Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Nhà lãnh đạo mẫu mực về đạo đức cách mạng

22.08.2021
Hoàng Hương
KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP (25/8/1911 - 25/8/2021) Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ tỏa sáng rực rỡ trong lĩnh vực quân sự, Đại tướng còn là một trong những nhà văn hóa lớn của Việt Nam. Đại tướng đã dành nhiều tâm sức cho việc viết hồi ký và lịch sử. Những tác phẩm của Đại tướng, như: “Từ nhân dân mà ra”, “Những năm tháng không thể nào quên”, “Chiến đấu trong vòng vây”, “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử”, “Tổng Hành dinh trong mùa xuân toàn thắng”, “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam”... đã giúp người đọc cả trong và ngoài nước càng hiểu sâu hơn về bản sắc, truyền thống văn hóa, nguồn gốc sức mạnh của dân tộc Việt Nam, càng thêm yêu mến, khâm phục đất nước và con người Việt Nam. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Nhà lãnh đạo mẫu mực về đạo đức cách mạng

 Ký họa Lê Công Quốc Huy (Sinh viên Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, 1995)

Võ Nguyên Giáp không chỉ là một Đại tướng lừng lẫy của Quân đội Nhân dân Việt Nam mà trong các lĩnh vực khác, như giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật, báo chí, ngoại giao, văn hóa, lịch sử…, Đồng chí đều có nhiều đóng góp quan trọng, thực sự là con người tài - đức vẹn tròn, văn - võ song toàn.

 

Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp của họa sĩ Trần Ngọc Dân

Khi là giáo viên dạy môn lịch sử tại trường tư thục Thăng Long, Hà Nội (5/1939), thầy giáo Võ Nguyên Giáp đã mang bầu nhiệt huyết cách mạng của mình để cùng với đồng nghiệp truyền thụ cho học sinh lòng yêu nước thương dân, khơi dậy lòng nhiệt tình và lối sống có trách nhiệm với bản thân, với quê hương, với dân tộc. Khi đất nước bước vào thời kỳ kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế, Đại tướng đã nhiều lần phát biểu những ý kiến tâm huyết của mình để chấn hưng nền giáo dục nước nhà.

Trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhiều đóng góp cho việc phát triển khoa học - kỹ thuật của đất nước.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhà báo chính luận sắc sảo từ khi còn rất trẻ. Bài báo đầu tiên của Đồng chí bằng tiếng Pháp được gửi đăng trên tờ báo L’Annam ngày 24/3/1927 do Luật sư Phan Văn Trường ở Sài Gòn làm chủ nhiệm với tựa đề “Đả đảo tên tiểu bạo chúa ở trường Quốc học!” đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với người làm báo lúc bấy giờ. Thời kỳ Mặt trận Dân chủ 1936 - 1939, Đồng chí thành lập báo “Hồn trẻ”; cùng một số đồng chí sáng lập và làm biên tập viên cho các tờ báo công khai hồi đó, như: “Tiếng dân”, “Tiếng nói của chúng ta”, “Lao động”, “Tiến lên”, “Tập hợp”…; cùng đồng chí Trường Chinh biên soạn tác phẩm “Vấn đề dân cày”, có giá trị lớn cho công tác chỉ đạo thực tiễn của Đảng ta lúc bấy giờ. Tại Đại hội báo giới Bắc Kỳ lần thứ nhất họp ngày 24/4/1937, Đồng chí được bầu là Chủ tịch Báo giới Bắc Kỳ.

Trên lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà tổng kết lịch sử hàng đầu của nền sử học đương đại Việt Nam. Từ những bài viết về dân cày, về cách mạng tư sản Pháp và nhiều vấn đề có liên quan đến lịch sử trên các tờ báo đến những bài dạy sử trên bục giảng trường Thăng Long cho đến hàng trăm bài nói về lịch sử vào những dịp kỷ niệm các danh nhân hoặc sự kiện lịch sử hay các hội thảo khoa học... tập hợp lại đó là những thông tin, tư liệu, tài liệu về lịch sử vô cùng quý giá. Từ các bài tổng kết chiến tranh đến những công trình lý luận về quân sự, về tư tưởng Hồ Chí Minh, về hai cuộc kháng chiến và đặc biệt là bộ Tổng tập hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều là những công trình khoa học về những sự kiện lịch sử quan trọng nhất của nửa sau thế kỷ XX.

