Nghệ thuật đương đại: Sự bối rối của sáng tạo

03.12.2021
Ý Dĩ Trần
Tôi nhớ bài viết của Sebastian Smee trên “Washington post” và được dịch đăng trên trang iDesign. Đây là câu chuyện về quả chuối dán băng keo trên tường được mua với giá 120.000 đô la năm 2019. Đó là một sự kiện gây sửng sốt và tranh cãi trong giới nghệ thuật.

Nghệ thuật đương đại: Sự bối rối của sáng tạo

Cầu nguyện cho hoa tulip. Ảnh: nghethuat.vn

Smee, qua đó đã cho rằng: “Sự sáng tạo thường làm chúng ta bối rối. Nó làm gãy vụn những quy chụp và kỳ vọng mà chúng ta đã vô thức bám vào. Mọi người từng nói rằng Rap không được xem là một thể loại nhạc bởi nó thiếu tính giai điệu. Thật buồn cười. Khi Steve Martin biểu diễn độc thoại với những câu đùa khó nhận biết, rất nhiều người đã tự hỏi liệu nó có được gọi là hài kịch không. Rap phát triển ngày càng mạnh mẽ, và theo như tôi biết đến tận bây giờ, không ai tẩy chay những buổi biểu diễn của Martin chỉ vì nó chẳng giống với định nghĩa thông thường của chúng ta về hài độc thoại.”

Trong khi đó, ở Việt Nam, hiện tại Rap đang nổi đình nổi đám. Chưa khi nào người ta thấy Rap được chào đón nồng nhiệt như thế. Chưa khi nào các Raper lại nở rộ như vậy. “Không phải Pop Ballad, Rock, Bolero hay EDM…, mà Rap mới chính là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trong đời sống nhạc Việt thời gian gần đây. Từ trong bóng tối, Rap đã bước ra, bứt phá ngoạn mục và khẳng định mình một cách mạnh mẽ trong dòng chảy âm nhạc đương đại Việt Nam.” (báo Nhân Dân).

Thật vậy. Nói đến nghệ thuật đương đại, tôi chắc nhiều người hình dung đó là một thứ nghệ thuật…khó hiểu. Dĩ nhiên, nó bao gồm nhiều loại hình. Nghệ sĩ tự biến mình thành cột điện ư? Đọc sách trong toilet cũng là nghệ thuật ư? Chỉ mấy tờ giấy màu sắc rực rỡ xếp cạnh nhau cùng là nghệ thuật sao?

Silka P viết trên trang widewalls một bài có tên là “What is Contemporary Art and How Can We Define it Today?” (Nghệ thuật đương đại là gì? Và ngày nay làm cách nào để định nghĩa nó?): Nghệ thuật Đương đại, trong mọi trường hợp, được định nghĩa là “Tác phẩm nghệ thuật đã, đang và tiếp tục được tạo nên trong suốt cuộc đời chúng ta”. Nghe khá đơn giản?

Vâng, nếu đơn giản thế, làm sao chúng ta có thể giải thích được việc không một định nghĩa nghệ thuật nào, không một trường phái nghệ thuật nào mà lại vừa gây bối rối, lại vừa rõ ràng, thẳng thừng như nghệ thuật Đương đại (Contemporary Art)?”

Vẫn là Smee: “Với nghệ thuật đương đại, những hạng mục được phân chia đều bị phá vỡ. Điều này có thể khiến nó trở nên nhạt nhẽo, dĩ nhiên. Nhưng đó cũng là thứ khiến nghệ thuật thị giác trở nên sôi động và thú vị, theo nhiều cách khác nhau, nhờ thế mà nó vượt xa khỏi phần còn lại của những gì được gọi là “văn hóa”.

Nếu một nghệ sĩ thị giác muốn làm một tác phẩm nghệ thuật đẹp và an toàn, tuyệt thôi – tôi muốn mua chúng! Nếu các nghệ sĩ khác muốn làm nên các tác phẩm xấu xí và khủng khiếp, tôi cũng muốn mua chúng, chúng có thể cộng hưởng với nỗi sợ sự sống, sự chết của riêng tôi hay nhắc nhở tôi về những góc nhìn mới.

Và nếu ai đó khác – ví dụ như một kẻ thích trêu chọc người Ý tên Maurizio Cattelan – muốn sử dụng nghệ thuật để sắc bén phê bình cách mà nghệ thuật bị thương mại hóa và nếu anh ấy muốn dùng sự hài hước, tính kịch và một chút vô lý để thực hiện điều đó, tại sao tôi bỗng nhiên nên nói rằng đó chẳng phải nghệ thuật? Tôi thích cười vào những ý nghĩ điên rồ và tôi nghĩ nó đã tinh tướng nói lên sự dở hơi cực đoan của giới nghệ thuật.”

Sáng tạo của nghệ sĩ có phải hướng đến rộng rãi công chúng, hay chỉ một nhóm nhỏ những người am hiểu lĩnh vực của họ, còn tùy vào quan niệm nghệ thuật mà nghệ sĩ đó theo đuổi. Tỉ như các họa sĩ Việt Nam hiện nay phần lớn hướng đến thị trường nghệ thuật nước ngoài, thay vì trong nước, như Laurent COLIN trong bài “Nghệ thuật đương đại Việt Nam có (còn) gì để nói?”. Bởi vì sao? Người nước ngoài được đào tạo chuyên sâu về nghệ thuật ngay từ khi họ còn thơ ấu sẽ có đánh giá chính xác và thỏa đáng về tác phẩm của họ hơn chăng? Điều này tôi không biết trả lời thế nào. Hay không thể trả lời. Chỉ là cảm thấy nghệ thuật và cảm nhận nghệ thuật trước nay, chứ đâu gì đương đại, vốn đã nhiều khoảng trống và khoảng cách. Chính vì vậy, nhiều nghệ sĩ tự an ủi bản thân: không hề gì, vài chục năm sau tác phẩm của bạn sẽ được đón nhận và tung hô bởi chính những kẻ hôm nay giẫm đạp, chê bai nó.

