Phù sa văn hóa là gốc của cây thơ

03.01.2023
Hồ Sĩ Vịnh
Phù sa văn hóa là thuật ngữ ẩn dụ có nội dung quan trọng và sang trọng trong triết lý phát triển. Nơi quan trọng bồi phù sa văn hóa là nền tảng nằm trong giới tự nhiên có quá trình vận động biện chứng: phát sinh, phát triển, biến hóa bất tận, vận động không ngừng. Nói sang trọng bởi lớp phù sa trong văn chương nói chung và thơ ca nói riêng giúp con người đi từ tất yếu đều tự do, giải nhiều bài toán mâu thuẫn vốn đặt ra trong đời sống tự nhiên, xã hội và con người.

Phù sa văn hóa là gốc của cây thơ

Bài này chỉ giới hạn ở hai đề tài mà nền thơ là tri thức văn hóa ứng xử của nhà thơ đối với thiên nhiên, đất nước và con người.

1. Một nét đẹp thiên nhiên trong thơ:

Đất và nước, sông suối và ao hồ, núi non và biển cả là do thiên nhiên ban tặng cho con người, nhưng còn là do con người sáng tạo nên, bồi đắp qua nhiều thế hệ. Con người hơn bất cứ động vật nào khác là ở chỗ, dùng sức lao động và trí tuệ của mình, bằng tài năng khéo léo và sự cảm thụ cái đẹp mọi thứ trên trái đất. Cái khéo của hóa công chưa bao giờ bị con người từ chối, trái lại biết sáng tạo theo “cách chơi” để làm đẹp môi trường tự nhiên và sinh thái. Thơ đích thực là thơ nói cảnh sinh tình. Ngay từ thời cổ đại, người bình dân đã biết cảm thụ tinh tế vẻ đẹp của núi sông, bầu trời, biển cả, trăng sao, hoa lá để thể hiện tình người:

Núi cao chi lắm núi ơi !/Che khuất mặt trời che cả người thương;/ Cô kia tát nước bên sông/ Có sang anh bắc cành hồng cho sang

….

Trong văn học thời trung cận đại nước ta, đề tài trăng sao tưởng như một đề tài ẩn dụ có hệ thống. Với đạo sư mãn giác, chỉ hai câu thơ về mùa xuân mà nói được phép biện chứng của tự nhiên:

Mạc vị xuân tàn, hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ, nhất chi mai

(Đừng tưởng xuân tàn, hoa lạc tận/ Đêm qua sân trước một cành mai).

Đại danh y Lê Hữu Trác(1720-1791), một nhà thơ với những câu thơ mượn trăng làm ẩn dụ để nói chuyện đời người: say trăng, quên trông trăng, trăng lặn, đêm tàn người vắng teo v.v… Với Nguyễn Du, chúng ta bắt gặp câu thơ chua xót của cảnh ly biệt:

Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm đường.

Đại văn hào L.Tolstoi có lần nói: “Ngôn ngữ là linh hồn của dân tộc, của văn hóa dân tộc”. Ngôn ngữ trong văn xuôi là ngôn ngữ tự do (ariatio solute), còn ngôn ngữ trong thơ là ngôn ngữ rào cản (vineta solute). Vì vậy, khi sáng tác, nhà thơ cần có tư duy khái quát, sức tưởng tượng bay bổng, tri thức văn hóa tổng quát, vốn sống lịch lãm. Thiên nhiên vừa là đối tượng thưởng ngoạn, vừa là suối nguồn khơi gợi những cảm hứng bay bổng trước màu sắc và mùi hương. Cũng viết về trăng, sao, mây gió, nhưng mỗi nhà thơ có những thủ pháp tu từ siêu thực riêng, những hình tượng thơ ca lấp lánh không nhầm lẫn với ai được. Hàn Mặc Tử trong Đây thôn Vĩ Dạ có ba khổ thơ, thì hai khổ về cơ bản là bút pháp hiện thực, nhưng khổ thứ hai, ông đã mượn gió và trăng nói hộ tình yêu, trách móc của đôi trai gái:

Gió theo lối gió, mây đường mây/Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay/ Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó/ Có chở Trăng về kịp tối nay….