***

 

Bác Hồ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tranh sơn dầu Hoàng Hoa Mai

   Hơn 80 mươi năm hoạt động cách mạng, cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta và Quân đội ta. Ở Đại tướng luôn sáng ngời những phẩm chất nhân cách của nhà văn hóa lớn, một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; đặc biệt là 6 đức tính cần phải có của các vị tướng do Bác Hồ chỉ ra “Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung” luôn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp thực hiện đầy đủ, trọn vẹn. Đại tướng là tấm gương sáng về sự liêm khiết, giản dị, khoan dung, nhân hậu, khiêm tốn, ham học hỏi, đoàn kết, sống có tình nghĩa, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào. Tình thương yêu con người của Đại tướng được hòa quyện với tình yêu quê hương, đất nước và đã để lại trong nhân dân Việt Nam cùng bạn bè quốc tế hình ảnh về một nhà lãnh đạo đức độ, tài năng, một nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc, một chiến sĩ cách mạng kiên trung, suốt đời tận tụy hy sinh phấn đấu phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, không màng chút danh, lợi riêng tư.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn ghi nhớ, noi gương và thực hành lời căn dặn của Lãnh tụ Hồ Chí Minh: Làm cách mạng là phải “Dĩ công vi thượng” (tức là phải đặt lợi ích chung lên trên hết), “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”… coi đó làm phương châm sống và phấn đấu trong suốt cuộc đời. Đại tướng không chỉ thể hiện rõ tư duy độc lập, sáng tạo của một nhà lãnh đạo ở tầm chiến lược mà còn là người tổ chức, hoạt động với tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc, mẫu mực; phong cách làm việc khoa học, nguyên tắc nhưng hết sức linh hoạt; luôn đề cao vai trò của tập thể, phục tùng tổ chức; luôn coi trọng thực tiễn, chịu khó học tập, lắng nghe ý kiến hay của quần chúng, của các chuyên gia, nhà khoa học…; luôn tin tưởng vào sức mạnh của quần chúng Nhân dân, liên hệ và gắn bó mật thiết với Nhân dân; phấn đấu không mệt mỏi xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đem hết trí tuệ, sức lực để hoàn thành tốt mọi công việc của Đảng, Nhân dân và Quân đội giao phó.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Nhân dân hết lòng kính trọng, suy tôn là vị “Đại tướng của Nhân dân”. Cán bộ, chiến sĩ Quân đội mến phục, suy tôn là “Người anh Cả” duy nhất của Quân đội ta, xứng đáng là “Chính ủy của các Chính ủy, Tư lệnh của các Tư lệnh, Tướng của các Tướng”, “Tổng Tư lệnh biết quý từng giọt máu mỗi chiến binh”. Thế giới cũng rất nể phục nhân cách, đức độ của Đại tướng, tôn vinh Đại tướng là Anh hùng dân tộc của Nhân dân Việt Nam.

 

 Tranh sơn dầu của họa sĩ Đinh Công Khải

Với 103 tuổi đời, hơn 70 tuổi Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đồng chí là tấm gương sáng để đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước kính trọng, yêu quý, học tập và noi theo. Hình ảnh và những cống hiến của Đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc luôn sống mãi với non sông, đất nước, sống mãi trong lòng Nhân dân và bạn bè quốc tế. Trong lời điếu trong Lễ quốc tang của Đại tướng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đánh giá cao công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội ta suy tôn đồng chí là anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Con người, nhân cách và những cống hiến to lớn của đồng chí in đậm trong lòng Nhân dân, là vị tướng của Nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc”.

 

                                     (Theo tài liệu Ban Tuyên giáo Trung ương

                                      và Tổng cục chính trị QĐND Việt Nam)

 Một số chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp của các họa sĩ:

 

Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Biên giới 1951, tranh sơn dầu Văn Dương Thành

Tranh sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân.

 

Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng nylon 2 màu đen trắng của Lê Nga.

Tranh ký họa của họa sĩ Văn Dương Thành.