Mùi hương quen

09.03.2022
Nguyễn Thị Thanh Bình
- Cứ bảo sao chợ nay tan sớm, hóa ra nay bà Ngâu đi chợ. Bà Xoan toe toét cười, mồm nói chân bước nhanh qua khoảng sân xi-măng ngang dọc những đường nứt, xăm xăm vào bếp lấy ra nào rổ, nào dao, nào thớt, chuyến thứ hai là những cái hộp nhựa vuông vắn nhiều kích cỡ. Bà nhìn theo những bước chân đon đả của bà Xoan và mỉm cười.

Mùi hương quen

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ngày xưa, bà với bà Xoan về xóm này làm dâu chỉ cách nhau một tuần, hai cô dâu mới nhanh chóng thân thiết và quấn quýt như chị em ruột, nhà người có việc cũng như nhà mình. Hai người cùng nhau chờ đón những đứa trẻ, tiễn những người già cho đến khi mình cũng thành bà già, ngày ngày nói chuyện con cháu làm vui.

- Vâng, nay thứ sáu bà ạ!

Sáng vừa mở mắt ra, bà đã nhớ hôm nay là thứ sáu. Lúc ra giếng rửa mặt, nhìn đám rêu ở kẽ tường trổ hoa, bà mỉm cười vẩy cho chúng nó mấy hạt nước. Ngày mai bà có thêm trò cho hai đứa cháu chơi rồi, trò này ngày xưa bố chúng nó còn thích nữa là. Lúc mở cửa chuồng gà, bà thấy dường như đám gà vui vẻ, háo hức hơn ngày thường. Nắng hôm nay như vàng hơn, giàn hoa giấy như rực lên và con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo dễ thương, dịu dàng hơn...

Bà luôn đợi những buổi chiều cuối tuần, căn nhà sẽ không còn yên ắng nữa mà rộn tiếng cười nói. Hai đứa trẻ ở thành phố ban ngày ở trường, tối về còn làm bài tập, còn học đàn, học vẽ, chẳng mấy khi được đi đâu. Mà đi đâu được, chỉ học hành thôi đã tối mắt tối mũi, đến bữa ăn còn chảy nhây, bố mẹ chúng đi làm về cũng mệt nhoài. Chỉ khi về với bà, chúng nó như hai con chó con được thả khỏi lồng, hò hét chạy khắp sân, lục lạo mọi xó xỉnh ngóc ngách, leo cả lên đống rơm làm cho nửa cái sân đầy rơm rơi vãi. Ban đầu, con dâu còn sợ hãi, cứ nhắc con kheo khéo, cẩn thận, lúc con ngã thì xuýt xoa. Thằng con trai bà thì cười hềnh hệch bảo kệ, bẩn bẩn tí cho tăng sức đề kháng, ra mồ hôi mới khỏe. Ngày xưa anh ngã suốt, chân tay đầu trán đầy sẹo đây này, có sao đâu, vẫn cưa em ngon lành. Con dâu nguýt chồng một cái rồi cũng kệ thật, khom người chui vào bếp hỏi mẹ ơi trưa nay ăn gì.

- Cá tươi bà nhỉ, con chép có trứng ngon quá.

- Thằng Đạt thích cá chép lắm, nấu riêu thêm mấy lá thì là hay kho riềng đều thích. Khổ là vợ nó ngày xưa bị hóc xương một lần nên sợ cá tới giờ, kiên quyết không cho con ăn cá còn xương. Chúng nó ăn cá gì mà lọc thịt ra, nhìn cứ như thịt lợn ấy.

- Thịt “phi dê”. Hôm tôi nghe con dâu bà nói thế còn gì.

- Đúng rồi. Phải con cá to thế nào mới “phi dê” ra được tảng thịt to thế. Thằng Đạt lên phố bao năm mà vẫn rặt nhà quê, cứ cà pháo, dưa muối, mắm tôm, con vợ nó nhăn suốt mà nó cứ hề hề mặc kệ.

- Vợ nó nhăn nhưng thương chồng con, chả bù cho con dâu tôi, nó chẳng thèm nhăn, nó bảo không thì chồng nó đố dám nói có.

- Nó sắc sảo thế mới quản được chồng. Bà thấy từ ngày lấy vợ, thằng con bà ngoan hẳn ra đấy còn gì.

- Vâng, là tôi nói thế. Chúng nó sống sao miễn yên vui là bọn mình yên tâm.

