Hoàng Minh Châu - Đương Đời, đường thơ*

12.06.2017


Hoàng Minh Châu thuộc thế hệ các nhà thơ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, cùng với những tên tuổi quen thuộc: Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung, Vĩnh Mai, Minh Huệ, Xuân Hoàng, Hữu Loan, Lương An, Đình Quang, những người đã qua trường học thời Tây và may mắn dự các khóa đào tạo văn nghệ kháng chiến ở Liên khu 4 cũ v.v…
Tính đến nay, Hoàng Minh Châu đã có hơn 30 đầu sách về thơ, văn tiểu luận là nhờ quá trình hoạt động, vốn sống và một trình độ đáng kể. 

Hoàng Minh Châu - Đương Đời, đường thơ*

Sớm giác ngộ cách mạng, rời nhà vào quân ngũ để sớm vào nghề từ tuổi 19, 20. Ông từng tham gia các chiến dịch Trần Hưng Đạo, Thượng Lào, Trung Lào, Đông Xuân 1953 - 1954 hỗ trợ cho chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Là nhà thơ có nhiều chuyến đi thực tế trong nước và giao lưu văn hóa nước ngoài, ông có điều kiện học nhiều, tiếp xúc nhiều nên hiểu rộng văn hóa Đông Tây, thạo Pháp văn, biết tiếng Nga và chữ Hán… quá trình công tác ở Khu bốn cũ cũng như ra Hà Nội đều ở môi trường văn hóa như biên tập sách báo Văn, Văn học, Văn nghệ nên sớm trưởng thành. Nét biểu hiện chủ yếu ở con người ông là mực thước, chan hòa, có ý chí tự lập, tạo bản lĩnh cho mình trong cuộc sống và nghề nghiệp, dẫu có lần gặp rủi ro thách thức, vẫn lạc quan, yêu nghề nghiệp.

Nếu như thơ là thái độ sống, bày tỏ cốt cách, khẩu khí, chí hướng của mình đối với thời thế và con người, thì thơ Hoàng Minh Châu mang lý tưởng cao đẹp được trải nghiệm qua hơn sáu thập niên sống và sáng tạo. Hơn 40 năm trước, tôi đã có dịp nhận xét Tình yêu của Người trong trận (1971), đến nay tập tuyển Dọc đường thơ [1] đã cho tôi một cái nhìn tổng quát về thơ ông, mà điểm nhấn đầu tiên chính là Cái tôi cá thể luôn hòa được với Cái ta cộng đồng.

Với đời, ông từng có một định nghĩa chí lý: “Xét cho cùng, Cách mạng có nghĩa đổi đời, là khát vọng của loài người, trong đó có tôi” (Tự nguyện). Với nghề, ở ông chính là sự trăn trở để đáp án cho ba câu hỏi: “Tâm hồn anh ở đâu trong cuộc sống?” - Tầm nhìn anh mở xa bao hướng? - và Tấm lòng anh gửi gắm cho ai (Sơ kết        ). Dường như với ông, giá trị thơ đo từ khối óc đến con tim người viết. Chính nhờ vậy mà xét về nội dung, thơ Hoàng Minh Châu đậm chất lý tưởng xã hội.

Chẳng riêng ở nước ta, nhiều nền thi ca trên thế giới, nhiều tác phẩm Văn học chói sáng lên cũng nhờ lý tưởng xã hội. Lý tưởng này đưa thơ đến mọi nhà và đã thành mục tiêu của những nhà thơ lớn. Cũng có thời, do chúng ta đo đếm nó chỉ qua ý thức hệ, làm gò bó, hạn hẹp hoặc nhạt nhòa đi giá trị thơ. Nhưng rất nhiều nhà văn, nhà thơ, kể cả nhà lý luận chính trị, đã chứng minh rằng: “Thế giới trong một con người, đó là nhà thơ hiện đại” (Max Jacob), “Mặt trời chân lý chói qua tim” (Tố Hữu), “Nền thơ lớn luôn đảm nhiệm khám phá nổi thống khổ của nhân loại” (Voltaire), và… ai như Chế Lan Viên của chúng ta, rời thế giới siêu hình, cũng vì nhận ra “đời cần thơ có ích”.

Từ xưa, các bậc thức giả đã chia thơ ra “loại đáng thờ” và “không đáng thờ”. Lập ngôn, lập đức, lập công (xin thêm cả lập danh nữa), cũng là tùy thuộc quan niệm lý tưởng của người viết. Và hai câu hỏi viết cho ai, viết cái gì…cũng từng có đáp án xanh rờn ở nhiều thế hệ tác giả. Đáng tiếc trong thời đại thương trường và kỹ nghệ hiện nay, với số ít tác giả, lý tưởng còn là chuyện mơ hồ; Có nhà thơ trẻ “khăng khái” tuyên bố: “Thơ tôi không dành cho bạn?”, “Thơ là biểu hiện không cần dành cho ai cả!?” Tôn trọng cái tôi chủ thể là chuẩn xác, nhưng từ đó, cường điệu nó, coi nó quyết định giá trị thơ là chuyện cực đoan, không bình thường!.

