Đường trần muôn nẻo

04.10.2021
Vũ Tuyết Mây
Nhập nhoạng tối. Sư trụ trì lúi húi soát lại các thứ cúng dâng trên các ban thờ, tối nay nhà chùa mở khóa lễ cho các già trong thị trấn. Bỗng ngoài cổng có tiếng chuông vội vã, nhà sư giật mình bước ra cửa. Tiểu Thiết từ ngoài vào thưa, có ông khách xin gặp sư trụ trì, ông ta đang chờ dưới sân. Sư trụ trì giao lại công việc đèn nến cho tiểu Thiết, rồi thong thả bước xuống thềm đón khách.

Đường trần muôn nẻo

Minh họa của VŨ ĐÌNH TUẤN

Dưới ánh điện vàng, một người đàn ông đã luống tuổi, thấp đậm, nước da xám chì, hai con mắt bàng bạc ẩn trú dưới hàng lông mày rậm, chập ríu hai đầu, nhưng cái nhìn lại phát ra tia sáng lạnh. Lạ quá. Người này ta nhìn như quen quen đâu đó, mà lại như mới gặp lần đầu? Nhà sư chầm chậm lục tìm trong trí nhớ.

- A di đà phật. Xin chào nhà chùa ạ - Người đàn ông mỉm cười lên tiếng, vẻ cao ngạo.

- A di đà phật - Sư trụ trì đáp lễ bằng thái độ ân cần nhưng thận trọng - Bác lên chùa chiêm bái Đức Phật, hay còn có điều gì cần nhà chùa giúp đỡ?

Người đàn ông lại khẽ nhếch miệng cười, mắt chiếu thẳng vào mắt sư trụ trì:

- A di đà phật. Nhà chùa không nhớ tôi sao, tôi ở ngay sát tường rào với nhà chùa, lại từng đến lễ Phật ở nhà chùa một đôi lần, vả lại cả cái thị trấn này ai cũng biết, tôi là chủ quán hát lớn nhất của cái vùng này…

Sư trụ trì nhướng cặp lông mày, mở to mắt nhìn ông khách, rồi khẽ gật đầu xác nhận:

- Mô Phật. Xin thứ lỗi, tôi đãng trí quá. Quả là bác cũng đã từng sang dâng lễ, và tôi cũng đã có một đôi lần tiếp chuyện bác, vậy mấy năm nay gia đình bác bên ấy làm ăn có khấm khá không?

Lần này ông chủ quán hát cười rộng miệng hơn:

- Vậy là nhà chùa đã nhận ra tôi rồi đấy. Cũng phải thú thật, công việc kinh doanh bấn búi quá, việc nhà đều giao cả cho mẹ các cháu, hôm nay tôi mới có thời gian sang dâng lễ nhà chùa, có gì không phải, mong trụ trì đại xá cho ạ!

- Mô Phật - Sư trụ trì khiêm tốn - Bác nói vậy tôi ngại quá. Chỗ hàng xóm mà tôi cũng chưa sang thăm gia đình bác. Bây giờ mời bác vào phòng khách dùng chén trà cho ấm, để nhà chùa được tiếp chuyện bác.

Sau khi nhấp một ngụm trà cho phải phép, ông chủ quán hát rút từ trong túi áo khoác lông to sụ một gói khá dày, bọc trong giấy bóng, lộ ra toàn tờ năm trăm ngàn đồng, loại tiền có mệnh giá lớn nhất bây giờ, đặt lên bàn rồi trịnh trọng:

- Thưa cụ! Chẳng giấu gì cụ, mấy năm nay, nhờ có Đức Phật độ trì, công việc làm ăn của gia đình chúng tôi cũng khá. Vì thế hôm nay tôi sang cung tiến nhà chùa chút lễ mọn, gọi là một chút lộc trần, mong Đức Phật và các vị thần linh cai quản vùng đất này chứng giám lòng thành, trước là gia đình tôi xin dâng cúng để trả cái ơn che chở, độ trì của của Đức Phật cùng các vị thần linh, sau là giúp nhà chùa có chút kinh phí để mua sắm đèn hương, hoa lễ dâng cúng, còn lại thì ban phát cái ăn, cái mặc cho những người đang gặp khó khăn, dịch bệnh trong địa hạt này ạ!

