Đặng Huy Trứ - Người Việt Nam đầu tiên đưa Nhiếp ảnh vào nước ta

29.04.2018

Lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam bắt đầu bằng những trang đau thương, gắn  liền với lịch sử vận mệnh dân tộc. Trước khi cụ Đặng Huy Trứ đưa nhiếp ảnh vào Việt Nam, thì tại nước ta đã có người chụp ảnh về Việt Nam. Đó là các sỹ quan quân đội xâm lược viễn chinh Pháp. Khi đội quân viễn chinh Pháp sang xâm lược xứ Đông Dương, chúng đã mang theo kỹ thuật chụp ảnh làm công cụ cho việc nghiên cứu và chinh phục thuộc địa. 

Đặng Huy Trứ - Người Việt Nam đầu tiên đưa Nhiếp ảnh vào nước ta

Những bức ảnh do các sỹ quan quân đội xâm lược Pháp chụp, tiêu biểu là bộ ảnh trong tập hồi ký “Xứ Bắc Kỳ cổ xưa” của đại uý hải quân  Duboir. Một bức ảnh khác của Jules Itier, chụp năm 1845 có tên “Đồn binh Non Nay xứ Đàng Trong” (có thể là đồn binh Non Nước), khi ông tháp tùng phái bộ Ngoại giao Pháp De Lagrene, đến Trung Hoa ký Hiệp ước Hoàng Phố. Trên đường trở về Pháp, ông được lệnh chuyển sang tàu L’Alemene, ghé bến Tiên Sa, Đà Nẵng. 

Tại đây quân Pháp diễu võ dương oai, đòi nhà cầm quyền địa phương thả giám mục Lefebre, bị triều đình Huế bắt giam. Trong lúc lưu lại ở Đà Nẵng, Itier đã chụp các bức ảnh đầu tiên ở Việt Nam. Trong tập hồi ký của mình, Itier viết: “Trong khi mọi người đi  lại trên boong tàu để  chờ giáo sỹ, tôi tranh thủ chụp mấy kiểu ảnh và tiến tới chân đồn binh Non Nay. Khi tôi đặt chân lên đất, cũng là lúc người ta kéo cờ hiệu khởi hành lên nóc cột chiến hạm, tiếp đó là một phát đại bác nổ rền vang, ra lệnh nhổ neo. Vài phút trể tràng có thể làm thay đổi vận mệnh đời tôi. Xin Thượng đế phù hộ! Cầu cho hai tấm phim  đã chụp đạt được kết quả. Đó là cảnh bến cảng Đà Nẵng. Tất cả quang cảnh đã được giữ một cách trung thực, ngoại trừ cảm xúc của tác giả, những bạn đọc hỡi, hãy gắng đón hiểu tâm tư của ta”.

Những bức ảnh này hiện còn lưu giữ ở Bảo tàng Nhiếp ảnh Pháp, là những bằng chứng khẳng định rằng trước khi cụ Đặng Huy Trứ đưa nhiếp ảnh vào nước ta, thì ở Việt Nam đã có các sỹ quan quân đội viễn chinh xâm lược Pháp chụp ảnh, ngoài Itier còn có một số như Charles Edouard Hocquard, một bác sỹ quân y, quân đội xâm lược Pháp, cũng chụp ảnh khá nhiều về Việt Nam. Năm 1885, Hocquard đã gửi 217 bức ảnh chụp về xứ Anam tới Triển lãm quốc tế Anves và đã dành được huy chương vàng.

Qua sự trình bày ở trên, chúng ta không thể khẳng định: Đặng Huy Trứ là người đưa nhiếp ảnh vào nước ta đầu tiên, vì trước đó, đã có người Pháp chụp về Việt Nam. Do đó phải viết chính xác rằng: Đặng Huy Trứ là người Việt Nam đầu tiên đưa nhiếp ảnh vào nước ta.

Đặng Huy Trứ, là một nhà thơ, danh sỹ đời Thiệu Trị (1807 – 1847), là người Việt Nam đầu tiên đưa nhiếp ảnh vào nước ta vào ngày 2 tháng 2 năm Kỷ Tỵ  (14/3/1869), tức 30 năm sau ngày nhiếp ảnh thế giới ra đời (19/8/1839) và 11 năm sau ngày quân Pháp bắn vào cảng Đà Nẵng (1858).

