Hiệu quả các CLB bài chòi ở Hòa Vang
Các thành viên trẻ của CLB bài chòi xã Hòa Liên tại Hội bài chòi Xuân tổ chức ở đình làng Vân Dương (xã Hòa Liên). Ảnh: LÊ VĂN THƠM |
Ấm tình làng nghĩa xóm
Trên địa bàn huyện Hòa Vang hiện có 3 CLB dân ca bài chòi (2 CLB ở xã Hòa Phong, 1 CLB ở xã Hòa Liên) và đang xúc tiến thành lập tiếp 2 CLB. Thành viên các CLB này có chung niềm đam mê nghệ thuật, cùng tâm nguyện khôi phục và phát huy những làn điệu dân ca, tái hiện trò chơi hô hát bài chòi để đáp ứng nhu cầu giải trí của đông đảo nhân dân, nhất là trong các dịp lễ, Tết.
Tại lễ hội đình làng Túy Loan (xã Hòa Phong) hằng năm, nhiều người xem thuộc lòng câu hô thai của các nghệ nhân CLB Dân ca bài chòi Sông Yên: “Sông Yên xin mở lời chào/ Chào anh, chào chị, chào bạn bầu gần xa/ Vào đây nghe hát dân ca/ Bài chòi xứ Quảng thiết tha trong lòng…”.
Câu hô rộn rã, thân tình ấy đã đi vào trong tâm trí và niềm yêu mến của biết bao người dân Hòa Vang và du khách gần xa. CLB Dân ca bài chòi Sông Yên được thành lập năm 2011, gồm 15 thành viên, trong đó có 4 NNƯT, 3 cặp hô hiệu chính, 3 nhạc công. 11 năm qua, CLB đã khẳng định được một sân chơi lành mạnh, bổ ích và hấp dẫn đối với công chúng gần xa.
NNƯT Đỗ Hữu Quế, Chủ nhiệm CLB Dân ca bài chòi Sông Yên cho biết: “Những người tham gia CLB đều xuất phát từ niềm yêu thích diễn xướng hô hát bài chòi và thường biểu diễn vào buổi tối. Bình quân, CLB phục vụ mỗi đêm 11 hội chơi, mỗi chiếc thẻ cờ giá 20.000-30.000 đồng và cứ 10 thẻ thì chắc chắn có một thẻ trúng thưởng”.
Trong khi đó, CLB dân ca bài chòi xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) thường tổ chức hội bài chòi vào dịp đón xuân mới và các sự kiện trọng đại khác. Theo ông Nguyễn Hữu Mai, Phó Chủ nhiệm phụ trách CLB dân ca bài chòi xã Hòa Liên, hội bài chòi vừa là điểm vui xuân lành mạnh, nhộn nhịp, đậm chất văn hóa cổ truyền, vừa góp phần làm nồng ấm thêm tình làng nghĩa xóm.
Trong quá trình hô hát, các nghệ nhân có sự tìm tòi, nghiên cứu, biên soạn thêm những câu hô thai mới. Nhiều câu hô thai thể hiện tốt các làn điệu dân ca xứ Quảng, dân ca Trung Bộ và vận dụng nhuần nhuyễn những điệu hò câu hát của mọi miền Tổ quốc. Giữa các hội cờ còn có chương trình ca múa nhạc, làm tăng thêm sự phong phú, sống động, cuốn hút công chúng.
Từ các lão nghệ nhân đến các diễn viên trẻ đều thể hiện hết sức truyền cảm, sống động các câu hô hát và nhiều ca khúc trữ tình. Đặc biệt, trong những lời hô hát, các nghệ nhân lồng ghép nội dung tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa văn minh, xây dựng và nâng chuẩn nông thôn mới, đem lại hiệu quả tuyên truyền cao mà vẫn vui nhộn, dí dỏm, dễ nhớ, dễ thuộc.
Đưa dân ca vào trường học
Từ năm 2009, Huyện ủy Hòa Vang chủ trương đưa dân ca bài chòi vào trường học và xác định đây là một việc làm cụ thể về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Theo đó, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao phối hợp Phòng Giáo Dục và Đào tạo huyện thống nhất mỗi tháng thực hiện từ 2-3 buổi dạy hô hát dân ca bài chòi ở các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn huyện. CLB Dân ca bài chòi Sông Yên đảm nhiệm biên soạn tài liệu và giảng dạy kỹ năng hô hát các làn điệu dân ca bài chòi cho học sinh.
“Chúng tôi tập trung giảng dạy, hướng dẫn cho các em nắm vững các làn điệu cơ bản, dễ nhớ, dễ thuộc, sau đó, mới đi vào những làn điệu có độ luyến láy cao”, NNƯT Đỗ Hữu Quế chia sẻ.
Cùng với đó, chương trình dạy hát dân ca bài chòi được phát trên sóng truyền thanh của Đài Truyền thanh huyện Hòa Vang vào chiều Chủ nhật và sáng thứ Hai hằng tuần.
Đến nay, chương trình dạy hát dân ca bài chòi đã tiến hành ở tất cả 42 trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn huyện Hòa Vang. Đồng thời, Ban Chủ nhiệm CLB Dân ca bài chòi Sông Yên còn tổ chức bồi dưỡng kỹ năng hô hát bài chòi cùng các làn điệu dân ca Khu 5 cho đội ngũ cán bộ cơ sở và các hạt nhân phong trào văn hóa văn nghệ tại 11 xã trong huyện theo chủ trương của lãnh đạo huyện Hòa Vang.
Theo kế hoạch, thời gian đến, huyện Hòa Vang tổ chức các lớp bồi dưỡng nghệ thuật hô hát dân ca bài chòi và nhạc cụ dân tộc cho những người làm công tác văn hóa văn nghệ ở cơ sở và những người có niềm đam mê với nghệ thuật dân ca bài chòi; xây dựng, hình thành phong trào hô hát dân ca bài chòi sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân; chuẩn hóa nội dung chương trình dạy hát dân ca bài chòi trong trường học; nỗ lực xây dựng, phát triển, duy trì tốt hoạt động mô hình CLB dân ca bài chòi trong các trường học; hằng năm tổ chức hội thi “Em hát dân ca” và “Liên hoan Nghệ thuật sân khấu học đường”; kết nối biểu diễn dân ca bài chòi trong các tour, tuyến, điểm du lịch như Bà nà Hills, Núi Thần Tài, Suối Hoa, đưa chương trình hát dân ca bài chòi thành một nội dung thường xuyên trong các hoạt động du lịch; xây dựng nghệ thuật hát dân ca bài chòi thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của Hòa Vang.
(baodanang.vn)