Sư trụ trì nhìn bọc tiền dày cộp, xanh lét trên mặt bàn thoáng giật mình. Gần ba chục năm trụ trì, chưa bao giờ có ai ở cái xứ nghèo này lại cúng dâng nhà chùa cả một bọc tiền. Chưa biết nói lời nào để không phải nhận món tiền kia, mà lại không làm phật lòng ông chủ quán hát, thì ông chủ quán đã lên tiếng:

- Xin nhà chùa nhận cho ạ! Số tiền nhỏ này chúng tôi đã kiếm được năm qua, nếu nhà chùa không nhận thì chẳng khác nào… khinh mạn những đồng tiền cùng với tấm chân tình của gia đình chúng tôi, và như thế khác nào Đức Phật chối bỏ một hương tử thành tâm ngưỡng mộ Ngài. Lại nữa, cái sự làm ăn của gia đình chúng tôi từ nay chẳng còn biết nương tựa nơi nao.

Chuyện cúng biếu và ngại ngùng cứ qua lại giữa hai bên, bất quá, sư trụ trì đành chấp nhận tấm lòng thành của ông chủ quán hát:

- Thôi được. Thí chủ đã thành tâm đến vậy thì nhà chùa cũng không thể phụ lòng. Vậy tôi xin thay mặt chúng dân trong thị trấn, ghi nhận công đức của gia đình bác. Nhưng nhà chùa cũng xin có đôi lời khuyến cáo, ở đây dân chúng đa số còn nghèo, hương tử đến với nhà chùa cốt là ở cái tâm, nhắm tới cái thiện là đã đến được đường tu rồi. Lần sau thí chủ sang chùa, không cần mang nhiều lễ vật thế này, kẻo mà nhà chùa thêm khó nghĩ.

Nghe đến đây, ông chủ quán hát cười lớn:

- Món tiền này đối với tôi, chỉ cần một ngày đêm là đã có dư, mà một năm có những ba trăm sáu mươi lăm ngày cơ ạ, vì thế nhà chùa không cần phải phân vân. 

Giữa lúc ông chủ quán hát đang sôi nổi với câu chuyện làm ăn của gia đình, thì bỗng nhiên vẻ mặt ông chùng xuống, ông ta đưa tay lên gãi gãi mang tai sồn sột rồi xuống giọng thỉnh cầu:

- Thưa cụ. Hôm nay tôi sang đây, ngoài việc công đức, còn muốn thưa với nhà chùa một việc, có chỗ nào không phải, mong nhà chùa đại ân, đại xá cho ạ!

Sư trụ trì có vẻ hơi chột dạ trước sự xuống giọng đường đột của ông chủ quán hát, nhưng cũng lấy giọng khích lệ:

- Chỗ hàng xóm, bác cần gì cứ nói thẳng vào việc, có thể làm được nhà chùa sẽ hết lòng.

Ông chủ quán hát nhấp thêm một ngụm trà rồi nói liền một mạch:

- Dạ thưa! Nhà chùa đã cho phép tôi xin nói ạ. Chuyện là mùa xuân này, thằng con trai cả của tôi đã bước sang tuổi hai mươi, chúng tôi sẽ dựng vợ cho nó.

- Tốt quá rồi bác còn lo điều gì?

- Vì thế, tôi mới sang đây nhờ nhà chùa tìm cho chúng tôi một ngày vừa đẹp nhất của tháng, lại vừa đẹp nhất cả năm, rồi lại chọn giờ tốt, phút tốt mà chỉ riêng thằng con trai tôi có được, thiên hạ không ai có được cái giờ vàng ấy, để sau này…

Sư trụ trì hơi sửng sốt, trong đầu bỗng trào lên một nỗi thương cảm cho con người, vì quá tham lam mà đâm ra mộng mị. Ngày tốt thì dưới bầu trời này đâu đâu cũng như nhau, ai có thể độc chiếm được làm của riêng mình? Nếu trần gian nhiều người có lối nghĩ thế này thì thật đáng lo ngại cho chúng sinh quá. Mải nghĩ ngợi, sư trụ trì quên hẳn ông chủ quán hát đang sốt ruột chờ chủ ý của nhà sư.

