Giáo sư Hoàng Châu Ký trong tôi

19.01.2015

Cho đến thời điểm cận ngày tổ chức Hội thảo về giáo sư Hoàng Châu Ký, tôi vẫn thấy chưa đủ hiểu biết, nhất là chưa đủ tầm để viết về Ông, dù chỉ là vài cảm nghĩ. Nhưng rồi có điều gì mách bảo khiến tôi lần về ký ức tuổi thơ, bỗng hiện về trong tôi một kỷ niệm, đúng hơn là một ấn tượng khó phai, mặc dù đã bốn mươi năm có lẻ. Đó vào khoảng năm 61, 62 của thế kỷ trước. Hồi ấy chúng tôi là những đứa trẻ con em miền Nam xa nhà đang học tập tại các trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc. 

Giáo sư Hoàng Châu Ký trong tôi

Tuổi 13, 14 chỉ biết sáng lên lớp chiều đá banh hoặc chơi đùa nghịch ngợm, văn chương nghệ thuật nào đã hấp dẫn chúng tôi, huống chi là nghệ thuật Tuồng vốn kén người xem và ít người am hiểu. Nhưng một lần, vào buổi chiều dịu trời, nhà trường triệu tập tất cả đám trẻ học trò chúng tôi tập trung ra sân trường, một bãi đất rộng, chung quanh là dãy lớp học nhà lá. Thầy Hiệu trưởng bảo chúng tôi đi nghe nói chuyện về nghệ thuật Tuồng và dặn học sinh phải tuyệt đối giữ trật tự. Cái tuổi hiếu động, lại phải ngồi nghe một câu chuyện rất “hàn lâm”, xa lạ, thầy dặn phòng chúng tôi thế cũng phải. Sau lời giới thiệu trang trọng của thầy hiệu trưởng, một người dáng tầm thước, nho nhã bước lên bục nói chuyện. Ông nói giọng Quảng, pha chút tiếng Bắc. Ấn tượng đầu tiên khiến bọn trẻ chúng tôi cảm tình một cách ngây ngô, đó là giữa đất Bắc xa xôi, có người quê mình ra đây, trở thành người giỏi, hiểu biết nhiều, nói chuyện  hay, thật đáng tự hào. Nhưng rồi không phải chỉ có cái giọng. Gần như càng nói ông càng thôi miên chúng tôi. Tất cả lặng im như nuốt từng lời, chia sẻ với cảnh ngộ nhân vật mà ông mô tả, say mê với những động tác tay, chân, ánh mắt, giọng hát mà ông thể hiện. Ông có lúc trở thành thật hóm hỉnh khi nhập các vai trong vở tuồng Nghêu Sò Ốc Hến. Điều đó thật sự hấp dẫn chúng tôi. Và bắt đầu từ buổi chiều dịu nắng ấy, chúng tôi được làm quen với những cái tên tuồng cổ như Sơn Hậu, Tam nữ đồ vương, và những tên người như Đổng Kim Lân, Khương Linh Tá v.v…những cái tên theo suốt chúng tôi khi nghĩ về nghệ thuật sân khấu cổ truyền của dân tộc. Và người đã đem đến cho chúng tôi những kiến thức mới mẻ và sự thụ cảm đầu tiên ấy cũng trở thành một cái tên quen thuộc với chúng tôi : Chú Hoàng Châu Ký, sau này đọc sách báo, dần quen gọi là Giáo sư Hoàng Châu Ký.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi cùng một số ít bạn bè vào học ngành Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tôi có dịp được gặp lại ông trong một lần đi thực tế ngoại khoá về Tuồng. Năm học 1964-1965, trong chương trình học năm thứ nhất đại học có phần văn học dân gian, tuồng, chèo. Nhà trường cho chúng tôi đến thăm đoàn Tuồng Khu Năm. Lúc này, chiến tranh đã lan ra miền Bắc, máy bay Mỹ ném bom nhiều nơi, các cơ quan ban ngành đều đi sơ tán. Chúng tôi đạp xe đến nơi sơ tán của đoàn Tuồng. Bất ngờ tôi lại gặp ông ở đấy. Chắc ông chẳng biết tôi là ai. Tôi thì vui mừng gặp lại “chú đồng hương” hiểu biết nhiều, nói chuyện hay ngày nào, khi mình con thơ bé. Trong một cái hội trường lợp lá sơ sài, tôi thấy ông đang giảng giải điều gì, kèm theo vài động tác thị phạm. Chắc ông đang đạo diễn một vở tuồng nào đấy. Cũng trong lần đi thực tế này, tôi may mắn được trực tiếp diện kiến, trò chuyện với những nghệ sĩ tài danh, tên tuổi như Nguyễn Nho Tuý, Nguyễn Lai, Nguyễn Thị Liễu.

