Một ngày lưng lửng - tập truyện Văn Giá

18.05.2016

Một ngày lưng lửng - tập truyện Văn Giá

Mười lăm truyện ngắn gợi rất nhiều điều về cái sống cái chết, đề tài thông thường của mọi nhà văn. Trong các truyện của Văn Giá có một thông điệp, nếu như gọi văn chương là có một thông điệp gì đó, là sự thương yêu, là cách hành xử thận trọng, là nỗi lo lắng hằng ngày dành cho người thân…

Truyện ngắn Mưa ở Bình Dương bắt đầu bằng những sự việc rất bình thường, như hằng ngày vẫn có những sự việc ấy. Một ông thầy ngoài Bắc vô Bình Dương giảng bài tại chức. Một học viên là chủ tịch phường. Một bác sĩ chữa răng người học hành từ trước năm 1975 ở lại hành nghề tại quê nhà. Một căn phòng khám chữa răng sáng choang sạch như li như lau, ông chủ tịch phường ngang nhiên mang giầy bê bết đất và nước mưa ướt nhẹp vào phòng hất hàm hỏi, nói. Chỉ một chi tiết ấy và các chi tiết sau đó đã cho thấy sau chiến tranh mọi thứ vẫn không thể bình thường như cách con người cần phải nên cư xử với nhau. Sự hẹp hòi thiển cận nhiều khi làm hỏng nhiều việc. Cái xấu xí vẫn đang gặm nhấm những gì đám đông cố gắng hàn gắn. Truyện ngắn này có sức nặng nhất trong tập. Nó gợi. Nó khiến ta phải ngẫm nghĩ.

Giống như đầu đề của tập truyện: Một ngày lưng lửng, những truyện ngắn trong tập đều ở thế lưng lửng. Không nói hết, không cạn ý, nhiều ẩn dụ, có vẻ muốn giữ độ lạnh nhưng lại háo hức muốn sẻ chia. Cách viết tác giả tạo ấn tượng ngay từ những sáng tác đầu tiên và trong tập sách này vẫn giữ được sự hấp dẫn ấy.

Văn Giá giỏi tạo không khí cho nhân vật bộc lộ tính cách. Đêm ở làng không có cốt truyện. Chỉ là một buổi về thăm nhà của một người đàn ông và thấy làng chẳng có gì thay đổi trong cái cách người ta quan tâm tới nhau, “phiền nhiễu” nhau như tự ngàn xưa. Làng trong đêm. Ngôi nhà. Người cha nằm trong buồng với ra trò chuyện với con trai. Câu chuyện của người già luôn ngập ngừng như còn rất nhiều điều mà không nói ra được. Mà cũng không muốn nói hết. Trong đêm có tiếng chó sủa. Tiếng của đêm. Buổi sáng người đàn ông ra bến đò để về tỉnh. Người chị mang cho em mấy con cá… Dường như chung quanh vẫn thế. Không công nghệ, không có máy móc. Chỉ có con người rất xưa cũ hành xử tận tình chu đáo với nhau.

Gió thơm là một chuyến đi chơi của người đàn ông xứ Bắc trong một vùng ở miền Tây Nam Bộ. Không có cốt truyện, không có khung - một cái khung truyện như lỏng lẻo vậy mà hấp dẫn, ta phải đọc đến cùng. Chỉ có cảm xúc về trời đất về người bên cạnh và… hoa sen trong gió. Gió thơm. Chỉ có vậy. Một cô Hoài con gái trong Nam im lặng từ đầu truyện rồi bỗng dưng xao động dữ dội khi kết truyện. Hoá ra cái ý nghĩ “làm sao có thể chung sống với một người luôn sống chung với hai hồn ma” đã ghìm nén cô, chi phối cô để cuối cùng thấy người bạn Bắc có thể hiểu, cô đã nói ra tất cả. Để thông báo, để người bạn mới biết về người đang hỏi cô làm vợ đã có vợ và con chết vì tai nạn. Cô sợ hãi cuộc hôn nhân này… Truyện đầy những cảm xúc trong tâm hồn mỗi người nhưng lại thoảng như gió. Tác giả không nói cạn. Chỉ lưng lửng. Đối thoại ở đây có những quãng dừng lâu…

