Lễ Vu lan ở Đà Nẵng

21.08.2021
Thùy An
Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa thu thì lòng người lại bâng khuâng nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha. Nhiều người, cho dù ở bên cha mẹ hay ở một nơi nào đó, đến ngày rằm tháng Bảy thì đi lễ chùa để cầu nguyện cho những người thân yêu đã khuất được siêu thoát, đặc biệt là cầu nguyện cho cha, mẹ đang còn sống được an lạc, và cũng là để nghe các sư thầy giảng về ý nghĩa lễ Vu lan và đạo hiếu của người con đối với các bậc sinh thành.

Lễ Vu lan ở Đà Nẵng

1. Theo Phật lịch, lễ Vu lan được bắt nguồn từ một bản kinh ngắn của Phật giáo Đại Thừa, đó là “Phật thuyết Kinh Vu lan Bồn”, do ngài Trúc Pháp Hộ dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán vào đời Tây Tấn (khoảng năm 750 - 801 sau Công nguyên) và được truyền từ Trung Hoa vào Việt Nam. Vu lan là chữ viết tắt của Vu lan Bồn. Chữ Vu lan, vốn phiên âm từ tiếng Phạn (Sanscrit): “Ullambana”, tiếng Hán dịch là “Giải đảo huyền”, có nghĩa là “cứu nạn treo ngược” tức là cứu vớt những linh hồn bị trừng phạt do nghiệp chướng của mình gây ra. Vì vậy, lễ Vu lan còn gọi là lễ xá tội vong nhân.

Sự tích lễ Vu lan đã có từ rất lâu và có đến mấy truyền thuyết. Câu chuyện kể về một đệ tử thông tuệ của Đức Phật có tên là Mục Kiền Liên, ông là một vị Tôn giả đã tu luyện tinh thông nhiều phép thuật. Một hôm ông dùng thiên lí nhãn thấy mẹ là bà Thanh Đề ở dưới địa ngục phải làm quỷ đói rất khổ sở. Ông tức thì dùng phép mang cơm xuống địa ngục cho mẹ, nhưng mẹ Tôn giả sợ người khác thấy giành giật hoặc xin ăn bớt, bà lấy một tay che bát, một tay đưa cơm lên miệng, nhưng cơm đưa lên miệng lại biến thành lửa đỏ không sao ăn được. Tôn giả vô cùng đau xót, ông quay về van xin Đức Phật nhờ Đức Phật dạy cách giải thoát cho mẹ. Phật dạy rằng: “Tội lỗi của mẹ Mục Kiền Liên dù có phép thần thông của hàng thiên thần địa kỳ cũng không cứu được, duy chỉ dùng thần lực của chúng tăng sau ba tháng an cư tích tấn tu hành thanh tịnh, tập trung chủ nguyện cho, may ra mới chuyển hóa nghiệp lực của mẹ Tôn giả và mẹ Tôn giả mới thoát khỏi khổ cảnh mà thôi”. Sau đó Đức Phật còn dạy, vào ngày rằm tháng Bảy, nhân lúc chư tăng mãn hạ, nên sắm sửa hoa thơm quả ngọt đặt vào chiếc chậu Vu lan mang đến cúng dâng chư tăng, ăn mày uy đức của chư tăng để chuyển nghiệp tham si nơi vong nhân, mới mong cứu thoát được vong nhân nơi địa ngục. Mục Kiền Liên nghe theo, quả nhiên cứu được mẹ.

Từ đó về sau, lễ Vu lan được tiến hành hàng năm vào rằm tháng Bảy. Thứ vị quan trọng nhất trong nghi thức Vu lan, chính là chư tăng, nhưng cũng phải có thời cơ thuận tiện để chư tăng thi hành công quả của mình: đó là lúc chư tăng họp nhau trong khóa hạ, và khóa hạ vừa mãn, nghĩa là vào ngày Tự thứ, lúc chư tăng hoan hỉ bố thí công đức. Ngoài ra, Lễ Vu lan còn đòi hỏi một thành tâm ở nơi tín chủ. Tín chủ dâng lễ cho các thầy, các thầy đem dâng Phật trước khi họ thí đó là việc của các thầy, còn tín chủ chỉ tuân theo Giáo pháp của đức Phật cúng dâng chư tăng để chư tăng chuyển pháp luân siêu thăng cho các vong hồn đang bị giam nơi địa ngục.

2. Trước khi đạo Phật du nhập vào nước ta thì người Việt coi ngày Rằm tháng Bảy là ngày tết Trung nguyên, là ngày Xá tội Vong nhân. Nghĩa là bao nhiêu tội nhân ở dưới âm phủ đều được tha tội một ngày hôm ấy. Vì vậy, trên dương thế, mọi gia đình đều làm cỗ bàn cúng ông bà tổ tiên, đốt vàng mã mong rằng vong hồn tổ tiên được một ngày về cõi trần hưởng lễ của con cháu. Mọi người cũng tin rằng linh hồn những người chết đường, chết chợ, những cô nhi yểu vong... tóm lại là những vong hồn quanh năm không được ai cúng giỗ sẽ cùng tới vui hưởng trong ngày Xá tội Vong nhân này.