Sau này về sống ở quê hương Đà Nẵng, tôi lại có nhiều dịp gần gũi, tiếp xúc với ông. Điều ngạc nhiên của tôi, nhưng chính thực ra cũng là sơ xuất của một người trẻ tuổi đối với một người lớn, đó là mãi về sau này tôi mới được biết ông là một lão thành cách mạng, từng vào tù ra tội, gánh vác nhiều trọng trách trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng. Cái dáng nho nhã, thư thái của ông mà tôi có ấn tượng suốt từ buổi chiều nghe ông nói chuyện trên bãi cỏ sân trường năm ấy vẫn theo tôi cho đến khi mình đã đứng tuổi, khiến mỗi khi nhìn ông, tôi luôn nghĩ ông là một nghệ sĩ hơn là một con người nào khác. Trong lịch sử văn chương nghệ thuật dân tộc, không hiếm những trường hợp những văn nhân nghệ sĩ từng ở chốn quan trường, như ông quan Hồ Văn Trung - tức nhà văn Hồ Biểu Chánh ở Nam Bộ, như Nguyễn Hiển Dĩnh - cụ Tuần Dĩnh ở miền Trung. Nhưng đó là những ông quan của chính quyền phong kiến thực dân. Mặc dù bằng cảm quan nghệ sĩ và phần nào có gắn bó với đời sống người lao động, những ông - quan - nghệ - sĩ này đã phản ánh đời sống hiện thực trên cái nhìn hướng về người bình dân, tuy nhiên dù sao trong họ cũng có sự giằng xé, mâu thuẫn giữa lập trường của giai cấp thống trị với thực trạng sống của những người nghèo khổ nơi thôn cùng xóm vắng. Hoàng Châu Ký cũng là một “ông quan”, nhưng là “ông quan” của cách mạng, là con người trưởng thành từ phong trào đấu tranh của quần chúng do Đảng cộng sản lãnh đạo, sau đó trở thành một người lãnh đạo của phong trào cách mạng địa phương. Một khi con người nghệ sĩ trong ông đã thức dậy mạnh mẽ thì nó đã hoà làm một một cách nhuần nhuyễn với con người hoạt động cách mạng. Chỉ nói riêng trên lĩnh vực nghiên cứu Tuồng, sự gắn bó hài hoà nhuần nhuyễn đó đã giải thích vì sao ông từng là soạn giả, cải biên, làm đạo diễn nhiều kịch bản mang tính chiến đấu, tính nhân văn sâu sắc như vậy. Và trên lĩnh vực nghiên cứu Tuồng, ông luôn bảo vệ quan điểm đúng đắn của Đảng ta về khôi phục, bảo tồn và phát huy truyền thống văn nghệ dân tộc đến như vậy. Ông cũng khẳng khái, mạnh dạn phê phán những cán bộ lãnh đạo không thực sự quan tâm đến vốn cổ dân tộc. Ông yêu cầu cao về thái độ quan tâm, không chỉ là nêu đường lối chung chung mà phải rung cảm thật sự với văn học nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật Tuồng. Chúng ta hiểu được sự tinh tế trong nhận xét của ông : “Cán bộ lãnh đạo các cấp hiện nay có thể nói đúng đường lối, chủ trương về công tác văn nghệ truyền thống nhưng nói chung chưa có cơ hội tiếp xúc nhiều nên chưa rung cảm thực sự (chúng tôi nhấn mạnh – BCM). Đó chính là trở ngại lớn”.[1] Quả thật, nghệ thuật, ngoài sự nghiền ngẫm và chiêm nghiệm lâu dài trong cả quá trình sống, nó còn đòi hỏi sự tiếp nhận trực tiếp, tức thời, trực cảm trong một không gian cụ thể và ở một thời điểm cụ thể, chẳng hạn như khi đọc một bài thơ, một cuốn truyện hoặc có mặt tại nhà hát xem một vở diễn. Vậy nhưng, thực tế vẫn còn tình trạng không ít cán bộ chúng ta ít đọc sách, ít đến nhà hát để sống cùng với số phận nhân vật tác phẩm, và từ đó có khi có cách xử lý công việc hành chính hàng ngày được tinh tế, có lý có tình hơn.

