Xây dựng hệ sinh thái nghệ thuật nhìn từ truyện tranh để hướng đến công nghiệp văn hóa

03.08.2022
Hạ Yên
Xây dựng hệ sinh thái nghệ thuật là một khái niệm được rất nhiều người làm nghệ thuật quan tâm trong những năm gần đây. Nhưng để bắt đầu từ đâu và cụ thể hóa từ lý thuyết thì dường như vẫn là một chặng đường. Tuyến bài viết này xin được đề cập đến việc xây dựng hệ sinh thái truyện tranh - loại hình nghệ thuật có sự kết hợp giữa văn chương và hội họa nhưng đã gặt hái được nhiều thành công trên thế giới, đóng góp vào ngành công nghiệp văn hóa.

Xây dựng hệ sinh thái nghệ thuật nhìn từ truyện tranh để hướng đến công nghiệp văn hóa

Truyện tranh - mảnh đất nghệ thuật đầy tiềm năng

Truyện tranh được cho là xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1732 qua các bản khắc châm biếm của họa sĩ người Anh William Hogarth. Mặc dù ra đời sớm như vậy nhưng truyện tranh lại có một hành trình khá thăng trầm để tìm được "vị thế" trong các loại hình nghệ thuật. Giờ đây, nhiều quan điểm cho rằng truyện tranh là nghệ thuật thứ 9 (sau 7 loại hình nghệ thuật đã được xác lập và thứ 8 là Nhiếp ảnh). Tuy nhiên, truyện tranh ở Việt Nam lại là loại hình nghệ thuật còn khá thưa vắng.

Tại nhiều nước có nền truyện tranh phát triển, loại hình nghệ thuật này đã tỏ rõ ưu thế việc xây dựng hệ sinh thái trong ngành công nghiệp văn hóa. Truyện tranh là một hình thức biểu đạt nghệ thuật quan trọng ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Thị trường xuất bản truyện tranh các nước này đã và đang phát triển không ngừng, tạo thành một dòng nghệ thuật riêng, có thể nhận diện "thương hiệu" rõ rệt. Chẳng hạn nhắc đến Manga độc giả nghĩ ngay đến Nhật Bản, Manhua của Trung Quốc, Comic của châu Âu và Manhwa của Hàn Quốc. Đáng chú ý, truyện tranh không chỉ dành cho độc giả thiếu nhi mà rất nhiều độc giả lớn tuổi cũng tìm đọc truyện tranh. Hiện nay, ở những nước có nền truyện tranh phát triển mỗi độc giả đều có thể tìm cho mình một tác giả, một bộ sách đáp ứng thị hiếu riêng.

Một điểm dễ nhận thấy ở ngành nghệ thuật được coi là non trẻ này là không chỉ dừng ở truyện tranh được xuất bản theo cách truyền thống mà còn kéo theo sự ra đời dưới các hình thức khác. Có thể kể đến như: sách điện tử (webtoon), xuất dịch sang các nước khác, phim hoạt hình, phim truyền hình, phim chiếu rạp, game, triển lãm tranh, artbook cùng các sản phẩm ăn theo như đồ chơi, hình ảnh trên mũ, áo, đề can dán…thậm chí cả giải trí, du lịch. Việc xây dựng hệ sinh thái cho nghệ thuật nói chung và hệ sinh thái cho truyện tranh nói riêng đã và đang tạo được những thành quả đáng mong đợi của nhiều nước rất đáng học hỏi .

Tại Việt Nam truyện tranh vẫn là một mảnh đất trống còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai phá. Trong nhiều năm trước, truyện tranh tại Việt Nam chưa được chào đón nồng nhiệt vì một số quan điểm e ngại rằng truyện tranh chỉ dành cho trẻ em, hay truyện tranh tối giản ngôn ngữ khiến trí tưởng tượng của độc giả không phát huy được. Cho đến nay, quan điểm này đã được "giải oan" từ ngay trong thực tế. Có rất nhiều độc giả không chỉ là thiếu nhi mà người lớn cũng say mê truyện tranh. Và chính sự tối giản ngôn ngữ, thay vào đó bằng ngôn ngữ hình ảnh đầy tượng hình, màu sắc là những "khoảng trống" thú vị để người đọc bay bổng và tưởng tượng theo cách riêng của mình từ những gợi ý của truyện và tranh. Không những vậy, tư duy lô gich, liên kết, xâu chuỗi sự kiện, chi tiết cũng được phát huy cho độc giả truyện tranh.

Truyện tranh và nền tảng xây dựng hệ sinh thái

Tại buổi tổng kết năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022, đề cập đến những nhiệm vụ của ngành văn hóa, thể thao và du lịch trong năm 2022. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định cần tiếp tục quán triệt những quan điểm lớn của Đảng và Nhà nước về vấn đề văn hóa, nhất là bài phát biểu của Tổng Bí thư đề cập đến việc nghiên cứu để xây dựng thiết chế văn hóa, bảo vệ di sản, di tích, xây dựng môi trường văn hóa và văn hóa gia đình. Vì vậy, toàn ngành phải đặt lên hàng đầu việc tập trung xây dựng hệ sinh thái, tạo môi trường văn hóa từ cơ sở, làm điểm rồi nhân rộng.

