Con đường nào đưa lối anh đi

18.10.2017

Con đường nào đưa lối anh đi

Dặm đường cát bụi là tập thơ thứ 5 của Trịnh Xuân Thu gồm 45 bài viết về các đề tài, chủ đề khác nhau thuộc nhiều vùng miền trên quê hương Việt Nam yêu dấu.

 

Tôi cầm trên tay tập thơ Dặm đường cát bụi (*) của nhà thơ Trịnh Xuân Thu, quê Nga Sơn, Thanh Hóa, một vùng đất giàu truyền thống Cách mạng và có nhiều di sản văn hóa như Động Từ Thức, truyền thuyết Mai An Tiêm, cửa Thần Phù... Được biết nhà thơ Trịnh Xuân Thu từng công tác trong ngành công an, với trên 20 năm ở Điện Biên (1976-2000) rồi chuyển về Hà Nội công tác từ năm 2000 cho đến khi nghỉ hưu. Tuy bắt đầu làm thơ từ năm 1978, nhưng mãi đến 2012, anh mới xuất bản tập đầu tiên Sông khát. Tiếp đến là các tập Bến quê (2013), Thu cốm (2014), Hoa đêm (2016). Như vậy có thể nói đối với thơ, Trịnh Xuân Thu là người thuộc diện “mắn đẻ”, năm một hoặc hai năm một tập. Tuy nhiên với văn chương nghệ thuật nói chung và đặc biệt là đối với thơ, tiêu chí số lượng tập, bài được in và phát hành cũng như mật độ nhặt khoan về số lần xuất hiện chưa nói lên nhiều những điều mà độc giả cần ở thơ.

Dặm đường cát bụi là tập thơ thứ 5 của Trịnh Xuân Thu gồm 45 bài viết về các đề tài, chủ đề khác nhau thuộc nhiều vùng miền trên quê hương Việt Nam yêu dấu. Nhìn chung thơ Trịnh Xuân Thu viết khá đều tay, không có bài nào quá đuối, cũng không có bài nào quá trội. Đánh giá chung đây là tập thơ nằm trên mức trung bình so với mặt bằng thơ hôm nay.

Nhưng nếu để chọn ra một vài câu hay một vài bài khá có thể đọc được trong Dặm đường cát bụi cũng không phải là chuyện quá khó. Nhưng cũng cần nói thêm rằng chuyện thẩm định thơ phú tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố như: người đọc có sở thích đọc lấy vui hay là để ngẫm ngợi sự đời, tìm ra cái hay, cái đẹp của thơ hay bới lông tìm vết; là nhà phê bình văn học chuyên nghiệp đọc để phục vụ cho công việc chuyên môn của mình hay là bạn đọc bình thường, đọc để biết... Vì thế nên có chuyện cùng một bài thơ người này bảo hay, người kia nói dở, còn người thứ ba thì chỉ gật đầu để đây, âu cũng là lẽ thường của làng thơ phú xưa nay mà.

 

Theo tôi, các bài Tình mẹ, Thương cháu, Thu cốm, Cõi thương, Buồn, Nợ ban mai, Đêm trăng mơ màng, Đành lòng... là những bài đọc được trong tập thơ này. Đặc biệt bài Hai người đàn bà là một bài thơ khá hay, thể hiện cái nhìn đầy tính nhân văn của tác giả đối với những người vợ thủy chung:

Trăng cuối tuần xế bóng

Người đàn bà vẫn kiên nhẫn ngồi chờ

Mâm cơm trên bàn nguội lạnh

Thương chồng, đi làm về đường xa...

Tấm lòng của người vợ thảo hiền là vậy, dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng một mực thương chồng, vẫn kiên trì chờ đợi bên mâm cơm đã nguội lạnh, những mong chồng về cùng ăn. Nhưng sự thật đắng đót và trớ trêu biết nhường nào khi người chồng đang vui thú cùng với những cô gái trẻ khác, ăn mặc điệu đà, phấn son lòe loẹt, rượu bia, đồ nhậu đầy bàn, xong xuôi, dắt tay nhau vào quán hát, mà người vợ biết đâu:

Dung dăng như cặp tình nhân

Niềm vui hiện trên khuôn mặt mỗi người một khác

Người như mơ, người như khát

Căn phòng chỉ còn ánh đèn mờ...

