Cảm thức hoàng hôn trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh - Bùi Văn Tiếng

18.03.2018

Cảm thức hoàng hôn trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh - Bùi Văn Tiếng

Thật ra cũng không có gì đáng nói khi bắt gặp cảm thức hoàng hôn trong Phơi cơn mưa lên chiều của Nguyễn Ngọc Hạnh, bởi đây là cảm thức quen thuộc trong thơ và với nhiều người làm thơ. Ai đọc Thơ Đường mà không thuộc lòng những câu thơ vào loại tuyệt tác trong Đường thi như Nhật mộ hương quan hà xứ thị/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu (Thôi Hiệu: Hoàng Hạc lâu), hay Lạc hà dữ cô lộ tề phi/ Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc (Vương Bột: Đằng Vương các tự)… Cũng vậy ai đọc Thơ Mới mà có thể quên được những câu thơ để đời của Huy Cận trong bài Tràng giang - Lòng quê dờn dợn vời con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà, hay của Thâm Tâm trong bài Tống biệt hành - Bóng chiều không thắm không vàng vọt/ Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong…   

Có lẽ không phải ngẫu nhiên khi Nguyễn Ngọc Hạnh chọn mở đầu Phơi cơn mưa lên chiều bằng bài Hoàng hôn - bài thơ Nguyễn Ngọc Hạnh mới viết trước khi cho in tập thơ chưa đầy một tháng. Hoàng hôn trong thơ Thôi Hiệu hay Vương Bột chỉ mới là ngoại cảnh, trong thơ Huy Cận hay Thâm Tâm hoàng hôn được nội tâm hóa, còn trong bài thơ mở đầu Phơi cơn mưa lên chiều, hoàng hôn đã thành bạn đồng hành: Ước gì cầm tay hoàng hôn/ Bóng đời lặn dần xuống núi/ Ước gì tôi với hoàng hôn/ Cứ mãi là chiều lặng lẽ. Sở dĩ như vậy là bởi chỉ Nguyễn Ngọc Hạnh tóc bạc như tóc cha ngày ấy (bài Cha) mới có được cảm giác bóng đời lặn dần xuống núi khi cùng đi với hoàng hôn, chỉ Nguyễn Ngọc Hạnh mới mong cứ mãi là chiều

Trong Phơi cơn mưa lên chiều, hai chữ hoàng hôn xuất hiện những mười lăm lần ở mười một bài thơ, cùng bốn mươi lăm chữ chiều ở hăm mốt bài thơ (không kể một chữ chiều đồng âm dị nghĩa trong hai câu: một chiếc lá vàng rơi rất thấp/ rơi theo chiều tôi đang rơi). Và có lẽ không phải ngẫu nhiên khi các buổi chiều trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh hầu hết là chiều muộn - trong năm thì chiều cuối năm viếng mộ con, hay chiều cuối năm tôi nhìn lại tôi; trong ngày thì chiều buông, chiều xuống, chiều trôi… Và cũng có lẽ không phải ngẫu nhiên khi Nguyễn Ngọc Hạnh chọn khép lại Phơi cơn mưa lên chiều bằng bài Chiều với tất cả chiều buông, chiều xuống, chiều trôi ấy: Chiều buông xuống lên ngồi với núi/ Núi thênh thang màu khói lam buồn/ Em rơi giữa trời mây gió bể/ Phía xa mờ anh đợi chiều trôi.

Với Nguyễn Ngọc Hạnh, có khi chiều chưa thành hoàng hôn, cho nên Qua sông ngồi nhớ con đò/ Nhớ hoàng hôn lẫn câu thơ ban chiều (bài Về quê); nhưng cũng có khi - như trong bài Chiều cuối năm viếng mộ con - chiều đang thành hoàng hôn: chiều cứ đi qua/ chiều xuống chậm dần/ tôi cùng với hoàng hôn/ tím ngắt/ lấp lánh hoàng hôn giữa nghĩa trang (không hiểu sao trong Phơi cơn mưa lên chiều có nhiều chữ/chỗ lấp lánh như vậy: lấp lánh hoàng hôn, nghìn trùng lấp lánh - bài Chiều cuối năm viếng mộ con, em lấp lánh - bài Nguyện cầu, câu thơ lấp lánh - bài Hạnh phúc). Nhưng dẫu chưa thành hay đang thành thì hoàng hôn bao giờ cũng nằm trên đường ranh giữa ngày và đêm, do vậy cảm thức hoàng hôn luôn thể hiện khát vọng níu kéo cái sắp qua/sắp mất của chủ thể trữ tình…

Khát vọng níu kéo cái sắp qua/sắp mất cho nên trong Phơi cơn mưa lên chiều mới có những câu thơ “níu kéo” như: ước gì vừa chạm nỗi buồn/ mờ sương thôi đừng tan chảy (bài Hoàng hôn); hay như: cho tôi quay lại không đi nữa/ khất lại dòng sông giấc mơ trôi (bài Khất lại dòng sông giấc mơ trôi), hay như: mưa ơi hãy rơi chầm chậm/ ngày tôi bay ngang qua đời (bài Phơi cơn mưa lên chiều), hay như: cứ thản nhiên rơi/ thản nhiên trôi/ đừng khép hoàng hôn tôi mờ mịt (bài Phơi cơn mưa lên chiều), hay như: một chút hồn quê nơi phố xá/ ai bỏ quên cuối vạt nắng chiều (bài Gửi Hà Nội), và như: một chút nắng vàng một chiều mây phủ/ đâu phải hoàng hôn mờ mịt chốn địa đàng (bài Đâu rồi giấc mơ cỏ xanh), và như: sự tĩnh lặng của chút nắng cuối ngày/ không níu được hoàng hôn trở lại (bài Hạnh phúc)…

Chính sự bất lực ấy của chút nắng cuối ngày đã khiến cho cảm thức hoàng hôn trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh thêm day dứt, càng khiến cho Phơi cơn mưa lên chiều thêm cuốn hút. Hãy đọc Phơi cơn mưa lên chiều và đi cùng cảm thức hoàng hôn trong thơ anh để đồng cảm với Nguyễn Ngọc Hạnh về những câu thơ mắc cạn giữa vành môi cong (bài Câu thơ mắc cạn).

B.V.T