                                                *

Nhiều người đã nghiên cứu Hoàng Châu Ký ở góc độ học thuật, phân tích Hoàng Châu Ký với tư cách học giả - nhà nghiên cứu. Thực tế, những công trình nghiên cứu, sưu tầm, cải biên của ông không thua kém ai, cả về số lượng lẫn giá trị khoa học và thực tiễn. Nhìn danh mục các tác phẩm nghiên cứu về Tuồng của ông càng thấy ông đã dành tâm sức lớn lao như thế nào trong nghiên cứu lý luận về Tuồng và quảng bá nghệ thuật này cho cộng đồng. Ở đây, trên tinh thần tiếp thu và chia sẻ ý kiến với nhiều tác giả, tôi muốn nhìn nhận ông với tư cách khác, đó là nhà sư phạm sân khấu, người có công truyền lại cho thế hệ sau những hiểu biết cũng như tình yêu, sự đam mê với nghệ thuật Tuồng. Như một người chịu ơn ông trong bài học ngoại khoá đầu đời về sân khấu Tuồng ngày nào, trên bước đường công tác sau này của mình, tôi đã cố gắng tìm hiểu những hoạt động quảng bá nghệ thuật Tuồng của Hoàng Châu Ký và càng thêm kính phục ông. Từ những năm đầu khôi phục và phát triển kinh tế ở miền Bắc, ông đã nhận nhiệm vụ xây dựng Trường nghệ thuật sân khấu và trở thành người Hiệu trưởng đầu tiên của trường. Cái tâm huyết và chí hướng đào tạo tài năng trẻ đã giúp ông tập họp nhiều nghệ sĩ nổi tiếng để đào tạo ra những lớp diễn viên tài năng làm nòng cốt cho nghệ thuật sân khấu sau này. Đặc biệt, ngay trong thời gian kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt, Hoàng Châu ký đã nghĩ đến một ngày đất nước thống nhất, nghệ thuật Tuồng sẽ trở về cái nôi của nó với một đội ngũ nghệ sĩ diễn viên tay nghề cao. Giáo sư nghệ thuật học Nguyễn Đức Lộc kể lại sự nhạy cảm của Hoàng Châu Ký khi ông có kế hoạch tổ chức và trực tiếp giảng dạy cho lớp học Tuồng dành riêng cho toàn bộ nghệ sĩ, diễn viên các đoàn sân khấu miền Nam tập kết về kiến thức chung để sau trở về miền Nam tiện giao tiếp với giới sân khấu trong đó. Những năm sau này, khi tuổi cao sức yếu, ông vẫn tiếp tục ra Huế tham gia mở lớp đào tạo xây dựng đoàn Tuồng cung đình Huế và tham gia báo cáo ngoại khoá về Tuồng cho sinh viên các khoá của khoa Văn Trường Đại học tổng hợp Huế.