Như vậy có thể nói xây dựng hệ sinh thái trong lĩnh vực văn hóa là một trong những vấn đề đã được Bộ VHTTDL đặt ra.

Theo PGS. TS Phạm Bích Huyền trên tạp chí văn hóa nghệ thuật cho biết: có thể hiểu hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngành Văn hóa là tổng thể các mối liên kết giữa các chủ thể đổi mới sáng tạo, các chủ thể/ tổ chức khởi nghiệp và các cơ quan, thể chế liên quan nhằm thúc đẩy các sản phẩm, dịch vụ và quy trình sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật hướng tới mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững.

Các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nói chung và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngành Văn hóa nói riêng đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu tăng trưởng quốc gia; là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, của ngành Văn hóa, các ngành và lĩnh vực kinh tế, xã hội của địa phương và doanh nghiệp; là nền tảng để thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Tại buổi ra mắt tập truyện tranh Sơn Goal – dự án hợp tác truyện tranh Manga Nhật Bản – Việt Nam đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng vào ngày 28/7, ông Aoyagi Masayuki – Giám đốc bộ phận xuất bản, NXB Kadokawa của Nhật Bản, một quốc gia có quá nhiều thành công mảng truyện tranh có những chia sẻ: Điều cần thiết để tạo nên làn sóng truyện tranh Nhật Bản đó là vẻ đẹp của văn hóa truyện tranh. Vẻ đẹp đó chính là nội dung, bối cảnh, nhân vật phù hợp với hình ảnh của quốc gia trong những bộ truyện xuất bản.

Trả lời câu hỏi của độc giả, liệu cuốn truyện tranh mới nhất này có được chuyển sang các dạng khác như nhiều truyện tranh đã làm trước đó như phim hoạt hình, game... và nhiều dạng khác nữa không, ông Aoyagi Masayuki cho rằng điều này phụ thuộc vào sự đón nhận của công chúng cũng như chất lượng tác phẩm. Ngay cả việc bộ truyện này liệu có bao nhiêu tập cũng là một... ẩn số!. Bởi nó cũng hoàn toàn phụ thuộc vào độc giả. Còn độc giả đọc thì tác phẩm sẽ tiếp tục được nối dài.

Như vậy có thể thấy, nếu các tác giả Việt Nam muốn xây dựng và thành công truyện tranh thì cũng chú trọng vào nội dung, bối cảnh, nhân vật phù hợp với hình ảnh quốc gia. Nói cách khác, tác phẩm đó phải mang bản sắc của Việt Nam mà không thể na ná phong cách của những nền truyện tranh thế giới đã thành công. Đó chính là cơ sở để xây dựng hệ sinh thái từ truyện tranh. Một tác phẩm truyện tranh đúng "chất" Việt Nam, chất cả về nội dung lẫn nghệ thuật tranh vẽ, đủ khả năng "bao trùm" và "kéo theo" được các loại hình khác mới bảo lãnh được cho con đường lâu dài phía trước cho hệ sinh thái nghệ thuật đằng sau.

Ngày 28/7, tại Hà Nội đã ra mắt truyện tranh Sơn, Goal!.

Sơn, Goal! là bộ truyện tranh Manga hợp tác Nhật - Việt đầu tiên, ra mắt độc giả Việt Nam nhân dịp kỉ niệm 65 năm thành lập Nhà xuất bản Kim Đồng (1957 - 2022), hướng tới kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2023).

Sơn, Goal! là dự án truyện tranh Manga đầu tiên được xây dựng kịch bản và bối cảnh tại Việt Nam với sự tham gia của đội ngũ sản xuất đến từ hai quốc gia Nhật Bản - Việt Nam. Tác phẩm do họa sĩ Baba Tamio sáng tác, đội ngũ biên tập của NXB Kadokawa & NXB Kim Đồng chung tay thực hiện.

Nhân vật chính của bộ truyện là Sơn – cậu bé có mẹ là người Việt, sinh ra và lớn lên tại "vương quốc bóng đá" Brazil, vừa trở về thành phố Đà Nẵng quê hương. Truyện lấy đề tài về môn "thể thao Vua" tại Việt Nam, xoay quanh hành trình chinh phục đỉnh cao bóng đá của Sơn và đồng đội. Là một thiếu niên sống xa quê hương từ nhỏ, liệu Sơn có thể vượt qua rào cản về ngôn ngữ để kết nối với đồng đội?

Ông Aoyagi Masayuki, Giám đốc xuất bản, NXB Kadokawa bày tỏ: "Thông qua bộ truyện tranh Sơn,Goal!, chúng tôi muốn truyền tải tới thế hệ trẻ em Việt Nam tầm quan trọng của tình bạn và sự nỗ lực cùng nhau phấn đấu, cũng như sự tuyệt vời của bóng đá". Thông điệp mà bộ truyện muốn hướng đến rằng bóng đá sẽ là thứ ngôn ngữ chung giúp chúng ta hiểu nhau.

(bvhttdl.gov.vn)