Có sự giúp sức của bà Xoan, một loáng những cái hộp đã đầy. Nào thịt, nào sườn, nào tôm, nào tép, nào cá..., tất cả được đóng hộp gọn gàng, sạch sẽ bỏ vào ngăn đá tủ lạnh, mai chúng nó đi sẽ mang theo những cái hộp ấy. À, thêm cái túi cói đựng mấy chục trứng và mớ khoai tây nữa. Ngần ấy thức ăn đủ cho chúng nó ăn hai tuần, rau thì phải mua thêm, còn thức ăn thì cứ đi làm về mở tủ ra là có.

Vợ chồng thằng Đạt đi suốt, sáng mở mắt thì vợ chở một đứa, chồng chở một đứa ra khỏi nhà. Trẻ con đến lớp, người lớn đi làm. Tối muộn sẽ về y vậy. Đấy là năm trước, nay con bé lớn còn đi học thêm đàn và vẽ, thằng em học tiếng Anh và võ nên ngày nào cũng gần tám giờ mới đủ mặt bốn người. Mấy lần bà lên chơi nhưng có ai đâu để chơi, bà chờ cả ngày được gặp con cháu thì chúng nó ùa vào bàn ăn, xong rồi ai vào phòng nấy. Nhà chúng nó chỉ dùng để ngủ. Hàng xóm cũng giống hệt vậy. Thằng Đạt cười:

- Tụi con đang phấn đấu để có tuổi hưu thanh nhàn như mẹ đấy.

Hai tuần một lần, thằng Đạt chở vợ con về thăm bà. Sớm thì chiều tối thứ sáu, muộn thì trưa thứ bảy mới về do thứ sáu hai đứa nhỏ còn học thêm. Chúng nó ở chơi đến giữa chiều chủ nhật mới đi. Nói là hai ngày nhưng tính gọn thì được một ngày. Một thì một, ngần ấy cũng đủ vui, đủ cho căn nhà của bà thêm sức sống rồi.

Hai đứa trẻ tha hồ chơi đuổi nhau trong cái sân rộng, không thì ra chỗ đống rơm mà chơi làm nhà. Thi thoảng bà dắt hai đứa ra đồng, chỉ cho chúng nó biết lúc nào gọi cây lúa, thế nào gọi là mạ, tại sao là hạt lúa, khi nào gọi hạt thóc. Kia là rau vẩy ốc chuyên lấy về cho lợn, ngày xưa bố hai đứa đến trường là nhờ những con lợn bà nuôi từ bèo tây, vảy ốc, rau dừa đấy. Cây đó không phải là cây lúa to, cũng không phải là cây sả mọc dưới nước mà là cây niềng niễng, hai đứa đứng đây, bà lội xuống mương bẻ ít niềng niễng về xào, ngày xưa niềng niễng mọc đầy mương, cà cuống bám gốc. Nay thì thứ gì cũng thành đặc sản...

Ngày xưa, bố hai đứa ngày nào cũng làm nửa bao tải rau vảy ốc, trên cổ thế nào cũng lủng lẳng con cá hay xâu cua. Bố chúng mày nghịch lắm, toàn trốn ngủ trưa vào vườn nhà người ta hái trái nhưng được cái sáng dạ và chăm học. Đi chơi đi nhởi thế nào nhưng cứ chiều về là tự giác lấy về một bao tải rau lợn...

Bà như trôi trên cánh đồng, lúc này bà thấy vui lắm, thỏa mãn lắm. Một tuần thương con nhớ cháu đến hôm nay được lấp đầy, tràn trề. Hai đứa trẻ thành phố luôn có những tiếng reo a, ô đầy vui thích. Chiều nhạt nắng, bố chúng nó lôi hai đứa trẻ xuống mương, be bờ tát cá, lúc về người ngợm bê bết bùn sình, mang theo đủ thứ “chiến lợi phẩm”. Cái bể con thành nơi hai đứa trẻ nuôi cá, ốc, cua, lươn.

Gần trưa, bà lấy mấy bộ quần áo của vợ chồng con cái thằng Đạt vẫn treo trên mắc mang ra giếng, đám quần áo này chúng nó bỏ lại hồi tuần trước, bà cứ treo trên mắc ngay cửa buồng. Mỗi lần đi ngang, bà có thể phân biệt đâu là áo con trai, cháu gái.

Bà kéo nước giếng, vò nhanh tay, nắng thế này phơi tí là khô, chiều chúng nó về có quần áo mặc ngay, lại vừa thơm tho. Trước khi vùi đám quần áo vào thau nước giếng mát lạnh, bà còn đưa lên mũi, hít tìm những thứ mùi quen thuộc nay chỉ còn mơ hồ. 

