"Bầu trời, đất" của Hoàng Trần Cương

07.09.2015

Tập thơ Bầu trời, đất (NXB Hội Nhà văn, 2015) dày 100 trang, gồm 45 bài mới được xuất bản gần đây, khiến nhiều người từng đọc thơ Hoàng Trần Cương không quá khó để nhận ra sự rắn rỏi, toát lên từ những câu thơ xù xì góc cạnh, giàu đường nét và phong cách riêng của con người ông.

Trong tập thơ Dấu vết tháng ngày, ở bài Đợi, năm 1992, ông viết: “Mặt anh buồn như đá/ Ai vứt ra ngoài đồng”. Và rồi 23 năm sau, trong Bầu trời - đất, ở bài Chiếc gối, năm 2015, ông lại viết: “Anh quấn mặt vào đêm/ Và tự nhấc ngày mai kê lên làm gối...”.

Chỉ cần đọc những câu thơ trên, người tinh ý sẽ nhận ra sự chuyển dịch trong tính cách con người và phong cách thơ của Hoàng Trần Cương. Trước đây, ông chờ đợi một điều gì mãi không thấy. Nỗi chờ đợi ấy đã hóa đá khuôn mặt ông giống như Nàng Vọng Phu chờ chồng đến hóa đá trong truyện dân gian. Chỉ khác, Nàng Vọng Phu vẫn đứng yên đấy, còn với Hoàng Trần Cương, hóa đá lại bị ai đó vứt ra ngoài đồng. Nghĩ mà ghê! Nhưng ở bài Chiếc gối, dường như ông đã tìm ra cách hóa giải nỗi buồn nhân thế luôn ẩn hiện trên gương mặt người thơ, bằng cách quấn nó vào đêm. Đây không phải là thái độ bất cần đời, mà là cách vượt thoát tích cực, vì mọi lo toan, bấn loạn ông dành cho ngày mai, tin tưởng thế hệ tương lai đảm trách, nên ông “tự nhấc ngày mai kê lên làm gối”, mà ung dung trước mọi bấn loạn, nhiễu nhương của sự đời.

Thời gian có thể thay đổi, nhưng cùng lắm cũng chỉ làm cho cái rắn rỏi, trồi trụt của Hoàng Trần Cương mềm mại hơn đôi chút, chứ nhất quyết không thể đổi khác phong cách thơ, như là một sự mặc định từ bản thể con người ông. Và nếu có khác chăng, chỉ là khác cái cách trước đây ông vác từng tảng đá hộc nhiều góc cạnh sắc nhọn, xù xì đến miền đất hoang vu, rặt có gió Lào và đói nghèo miền trung, trước khi xếp những viên sỏi nhẵn thín xây nên ngôi đền thi ca cho riêng mình cao hơn, bề thế hơn.

Một trong những bài thơ hay mà tôi thích trong tập này là bài Ở ngoài đường: “Có lúc tự dưng bắt gặp mình/ Đứng ở ngoài đường/ Không biết đi hay dừng/ Lững thững trồi rồi trụt/ Chợt thấy trái đất sững lại/ Hình như sắp ngừng quay/ Có chặn cản chi đâu/ Sao gió máy cấu cào vào mặt/ Cũng chẳng quét hót gì/ Lũ bụi bặm/ Lại chui vào mắt/ Muốn về nhà quá/ Mà mặt đường lại ngủng ngẳng trôi”.

Một cảm giác không rõ ràng của người thơ, thậm chí có vẻ như đứng cũng không vững, nên chỉ thấy hết “trồi”rồi “trụt”và “trái đất sững lại”. Chỉ cần hai từ “trồi”và “trụt”, người ta khá dễ nhận ra đấy là hai từ của riêng Hoàng Trần Cương. Thế nhưng, cảm giác “gió máy cấu cào vào mặt, bụi bặm chui vào mắt” lại là một cảm giác rất thực, không hề bị chi phối bởi sự chếnh choáng. Hai cảm giác thực và ảo đan xen lẫn lộn như vừa muốn hất tung người thơ lên không trung, lại vừa muốn níu chân anh ta ở lại với mặt đất. Cảm giác này được đẩy đến một cao trào mới, khi tâm trí, đầu óc người thơ rất muốn trở về nhà, nhưng con đường lại cứ “ngủng ngẳng trôi”. Đấy chính là cái sự “trồi - trụt” trong tâm lý sáng tạo thi ca của Hoàng Trần Cương, mà không phải ai cũng có được.

Bài thơ khá đơn giản về cấu tứ, giọng điệu, ngôn ngữ và dễ đọc, dễ hiểu. Nhưng nó lại là lằn ranh để khu biệt thơ ông với thơ của người khác qua các phương ngữ như “trồi trụt”, “ngủng ngẳng” và “sững lại”. “Chợt thấy trái đất sững lại”, một câu thơ không hề có thanh bằng mà toàn thanh trắc tạo nên cảm giác cộc lốc, chắc nịch, kết thúc đột ngột, làm cho nó bỗng tròn vo, nhẵn thín như hòn sỏi, tạo cho người đọc nhiều cảm xúc bất ngờ.

Đỗ Ngọc Yên

(nhandan.org.vn)