Đặng Huy Trứ tự là Hoàng Trung, hiệu là Vọng Tân, Tĩnh Trai, pháp danh là Đức Hải, tục gọi là Bố Trứ hoặc Bố Đặng, vì ông từng giữ chức Bố chính. Tổ quán của ông là người làng Hiền Sỹ, huyện Phong Điền, sau đó dời sang làng Bát Vọng, huyện Quảng Điền, rồi lại lập nghiệp ở làng Thanh Lương, huyện Hương Trà, nay là xã Hương Xuân, huyện Hương Điền,tỉnh Thừa Thiên Huế. Đặng Huy Trứ chào đời vào ngày 16/5/1825 (19 tháng 3 năm Ất Dậu), tại làng Thanh Lương.

Đặng Huy Trứ sinh ra trong một gia đình thi thư, thuở nhỏ ông nổi tiếng là thành đồng, học giỏi. Năm 1843, lúc 18 tuổi, ông thi đổ Cử nhân . Năm 1847, lúc 22 tuổi, ông thi đổ Tiến sỹ, đứng hàng thứ 7, nhưng khi đi thi Đình, bị phạm huý, Đặng Huy Trứ bị cách tuột các học vị và bị cấm suốt đời không được đi thi. Ông bèn đi dạy học tại gia đình một vị quan trong triều và nhờ vị quan này, tâu với vua Thiệu Trị cho đi thi lại và ông đã đổ Hội nguyên. Như vậy, Đặng Huy Trứ hai lần đổ Cử nhân. Sau đó ông về quê mở trường dạy học. Năm 1856, khi quân Pháp bắn phá bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, ông được triều đình Huế gọi ra làm quan. Sau một thời gian tập sự ở Quảng Nam, ông được triệu về Kinh làm Ngự sử. Kế đó, ông được điều ra Thanh Hoá làm thông phán ở dinh Bố chính, rồi nhiếp biện phủ Quảng Hoà và phủ Hà Trung, đến năm 1859 (Kỷ Mùi) được bổ làm tri huyện Quảng Xương. Năm 1864, vùng Quảng Nam bị hạn hán nặng, nhân dân đói kém, các sỹ phu ở đây xin triều đình Huế bổ dụng ông về làm Bố chính. Nhận thấy tài đức của Đặng Huy Trứ, năm 1865, triều đình Huế triệu ông về Kinh làm Biện lý Bộ Hộ. Năm 1867 (Đinh Mão) được giao chức Bình chuẩn sứ Hà Nội, lo việc giao thương buôn bán, tăng nguồn thu tài chính cho quốc gia.

Đặng Huy Trứ vốn là một trí thức Nho học, nhưng ông có tư tưởng canh tân, cải cách kinh tế, do đó trong các năm 1865 – 1867, ông được cử sang Quảng Đông Trung Quốc nghiên cứu, tìm hiểu. Ông là một trong số rất ít người quan tâm đến việc mở mang công thương nghiệp của đất nước, xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài, chú trọng lập đồn điền trồng cây lương thực, cây công nghiệp, khai thác mỏ… Đồng thời tập hợp các hộ làm nghề thủ công sản xuất hàng hoá, mở thương điếm ở Hà Nội, giao lưu buôn bán với các thương gia nước ngoài.

Trước sự xâm lăng của thực dân Pháp, Đặng Huy Trứ sục sôi căm hờn, thể hiện qua mấy vần thơ:

                                    Vận nước xiết buồn đau,
                                    Chí lớn càng giữ vững,
                                    Người  định ắt thắng trời,
                                    Địch, ta chẳng chung  sống.

Ngày 7/8/1874 (25 tháng 6 năm Giáp Tuất), tại mặt trận kháng Pháp ở Đồn Vàng Phú Thọ, Đặng Huy Trứ qua đời, hưởng thọ 49 tuổi. Ông di chúc: Con cháu không được ra làm quan, hãy chôn ông ngay tại chiến địa, để được nằm cạnh các nghĩa binh. Nhưng vua Tự Đức ngờ Đặng Huy Trứ “lập mưu khác”, buộc đưa thi hài ông về Huế để xét, thấy vô tội, cho mai táng tại làng quê Hiền Sỹ, nay là xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế.

