Kẻ Lạc Thời - Chân Dung Văn Nghệ Sĩ

23.03.2017

Kẻ Lạc Thời - Chân Dung Văn Nghệ Sĩ

Với hơn 20 bài viết, Kẻ Lạc Thời tập hợp những gương mặt cá tính của làng văn và một số nghệ sĩ trong lĩnh vực khác. Từ những văn nhân nổi tiếng như Tô Hoài, Hồ Phương, Việt Phương, Sơn Tùng, Võ Văn Trực, đến những nhân vật lạ lùng, bí ẩn như Đoàn Việt Bắc, Đào Bá Đoàn... Mỗi người một vẻ. Cuốn sách tựa như bức tranh lớn với không ít những cảnh đời, vinh quang, khổ đau và ước vọng...

Trần Vũ Long đã góp phần lần giở bí ấn của những cuộc đời sáng tạo. Người đọc đã từng làm quen với những tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng, lại một lần nữa hồi hộp dõi theo mỗi chặng đời, mỗi ngẫm suy của họ phía sau trang viết. Những con người đầy hấp dẫn và kì lạ đó, họ đã sống, đã su nghĩ, đã làm việc như thế nào trong cái cuộc đời hữu hạn, vinh quang và đắng cay của mình để dệt những tác phẩm cống hiến cho cuộc đời?

Mỗi bài viết của Trần Vũ Long tựa như một thiên tùy bút. Anh thường vào đề từ những câu chuyện tưởng như không liên quan gì đến nhân vật, rồi những suy ngẫm về chuyện thế thái, nhân tình, chuyện văn chương... Giữa cái đường viền (đôi lúc không thật gọn gàng) bất ngờ anh đặt nhân vật của mình vào trung tâm và bắt đầu phác họa. Rất ít đưa ra những nhận định chắc nịch, Trần Vũ Long nhiều lúc giả vờ như không hiểu nhân vật cho lắm, rồi anh bắt đầu kể, kể miên man theo dòng hồi ức, và nhân vật từ đó cứ thế hiện lên. Lúc đầu là những mảnh vỡ, sau đó đầy đặn dần, cuối cùng thì trở nên sáng rõ.

Lối viết chân dung đó làm người đọc thú vị. Người đọc không có cảm giác ông cố ý tạc nên một chân dung. Người đọc bị cuốn theo những ấn tượng, những ngẫm suy, những chi tiết đôi khi lạ lùng.. Thế nhưng khi khép lại các bài viết, nhân vật lại hiện ra đầy cá tính, có thần thái.

Trần Vũ Long chỉ giản bị nói về những ấn tượng của mình đối với nhân vật, tìm ra cốt cách của nhân vật và qua đó, trong một số trường hợp, làm toát lên nuồn gốc sâu xa của thành công của họ hoặc những vẻ đẹp nào đã chưng cất nên sự độc đáo của những tác phẩm mà họ đã dày công sáng tạo...

( Nhà văn Thiên Sơn)