Áo con trai có mùi khói, nó luôn thích chui vào bếp, làm bố trẻ con rồi mà cứ thích khoai nướng, hễ bà nhóm bếp là nó quăng củ khoai vào, có khi bà hất ra thì nó lại đẩy vào. Cái thằng, đi đông đi tây ăn đủ thứ món ngon vật lạ mà không hết thèm khoai. Nó hềnh hệch cười, khoai phải nướng bếp rơm mới ngon, mùi khoai trộn mùi khói rất thơm. Bà cười, ngày bé cứ đi đâu về là nó vào bếp tìm mẹ, có đuổi cũng không chịu ra, còn dụi dụi vào lòng mẹ nói con thích ngửi mùi khói. Áo con dâu có mùi thơm của nước hoa và mùi tinh dầu bưởi. Sinh hai đứa con, tóc con dâu rụng như trút, bà nhìn còn xót. Mỗi lần chúng nó về, bà lại nấu cho con dâu và cháu gái nồi nước bồ kết, vỏ bưởi. Con dâu gội xong còn bôi thêm tinh dầu bưởi, ròng rã một năm nay tóc không những đã bớt rụng mà còn mọc thêm khá nhiều. Cháu gái có mùi rất nhẹ, kiểu con gái dịu dàng. Mùi của cháu trai nặng và rõ nhất, do thằng bé hiếu động ham chạy nhảy, áo lúc nào cũng đẫm mồ hôi…


Ăn tạm bát cơm nguội với mấy con cá bống kho khô cong còn lại trong nồi, bà lên giường ngả lưng. Bà ăn gì cũng được, ngày xưa còn chẳng có thịt cá mà ăn, được như bây giờ là quý lắm rồi. Chiều nay chúng nó về sẽ tha hồ ăn tươi, bà già rồi, có ăn được mấy, ngồi nhìn con cháu ăn cũng thấy no.Trước khi đi, chúng thay quần áo ra nhờ bà giặt. Bà ừ, cứ treo ở đó, để mỗi khi đi đâu về, bà luôn nghĩ vợ chồng con cái chúng nó ở đâu đó ngoài sân hay ngoài đồng, chỉ lát nữa là chúng nó kéo nhau về với những nụ cười hể hả lấm lem. Chỉ đến trưa thứ sáu, khi những mùi trên áo đã nhạt, bà mới giặt để chiều về chúng nó có mà mặc. Bà như nghiện mùi của chúng nó, cũng như ngày bé mỗi khi đi chợ sớm, sợ con trai thức giấc, bà lấy áo chèn quanh người con. Có mùi mẹ, thằng bé ngủ rõ ngon, lúc thức dậy cũng không quấy khóc.

Giấc ngủ trưa của bà nặng nề và mệt mỏi, đầu bà có chút váng vất, hẳn hôm nay nắng quá. Nắng thế này nhà chúng nó ngồi trên xe không biết có nóng không. Đang ngủ bà nghe như có tiếng sấm ì ì, khéo sắp mưa, sực nhớ mấy bộ quần áo còn phơi trên dây ngoài sân, bà bật dậy tính chạy ra rút nhưng không sao dậy nổi, người cứ nặng trịch. Bà bám tay vào thành giường, tì khuỷu tay xuống giường cố ngồi dậy mà thật khó. Nghe như tiếng bà Xoan cười nói gì ngoài ngõ, bà gọi mà không thấy bà Xoan thưa, bình thường thính lắm mà, có khi bà lầm bầm ở sân bên này mà ở bên nhà bà Xoan cũng nghe thấy. Mà sao bà lại không nghe thấy tiếng mình...

- Mẹ tỉnh rồi! Mẹ làm chúng con lo quá. May mà chúng con về kịp. Anh Đạt còn định trưa mai mới về, có mà...

Tiếng con dâu vội vã, mừng rỡ có phần trách móc, bàn tay mềm mại lay lay tay bà rồi ngoái đầu ra cửa gọi chồng. Cô con dâu bà chẳng khéo đẹp như người ta, nói năng tuệch toạc nhưng sống lâu mới thấy nó thật, yêu ghét lộ ngay ngoài mặt.

Con trai cũng ùa vào:

- Mẹ có đói không, nhà con nấu cháo còn nóng nguyên, mẹ ăn một ít đi còn uống thuốc.

Bà có làm sao đâu, thế mà phải đi viện, bác sĩ nói bà bị tai biến, tai với chả biến, bà vẫn khỏe, vẫn tỉnh táo nói chuyện, còn nhận ra mẹ đám trẻ nấu cháo hơi mặn đấy thôi. Thế nhưng bác sĩ vẫn không chịu cho bà về nhà, bảo phải theo dõi thêm ít ngày. Ở bệnh viện thì bác sĩ có quyền to nhất, bà đành chịu, chỉ biết lầm bầm nho nhỏ. Bà cả ngày luôn tay luôn chân, ăn ngủ đầy đủ, lúc nào cũng vui vẻ thì tai biến chứ trán biến cũng chả là gì.