Còn trong Bẽn lẽn với những biểu tượng: Trăng, gió, Chị Hằng, bóng nguyệt,… để nói sự “ghen tuông” nhẹ nhàng, dễ thương của hai tình nhân:

Trăng nằm sóng soải trên cành liễu/ Đợi gió đông về để lả lơi/ Hoa lá ngây tình không muốn động/Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi!

Cũng nói về trăng, nhưng Yến Lan trong phong trào Thơ mới (một trong bốn nhà thơ thành danh được gọi là: Bàn thành tứ hữu: Quách Tấn, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Yến Lan) có những vần thơ vừa siêu thực, vừa hiện thực, đầy ấn tượng

Bến Mi lăng nằm không, thuyền đợi khách/ Rượu hết rồi, ông lái chẳng buồn câu/ Trăng thì đầy, vàng rơi trên mặt sách/ Ông lái buồn để gió lén mơn râu.

Một đoạn tiếp:

Ông lão vẫn say trăng đầu gối sách/ Để thuyền hồn bơi khỏi bến Mi lăng/ Tiếng gọi đó, gọi đò như oán trách/ Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng.

Người đọc không quan tâm nhiều đến địa danh Mi lăng, chỉ biết đó là một bức tranh hoàng hôn muôn, ở bến đò, tiếng gọi đò, chỉ có trăng sáng, ông lái đò khát rượu,… tạo nên một cảm giác buồn nao nao lây sang người yêu thơ.

Có bao nhiêu nhà thơ, thì có bấy nhiêu môtíp viết về màu sắc thiên nhiên, hiện thực và siêu thực, lý tính và phi lý tính… đều là những cách làm tăng vẻ đẹp của thiên nhiên. Bài thơ tình ở Hàng Châu của Tế Hanh là một ví dụ. Ở đó có nắng vàng và mây trắng, có niềm vui và nỗi buồn:

Mùa thu đi qua, còn giữ lại/ Một ít vàng, trong nắng, trong cây,/ Một ít buồn trong gió, trong mây/ Một ít vui trên môi người thiếu nữ.

Bài thơ ra đời rất lâu trước lúc mắt nhà thơ bị khiếm thị. Ông ao ước :

Một thứ kính nào/ Màu thời gian đặc biệt/ Tôi thấy lại mắt em/ Trong một ngày xuân đẹp

Xúc động sâu sắc trước tâm trạng bi quan của Tế Hanh, Chế Lan Viên có bài Kém mắt tặng nhà thơ: Nơi mắt nhìn không tới/ Thì lòng ta đến thay.

Đó vừa là thơ, vừa là văn hóa ứng xử!?

Trong giai đoạn chiến tranh giữ nước, tư tưởng thơ ca thường mang âm hưởng cao cả, rộng lớn, bi hùng, bi tráng. Có một mảng đề tài thơ ca mượn cỏ cây, hoa lá, rặng tre, vườn trầu, hoa sim, hương chanh, hương bưởi,… để biểu tượng cho tình yêu mang bản sắc Việt, bản lĩnh của người lính: Màu tím hoa sim, Quê hương, Cuộc chia ly màu đỏ, Hương thầm, Hoa chanh, Núi đôi,…. Bạn đọc yêu thơ trong nhiều thế kỉ, thường tôn vinh và thuộc lòng những ý thơ, vần thơ của những bài thơ vừa nói đến. Xin nói đôi lời về Hoa Chanh của nhà thơ Nguyễn Bao. Hình tượng người lính trong thơ thật giản dị, tình cảm tuổi thơ gắn bó với người con gái cúng lứa đôi, láng giềng, có chung lối ngõ, có chung cầu ao, giàn trầu, gốc chanh, rặng ổi,… nhưng khi giặc đến nhà, người con trai ra trận:

Dặm đường hành quân/ Những chiến dịch dài/ Nỗi nhớ quê nhà/ Dục chân bước gấp/ Tiếng em thầm thì/ Ngày đêm vẫn nhắc/ Khi Tổ quốc cần,/ Chúng ta biết hy sinh/ Giữ lấy cầu ao/ Giữ lấy gốc chanh/ Giữ lấy giàn trầu/ Giữ xanh mái tóc…