Trong thời gian lo việc giao thương buôn bán, năm 1865, trong một chuyến đi sang Quảng Đông Trung Quốc, ông đến Hương Cảng. Tại đây lần đầu tiên Đặng Huy Trứ tiếp xúc với nhiếp ảnh. Ông thuê chụp cho mình hai tấm ảnh đem về nước. Trong chuyến sang Quảng Đông lần thứ hai, vào năm 1867 (Đinh Mão), Đặng Huy Trứ nhờ người bạn thân là Dương Khải Trí, một quan chức nhà Thanh chọn mua một bộ đồ nghề chụp ảnh (gồm máy ảnh, máy phóng, thuốc tráng phim, ảnh…). Khi về nước ông cho sửa lại thương điếm Lạc Sinh Công điếm thành hiệu ảnh lấy tên là Cảm Hiếu đường ở phố Thanh Hà Hà Nội ngày nay. Hiệu ảnh khai trương vào ngày 2 tháng 2 năm Kỷ Tỵ (14/3/1869). Lịch sử Nhiếp ảnh Việt Nam coi ngày này là ngày ra đời của Nhiếp ảnh Việt Nam.

Xung quanh hiệu ảnh Cảm Hiếu đường có nhiều câu chuyện đầy cảm động, xin trích ra đây một trong những chuyện đó: Trong một lần chụp ảnh cho một khách hàng, Đặng Huy Trứ cảm xúc làm một bài thơ tả cảnh chụp lúc đó: Khi đang chụp, thì ánh sáng mặt trời, bị đám mây che phủ (ánh sáng bị yếu), người được chụp phải ngồi chờ. Bố Đặng trầm ngâm suy nghĩ, như theo lời dạy của sư phụ, thì một bóng mây sao che nổi ánh sáng mùa xuân, nên có thơ rằng:

                                    “ Thủ mặc cách năng sư cổ huấn,
                                    Thốn vân an đắc ngại xuân huy

Đó là những vần thơ trong bài thơ mà Đặng Huy Trứ đề vào ảnh để tặng người được chụp.

Qua đôi vần thơ trên, ta thấy rõ một hiện thực khách quan là thời bấy giờ, do phim có độ nhạy thấp, máy ảnh chưa có tốc độ chụp nhanh, độ mở ống kính nhỏ, các loại đèn điện, đèn chớp (flash) ở nước ta chưa ra đời, chụp ảnh chân dung phải dùng ánh sáng tự nhiên (ánh sáng trời) và một khi, ánh mặt trời bị đám mây che phủ, ánh sáng yếu. Muốn chụp ảnh phải để tốc độ chụp chậm, chụp chân dung sẽ bị rung, ảnh không nét, nên người được chụp phải ngồi chờ.

Theo sự nghiên cứu của ông Phạm Tuấn Khánh (nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam) thuộc nhóm Trà Lĩnh cho biết: Có 3 người đầu tiên được hiệu ảnh Cảm Hiếu đường chụp là: Ông Tôn Thất Phiên, thuộc dòng Tôn thất, hiệu Thanh Liên Thị, làm tri phủ huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, Nguyễn Vĩnh Niên và Tô Bồi Chi.

Sự việc người Việt Nam đầu tiên chụp ảnh cho người Việt Nam, tuy không phải là sự kiện lớn, nhưng nó lại có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, vượt ra khỏi ý thức hệ xã hội lúc bấy giờ, một xã hội phong kiến bảo thủ “bế quan toả cảng”, chủ trương đóng cửa, khước từ mọi kỹ thuật phương Tây. Lại nữa, người Việt lúc bấy giờ có quan niệm hủ lậu rằng: Chụp hình sẽ bị máy móc lấy mất hồn vía, thế mà Cụ Đặng đã mời được một vị thuộc dòng dõi Hoàng tộc đến chụp ảnh, quả là một thành công lớn. Đặng Huy Trứ đã tranh thủ được sự đồng tình của Hoàng gia, của giới quý tộc, sỹ phu, tầng lớp đại diện cho ý thức hệ xã hội thời bấy giờ.

Trong bối cảnh đó, Đặng Huy Trứ tiếp nhận kỹ thuật nhiếp ảnh, sớm hơn một số nước khác là một sự kiện đáng ghi vào lịch sử nước nhà. Tuy chúng ta biết, người Việt Nam được chụp hình sớm nhất là Phạm Phú Thứ (1821 – 1882) vào năm 1863, nhưng bức ảnh đó do người Pháp chụp tại nước Pháp.

Để tranh thủ sự đồng tình của công chúng, đặc biệt là tầng lớp trên, Cụ Đặng không đề cập nhiều đến chức năng kỹ thuật nhiếp ảnh, mà chủ yếu nêu lên mục đích chụp ảnh không gì khác là vì đạo hiếu làm người, mà đạo lý đứng đầu trăm nết, như cụ đã viết trong bài quảng cáo của hiệu ảnh Cảm Hiếu đường.

