiến trình hội nhập để phát triển...
Như một cách “mưa dầm thấm lâu”, dù ít hay nhiều, những nỗ lực đó đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức người dân, để từ đó, vốn quý âm nhạc truyền thống lan tỏa và bám rể trong đời sống hiện đại. Những hoạt động như thế vẫn cần được duy trì và nhân lên trong bối cảnh một thành phố Đà Nẵng mới với nhịp sống năng động, hối hả.
Theo các nhà nghiên cứu, điều khá thuận lợi trong việc bảo tồn, phát huy âm nhạc truyền thống là căn cốt văn hóa - nghệ thuật của Quảng Nam & Đà Nẵng mang tính tương đồng, tương hỗ trong suốt tiến trình mở đất đến thời đại ngày nay.
Còn nhớ, sau khi đồng loạt kết thúc dự án sân khấu học đường trên phạm vi cả nước, đã có không ít ý kiến phản hồi về hiệu quả của dự án này. Nhiều người có chung nhận định dự án có tính tích cực, bước đầu đã trang bị cho học sinh những hiểu biết cần thiết về vốn quý âm nhạc truyền thống của quê hương mình. Tuy nhiên, nếu dự án chỉ dừng lại ở đó thì thật là uổng phí và rồi sẽ như “nước trôi qua cầu”.
Chính vì thế, trong giai đoạn sắp tới, rất cần khởi động lại dự án đưa âm nhạc truyền thống vào học đường và cần tính đến nội dung, đề ra những chương trình, hoạt động mang tính chuyên sâu hơn, kiểu như môn âm nhạc trong trường học, để âm nhạc truyền thống có cơ hội ở lại lâu hơn trong tâm hồn học sinh.
Quả thật, câu chuyện bảo tồn, gìn giữ và phát triển vốn quý âm nhạc truyền thống đang đặt ra nhiều vấn đề, cần có một chiến lược dài hơi và chuyên sâu. Có như vậy, âm nhạc truyền thống ở mảnh đất “chưa mưa đà thấm” này mới thực sự được gìn giữ và có điều kiện để lan tỏa mạnh mẽ trong bối cảnh mới khi địa giới hành chính thay đổi, địa bàn dân cư rộng, nhu cầu hưởng thụ âm nhạc ngày càng cao.
Hy vọng, trong thời gian tới, khi “guồng máy” mới đi vào hoạt động ổn định, cùng với nhiều lĩnh vực khác, âm nhạc truyền thống cũng sẽ được đưa vào những đề án bảo tồn của thành phố để từ đó có cơ sở phát triển bền vững, góp phần xây dựng một nền văn hóa - văn học nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…
(baodanang.vn)