Chuyện tình không mang chất bi tráng như trong Màu tím hoa sim, Núi đôi, Quê hương,… nhưng đầy chất lãng mạng, lạc quan, dù một chân anh đã mât, nhưng quê hương tất cả vẫn còn. Kết thúc “có hậu” của bài thơ là hợp với thực tiễn của chiến tranh hàng chục năm ở các làng quê, bởi ở đó vẫn còn: đám cưới mùa xuân, trầu hái vườn nhà, thắm môi hai họ, bài thơ kết thúc bằng biểu tượng của văn hóa ứng xử- một biểu tượng đẹp, tình làng nghĩa xóm, làm ta liên tưởng tới truyện Trầu cau trong kho tang văn nghệ dân gian.

2. Đất nước và con người là tư tưởng tiềm ẩn trong thơ, là phù sa văn hóa của vườn thơ:

Địa chỉ cuối cùng của thơ là con người, tất cả ở trong con người , chứ không phải là một “nhân vật bí ẩn” như Dostoievski hay một “siêu nhân” như Nieche đã từng nói. Con người sáng tạo ra văn hóa theo nghĩa rộng nhất. M.Gorki coi con người sáng tạo ra những bông hoa bất tử của thơ ca…

Con người sáng tạo ra tất cả, tất cả ở trong con người (Xem bài thơ viết bằng văn xuôi Con người, năm 1902). Các nhà văn hóa coi thơ ca, các vật phẩm văn hóa lớn hơn của cải và quyền lực. Viết về đề tài đất nước, con người, người mẹ Việt Nam, các nhà thơ hiện đại đều để lại những vần thơ mang cảm xúc dạt dào vừa đạt tầm triết lý: Nước non nghìn dặm, Người đi tìm hình của nước, mặt đường khát vọng, Nguyễn Văn Trỗi, Trường ca Sư đoàn, Đường tới thành phố, Bài ca chim Ch’rao….

Tôi đứng lại để nói đôi điều về trường ca trữ tình: Có người nói thơ ca triết luận hơn lịch sử, còn lịch sử khách quan hơn thơ, mặc dầu cả hai đều có yếu tố này hoặc yếu tố kia của nhau. Khi nghiên cứu thơ văn của Nguyễn Trãi, Jacques Gaucheron viết: Đối với Nguyễn Trãi thơ và lịch sử là một… hay nói một cách khác, đã đến lúc lịch sử trở thành động lực của thơ, và thơ trở thành động lực lớn của đời sống.

Văn chương, Đất nước (Trong trường ca Mặt đường khát vọng(1974)), Nguyễn Khoa Điềm đã có mấy chỗ dựa đáng tin cậy làm chất phù sa văn hóa cho thơ: Đó là tư liệu chính sử của dân tộc; thi liệu văn nghệ dân gian (folklore); triết lý nhân bản được khái quát hóa và cả thơ hóa sự việc lịch sử; tài năng và vốn sống của nhà thơ. Khởi uy cầm dáng hình đất nước được khái quát hóa: Đất nước là nơi chim về, nước là nơi rồng ở, Lạc Long Quân và Âu Cơ, Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng. Từ đó, lịch sử đúc kết lại thành con Rồng cháu Tiên. Vì được viết dưới dạng thi pháp trữ tình, nên chúng ta đọc những câu thơ được cá thể hóa:

Đất là nơi anh đến trường/ Nước là nơi em tắm/ Đất nước là nơi ta hò hẹn/ Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm…./Em ơi em, đất nước là máu xương của mình/ Phải biết gắn bó và san sẻ/ Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở/ Làm nên Đất nước muôn đời…./Triết lý nhân văn trong đoạn kết của bài thơ thật biện chứng:/ Đất đai cỗi cằn thì người nở hoa/ Hoa của đất người trồng cây dựng cửa/ Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật.

