Tháng bảy, vọng mãi lời tri ân

25.07.2022
Vũ Thị Thanh Hòa
Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn hôm đó cũng rất đông thế hệ trẻ cùng đến đây như tôi. Họ xếp hàng ngay ngắn theo đoàn, trang nghiêm và thành kính. Về đây để ngược thời gian lượm tìm những câu chuyện năm nào, để thấy được những năm tháng hào hùng của Dân tộc. Để biết được cái giá của hòa bình yên vui hôm nay đã phải đánh đổi bằng biết bao mồ hôi và xương máu.

Tháng bảy, vọng mãi lời tri ân

Ảnh internet

Theo lời ân cần nhắn nhủ của Mẹ: “Hãy đi đi con ạ. Hãy đến đó một lần để biết. Và con sẽ hiểu, mình cần phải làm gì và nên sống như thế nào”. Chuyến đi “Về nguồn” làm tôi háo hức lạ. Nghẹn ngào cùng câu hát: “Cỏ non Thành Cổ, một màu xanh non tơ. Bình minh Thành Cổ cỏ mềm theo gió đung đưa…”, xe đưa đoàn chúng tôi đến thăm Thành Cổ Quảng Trị vào một ngày tháng Bảy trong cái nắng hạ chang chang.

Bầu trời hôm đó xanh cao lắm. Và cả khu Thành Cổ xanh mướt mát một màu. Xanh cỏ non, xanh cây cối. Một màu xanh trải rộng đến nao lòng. Nhìn quanh, cũng như tôi, bao bước chân bồi hồi theo lòng về đây, bao con tim nghẹn lời trước mảnh đất đau thương mà cũng rất đỗi kiêu hùng này. Ngắm khung cảnh đất trời bao la, giữa cái gió vờn nắng tỏa, thật khó có thể hình dung nơi đây đã từng diễn ra trận chiến đấu quyết liệt kéo dài suốt 81 ngày đêm, từng hứng chịu hơn 300 nghìn tấn bom do giặc Mỹ ném dội. Hàng vạn người lính đã anh dũng hy sinh, nằm lại mãi mãi nơi này. Có tuổi đôi mươi trẻ trung phơi phới, gửi lại nơi chiến trường với bao ước mộng còn dở dang. Có dòng nhật ký với nét chữ mới vừa viết vội. Có những lá thư tình chưa kịp gửi trao. Có những dự định mãi không thể hoàn thành. Tất cả đã dệt lên một khúc tráng ca về ý chí, lòng quả cảm, về vẻ đẹp bất tử mang tên anh hùng thời đại Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử, được Tổ quốc đời đời khắc ghi.

Có rất đông những cựu chiến binh hành hương về nguồn dịp này để mong gặp lại những đồng đội thân yêu, thắp lên tượng đài những nén nhang thơm tưởng nhớ. Về thăm mảnh đất linh thiêng này, bao ký ức xưa lại vọng về trong tâm tưởng những người lính cựu với những câu chuyện hào sảng, câu chuyện của một thời trai trẻ trong nỗi xúc động rưng rưng. Họ, sau cuộc chiến, có người là lãnh đạo, có người chỉ là bác nông dân thợ cày, là cô lao công sớm khuya vất vả, nay đều lên chức ông chức bà. Thế nhưng đến đây họ có chung một tiếng lòng, gọi nhau bằng hai tiếng gọi rất đỗi thiêng liêng, gần gụi, giản dị và ấm áp tình “Đồng chí!”. Họ, nhiều người tóc bạc, dáng còng, có người không còn được lành lặn bởi mang trong mình vết thương chiến tranh. Họ, những người lính quả cảm một thời, trở về cuộc sống đời thường là những con người sống giản dị, chân chất như ai. Nói về mình thì quá ít, nhưng họ đã kể say sưa về chiến công của những đồng đội thân yêu. Đó là lúc đồng đội nhường nhau từng miếng lương khô, từng ngụm nước cuối cùng trong bi đông còn sót lại để mà cầm hơi lấy sức. Đó là những đêm đồng đội vượt sông giữa những tiếng đạn bom cày xé, dưới tiếng máy bay gầm rú trên bầu trời. Để rồi người sang sông thì nhiều mà người quay lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Có trung đội sang sông không còn một ai sống sót. Dòng sông Thạch Hãn ngày ấy quặn đỏ một màu đau thương.