- Nhà chùa có hiểu ý tôi không ạ!

 Ông chủ quán hát khẽ khàng lên tiếng, phá bầu không khí yên lặng và cắt ngang dòng suy nghĩ của nhà sư. Người tỉnh hẳn, lúng túng giấu một nỗi buồn sâu thẳm.

- Ngày tốt lành đến thì phải đến với mọi nơi chứ bác, như mặt trời đã mọc, thì ánh sáng ắt phải tỏa khắp dương gian, sao ai có thể che được mặt trời… Sư trụ trì cố gắng giảng giải để ông chủ quán hát biết được quy luật của thời gian, của sự sống - Nếu bác muốn lấy cho riêng cậu chủ một giờ đẹp, thì tôi chỉ có một cách, tôi sẽ chọn cho bác một ngày, trong ngày ấy, bác tự thấy lúc nào trong lòng nhẹ nhõm, thư thái và hứng khởi nhất, thì đấy chính là giờ tốt lành, bác hãy thực hiện nghi lễ cho cậu chủ, bởi Đức Phật có ở mọi lúc, mọi nơi, chỉ có trong tâm của mình có Người hay không mà thôi.

Ông chủ quán hát hăm hở:

- Vậy là thằng con trai của tôi sau này sẽ giàu có hơn cả tôi phải không, và nó sẽ làm ông chủ của cả cái vùng đất này, đúng không ạ?

Sư trụ trì thong thả:

- Mô Phật, việc đời, nhà chùa cũng chỉ biết đến đây thôi.

*

Năm sau, lại đúng vào ngày đông giá, ông chủ quán hát lại gọi cổng. Lần này lễ lạt còn đậm hơn. Ông chủ quán hát cũng không còn khách sáo như lần trước, ông ta vào thẳng câu chuyện, bởi đã là chỗ thân tình:

- Hôm nay tôi sang đây trước là để báo tin vui của gia đình tôi với nhà chùa, sau lại có việc, mong nhà chùa nhìn xuống mà nâng đỡ chúng tôi. Năm qua gia đình tôi đón được hai cái vui, một là công việc làm ăn thì thuận buồm xuôi gió, hai là thằng con trai của tôi nó đã sinh hạ cho tôi một thằng cháu đích tôn. Trời ạ, tôi đã có thêm một đời nữa nối dõi cái quán hát này rồi, thật là nhị hỉ lâm môn, phải không ạ?

Sư trụ trì nắm hai bàn hai tay vào nhau đưa ra ngang ngực, giọng vẫn giữ chừng mực:

- Đại phúc, đại phúc. Được của được người. Đúng là đại phúc. Chúc mừng gia đình bác nhé!

Ông chủ quán hát ngập ngừng đôi phút rồi đi đến quả quyết:

- Vâng! Đúng vậy, thưa cụ. Bây giờ tôi nói sang điều thứ hai, xin cụ cho phép để tôi được bày tỏ lòng mình.

- Bác cứ tự nhiên đi - Sư trụ trì khích lệ:

Một thoáng ngập ngừng, ông chủ quán hát quả quyết:

- Vậy thì cụ cho phép tôi đi vào thẳng vấn đề. Chuyện là… tôi muốn nhà chùa hãy chuyển nhượng cho tôi toàn bộ cái khuôn viên của chùa này, tôi sẽ trả đủ số tiền để nhà chùa tìm một đám đất khác để xây cất một ngôi chùa mới to đẹp hơn. Tôi cũng cấp đủ số tiền để nhà chùa mua sắm, sơn tô lại toàn bộ tượng phật, ban bệ, đồ tế lễ và các thứ dùng cho việc cúng dâng. Tóm lại, tôi xin trang trải không thiếu một li, chỉ cần nhà chùa cho tôi một cơ hội!

Bất ngờ, lồng ngực của sư trụ trì như có ai nện cho một nhát, nhức buốt. Nhiều phút đồng hồ trôi qua, cụ cứ ngồi im như pho tượng, mắt trân trân nhìn ông chủ quán hát, như ông đang quan sát vật gì đấy lạ lẫm, bất ngờ xuất hiện trước mắt, rồi trong lòng lại trào lên một nỗi xót thương, về một con người u mê đến độ không còn biết trời cao, đất dày là thế nào.