Đọc lại bài quảng cáo ta không thấy Đặng Huy Trứ khoe cái tài tình của kỹ thuật nhiếp ảnh để gợi ý tò mò của khách, ngược lại chỉ nhấn mạnh về khía cạnh đạo làm người (mà tính tốt đẹp nhất của đạo lý của người Việt thì hiếu đứng đầu) với những dòng tha thiết về đạo hiếu:

            "Trộm nghe:
            Xưa nay không ai tái sinh được xương thịt. Tuy ứng theo lòng, chụp ảnh tái hiện được tinh thần.
            Muốn đi sâu vào ngọn nguồn, xin thử trình bày gốc ngọn của việc đó.
         Từ thuở có trời đất, chỉ có con người là tinh anh. Và trong cái đức tính tốt đẹp của đạo lý thì “hiếu” là đầu của trăm nết. Vì thân thể của người ta nhận được của cha mẹ. Sau ba năm mới khỏi bế ẵm, cực kỳ phú quý như các bậc công hầu , khanh tướng cũng không có cách nào khác, dù chỉ một ngày. Khi bé bỏng thì bồng bế yêu thương, suốt đời thì nhờ thì quý, lòng này lẽ ấy như nhau. Gặp ngày giỗ thì khóc, ngày sinh thì thương, lương tri, lương năng đều vậy. Đi ắt thưa, vể ắt trình, người có nhân không nỡ lòng xa rời cha mẹ. Chết như sống, mất như còn, người con hiếu không nỡ có ý quên cha mẹ. Dù ở nơi quan san cách trở, mãi vẫn ôm nỗi nhớ! Huyên cõi xuân già, không kịp báo đáp thì suốt đời mang mối hận ngàn thu…”.

Sau khi đi sâu vào tâm lý người Việt lấy chữ hiếu làm đầu, để thu hút nhân tâm, Đặng Huy Trứ dẫn ra cái lợi, cái ưu việt của việc hụp ảnh hơn hẵn mọi thông tin qua thư từ, dù mô tả chi tiết đến đâu, hay qua một bức vẽ, một bức tượng dù giống đến đâu, cũng không sánh được với bức ảnh, “chỉ có chụp ảnh là hay nhất” . Chụp ảnh là nhằm mục đích phục vụ đạo hiếu.

Bài quảng cáo viết tiếp:

“…Một bức thư nhà gửi đến, thuật lại việc ăn ở, thức ngủ, nhưng chẳng thấy dung nhan. Hai hàng thần chủ nương hồn ghi rõ họ tên mà không tường diện mạo. Trèo lên núi Hổ trông cha, trèo lên núi Dĩ trông mẹ mong ngóng mà chẳng thấy mặt. Cầu cõi âm, cầu cõi dương hòng mắt thấy tai nghe nào có gặp được.

Xưa Vương Kiến Thành tâm ứng mộng nhưng thức ngủ đều không thấy hình, thấy ảnh. Thiếu Nguyên trích máu nhận hài cốt nhưng nhan diện đã cùng nát với cỏ cây. Thọ Xương từ quan đi tìm mẹ nhưng bóng dâu đã ngả. Đinh Lan đẽo tượng thờ cha mẹ nhưng e rằng tóc da khắc lên khó giống. Tình này cảnh ấy ai có, ai không? Nay muốn sớm tối vui như trẻ được mặc áo hoa, ngoài nghìn dặm mà dường như dưới gối, luôn thấy mặt, trăm năm sau mà vẫn in như trước mắt, khiến mọi người đều tỏ được tấm lòng thành hiếu chỉ có cách chụp ảnh là hay nhất… ”.

Đặng Huy Trứ đã viết những lời đi vào lòng người, khơi dậy lòng hiếu thảo, rung động tâm can. Đọc xong người con nào chẳng muốn ghi ngay tấm hình cha mẹ. Và ông bà, cha mẹ nào lại khước từ lời hiếu thảo của cháu con:

                        Hiếu thờ mẹ, người người muốn,
                        Ảnh giống dung nhan mãi mãi truyền .

