Dương Hằng & Miền cát trắng mù sương

22.06.2015

Dương Hằng & Miền cát trắng mù sương

Tập truyện ngắn đầu tay Miền cát trắng mù sương của Dương Hằng vừa ra mắt. Thật ngạc nhiên, cô sinh viên trường Đại học Ngoại thương Hà Nội tuổi tròn hai mươi lại viết già dặn đến vậy.

Tra vào mạng, thấy truyện ngắn của cô in rải rác các báo: Áo Trắng, Tiền Phong, Phụ Nữ TP.HCM, Thanh Niên Tuần San… Thì ra, Dương Hằng vốn là học sinh chuyên văn, có truyện đăng báo từ thời còn học phổ thông trung học.

 

Rời vùng quê Triệu Sơn, Thanh Hóa lên Hà Nội, Dương Hằng viết báo viết truyện trang trải học hành và nuôi niềm say mê văn chương. Sống giữa thủ đô hoa lệ nhưng cô lại viết nhiều về đồng quê. Dương Hằng bảo từ nhỏ đã trọ học xa, những ngày nghỉ cuối tuần mới về thăm nhà, cô thêm yêu ao bèo gốc rạ miền thôn dã. Trong hầu hết các truyện ngắn, Dương Hằng dùng từ ngữ bình dị đời thường rất tự nhiên. Cô có tài quan sát và tâm hồn nhạy cảm, nhặt nhạnh chuyện đồng quê cho miền cát trắng của mình.

 

 

Miền cát trắng mù sương hiện ra một vùng đất, người quê lam lũ chân chất sống có nghĩa có tình. Với người dân quê thì nợ người không lo bằng nợ đời. Nghĩa tử nghĩa tận, bà Mão mang hai nải chuối tiêu đến thắp nhang lên bàn thờ kẻ trộm bọc tiền của mình (Hai người đàn bà). Chuyện ở quê, chuyện buồn đôi khi phải bật cười còn chuyện vui lắm lúc lại ngậm ngùi. Vùng quê quan niệm có con nối dõi vẫn còn coi trọng. Từ đó xảy ra bao biến cố trong gia đình khi người phụ nữ không sinh được con, bất hạnh thường đến với họ. Tác giả cảm thông và ước mơ thay đổi quan niệm ấy và giải thoát cho người phụ nữ quê mình.

 

Dương Hằng thường xây dựng truyện mình theo quy luật nhân quả. Những kẻ toan tính trong tình yêu không bao giờ có hạnh phúc viên mãn. Oan gia ngõ hẹp, cuối cùng đứa con trai lại gặp đúng cô gái mà người bố đã “nhún nhẩy” cho cô phải làm mẹ khi còn là trẻ vị thành niên (Màu hoa đã rụng).

 

Một cô gái sống nội tâm dù cố gắng nhưng không vượt qua được lời nguyền do người phụ nữ trầm mình đúng vào ngày có kinh nên gái trong làng ế chỏng chơ (Mô đất xanh rờn). Đó là chuyện người cô ruột đuổi đứa cháu gái thân yêu để quyết giành miếng đất hương hỏa. Chuyện mẹ chồng cố tình mắng chửi nàng dâu cho nàng dâu bỏ đi nhưng vô tác dụng do nàng dâu đã biết chồng mình vô sinh từ trước (Qua mùa hoa nở).

 

Ở miền quê, bên cạnh người tốt vẫn còn có kẻ xấu, bạc bẽo, nhẫn tâm. Họa vô đơn chí, người phụ nữ dành dụm tiền chữa trị chân tật nguyền cho con bị người chồng hờ lấy trộm. Không những trộm tiền ông ta còn để lại thêm một mầm sống, gánh nặng cho người phụ nữ. Người chị tật nguyền không vì thế mà không thương đứa em cùng mẹ khác cha (Ngõ dốc). Cỏ dại dễ lấn át lúa non. Cái xấu bởi ta dung túng mà ra. Tác giả nói về cái xấu để ta so sánh, để đề phòng, không cho cái xấu cái ác có điều kiện nảy nở sinh sôi.

 

Dương Hằng có cái nhìn cởi mở nhưng rất nhân hậu. Nhân vật nữ trong truyện thường có tình cảm phức tạp, đa đoan. Những người đứt gánh giữa đường luôn tìm được sự đồng cảm đến bến đỗ mới. Tác giả để những người phụ nữ không may mắn trong hôn nhân đi thêm bước nữa rất nhẹ nhàng, họ có quyền đi tìm hạnh phúc mới cho mình. Hôn nhân là nơi tình yêu thăng hoa nhưng cũng có thể là nấm mồ chôn hạnh phúc. “Chị đến với lão, đơn giản như hai tấc lòng rạn nhiều vết xước nương vào nhau để bớt cô đơn” (Màu hoa đã rụng). Dù mới ngoài đôi mươi hay lúc đã có con cháu đuề huề thì tình yêu, tình cảm lứa đôi không thể nào thiếu. Chuyện ông nội phải nhờ đứa cháu còn nghịch cát viết và gửi dùm thư tình là vậy (Tình già).

 

Miền cát trắng mù sương không chú tâm bắt độc giả đi tìm cốt truyện. Ở đó là cảm xúc dạt dào, cách kể chuyện bằng cảm xúc thao thiết dẫn dắt, rất có văn. Câu chuyện mượt mà lôi cuốn, vốn sống ngồn ngộn và cách kể chuyện tự nhiên nhẹ nhàng. Những câu chửi của phụ nữ quê rất đắt. Chuyện đồng quê với những chi tiết thú vị và cái kết bất ngờ mang tính kịch. Dương Hằng rất khéo tạo tính kịch, thắt mở nút đúng lúc, điều cần thiết để tạo nên truyện ngắn hay.

 

Dương Hằng tự bạch: “Còn trẻ và trải nghiệm ít nên phần nhiều tôi viết truyện ngắn bằng sự tưởng tượng. Riêng tính cách nhân vật tôi thường nhặt từ đời thường ở nông thôn quê mình”. Giữa ồn ào sôi động của tuổi trẻ trong thời đại số, Dương Hằng lại cần mẫn với con chữ quả là đáng quý.

Quế Sơn
(http://nhavantphcm.com.vn)