Diệp Vy - Người đàn bà gánh gió trong Cõi người

24.07.2015

Diệp Vy - Người đàn bà gánh gió trong Cõi người

Từ xưa đến nay, số phận người phụ nữ thường gặp nhiều đa đoan bất trắc trong cuộc đời, trong cuộc tình. Văn chương đã có không biết bao nhiêu tác phẩm phản ánh niềm đau thương đó. Đất nước chúng ta cũng trải qua bao cuộc chiến tranh, bao người vợ  tiễn chồng đi nhưng có khi không đón được chồng về, những cuộc tình chia ly không có ngày đoàn tụ… Cái đau đớn, cô đơn, tuyệt vọng nhưng không  hề oán trách, không than vãn, phẩm chất tốt đẹp như một ánh lửa ấm áp lòng người dẫu là mùa đông hay cơn mưa dầm. Tôi đọc thơ Diệp Vy trong sự ấm áp ấy.   

Tập thơ “Cõi người” (Nxb Văn Hóa Dân Tộc năm 2015) với bìa trình bày khá đơn giản nhưng cách phối màu lại phù hợp với  hồn của tập thơ, khổ 13x19 cm. Bốn mươi lăm bài thơ. Bài thơ mà tôi ấn tượng nhất là “Người đàn bà gánh gió”(trang 49). Đọc xong bài thơ tôi tự hỏi Gió thênh thang, gió lồng lộng… làm sao mà gánh đây?

 

           “Người đàn bà gánh gió

            Đi trong vạt nắng chiều

            Chiếc bóng đổ dài theo bước chân vội vã

            Đếm cô đơn…”

          

Chỉ bốn câu thơ thôi, Diệp Vy đã khắc họa được tâm trạng rối bời của  người phụ nữ cô đơn, “Gánh gió” là chuyện ảo tưởng, số phận sao mà mỏng manh vậy? Sao mà nhỏ nhoi quá! vạt nắng mà lại là “vạt nắng chiều”. Nỗi đau xót của nếp thời gian gấp nhanh, gấp nhanh trên những bước chân vội vã. Chị bước nhanh để đếm cho hết chặng đường lẻ loi hy vọng tìm ra một ban mai hạnh phúc.

      

Người đàn bà đã có một thời thanh xuân tươi đẹp, rực rỡ như một bông hồng buổi sớm, long lanh như giọt sương đầu ngày:

 

              “…Cô gái xuân nghiêng mình đỏng đảnh

              Một làn hương thơm ngát bên thềm

              Vòm ngực trẻ tròn căng sức sống

              Rộn ràng vui nắng lục bình yên,

              … Em thanh thản níu mùa xuân ở lại

              Cuộc đời đẹp như nắng ban mai”.

 

                             (Mùa rụng - trang 47)

         

Bạn yêu thơ như nghe thấy tiếng cười dòn tan đâu đây, một ánh mắt trong trẻo tươi sáng chưa đượm gợn buồn, một cô bé hồn nhiên  như chồi non xanh biếc, ngời ngời sức trẻ: “…Em khoe tuổi mới/Ngọc ngà chớm sang…/ Nụ cười răng khểnh/ Tươi giòn dễ thương…” Và cô bé ấy đã gặp một tình yêu “Người dưng khác họ/tình cờ… nhớ nhau” (Tháng Giêng – trang 62). Tình cờ  nhưng lại nhớ nhau. Ai cũng có một thời để yêu thương, để rung động, để nhớ nhau. Câu thơ này làm tôi nhớ đến nỗi nhớ của nhà thơ nữ miền Tây Đinh Thị Thu Vân. Cái nhớ của tình yêu sao mà tuyệt vời mê đắm đến như vậy: 

 

                                       “… nhớ quá
                                      nhớ như sắp được hôn người!

                                      nhớ vỡ trái tim rồi
                                      cả người em chỉ toàn nước mắt!....”

 

                                               (Nhớ - Đinh Thị Thu Vân)

   

Sao tôi thèm nỗi nhớ này quá, nỗi nhớ của người đang yêu, được yêu, được nhớ khi gặp nhau rồi lại xa nhau:

 

                           “Lần đầu gặp nhau giữa lòng thành phố

                            Xôn xao mắt nhìn cháy lửa yêu thương,

                            … Vòng xe quay cuốn em vào nỗi nhớ

                            Bờ vai nghiêng che khuất một khoảng trời

                            Em không biết sao bờ mi mộng ướt…?”