Kể ra viết sách nghiên cứu về Tuồng thì có nhiều người, và họ đều nổi tiếng. Với Hoàng Châu Ký, ngoài các công trình nghiên cứu đã được ấn hành, ông còn có thêm tài thuyết giảng và sự hoạt ngôn, khiến cho những tư tưởng lý luận luôn ở dạng “mở”, luôn là cuộc đàm thoại dài dài giữa ông và công chúng ở nhiều lứa tuổi và kinh nghiệm sống khác nhau. Tôi nghĩ phải gọi ông là người thuyết giảng – trình diễn; nhà sư phạm sân khấu Hoàng Châu Ký đi liền với nghệ sĩ diễn xướng Hoàng Châu Ký với một phong cách vừa uyên bác vừa bình dân. Không uyên bác thì không thể “biết mười nói một” và biết chọn cái để nói, cách để nói cho phù hợp đối tượng. Nhưng chỉ uyên bác không thôi thì tư tưởng, cảm xúc của người thuyết giảng không dễ đi vào lòng người. Ông rất dân dã trong cách thể hiện vũ đạo tuồng, khiến cho cả trí thức lẫn người bình dân đều có thể hiểu và đam mê nghệ thuật này.

Nói Hoàng Châu Ký là nhà sư phạm sân khấu không có nghĩa hoạt động thuyết giảng của ông chỉ đóng khung trong những trường lớp chính quy. Ông là người đã đem những lý thuyết về Tuồng và những tác phẩm kinh điển của Tuồng đến với công chúng rộng rãi. Có người đã nhớ lại, thời kỳ đầu những năm 60, khi mà công chúng Hà Nội ít chú ý tới Tuồng thì Hoàng Châu Ký là người đã cho tổ chức biểu diễn ở nhiều nơi, khẳng định lại giá trị nghệ thuật của hát bội vốn hết sức rực rỡ suốt thế kỷ VIII-XIX và những năm đầu thế kỷ XX.[2] Đồng chí Phạm Đức Nam, một cán bộ lão thành của Quảng Nam – Đà Nẵng đồng thời cũng là người đặc biệt ham mê Tuồng, trong Hồi ký của mình có kể lại rằng ông đã từng cùng với Giáo sư Hoàng Châu Ký tích cực tham gia chăm lo bảo trợ nghệ thuật Tuồng, đã từng đi thuyết minh với ông nhiều nơi ở đồng bằng và thành phố thuộc Quảng Nam - Đà Nẵng về bộ môn nghệ thuật này cho các đối tượng khác nhau, nhất là học sinh trong các trường phổ thông. Hoàng Châu Ký là người đã nhiều lần đề nghị đưa việc giảng dạy nghệ thuật vào Tuồng trong nhà trường, từ lớp các cháu bé, lớp thấp nhất. Theo ông, “ban đầu để các cháu yêu Tuồng, dần dần các cháu sẽ hiểu Tuồng rồi lưu giữ trong tâm hồn, trong tính cách của mình” [3]. Trước khi qua đời không lâu, bản thân ông vẫn thường xuyên tham gia các chương trình phổ biến nghệ thuật Tuồng cho các cháu thiếu nhi. Nhất là khi dự án sân khấu học đường triển khai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, ông đã đóng góp rất nhiều ý kiến quý báu về cách làm hiệu quả thiết thực với Ban Giám đốc Nhà hát Tuồng nguyễn Hiển Dĩnh và Lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố. Và chúng ta cũng hiểu vì sao, sau khi ông qua đời, thấu hiểu nhiệt huyết của ông trong việc động viên giáo dục thế hệ trẻ ham mê tìm hiểu và phát huy nghệ thuật Tuồng, gia đình ông đã quyết định dành toàn bộ số tiền phúng điếu trong tang lễ để thành lập Quỹ giải thưởng khuyến khích các nghệ sĩ trẻ trong lĩnh vực trình diễn cũng như sáng tác kịch bản.