Khi đạo Phật du nhập vào, trong quá trình phát triển thì người Việt đã kết hợp ngày lễ Vu lan và ngày tết Trung nguyên thành ngày nhớ ơn đấng sinh thành cũng đồng thời là ngày Xá tội Vong nhân. Trong ngày này, tại các gia đình người Việt nói chung, Đà Nẵng nói riêng, người dân thường tổ chức lễ rất lớn. Cỗ cúng thì có cỗ mặn, cỗ chay đủ cả. Nhưng món quan trọng nhất của buổi lễ là mâm cháo. Nghèo mấy cũng phải có một nồi cháo hoa. Thứ cháo được nấu bằng gạo tẻ, lúc nấu không được đụng đũa. Cơm nắm thành những nắm nhỏ, sắn khoai luộc cắt làm đôi làm ba, mía cắt ra từng khúc, vài hạt lạc, hạt mít luộc, bỏng gạo, hoa quả đủ loại theo mùa, bánh kẹo, trầu cau, có cả xôi chè. Nhiều nhất vẫn là vàng hương, đồ mã. Đồ mã thường là quần áo được làm bằng các loại giấy màu xanh đỏ tím vàng thành từng xấp. Mọi người đều tin rằng các lễ vật này khi gửi được xuống cõi âm, các vong hồn sẽ sử dụng như trên dương thế. Tại các chùa thì thường chỉ có cỗ chay. Cháo sẽ được các sư múc ra những bát bồ đài lá mít cắm ở hai bên đường đi, ngoài ra còn có một nồi cháo đại để bên.

Trong ngày đại lễ, khuôn viên các chùa ở Đà Nẵng đều được trang trí cờ phướn rực rỡ, giữa sân có đặt một đài cao, trên đặt một bàn thờ Địa tạng vương bồ tát, là vị thần cai quản âm giới. Trong lễ có tục chạy đàn Huyết bồn với nội dung mở cửa địa ngục để xá tội vong nhân, diễn tích Mục Kiền Liên cứu mẹ, thí vong linh bằng cháo trắng, phóng sinh. Vào ban đêm còn có lễ múa đèn do Phật tử tham gia. Trong đó phần quan trọng nhất không thể thiếu ở hầu hết các chùa là lễ cài bông hồng. Đây được xem là giờ phút thiêng liêng nhất đối với mỗi người. Ai còn mẹ thì được gắn một bông hồng đỏ, nếu ai mất mẹ thì cài bông hồng trắng trên ngực áo. Còn bông hồng vàng chỉ dành riêng cho một bậc cao thượng giải thoát. Nghi thức cài bông hồng như là cách thể hiện tình cảm của mỗi người để nhớ mẹ, để tôn vinh mẹ, để mừng mẹ còn tại thế và để xót xa khi nghĩ đến mẹ đã qua đời. Đây được coi là một nét văn hóa tôn vinh giá trị của tinh thần báo hiếu trong tình cảm của con người và trở thành hình ảnh mang tính giáo dục nhân văn sâu sắc.

3. Đã là con người, từ đấng thánh hiền đến người thường dân ai ai cũng phải có cha, mẹ sinh ra, chính cha, mẹ đã san sẻ một phần máu, thịt để tạo nên hình hài của mỗi người con. Từ bao đời nay, cha mẹ là hiện thân của tình thương con. Con gắn kết với cha mẹ cũng bằng tình thương và tình thương ấy được gọi là lòng hiếu thảo. Vu lan là ngày báo hiếu của con cái đối với các bậc sinh thành. Với những người không còn cha mẹ trên cõi đời, có thể làm những gì đó để cầu nguyện cho cha mẹ mình, hướng nghĩ đến cha mẹ. Nếu còn cha mẹ trên đời, chúng ta là người đang có diễm phúc đó. Chúng ta có thể làm điều gì đó tốt đẹp, đem đến cho cha mẹ niềm vui và hạnh phúc. Thật ra, không cần phải đợi đến mùa Vu lan mới báo hiếu, mà mỗi giây phút, mỗi ngày cũng có thể là Vu lan của chúng ta.

Cho nên việc thể hiện lòng biết ơn công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ là điều ai cũng muốn làm. Vì thế, lễ Vu lan không còn là một đặc thù riêng của người Phật tử mà là một nghĩa vụ thiêng liêng nhất của mọi người con hiếu hạnh đối với các bậc sinh thành. Nếu như trên thế giới có ngày Father’s day (Ngày của Cha) và ngày Mother’day (Ngày của Mẹ), thì Việt Nam chúng ta cũng có cả một mùa Vu lan để các con, các cháu có dịp báo hiếu đấng sinh thành. Hiện nay, đời sống kinh tế có nhiều thay đổi, phần nào đã tác động lên các giá trị văn hóa truyền thống, làm cho chữ Hiếu ngày trở nên mờ nhạt thì ngày lễ Vu lan còn có ý nghĩa nhắc nhở mọi người phải làm tròn chữ Hiếu của bản thân đối với cha mẹ.

Và như thế, dù chúng ta là ai, theo Phật giáo hay không, thì lễ Vu lan - Báo hiếu cũng thật sự là Lễ hội văn hóa thấm đẫm tình người, thắp sáng niềm tin và lẽ sống. Con người thật sự hạnh phúc, giải thoát khi các giá trị tình người được bảo lưu, tôn vinh và tuôn chảy trong đời sống thường nhật... Lễ Vu lan chứa đựng những giá trị nhân văn.

T.A