Nhiếp ảnh trong buổi bình minh, muốn tự khẳng định mình, tất phải đương đầu với búa rìu dư luận. Ngay trên nước Pháp, nơi phát minh ra kỹ thuật nhiếp ảnh, dân trí cao, mà nghệ thuật này với nhiếp ảnh gia tài ba lỗi lạc Nada, lại chính bị bạn thân của mình là nhà thơ Charles Pierre Beaudelaire (1821 – 1867) công kích.

Ở nước ta, đã bước sang thế kỷ XX, nhà thơ trào phúng Tú Xương, với giọng châm biếm sâu cay, đã chơi chữ, để chê bai nghệ thuật nhiếp ảnh: Tú Xương viết:

                        Ba bác chia nhau một cái đồ!
(chữ “đồ” ở đây có hai nghĩa: Chữ đồ để chỉ bức ảnh, bức hoạ và một nghĩa khác xấu để công kích).

Cụ Đặng đưa kỹ thuật nhiếp ảnh vào nước ta giữa lúc nhiệm vụ trọng đại bậc nhất của dân tộc là chống Tây (Pháp đô hộ nước ta), ông lại không ngớt lời ngợi ca kỹ thuật phương Tây là “kì diệu”, trong lúc một số sỹ phu, vua chúa nhà Nguyễn gọi nó là “dâm xảo”. Vì thế cụ Đặng đã không tránh khỏi búa rìu dư luận là tuyên truyền cho “kẻ thù”, làm phương hại đến nghĩa khí chống ngoại xâm của dân tộc. Nhân việc này, làm ta nhớ lại sự kiện về “cây đèn treo ngược”, của phái bộ nhà Nguyễn dưới thời vua Tự Đức, do ông Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ và Nguỵ Khắc Điền dẫn đầu sang công cán ở Pháp, khi về kể lại cho đám quần thần nghe, mọi người đều phá lên cười. May mà Tự Đức chưa hạ lệnh tống giam vì tội khi quân.

Để giải thích cho việc làm của mình, trong bài quảng cáo Đặng Huy Trứ  viết: “Mong làm tan sự nghi ngờ của những người chưa hiểu rõ, lại xin nói thêm về ngề chụp ảnh từ đâu mà ra.

Đầu tiên là người nước Anh1)  chứ không phải là đồng đẳng của bọn Pháp, sau truyền vào nước Thanh (Trung Quốc) là nước có bang giao với nước Đại Việt ta. Vốn đầu đuôi là như vậy, vả chăng há lại vì giận cá mà chém thớt sao? sự thực là như vậy­­­­­­­­­­­­ ”.

Việc đưa kỹ thuật nhiếp ảnh nói riêng và các kỹ thuật khác của phương Tây vào nước ta trong bối cảnh xã hội phong kiến lạc hậu, dân trí chưa mở mang, kể cả vua quan, sỹ phu lúc bấy giờ mới thấy được ý nghĩa lớn lao, sự dũng cảm về việc làm này của Đặng Huy Trứ. Nay nhìn lại lịch sử thời Đặng Huy Trứ, ta không khỏi buồn cười về sự hiểu biết nông cạn, bảo thủ của tầng lớp vua chúa và càng thông cảm cho cái khó khăn  cũng như dũng khí  của cụ Đặng và những nhà canh tân khác. Nhân đây, xin trích dẫn sách “Đại Nam thực lục”, tập XXVI trang 250 – 258, ghi lại sự kiện  sau đây, để thấy sự hiểu biết của vua tôi nhà Nguyễn, người cầm vận mệnh quốc gia: “Năm 1847, sau vụ hai chiếc tàu chiến của quân Pháp vào Đà Nẵng đánh chìm 5 chiếc thuyền đồng của ta, làm 40 người chết, 90 người bị thương, 104 thuyền viên mất tích. Trước sự kiện đó, vua Thiệu Trị nhận định về nước Pháp như sau: Tây phương vốn không phải là một nước. Thí dụ nước Pháp từ trước đến nay chưa hề nghe thấy tên, không phải từ quốc vương lập ra, hiệu cờ cũng là mới chế, hay chúng lập từ bộ lạc”.

Thiệu Trị còn nói thêm: “Máy móc của người phương Tây, khéo thì khéo thật, nhưng là dâm xảo làm mất chí người”.

Cụ Đặng đưa kỹ thuật nhiếp ảnh vào Việt Nam trong hoàn cảnh như vậy là một việc làm táo tợn, làm đảo lộn mọi suy nghĩ của con người thời bấy giờ, may mà cụ không bị quy tội khi quân.