Khi đã tiết chế được cảm xúc, sư trụ trì mới lựa lời để tìm hiểu cái căn nguyên khiến ông chủ quán hát lại nảy sinh cái ý nghĩ rồ dại đến vậy:

- Bác bảo tiền nhà bác tiêu không hết, cơ ngơi nhà bác lại to lớn gấp cả chục lần các gia đình xung quanh, vậy mà bác vẫn còn định mở rộng nữa sao?

Ông chủ quán hát cười như nấc, ánh mắt toát lên vẻ kiêu hãnh cao ngút. Bây giờ ông chủ quán hát cảm thấy chẳng còn phải e dè với nhà sư nữa:

- Thưa cụ, tiền của đối với những người kinh doanh không bao giờ là cùng tận. Tôi đã tính kỹ rồi, nếu sát nhập mảnh đất nhà chùa vào với mảnh đất của gia đình tôi thì cả cái thị trấn này không còn ai hơn tôi được nữa. Có mảnh đất này, tôi sẽ thực hiện được giấc mơ làm ông chủ của một chuỗi cửa hàng liền kề, một khi khách đã bước chân vào đây, thì không thể không mở hầu bao. Con người ta khi đói phải ăn, khi khát phải uống, còn khi cái bụng đã no rồi thì lại muốn vui chơi, chơi mệt rồi thì phải nghỉ… cái guồng máy này cứ chạy đều mỗi ngày, chỉ đến khi con người ta tận thế thì mới hết nhu cầu ăn và chơi. Và như thế, cả cái thị trấn này sẽ nằm lọt trong một bàn tay tôi.

- Bác tính giỏi quá - Nhà sư tiếp lời.

- Vâng! Chỉ có điều hiện giờ, hàng ngàn mét vuông đất vàng, chỉ có mỗi ngôi chùa cũ nát, cùng vài trăm con người già nua, nghèo kiết, chẳng biết làm gì, đến đây chỉ để đọc vài bài kinh vu vơ, vài câu chuyện vô bổ, chẳng mang lại chút giá trị nào về kinh tế, đời sống. Thật là lãng phí, thật là đáng tiếc - Càng nói, giọng ông chủ quán hát càng dồn dập - Còn về đường tu, tôi dám nói với nhà chùa rằng, đã tu thì tu ở đâu mà chẳng được. Chùa đặt ở đâu mà chẳng được. Ngài Phật tổ chẳng đã chỉ ngồi dưới gốc cây bồ đề mà tu luyện được đến đắc đạo đó sao. Tôi nói như vậy có đúng với tinh thần của giáo lý nhà Phật không thưa nhà chùa!

Dù đã nắm chặt chữ nhẫn, vậy mà hai bên tai sư trụ trì cứ mỗi lúc một nóng lên, nghe đến những câu nói về cuối của ông chủ quán hát, thì hai tai nhà sư bốc cháy ngùn ngụt, thiết tưởng, chỉ cần xòe vào đấy một que diêm, chắc hai lỗ tai của Ngài sẽ cháy lên hai ngọn đuốc. Không còn đủ kiên nhẫn để nghe thêm lời nào nữa, sư trụ trì cắt lời ông chủ quán hát:

- Chẳng lẽ bác không một chút xót thương những người nghèo khổ hay sao?

Hiểu được câu nói đầy ẩn ý của sư trụ trì, mặt ông chủ quán hát sậm lại, hai hàng lông mày rậm rịt, chập ríu vào nhau, hai con mắt nhìn chòng chọc, trông thật dữ dằn: 