Và cũng chính người vợ ấy, ngồi chờ đến mức như không thể chờ được nữa mà vẫn cứ chờ:

Trên ghế sofa

Người đàn bà ngủ gật chờ chồng

Trên bàn mâm cơm ngưội ngắt

Khổ kết của bài thơ vừa bất ngờ vừa gợi cho người đọc bao điều nghĩ suy về thực trạng gia đình của nhiều cặp vợ chồng trẻ trong vài chục năm trở lại đây, kể từ khi nền kinh tế nước ta mở cửa gia nhập kinh tế thị trường với các nước trong khu vực và quốc tế. Cõi thương cũng là bài thơ trữ tình thế sự khá hay của Trịnh Xuân Thu. Giọng thơ chậm rãi, dịu nhẹ, tứ thơ rõ ràng, ngôn ngữ bình dị, không có gì mới. Vậy mà khi đọc lên ai cũng thấy xót xa, đắng đót về sự vần xoay của đất trời, vạn vật, của cõi đời, lòng người:

Biển, sầu trào nước mắt

Thương con sông lang thang

Gió, sầu không buồn thổi

Thương mây trôi mơ màng

 ...

Chim, buồn không muốn hót

Thương cánh rừng lang thang

Ong, lỡ làn hương nhụy

Thương bông hoa héo tàn

...

Ta rời làng, viễn xứ

Rơi nắng chiều mênh mang

Trăng vàng gieo đáy nước

Mây qua. Ai lỡ làng?

...

Đời gió mây vần vũ

Bạn cũ đã xa rồi

ly rượu sầu lên khó

Thương bóng mình đơn côi!

Ngoài một số bài thơ thuộc mảng đề tài trữ tình thế sự, Trịnh Xuân Thu cũng có những bài thơ trữ tình khác về cảnh vật và con người nơi anh từng qua, ít nhiều có những gắn bó tình cảm, mang dấu ấn tâm sự cá nhân khá rõ nét và chân thực:

Đêm ngân tiếng chuông chùa

Yên ả, gà vọng gáy

Cốm Làng Vòng, Thậm thình chày khuya

lập lòe lửa đỏ

Bóng người thôn nữ lẫn trăng trong

...

Cởi sợi rơm vàng

Mở lá sen xanh

Ai gói trời thu trong lá biếc.

(Thu cốm).

Hai câu cuối của hai khổ thơ trong bài này Bóng người thôn nữ lẫn trăng trong và Ai gói trời thu trong lá biếc là hai câu thơ khá hay và có thể xem như những giây phút xuất thần của Trịnh Xuân Thu. Có điều mỗi nhà thơ có cách và có ngưỡng xuất thần riêng, không ai giống ai. Điều ấy đã được Trịnh Xuân Thu bộc bạch:

Thế là ta đã thật lòng

Ném thơ vào gió, trả xong nợ mình

Ừ thì, ta cũng thật tình

Vén câu thơ để rõ hình bóng hơn

(Nợ ban mai).

Thích làm và đã làm thơ cách đây đã gần 40 năm, nhưng anh là người ý thức rất rõ cái ngưỡng của mình đến đâu, không gắng gượng làm gì cho mệt. Khi người thơ biết vén câu thơ để rõ hình bóng của mình, ấy là khi anh ta đã ngộ được mình là ai ở cõi đời này, chí ít là đối với thơ ca.

Đúng như Trịnh Xuân Thu đã tâm sự, làm thơ đối với anh chỉ là cách trả nợ cho chính mình, chứ không phải để khoe khoang với người, chơi với đời, nên thơ anh không có những đột biến về cấu tứ, giọng điệu cũng như ngôn ngữ thể hiện. Bù lại thơ anh khá dung dị và chân thật, dễ đọc, dễ hiểu. Tuy nhiên đâu đó cũng còn có nhưng bài, những câu chưa thực sự được chọn lọc kỹ, nên ít nhiều cũng để lại những hạt sạn trên tác phẩm. Dù vậy, đây vẫn là tập thơ đáng để đọc trong điều kiện hiện nay của đời sống văn chương nước nhà.

Đỗ Ngọc Yên
(vanhocquenha.vn)