Nghệ sĩ sáng tạo sẽ tiếp tục bối rối, hay chính xác hơn là sự bối rối của sáng tạo, khi họ bắt tay vào quá trình sáng tạo và công bố. Trở lại với câu chuyện quả chuối dán băng keo trên tường đi. Thực tế không phải chỉ có quả chuối dán băng keo được bán với số tiền lớn nhường ấy. “Những biến đổi qua lại” (Willem de Kooning) chẳng hạn. Bức tranh với những nét “nguệch ngoạc” khó hiểu này đã được bán với giá 300 triệu USD tại một cuộc triển lãm. Nghe thế, các nghệ sĩ đương đại có bảo nhau: Hãy cứ nguệch ngoạc đi, khó hiểu đi, càng khó hiểu thì càng là nghệ thuật?

Về quả chuối, theo Sebastian Smee: Tôi không nghĩ quả chuối và băng keo là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời. Quả chuối không phải nghệ thuật, mà theo cách nói khác, nó tạo nên nghệ thuật. Đó là sự lố bịch của việc bán hàng và những viễn cảnh diễn ra theo đó, chi tiết hơn, đó là ý tưởng rằng hệ thống này rất vô lý. Tác phẩm, theo cách nói khác, là một sự đồng tình với cảm xúc của người xem về chính nó!

Dù bạn nghĩ nó thành công hay không, “Comedia” là một nỗ lực làm lộ diện tình huống điên rồ hiển nhiên này – một tình huống không chỉ ám chỉ thị trường nghệ thuật và giới nhà giàu mà còn bao hàm truyền thông và cơn khát không thể dập tắt được của chúng ta đối với những tin tức giật gân. Sẽ thật tuyệt nếu ta có thể kết thúc mọi sự điên rồ bằng cách định nghĩa lại nó, bằng cách nói rằng “Đó không phải nghệ thuật!”, nhưng rõ ràng là ta không thể.

Sự tự do mà nghệ thuật đương đại gánh trên vai mình đã tự tạo cho nó những quy tắc, thỏa thuận ngầm, và cũng là một trong những điều khiến tôi yêu thích. Tôi nhận thấy rằng ở mọi thời đại, “tự do” truyền cảm hứng cho những người ở lĩnh vực khác nỗ lực. Những người sáng tạo nhất của âm nhạc đại chúng như Frank Ocean, Beyoncé, Jay-Z, Lady Gaga… gặt được những ý tưởng “xịn” nhất từ nghệ thuật đương đại. Cũng như với giới kiến trúc, kịch nghệ, vân vân…”

Bạn không hiểu, nhưng bạn có thích không?

 “Từ trước giờ người ta vẫn có một ý tưởng rằng nghệ sĩ là tác giả duy nhất của tác phẩm. Với sự phát triển của nghệ thuật Đương đại, khán giả đã trở thành một phần không thể thiếu trong việc tạo ra ý nghĩa và những suy nghĩ về tác phẩm.” (Silka P.)

Đứng trước một tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật đương đại, câu hỏi xuất hiện trong đầu những người xem là: Nó có ý nghĩa gì vậy? Nó muốn nói với ta điều gì. Vậy với khái niệm về nghệ thuật đương đại này, có lẽ người xem cũng nên tự hỏi “Ta muốn nói gì với tác phẩm nghệ thuật kia?”

Nếu ai đó có quan điểm khác về nghệ thuật, vẫn ổn thôi. Vấn đề là liệu có ổn không nếu để người nghệ sĩ tự quyết định liệu những gì họ làm có được gọi là nghệ thuật không.

Cuối cùng, tôi nhớ câu nói của Rosie Dickins: “Một câu hỏi quan trọng nữa – dù bạn xem bất cứ loại hình nghệ thuật nào – là bạn có thích không, và vì sao. Đây chỉ là chuyện thị hiếu, mà thị hiếu thì luôn thay đổi. Thứ có vẻ gây sốc 100 năm trước đến hiện giờ lại là bình thường. Hồi năm 1850, các nghệ sĩ Ấn tượng bị coi là quá khích. Nhưng, so với rất nhiều loại hình nghệ thuật gần đây, họ lại có vẻ khá cổ điển”. Còn với Smee: “Với tôi, kinh nghiệm là khóa học khôn ngoan nhất. Chúng ta đều bị thôi thúc loại bỏ thứ ta không thích. Chúng ta có thể nói, “Cái đó con nít cũng làm được,” hay “Tôi cũng làm được.” Nhưng “Đó chẳng phải nghệ thuật” là một phản ứng hoàn toàn khác. Nó là một cố gắng đầy sợ hãi và lười biếng để định nghĩa thứ gì đó không tồn tại.

Tôi sẽ không bỏ đi những suy nghĩ của riêng mình, cũng sẽ không mạo muội đến quan điểm của ai, bởi thật vô ích khi cứ ra rả với thế giới rằng cái gì thì được gọi là nghệ thuật và cái gì không. Làm thế cũng không hoàn toàn giải quyết được việc gì cả.”

(Văn nghệ số 48/2021)