Nhằm chứng minh luận đề: Phù sa trong văn hóa là tất yếu của cây thơ, người đọc có thể tìm thấy trong nhiều bài thơ nổi tiếng, sống mãi với thời gian. Bài viết này xin dừng lại ở bài thơ Tiếng Việt của nhà thơ tài năng Lưu Quang Vũ. Đây là tứ thơ vừa lạ vừa quen: Nói quen, bởi vì ngày nào, người nào, nơi nào người ta cũng bắt gặp trong văn hóa giao tiếp của quá khứ và hiện tại, ở trong nước và ở ngoài nước, nhưng lại lạ, bởi tiếng Việt trong nhiều thế kỷ cho đến thế kỉ XIX vẫn có ý nghĩa, trước khi nền văn học quốc ngữ ra đời, tiếp xúc với nền văn minh phương Tây. Một trong những đặc điểm của Tiếng Việt là tính súc tích, gợi cảm, dễ hiểu, giàu tính nhạc, tính thơ được thể hiện qua ca dao, đồng dao, tục ngữ, cách ngôn,… Mặc dầu tiếng Hán, chữ Hán vẫn thống trị trên chính đàn và văn đàn, tiếng Việt vẫn tồn tại. Như một qui luật tự tại của tự nhiên, của tự cường dân tộc, nhân dân ta đã biến cái không thể trở thành cái có thể, tạo nên bản lĩnh giao tiếp với văn hóa nước ngoài. Thế là chữ Nôm ra đời. Từ thế kỉ XVI về sau, văn chương chữ Nôm phát triển. Ngoài những tác phẩm nổi tiếng như Lâm Tuyền Kỳ ngộ, Chinh phụ ngâm, , Cung oán ngâm khúc được lưu truyền trong công chúng, truyện nôm khuyết danh chứa đựng nhiều giá trị đạo đức, luân lý gia phong, phong tục dân tộc, đều là những áng văn hay phản ánh cuộc sống bằng vẻ đẹp của tiếng Việt. Cảm hứng chủ đạo trong bài thơ Tiếng Việt bắt nguồn từ những cứ liệu lịch sử, còn cảm hứng phản xạ của nhà thơ bắt nguồn từ thi pháp: thủ tượng-đàm huyền (lấy cái cụ thể để nói cái huyền diệu), nên mới có những câu thơ hay. Bài thơ bắt đầu bằng tiếng mẹ gọi, tiếng cha khuyên, tiếng gọi đò, tiếng lụa xé, tiếng dập dồn nước lũ xoáy chân đê…. Đến những điều trừu tượng lặn vào nhịp đập của con tim:

Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát/ Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh/ Như gió, nước không thể nào nắm bắt/ Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh.

Ý thức tự cường dân tộc, bản lĩnh, bản sắc văn hóa Việt, dù ở đâu, trong hoàn cảnh lịch sử cam go nào, dù kẻ thù có trăm nghìn kế để vẽ lại bản đồ Tổ quốc, thì tiếng Việt, văn minh Việt vẫn trường tồn, dù chưa có chữ viết, đã vẹn tròn tiếng nói:

Một đảo nhỏ xa xôi ngoài biển rộng/ Vẫn tiếng làng, tiếng nước của riêng ta/ Tiếng chẳng mất, khi Loa Thành đã mất/ Nàng Mỵ Châu quỳ xuống lạy cha già….

Thiên nhiên, đất nước, con người là những vỉa quặng của núi thơ khai thác không bao giờ cạn, nếu như nhà thơ đứng trên nền tảng văn hóa. Con người là sinh vật biết sử dụng công cụ lao động chưa đủ, con người phải là con người sáng tạo ra mọi nền văn minh. Nhờ sự phát triển của ngôn ngữ, con người sáng tạo mọi thuật ngữ, tri thức để diễn đạt những phát minh được phổ cập trong mọi lĩnh vực khoa học trong đó có thơ ca. Chân lý đối với thơ không chỉ là chỗ dựa của trí tuệ và còn là nhớ tâm thơ, trực giác, tâm giác. Các nhà thần kinh học hiện đại phát hiện ra rằng, não bộ của con người chiếm 80% là thuộc về cảm xúc. Thơ ca có khả năng cải tạo con người, là hành động của con người (refaire l’homme), thơ là nghệ thuật tiên tri (L’art de predire). Thơ không có quốc gia, nhưng nhà thơ vẫn có quê hương, mang đậm bản sắc, hồn cốt của dân tộc mình. Thiên chức và mục đích chừng ấy của thơ ca cần được coi là phù sa văn hóa, làm nền, làm gốc cho vườn thơ.

(vanvn.vn)