Nghỉ chân dưới lùm cây râm mát, ngồi bên người cựu chiến binh, ông kể tôi nghe về câu chuyện người đồng đội, người lính trẻ măng mới 18 tuổi tròn, xếp bút nghiên lên đường chiến đấu theo tiếng gọi của non sông, giã từ người mẹ già đã từng hai lần tiễn chồng đưa con vào trận mạc. Người lính ấy có khi khuya xuống vẫn còn sợ ma, lắm khi đêm về còn thút thít khóc vì nhớ nhà, nhớ mẹ. Vậy mà khi được lệnh sang sông để tải đạn, chuyển thương anh cũng lại là người hăm hở háo hức nhất. Chuyến vượt sông lần ấy anh đi không trở lại, gửi lại đồng đội tờ thư đúng như mối dự cảm. “Lan xa nhớ! Không biết chuyến đi này Phước có trở về được không nữa. Nếu Phước có không về, thi thoảng Lan nhớ ghé sang bên nhà trò chuyện với U nhé”. Kèm theo lá thư gửi về cho cô bạn trúc mã thanh mai ấy là cánh hoa dại được ép còn tươi màu. Lần theo địa chỉ, ông tìm về quê mới hay tin, người mẹ ấy 3 lần bùi ngùi tiễn chồng con đi xa thì cũng là 3 lần mẹ khóc thầm lặng lẽ. Dáng mẹ tựa chiều hiu hắt buồn trông bên bậu cửa mà lòng ngó vào khoảng trống vắng mênh mang.

Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn hôm đó cũng rất đông thế hệ trẻ cùng đến đây như tôi. Họ xếp hàng ngay ngắn theo đoàn, trang nghiêm và thành kính. Về đây để ngược thời gian lượm tìm những câu chuyện năm nào, để thấy được những năm tháng hào hùng của Dân tộc. Để biết được cái giá của hòa bình yên vui hôm nay đã phải đánh đổi bằng biết bao mồ hôi và xương máu. Quảng Trị, mảnh đất khắc nghiệt với gió Lào, cát trắng, với bao địa danh đã trở thành chứng nhân lịch sử trong cuộc chiến khốc liệt mà cũng rất oai hùng. Vô vàn những ngôi mộ trải dài với những tấm bia ghi danh các anh hùng liệt sỹ từ khắp mọi miền trên tổ quốc. Và còn có bao nhiêu ngôi mộ gió, bao nhiêu nấm mồ vô chủ chưa được trở về với mảnh đất quê hương? Rất rất nhiều anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống mảnh đất này mà không ai kịp nhớ mặt biết tên.

Dòng sông Thạch Hãn nay trở lại xanh trong hiền hòa. Sông vẫn lặng lẽ trôi, ngày đêm ôm trong lòng dỗ ru những linh hồn đã khuất như lòng mẹ vỗ về chở che những đứa con bé bỏng của mình. Những con thuyền vẫn nhẹ nhàng xuôi ngược. Gieo vào lòng tôi nỗi rưng rưng nghẹn ngào là lời thơ khắc trên bia đá: “Đò lên Thạch Hãn…ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi đôi mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”.

Tháng Bảy với những lời tri ân hòa cùng những lời thầm thì của hoa lá, cỏ cây vọng ca lời sông núi. Những nén nhang ấm tình, những ngọn đèn hoa đăng trên những bàn tay nâng niu được thả trôi xuôi dòng. Trên sóng phát thanh vẫn không ngừng những dòng nhắn tin tìm đồng đội. Tất cả đều với một lòng tri ân tưởng nhớ, xoa dịu những mất mát, đau thương.

Có người ra đi và mãi không về. Có người trở về không còn được nguyên vẹn như xưa. Cuộc sống dẫu còn nhiều khó khăn vất vả. Tháng Bảy về, xin hãy dành một lời tri ân bằng những việc làm dù chỉ là rất nhỏ. Xin dành một phút mặc niệm nghiêng mình vì những người đã ngã xuống ngày hôm qua…

(vanvn.vn)