- Thưa nhà chùa. Nếu nói đến khốn khó thì chắc gì đã có ai như tôi - Ông chủ quán trầm ngâm một thoáng, bỗng cất giọng rầu rầu - Tôi được sinh ra thì cha tôi đã bỏ đi biệt xứ. Tôi sống lay lắt cùng người mẹ làm nghề buôn bán mớ rau, quả cà. Lúc tôi còn nhỏ, mỗi ngày từ tinh mơ, mẹ đã quấn tôi trong mớ tã lót, để nằm một mình trong gian nhà tối om. Bà vào làng đón mua từ mớ ốc, mớ cua, nải chuối đem ra chợ kiếm đồng lời. Chín mười tuổi tôi theo mẹ ra chợ thu nhặt túi ni lông, vỏ chai bán cho người thu mua đồ phế thải. Mười ba tuổi tôi đi theo những người thợ xây trong làng xách vữa. Một ngày, cái cánh đồng úng ngập, quanh năm rều váng lều phều của làng, biến thành khu công nghiệp. Người các nơi theo chân những người công nhân đổ về đây kiếm sống. Tôi học được cách sống của đám người ăn theo vết chân người làm công nhân, tôi cũng đem đến cho họ cái mộng giàu sang ở phía sau những con số vu vơ. Ngày lại ngày, tôi bất chấp hôm nay nhà ai mất nhà cửa, nhà ai phải ly tán, tôi cứ thản nhiên hốt đến cùng kiệt những đồng tiền trong túi bọn họ, để trả thù những nỗi cay cực đã giáng lên cuộc đời của mẹ con tôi, trả thù cái mảnh đất sinh ra tôi, rồi bỏ mặc tôi trong phận nghèo hèn, trả thù cả con người bội bạc đã sinh ra tôi rồi bỏ tôi trong xó tối nhày nhụa, mà đi tìm lạc thú tận đâu đâu.

Đến đây thì giọng ông ta trở nên hậm hực:

- Tôi phải kiếm thật nhiều tiền, để trả thù cuộc đời này. Tôi phải khiến cho những ai kia khinh bạc tôi, nay phải hổ thẹn, phải khiến cho cả cái thị trấn này phải ngước mắt lên mà thèm khát sự giàu có của cha con tôi.

Bây giờ lại đến cặp mắt xám chì của ông ta long lên. Nhà sư bắt đầu có cảm giác khó thở, nhưng vẫn kiên nhẫn vỗ về:

- Nghe bác nói vậy, tôi càng thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của trần gian. Nhưng có lẽ cái ý muốn đổi tiền lấy chùa của bác thì nhà chùa không thể nào đồng ý với bác, mong bác cảm thông và tìm lấy một chỗ tốt đẹp hơn mà thỏa cái ý muốn làm giàu.

Lần này ông chủ quán hát không cười, ông ta nhìn chăm chắm nhà sư, ánh mắt bắn ra những tia dữ dội như sắp đốt cháy bộ nâu sồng trên thân thể của sư trụ trì, gương mặt dần sậm lại:

- Thưa. Chẳng giấu gì nhà chùa, tôi đã có ý định này từ lâu, nhưng vì còn nể sư trụ trì đang được lòng dân chúng, mới kính cáo nhà chùa, chứ chí tôi đã quyết thì chẳng có gì mà không làm được. Mảnh đất này trước sau rồi cũng về tay tôi thôi. Tôi không cần tốn nhiều sức lực, cũng có thể đạp phăng cái bức tường mục ruỗng kia. Cả cái vùng này còn ai không biết tính của tôi, một khi đã định thì núi cũng phải chuyển.

Sư trụ trì ngồi lặng như pho tượng. Năm phút rồi mười phút trôi qua, tách trà trên mặt bàn lạnh như đóng băng, vẫn không ai đưa lên môi và cũng không ai nói với ai thêm lời nào. Bỗng có tiếng chuông thỉnh ngân nga, sư trụ trì mới sực nhớ ra, đã đến giờ hành lễ. Nhà sư đứng dậy cúi chào ông chủ quán hát để lên chùa làm phận sự.

*

Thấm thoắt lại một năm nữa trôi qua. Vẫn lại vào đúng cái ngày đông giá, nhưng hôm nay là lúc canh hai, ngoài cổng nghe như có tiếng người se sẽ gọi vẻ gấp gáp lắm. Sư trụ trì giật mình choàng tỉnh. Ai lại gọi cổng vào giờ này, chẳng lẽ ta mơ. Mở cửa ngó ra, nhà sư giật mình ngỡ ngàng, ai như ông chủ quán hát đang đứng nép mình, run rẩy sau cánh cổng. Chẳng lẽ ông ta rắp tâm làm điều gì đó để thực hiện ý đồ phá chùa vào giữa nửa đêm giá rét thế này sao? Nghĩ vậy nhưng sư trụ trì vẫn quay lại đánh thức tiểu Thiết:

- Con chuẩn bị cho cụ ấm trà nóng!