Vợ chồng con trai nói bà lên ở cùng với chúng nó, để bà ở nhà một mình chúng không yên tâm. Chiều ấy chúng nó về kịp, lại không kẹt xe. Chỉ chậm nửa tiếng thôi thì không biết có chuyện gì. Bà không là không, chúng nó đi làm đi học hết, bà ở nhà với ai, về nhà còn có hàng xóm, ra vào cây rau con gà. Con dâu vùng vằng:

- Mẹ cứ nghĩ thế rồi chúng con mang tội!

***

Tiếng bà Xoan ngoài sân làm bà tỉnh giấc, nãy giờ bà nằm lơ mơ chứ có ngủ đâu. Lúc thả chân xuống giường, mắt bà chạm vào cái móc quần áo trống trơn, bà giật mình nhìn quanh, thấy mấy bộ quần áo vứt trên tràng kỷ, hẳn bà Xoan rút hộ.

Bà ôm đám quần áo vào lòng, vùi mặt sâu vào đống vải, cố hít thật sâu nhưng ngoài mùi bột giặt thoang thoảng thì không còn thấy mùi gì nữa. Bà cứ nghĩ chiều nay chúng nó về, nhưng con trai lại bảo con dâu vướng công chuyện không về được. Tủ lạnh thì chật cứng đồ ăn, con dâu đã bận còn phải tất tả chợ búa, đến khổ. Từ ngày đi viện, bà thấy mình yếu hơn trước và mong ngóng con cháu hơn trước. Ngày nào bà cũng dăm bận nhìn tờ lịch tường, xé một tờ mà cứ muốn xé thêm tờ nữa, cho nhanh đến ngày chúng nó về. Rồi bà lại tự mắng mình lẩn thẩn, cứ mong ngóng cho chúng nó sốt ruột. Chúng nó còn học hành làm việc, còn bao thứ phải lo toan.

- Tuần sau về được không con? - Bà thấp thỏm.

- Có ạ, giá mẹ chịu lên ở với vợ chồng con thì chúng con cũng đỡ phải chạy tới chạy lui. Vợ con mới nhận thêm việc, cuối tuần muốn nghỉ thì phải tranh thủ đêm hôm. Chẳng phải chúng con tham gì, nhưng có cơ hội để mai này thong thả thì cứ phải nắm bắt và tận dụng thôi mẹ. Để mẹ ở một mình chúng con cũng không yên tâm, nếu thấy mệt hay trong người có gì lạ, mẹ phải gọi bác Xoan ngay đấy. Đến khổ với hai bà già.

Con trai càu nhàu rồi cúp máy, bà xếp gọn bốn bộ quần áo, đặt trong lòng rồi thần người. Hai đứa con nhà bà Xoan vẫn muốn đón mẹ lên thành phố ở cùng nhưng bà chưa chịu. Đang ở nhà mình thoáng mát, nay lên nhà con chật chội bí bách, muốn hít một hơi dài mà cứ sợ hết không khí của con cháu. Đã thế nhà chúng nó toàn máy với móc các bà dùng có quen à, giặt giẻ lau cái nhà cũng không được, phải dùng cái cây đẩy đẩy xoay xoay.

Nhìn ra khoảng sân vắng mỗi lúc một thẫm lại, lại nhìn quanh căn nhà nhỏ không cả tiếng thạch sùng, bà tha thiết nhớ tiếng cười của hai đứa cháu, tiếng ồm ồm của con trai, tiếng đanh đanh của con dâu, bà cầm cái áo của thằng cháu đưa lên mũi, cố tìm một mùi hương quen.

Còn những một tuần nữa chúng nó mới về, còn đủ thời gian cho bà dọn dẹp. Sáng mai bà sẽ nói chuyện với bà Xoan, đất không chịu giời thì giời chịu đất, thôi thì con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đó. Nói cho cùng thì sinh con dưỡng cái không phải để dành đến khi già để nương dựa hay sao. Các bà giờ sống vì con vì cháu chứ vì ai, nhà khóa cửa để đấy, cuối tuần nào thư thả chúng nó sẽ đưa bà về. Bà sẽ lại dắt hai đứa cháu ra đồng...

Nghe tin, hẳn chúng nó sẽ mừng lắm. Còn những bảy ngày nữa mới lại đến cuối tuần.

(baodanang.vn)