Giống như truyện Đêm ở làng - truyện Gió thơm để lại cái gì đó dở dang và ta muốn được biết. Êm đềm nhưng chứa đựng bí ẩn. Sự bí ẩn ấy còn có trong cái chết của Quang – nhân vật trong Về trời. Quang, một số phận may mắn từ nhỏ, lớn lên sang trời Tây rồi đột nhiên chết ở đó. Thiên hạ bàn tán, cả những ý nghĩ bậy bạ không thương xót. Thói đời là vậy. Người tôn vinh người dìm cho tới đáy. Cái đám tang đình đám do người cha tạo dựng… Sau cùng cái chết lại ở ngoài tất cả sự đồn đoán. Chết vậy thôi. Một mình trong phòng cho tới khi bốc mùi. Gây nên sự thương cảm cho một kiếp người. Cũng chả có gì bí hiểm trong cái chết. Chỉ là một kiếp người.

Văn Giá tạo được cái hấp dẫn phía sau các câu chuyện. Thậm chí có truyện như lắp ghép các mẩu nghe nhìn của đời sống thường nhật cũng có những ý nghĩa sâu. Những chuyện tản mạn.

Những câu văn gợi lên một hình bóng, một ấn tượng về sự việc về con người nào đó có khá nhiều trong tác phẩm: Nhà phảng phất hương hoa phảng phất ra vào Hạnh. Bà giáo già. Hình bóng chìm trong thân đàn… Bỏ rơi đằng sau vài nghĩ ngợi…

Những câu văn mô tả cái đẹp bất chợt xuất hiện, nhà văn không nắm bắt được… đã khiến các câu chuyện có độ rung cảm, mang một phong cách riêng.

Văn Giá có khả năng tốt khi viết thoại. Khi đối thoại khi độc thoại và dựng lên cả một tình huống. Truyện Hạnh chẳng hạn. Thằng anh nện thằng em. Mỗi câu nói là một cú đòn. Chỉ có thằng anh hỏi rồi tự trả lời rồi đấm rồi đá. Vì ghen tuông nghi ngờ em có tình với chị dâu. Thoại ở đây căng thẳng, bộc lộ cá tính, cả hình dong nhân vật, mô tả rõ nét cái hung hãn tuyệt vọng ở thằng anh cái yếm thế vì bị đánh trúng huyệt của thằng em… Thoại ởĐêm ở làng, ở Gió thơm… dựng lên tình huống truyện, không khí truyện. Thoại trong Mưa ở Bình Dương làm người đọc sợ hãi cái gì đó tàn bạo xảy ra mà không có súng đạn… Các truyện của Văn Giá đều tạo được không khí này… Hầu như không có truyện tình. Có chăng cũng là cái “đi qua” vậy thôi, nhưng lại rất ám ảnh. Trong Hạnh, có thể hình dung cậu em chồng với cái tình yêu lặng lẽ mà mãnh liệt dành cho chị dâu… Một vài chi tiết đắt để thấy nhà văn thấu hiểu lẽ đời và đầy nhân hậu.

Mười lăm truyện ngắn gợi rất nhiều điều về cái sống cái chết, đề tài thông thường của mọi nhà văn. Trong các truyện của Văn Giá có một thông điệp, nếu như gọi văn chương là có một thông điệp gì đó, là sự thương yêu, là cách hành xử thận trọng, là nỗi lo lắng hằng ngày dành cho người thân. Những truyện ngắn thời kỳ đầu Văn Giá thường trực một  nỗi sợ, sợ khi đi máy bay, khi qua đường, sợ khi mặc cái áo cũ của ai đó… nỗi sợ rất hiếm hoi trong thế giới nhiều sự bất cẩn bây giờ. Vì thế Văn Giá thu hút người đọc từ những sáng tác đầu tiên.

Tập truyện ngắn này tác giả đã vững vàng hơn, nhưng cái độ “rung rinh” như giảm bớt. Tôi thích Văn Giá giữ mãi được độ “rung rinh” như thời kỳ đầu và cũng thích cái độ thản nhiên, độ lạnh của anh trong tập truyện này. Hai cái “độ” đó nên song hành với nhau…

Lê Minh Khuê
(nhavantphcm.com.vn)