Ở đây Đặng Huy Trứ có sự nhầm lẫn rằng người Anh (Fox Talbot), người phát minh ra nhiếp ảnh, thực tế là Daguerre, người Pháp phát minh và được công bố vào ngày19/8/1839. Nhưng cũng có thể để làm dụi đi cơn thịnh nộ đối với thực dân Pháp, cụ nói lái sang là của người Anh?

Cụ Đặng Huy Trứ không chỉ có ý mở hiệu ảnh ở Hà Nội, mà còn có tham vọng phát triển hiệu ảnh ra khắp cả nước, nhưng trước hết là ở Huế, để cho các bậc quân vương thấy, nhằm tranh thủ sự đồng tình của các bậc đại sỹ phu trong triều dưới danh nghĩa kỹ thuật nhiếp ảnh phục vụ cho đạo hiếu. Mong muốn này của Đặng Huy Trứ thể hiện rõ trong sự việc sau:

Năm 1867, một phái đoàn của Vương triều Nguyễn được cử sang Pháp  mua dụng cụ máy móc. Trong đoàn có Nguyễn Tăng Doãn, một vị quan cao cấp của triều đình, đã từng tháp tùng với Đặng Huy Trứ sang Quảng Đông, Trung Quốc, và đã tiếp xúc với nhiếp ảnh, ông đã xin mua dụng cụ về ảnh (có lẽ theo gợi ý của cụ Đặng). Nhưng lời tâu này đã bị Sở Thương bạc  bác bỏ.

Quan điểm chụp ảnh của Đặng Huy Trứ lúc bấy giờ cũng rất hiện đại, khi nói về chụp ảnh chân dung: không chỉ thể hiện giống hình hài, mà còn nói lên được nội tâm của nhân vật, cụ viết: “Xưa nay không ai tái sinh được xương thịt. Tuy ứng theo lòng, chụp ảnh tái hiện được tinh thần”. Qua đoạn trích ở trên cho thấy: Đặng Huy Trứ quan niệm rằng ảnh chân dung không chỉ giống diện mạo mà còn nói lên được nỗi lòng (tái hiện  được tinh thần) của nhân vật ở thời điểm chụp. Đây là quan điểm hiện đại về ảnh chân dung mà bất cứ ai muốn thể hiện được bức chân dung tốt, trước hết phải lột tả được linh hồn của nhân vật. Nói cách khác ghi lại được khoảnh khắc có sức biểu hiện cao nhất của đối tượng.

Tên hiệu ảnh Cảm Hiếu đường của cụ Đặng cũng nhằm nhấn mạnh về đạo lý của nhà Nho, (lấy chữ hiếu làm đầu) chứ không đề cập về kỹ thuật tiên tiến của nhiếp ảnh, lại nữa thể hiện trong lời quảng cáo: Nhờ tấm ảnh mà con cháu muôn đời lưu giữ được hình ảnh của các bậc tiền nhân để giữ trọn chữ hiếu.

Cách giải thích của cụ Đặng cho ta một ý niệm về giá trị lịch sử của bức ảnh. Bởi những tấm ảnh mang đến cho người xem khả năng nhận thức được những hiện thực của quá khứ một cách khách quan, khiến cho người xem tin tưởng sự hiện diện của quá khứ là có thật. Đó là sức mạnh tính tài liệu của ảnh.

Nhưng đáng tiếc cho đến nay chưa có một tài liệu nào cho biết hiệu ảnh Cảm Hiếu đường tồn tại được bao lâu, số người làm việc ở hiệu ảnh này? và cũng không còn một bức ảnh nào lưu lại cho hậu thế. Phải chăng vì Đặng Huy Trứ là một người giương cao ngọn cờ chống thực dân Pháp? Bị người pháp trả thù cho thu hồi, đốt  tất cả những tư liệu của hiệu ảnh này, để không còn ảnh hưởng của cụ Đặng? Một nghi vấn lớn, mong  được các nhà nghiên cứu lịch sử nhiếp ảnh sớm tìm ra./.

Tài liệu tham khảo:
- Những nhà nhiếp ảnh nổi tiếng của thế giới và Việt Nam, trang 111-117  (Trần Mạnh Thường, NXB Văn hoá, 2007).
- Sách Đại Nam thực lục, tập XXV.
- Đặng Huy Trứ và hiệu ảnh đầu tiên của nước ta hiệu Cảm Hiếu đường, Phạm Tuấn Khánh (nhóm Trà Lĩnh).

(vapa.org.vn)