Trở lại với thơ Hoàng Minh Châu, tôi thấy ông biết vận hành ba chữ T (tâm hồn, tầm nhìn, tấm lòng) của mình khi sáng tác. Thơ ông là sự gặp gỡ giữa cảm hứng chủ đạo và cảm hứng phản xạ trong toàn bộ sáng tác… Khỏi phải nói, người đọc đã nhận ra sự chuyển biến và tiếp nối nội dung tư tưởng thơ ông ngay khi đọc 4 phần đề trong Tập tuyển này: Hoa tươi ngoài ngõ → Lửa sáng mặt người → Lối về đích xa để Hát mà đi tiếp.

Nội dung trên, được thể hiện cụ thể từ một cảnh thiên nhiên an bình: Câu hỏi về gió, Nắng quê nhà, Ngàn Phố, Bãi sông làng…đến thay đổi của thời tiết, biến động của thời cuộc: Dấu lặng ban trưa, Báo động, Xem tranh bão biển, Cái rét Nga, Khói và mây, Đá Ang có nước biển hồ v.v…

Ở toàn bộ phần II là gương mặt chói sáng thời chiến cũng như thời bình, trong nước hay nước ngoài: Mẹ Thuận, Chị nuôi, Bác về, Cây đời, Anh Thanh, Anh biệt động, Chị nằm vùng, Bà mẹ Nga, Xôn xao mành trúc, Hai người bạn Pháp…

Đặc biệt là ở phần III, tác giả nhận ra được hai mặt cuộc đời, trước diễn biến thời sự quốc tế, sự xáo trộn đạo lý nhân tình: Hà Nội gọi, Gốc cây cơm nguội, Sự cố ngày nay để từ đó, mình thêm sức vượt lên: Nguyên nhân nghèo đói, Cảnh giác, Phải lòng, Tự giác, Ở cửa ngõ Sài Gòn, Tập tàng, Vẫn còn... Và nhiều, nhiều bài trong các mảng thơ: Trung hoa du ký. Nếu mảng thơ luận về sự hiểu biết đã cho ông nhiều lời đáp để có thái độ trước cuộc sống, sự đời, thì mảng thơ luận về chữ tình như chất keo đã gắn bó ông với đồng loại. Rõ ràng tất cả tạo nên những nhận thức mới trước nhiều vấn đề mà xã hội, cuộc đời đặt ra, giúp tác giả thêm lòng tin, nghị lực, bút lực để hát mà đi tiếp.

Có thể người đọc đã thấy rõ nội dung quan hệ mật thiết tới hình thức thể hiện trong thơ Hoàng Minh Châu, để nói rằng, trong thơ không có chuyện đúng - sai; mà chỉ có thơ hay và thơ dở. Thơ hay thường có sự hòa quyện giữa nội dung và hình thức, giữa trí tuệ và tình cảm. Tôi sẽ không bàn sâu về những yếu tố nghệ thuật thơ như: ngôn từ, âm điệu, hình ảnh, ý và tình của nhà thơ đã đề cập (và rất dễ đồng thuận) trong hai tập tiểu luận của ông: Bàn về thơ (1996), Nghĩ về nghề, ghi về bạn (1998) chính ông cũng đã thể hiện quan niệm của mình qua tuyển tập thơ này. Tôi chỉ muốn bàn thêm về các thể loại thơ cũng là sở trường của tác giả để hiểu rõ thêm tiêu chí về cái hay trong thơ Hoàng Minh Châu không quên nói đến tác dụng của loại thơ có truyện, vì đó là loại thơ dễ trình bày trước đám đông công chúng, dễ hiểu ngay ý tưởng cũng như dễ truyền miệng trong nhân dân. Như bài Mẹ Tơm của Tố Hữu, Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ, Quách Xuân Kỳ của Hữu Loan, Quê hương của Giang Nam, v.v… và của Hoàng Minh Châu là các bài: Mẹ Thuận, Bác về, Anh Thanh, Cây đời hay Tuổi Ngọ. Nhưng cộm lên trong toàn bộ sáng tác của ông là thể thơ ngắn. Thơ ngắn khổ (đoản thi) là thể loại thơ mà Á Đông dùng. Nó có lợi thế ít lời, hàm súc[2].