Những năm gần đây, sức khoẻ ông có giảm sút dần. Nhiều cuộc hội nghị, hội thảo được dự cùng ông, tôi thấy ông dần dần ít nói, đôi khi nhìn mọi người một cách lơ đãng, cái lơ đãng của người tuổi tác cao niên nhưng vẫn tỏ ra thân quý người đối thoại. Và bên trong ông, tôi vẫn hiểu là đang ẩn chứa một kho tri thức và một bầu nhiệt huyết nóng bỏng đối với nghệ thuật. Không nói được nhiều, không có thời gian gặp gỡ trực tiếp thì ông viết thư. Tôi vẫn còn giữ ở đây bức thư ông viết cho tôi cách đây mấy năm, khi tôi phụ trách công tác tuyên giáo thành uỷ, với lời lẽ thân ái, tôn trọng, mặc dầu tôi đáng tuổi cháu con ông. Đó vẫn là bức thư công việc, tập trung vào nâng cao hoạt động của Hội văn nghệ và phần lớn dành để nói về hỗ trợ hoạt động của Hội Bảo trợ Tuồng được thành lập theo quyết định của Uỷ ban Nhân dân thành phố. Có những câu đầy tâm huyết làm tôi thực sự cảm động :“Tuồng đang ở tình trạng S.O.S…mà lãnh đạo của Đảng thì Ban Tuyên Giáo chủ trì bộ phận này…anh và một số đồng chí có trách nhiệm, có nhiệt tâm ở Uỷ ban Nhân dân chịu khó bố trí thời gian họp với Ban Chấp hành Hội bảo trợ Tuồng một buổi, - tối cũng được, - để nghe anh em trình bày tình hình, tình trạng của ngành Tuồng hiện nay và đề ra kế hoạch, chương trình hoạt động của Hội này…”. Dĩ nhiên là chúng tôi đã thực hiện ngay lời yêu cầu đó. Tuy chưa phải là như ý nhưng nhiều chuyển động của hoạt động ngành Tuồng hiện nay là thực hiện nguyện vọng ước muốn của ông và những người đam mê nghệ thuật Tuồng.

Từ bài học vỡ lòng về nghệ thuật Tuồng cho đến những ngày được gần ông trong công việc, Giáo sư Hoàng Châu Ký đối với tôi luôn là tấm gương, là bài học về sự tận tình, tận tâm, tận lực đối với  sự nghiệp mà mình theo đuổi. Mấy ngày hôm nay, sân khấu nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng luôn sôi động bởi tiếng trống, tiếng đàn, điệu hát trong Hội diễn sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc, khiến mỗi chúng ta càng nhớ nhiều đến ông, nhắc đến phần đóng góp đầy nhiệt huyết và đầy tinh thần khoa học của ông, góp phần làm nên sức sống của nghệ thuật Tuồng truyền thống hôm nay. Cứ nhìn vào tấm lòng nhiệt tình của công chúng đối với nghệ thuật truyền thống cha ông qua các đêm diễn của liên hoan nghệ thuật lần này để có thêm niềm tin vào sức sống đó. Và hình như ông vẫn đang có mặt để chia sẻ niềm vui với tất cả chúng ta.

                                                                                                Bùi Công Minh

 



[1] Bài phỏng vấn GS Hoàng Châu Ký, Ngô Thị Kim Cúc thực hiện, trang Web Vietbao.vn, thứ năm, 26 Tháng tám 2004.

 

[2] Xem bài “Giáo sư Hoàng Châu Ký suốt đời với nghệ thuật sân khấu tuồng”. Việt Nam- kinh tế xã hội số 9/1997.

[3] Xem bài của GS Nguyễn Lộc trong Tuyển tập Hoàng Châu Ký, NXB Đà Nẵng 2002, tr.787.