 

                                       (Bất chợt Sài Gòn - trang 87)

 

Những “bất chợt” những “tình cờ” sao mà đẹp vậy? Dạt dào bao cảm xúc làm "Run rẩy trái tim thơ” của nhà thơ nũ miển cao nguyên này. Một Diệp Vy dịu dàng thuần khiết, hồn nhiên đón mùa sang, biết chớm buồn khi mùa rụng, bạn yêu thơ còn bắt gặp một Diệp Vy nồng nàn: “… Người đàn bà đã một thời yêu cuồng vội/Trái tim rơi/ Vụn vỡ /Những ngọn gió hoang/Vuốt ve bờ ngực như muốn bật tung hàng nút áo/Một thời cháy bỏng đam mê…” (Người đàn bà gánh gió” (trang 49).

   

Nhà thơ Hồ Dzếnh đã viết “Tình mất vui khi đã vẹn câu thề/ Đời chỉ đẹp khi còn dang dở”(Ngập ngừng – Hồ Dzếnh). Từ xưa nay thi nhân viết những bài thơ  về tình yêu dang dở bao giờ cũng hay, cũng đi vào lòng người nỗi tha thiế, rưng rưng. Nhà thơ Diệp Vy rất thành công khi chính bản thân trải nghiệm từng cuộc tình đi qua tuy nhẹ nhàng nhưng lại rất xót xa: ”Dã quỳ khoác áo/Tương tư/Tiễn người rớt vội câu thơ/Giữa chừng…” (Tiễn bước cỏ hoa - trang 17). Thương quá trái tim nhỏ bé mong manh cố nén đau:

 

                     “Nghiêng đời

                      Đổ xuống dòng sông

                      Trút cho cạn hết

                      Ngọn nguồn nỗi đau…”

 

Con đường tình sao gập ghềnh vậy, hạnh phúc không dễ tìm đành phải châp nhận: “Con chim thì ở trên rừng/Cá lội với nước/Người dưng… thôi thì” (Chơi vơi - trang 28). “Thôi thì” nghe sao mà đứt ruột vậy hả Vy! Đâu mất rồi hình ảnh một cô bé dễ thương, em bây giờ như con chim bị thương thấy cây cung đã sợ. người đàn ông như con ngựa bất kham, cứ đường xa chưa muốn dừng chân. Bằng trái tim tràn đầy yêu thương nhà thơ tự an ủi: “…Đành thôi… đứng giữ lưng chừng/ Dõi trông bóng ngựa mịt mùng chốn xa”. Thương quá Diệp Vy ơi!, thương quá hình ảnh người “Người đàn bà/ Im lặng bước/ Dõi hồn mình về chốn xa xăm.”. Thương quá câu khơ khắc chạm hình ảnh me, cha, hình ảnh người góa phụ chờ chồng vá áo trong đêm… Trái tim nhân hậu của Vy cứ rưng rưng trước bao số phận, bao cuộc đời, bao vùng đất đi qua có vui, có buồn, có đau đớn tuyệt vọng nhưng rồi nhà thơ: Gượng đau/ Đứng dây/ Nơi đây/ than nhiên đối mặt/ Vòng xoay/ Cõi người… (Cõi người – trang 7). Đọc thơ Diệp Vy bạn yêu thơ có thể lắng lại lòng mình, suy ngẫm về cuộc đời:

 

                     Ừ thôi… một giấc mộng hờ

                     Chắt chiu kỷ niệm… dại khờ… trót trao”

 

                              (Mộng khúc – trang 46)

        

Sinh thời nhà thơ Phùng Quán đã viết “Có những lúc ngã lòng/Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Còn Diệp Vy cũng đã biết cõi người là một giấc mộng hờ, nên cuối cùng nhà thơ đã chọn: “Ta về giữa cuộc phù sinh/Ẩn thân tìm lại …bóng mình với thơ”. Tôi hy vọng qua cuộc “Ẩn thân…” này Vy sẽ có thêm những vần thơ “hoa lá tươi màu, tơ vàng óng ánh” để tặng bạn yêu thơ.

Cần Thơ, ngày 15 tháng 7 năm 2015

Trúc Linh Lan
(http://nhavantphcm.com.vn)