Hoàng Minh Châu không có sự riết róng gò vần, đối chữ trong thể thơ Đường Luật, ngay ở thể lục bát và thất ngôn ông cũng có cách riêng. Sự phóng khoáng phá thể trong các bài thơ ngắn đã giúp ông diễn ý giản lược từ, cô đúc vào tứ thơ. Chỉ 4 câu kết trong bài tiễn con lên biên giới viết năm 1979: “Lạ kỳ chưa mới mười bảy tuổi / Con lại hát lời xưa bố hát / Tổ quốc gọi đâu cần ta có mặt / Học cả đời, giữ nước chẳng riêng ai ” đã nói lên nhận thức tư tưởng, tình cảm của người làm cha. Bốn câu ở bài: “Nhà khoa học nếu lạnh tanh máu cá / Cứ chu du khám phá đất trời / Dẫu mai kia có ngồi trên sao Hỏa / Cũng hóa thành người đá mà thôi” thì ông lại rút ra được một triết lý nhân sinh, khiến người đọc liên tưởng đến câu: “Khoa học mà thiếu lương tâm chỉ tạo nên sự hủy diệt” của một danh nhân khác. Trong một bài khác, nếu tình tiết bất ngờ cô gái thanh niên xung phong lên miền núi lùa đàn cừu ra giữa đường buộc xe ách lại, để có thể gửi thư về Hà Nội thì chính 4 câu kết đã xóa đi sự bực dọc để đem lại cái mát mẻ cho khách du hành: “Giã từ Châu Mộc quay nhìn lại / Hình ảnh mang về tặng phố vui / Cừu đi cừu lượn quanh em gái / Tựa suối len trôi giữa núi đồi” (Giã từ Mộc Châu), thì ở bài “Hát với Cuba”, tác giả sử dụng âm điệu từ A: “A ta căng buồm lên / Đi tới đích xa / Con tàu ta bất chấp phong ba / Hòn đảo này tuy cách xa / Cùng chung trời với biển quê ta / Hòn đảo này, Tự do này đấu tranh sinh ra” đã tạo nên dư âm cho ý chí tự do và tình bạn quốc tế.

Tất nhiên, do yêu cầu cô đọng của thể thơ ngắn, có khi nhà thơ đã phải lạm dụng chú thích, gây khó cho người đọc, pha loãng tứ thơ, như 4 câu nói Nói với bạn Bun là ví dụ. Còn nhìn chung, thể thơ ngắn đã nâng chất đậm lên độ nồng cho thơ Hoàng Minh Châu dễ ghi lòng người đọc. Có lẽ đó cũng là lợi thế để thơ ông dễ gặp sự đồng điệu của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như Lê Yên (Tình yêu chín), Hoàng Vân (Chỉ vì điệu lý thương nhau), Văn Ký (Phải lòng, Đi bên nhau), Thuận Yến (Tiếng hát văn, Đàn thập lục) hoặc Phan Thanh Nam (Cuộc đời ta), v.v… Các nhạc sĩ cũng cho biết: chẳng phải loại thơ nào cũng dễ phổ. Phải là bài thơ (hoặc chỉ một đoạn thơ) có hình tượng, sẵn ca từ tiết tấu, mới dễ thành giai điệu cho nhạc. Và khi được nhạc chắp cánh, bài thơ dễ thành “ca khúc đi cùng năm tháng”…

Trước tình hình phát triển đa dạng của văn thơ, trong thời đại thương trường và kỹ nghệ, hàng trăm tập thơ ra đời. Ai cũng có thể phôtô, lập bloc, lên trang Web để quảng bá thơ, buộc các nhà nghiên cứu, phê bình phải có phương pháp đọc, lựa chọn cơ sở lý luận, liên hệ với tình hình sáng tác mà suy ngẫm, để rồi phát hiện ra điều gì đáng nói nhất về tác giả.

Để kết thúc bài viết này, tôi chỉ muốn nhắc lại đây một đặc điểm nổi trội của thơ Hoàng Minh Châu là lý tưởng cao đẹp, tay nghề có nhiều trải nghiệm đã đưa cái tôi riêng của nhà thơ hòa vào cái ta cộng đồng, giúp ông vững tin và thêm bút lực trên đường đi tới đích xa. Phải chăng đó là một yêu cầu của công tác lý luận văn học và cũng là thước đo thành tựu cho tác phẩm của nhà thơ trên đường đời sự nghiệp.

Hà Nội, cuối xuân 2014

Báo Văn nghệ, số 26 ngày 28/6/2014

----------------------------

* Trích trong sách "THƠ TỪ CUỘC ĐỜI

                             THƠ ĐẾN MỌI NGƯỜI

(Hợp tuyển tiểu luận, phê bình về thơ 1963 - 2013) của Hồ Sĩ Vịnh do NXB Dân Trí xuất bản.

 

[1] Tập thơ Dọc đường thơ - Nxb Hội Nhà Văn, 2013

[2] Hảo là tốt, Phá là khám phá, không muốn như cũ. Ở đây có thể hiểu là dễ sáng tác, dễ đọc.

Hồ Sĩ Vịnh
(vanhien.vn)