Vừa bước qua cánh cổng, ông chủ quán hát mặt xám xịt đã quỵ xuống, hai tay chắp trước ngực.

Sư trụ trì cúi xuống đỡ vai nâng ông chủ quán hát đứng dậy và nhẹ nhàng:

- Chuyện gì, bác cứ vào trong nhà uống chén trà cho ấm.

 Lúc mời trà, nhà sư giật mình khi nhìn thấy những ngón tay của ông chủ quán hát cứ run lên từng chặp, nước trong cái chén mấy lần rơi xuống bàn, ông ta cười mà hóa thành mếu. Sư trụ trì ân cần hỏi:

- Hôm nay bác sang đây có chuyện gì mà vào nửa đêm giá rét thế này?

Bỗng miệng ông chủ quán hát méo xệch, đôi con mắt nhìn nhà sư mà đồng tử trống hoang như lọn khói loãng:

- A di đà phật. Hôm nay con sang chùa - nhà sư lại thêm một lần chột dạ vì ông chủ quán hát đột nhiên xưng con - trước là kính cáo Nhà Phật, sau là có chuyện muốn giãi bày trước Đức Phật cùng các vị thần linh, cầu mong các Ngài mở lòng lượng thứ, và chỉ cho gia đình chúng con một con đường để đi nốt trên cõi trần này.

Gia đình bác sao vậy? – Sư trụ trì kinh ngạc thốt lên.

- Vì mê muội mà con đã đi con đường sai lạc rồi thưa cụ. Cái ý định lấy tiền đè người, lấy đất nhà chùa làm chốn lạc thú cho trần thế, đã bị quả báo mất rồi. Xin nhà chùa và các vị thần linh hãy tha thứ cho những ý nghĩ điên rồ của con. Tất cả cũng vì cái đầu óc ngu muội của con đã khiến con chẳng biết trời cao đất dày là gì, mới nên nông lỗi.

- A di đà phật. Có việc gì bác nói cho rõ hơn xem nhà chùa có giúp được.

- Cụ ơi! Gia đình con sắp chết hết rồi?

Sư trụ trì cũng hốt hoảng chẳng kém ông chủ quán là mấy, bèn thúc giục:

- Chết thật. Chuyện gì vậy, bác nói nhanh đi, tôi sốt ruột quá?

- Thằng con của con nó đã đốt hết tiền bạc, nhà cửa của con vào chiếu bạc, vậy mà vẫn còn chưa thấm vào đâu so với món nó đang nợ những đứa cầm đầu...

- Trời ơi! Thì ra thế!

- Chiều qua, bọn chủ nợ nó lùng sục thằng nghịch tử, chúng nó tuyên bố rằng, chỉ qua đêm nay thôi, chúng nó sẽ kéo nhau đến đây nếu không có tiền trả nợ, chúng sẽ lấy mạng của nó, lấy mạng cả gia đình con. Chúng nó nói là làm thật đấy. Toàn những đứa sống bằng nghề ăn cướp trá hình, chúng nó tàn bạo lắm. Con từng làm ăn với chúng nó, con biết lắm.

- Kinh khủng quá. Kinh khủng quá! Vậy bây giờ bác định tính sao? – Sư trụ trì căng mắt nhìn ông chủ quán hát vẻ kinh ngạc.

- Bây giờ con cắn rơm, cắn cỏ lạy trời lạy Phật, lạy các thánh thần, lạy cụ, xin cụ hãy ra tay cứu vớt cái gia đình khốn khổ của con.

- A di đà phật, cứu bằng cách nào bác nói rõ hơn đi!

- Việc gấp lắm rồi, chỉ xin cụ chỉ cho chúng con một con đường để đi là được rồi thưa cụ!

