Con người trần trụi dưới những ngọn đèn không hắt bóng

14.09.2016

Con người trần trụi dưới những ngọn đèn không hắt bóng

"Đèn không hắt bóng" của Junichi Watanabe là một câu chuyện buồn bã về cuộc đời của những con người sống giữa thành thị với đủ đầy cung bậc xúc cảm.

Đèn không hắt bóng là tác phẩm lấy bối cảnh bệnh viện, xoay quanh đời sống của những bác sĩ và bệnh nhân, nhưng vượt lên trên bối cảnh ấy tác giả đã xoáy sâu vào ngóc ngách tâm hồn của mỗi người, để rồi từ đó khơi lên những nỗi lòng kín đáo.

Ở đó có một bác sĩ Naoê cô độc tận cùng, là Noriko lặng câm trong cõi tình, là Kobasi tràn đầy lý tưởng nhưng vô cùng ngờ nghệch với cuộc đời, là Yutaro thực dụng, là lão Isikura dù sắp chết vẫn giữ một niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống... Họ hiện diện như những mảnh ghép không tương thích của đời sống, mà ở đó, họ buộc phải trải qua những hành trình tìm kiếm và đối diện với bản thân của mình, thông qua những hình ảnh nhập nhoạng của tha nhân xung quanh.

Naoê là một bác sĩ tài hoa, nhưng luôn giữ một thái độ lạnh lùng trước những đau đớn, mất mát. Việc chứng kiến những cái chết của bệnh nhân không còn khiến ông hoang mang và sợ hãi như những bác sĩ mới vào nghề. Ông trần trụi đối diện với nó, như đứng dưới những ngọn đèn không hắt bóng trong phòng mổ.

Không phải chỉ kinh nghiệm nghề nghiệp đã đem đến cho ông sự lãnh đạm ấy, mà chính căn bệnh ung thư xương ông phải đối diện hàng ngày, chịu đựng nỗi đau đớn từng giây phút trong cuộc đời đã khiến ông trở nên cộc cằn, phi lý, bất cần và chìm sâu trong thế giới cô độc của chính bản thân mình, trần trụi với tâm hồn mình. Ông lao vào những cuộc ái tình chớp nhoáng với bất cứ người con gái nào ông gặp gỡ, để lại sau đó là những hờn trách, khinh thường, nhưng Naoê hoàn toàn vô tri với mọi điều đàm tiếu, dị nghị, ghen ghét giữa tha nhân.

Cái chết của Naoê ở vùng hồ sâu lạnh giá đến mức thân xác không thể nổi lên chính là đỉnh điểm của cảm thức “đẹp và buồn” trong văn học Nhật. Nó là cái hoẵm sâu của cô độc, và cũng là sự bí ẩn đẹp đẽ tận cùng của cái chết. Thân xác ấy, vùi sâu trong thiên nhiên, tĩnh lặng ngàn năm giữa thiên nhiên, là sự trở về nguồn cội đẹp đẽ của mỗi con người trong đời sống này. Cái chết của Naoê cũng được xem là sự giải thoát, bởi từ giây phút ấy, nỗi đau về thân xác và sự cô độc khốn cùng của tâm hồn không còn hành hạ ông được nữa. Còn lại chỉ là một nỗi nhẹ nhàng vô thường.

Naoê đã chuẩn bị cho cái chết của mình một cách trọn vẹn, với lá thư ly biệt, là lần đầu tiên và cũng là lời cuối cùng ông để lại cho Noriko, người phụ nữ luôn lặng lẽ, trung thành ở bên cạnh ông. Dù cuối cùng, người đọc hay chính Noriko cũng không thể biết được Naoê có thực sự yêu Noriko không, nhưng ít nhất, ta có quyền tin vào niềm trân trọng mà Naoê dành cho Noriko. Bức thư là điều cuối cùng nhưng cũng là tiếng vọng tâm tư tha thiết mong mỏi nhất mà Naoê để lại cho Noriko.

Trong lá thư Naoê đã viết về “một đứa con”, về nỗi khao khát được để lại điều gì đó của mình cho đời sống này. Và Noriko chính là người lưu giữ giùm ông mầm giống ấy. Cuộc đời một con người chỉ chừng ấy thôi, ngắn ngủi khép lại trong một vòng quên lãng vô cùng, nhưng vẫn cứ tha thiết, người ở lại, giá như đừng quên. Đó âu cũng là một nét thấp thoáng hi vọng giữa những buồn bã của cuộc đời ông.

Junichi Watanabe từng là một bác sĩ trước khi trở thành nhà văn, nênĐèn không hắt bóng đã tái hiện thành công không khí bệnh viện, với những chi tiết sinh động về mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân. Dù vậy, trong tác phẩm không hề có những giá trị y đức hão huyền, không có những hành động cao thượng, cổ tích. Ở đó chỉ có một sự thật trần trụi, như thân thể con người dưới ngọn đèn không hắt bóng của phòng mổ. Khung cảnh ấy của bệnh viện Oriental, người đọc có thể bắt gặp ở bất kỳ một bệnh viện nào khác.

Tác phẩm của Junichi luôn mang đậm không khí về sự cô độc và lòng phản kháng của con người trong xã hội hiện đại, với những tự vấn dai dẳng về sự tồn tại, về đạo đức, lòng tốt... của con người. Bởi thế, nhân vật trong tác phẩm của ông thường mang trong mình những phức cảm tâm lý nặng nề, đầy mâu thuẫn và trăn trở, trong đó nhân vật Naoê cũng là một nhân vật điển hình.

Bên cạnh Đèn không hắt bóng, Junichi Watanabe còn có một số tác phẩm như Thiên đường đã mấtÁnh sáng và chiếc bóng... đều được độc giả yêu thích. Ông nhận được giải thưởng Naoki năm 1970.

Phong Linh
(news.zing.vn)