Nói đến đây, ông chủ quán hát lại quỳ sụp xuống chân sư trụ trì mà vái và nói khẽ một câu gì đó chỉ hai người nghe được. Sự trụ trì gật gật ba cái, cúi xuống đỡ ông chủ quán hát ngồi lại lên ghế rồi vỗ về:

- Mô Phật. Chuyện đến nước này, tôi chỉ có thể khuyên bác một câu rằng: Đường trần muôn nẻo, bác hãy về bàn với bác gái, chọn lấy một nẻo mà đi cho an lành, việc bác cậy nhờ thì xin bác cứ bình tâm.

Chợt ông chủ quán hát thôi không run rẩy nữa, mà từ từ đứng dậy, rụt rè nói thêm vài câu gì đó thật khẽ vào tai nhà sư rồi cúi chào bái biệt.

Sáng hôm sau, các Phật tử vào chùa ồn ã: “Có nằm mơ cũng không ai ngờ tới, đêm qua, cả gia đình ông chủ quán hát đã biến mất tăm, không còn lấy một mống. Họ đi vào giữa cái lúc giá rét thế này à”, “Liệu có ai biết làm sao họ phải bỏ đi không, và vì sao phải đi bí mật thế?”, “Nghe nói là vỡ nợ. Vỡ to lắm.”…

Đang kháo nhau, bỗng một người nhớn nhác chạy vào: “Các ông các bà ra mà xem kìa, nhà ông chủ quán hát có người đến đòi nợ, đông lắm, toàn những đứa trẻ, quần áo đen, xúc xích đeo cổ, đập phá, đòi xâu xé, đòi chia chác cái xác nhà của ông ta.

Sư trụ trì cũng đứng ở trong cổng ngó ra, nhà sư bủn rủn chân tay khi thấy, một đứa có vẻ là ông chủ nợ, mặt phừng phừng, điên cuồng cầm cây gậy sắt, đập rầm rầm lên cánh cửa, kính vỡ xoang xoảng. Đập đến mệt lử, hắn ngồi vật xuống đất, day tay mắm miệng chửi thề: “Bố mà bắt được chúng mày, bố sẽ đập nát như cái cửa này”.

Nhà sư quay về chùa, lại gặp nhóm Phật tử đang xầm xì: “Tôi vừa nghe có người chứng kiến, chiều qua, ông chủ quán hát đã mấy lần thủ dao chọn cái chết, để không phải chứng kiến nỗi ô nhục nhà mất, vợ con xô vào can ngăn, cuối cùng ông ta mới chọn con đường đi biệt tích thế này để giữ được sinh mạng”.

“Tôi cũng mới biết, họ còn trù tính đến cả bọn chủ nợ đi tìm, nên phải chia nhau ra, mỗi người đi mỗi ngả, già trẻ phải tự tìm lấy con đường sống của mình, nếu không muốn chết chung”.

Một Phật tử vẻ bí mật: “Có khi nào vợ chồng ông ta tìm về quê quán của người cha đẻ đã bỏ rơi ông ta không? Vì mấy hôm trước, tôi nghe ông ta bảo, cầu mong ông ta được sống nốt những ngày cuối đời ở quê cha, đất tổ. Ông ta còn cầu, đến cái chỗ không có người, không có bán mua, không sống bằng những đồng tiền. Cuối cùng ông ta lại ước nguyện, được gửi nắm xương tàn ở nơi ấy cho yên ổn”.

Mặc cho ai nói gì, đoán định những điều gì, sư trụ trì chỉ lẳng lặng nghe, tuyệt nhiên không tham gia nửa lời. Từ nửa đêm đến lúc mặt trời lên cao, gió đã ngưng, mọi người cũng đã về hết, nhà sư mới quay vào phía trong, khẽ bảo với tiểu Thiết:

- Con hãy xuống bếp nấu một bát cháo, rồi xuống phòng vãi già, đánh thức mẹ con tín chủ dậy ăn một chút cho lại sức. Thật khổ. Một sinh linh mới chào đời, một người mẹ mới qua cửa tử, vậy mà đã phải gánh chịu bão giông. Trần gian thật là bể khổ! Mô Phật!

Tiểu Thiết vâng rồi đi ngay.

Sư trụ trì lặng lẽ ngồi xuống ghế, trút một hơi thở dài, vẻ mặt nặng trĩu nỗi sầu thảm.

Từ đêm qua đến giờ, nhà sư chưa hề chợp mắt!

(baovannghe.com.vn)