Các nhà thơ trẻ, xin hãy đọc mọi thứ

06.04.2024
Nguyễn Huy Hoàng (dịch)
Adam Zagajewski (1945 - 2021) là nhà thơ, nhà văn, nhà tiểu luận người Ba Lan. Ông được trao giải văn chương quốc tế Neustadt năm 2004 và giải Heinrich Mann năm 2015.

Các nhà thơ trẻ, xin hãy đọc mọi thứ

Tranh Sự bất ổn của thi sĩ của họa sĩ Giorgio De Chirico

Tôi cảm thấy có ít nhất một mối nguy ở đây. Bằng cách thảo luận những cách đọc, hay đơn giản chỉ là phác thảo chân dung một người “biết đọc” [a good reader], tôi có thể vô tình đem đến ấn tượng bản thân mình cũng là một người đọc hoàn hảo. Không gì có thể xa rời sự thật hơn thế. Tôi là một người đọc loạn [a chaotic reader], những lỗ hổng trong giáo dục của tôi còn ngoạn mục hơn cả dãy Alps Thụy Sĩ. Các nhận xét của tôi do đó nên được xem như là thuộc về cõi mơ, một xứ không tưởng của cá nhân, hơn là mô tả một trong số ít những đức hạnh tôi có.

Hãy đọc loạn lên! Mấy hôm trước tôi vừa mới dỡ hành lý sau kỳ nghỉ hè. Hãy xem tôi mang những cuốn sách nào đến Thụy Sĩ, gần hồ Geneva. Đáng lẽ tôi nên mang Jean-Jacques Rousseau, Byron, Madame de Staël, Juliusz Slowacki, Adam Mickiewicz, Gibbon, và Nabokov, bởi tất cả đều gắn bó với cái hồ nổi tiếng này theo một cách nào đó. Nhưng thực ra tôi không mang theo ai trong số họ cả. Trên sàn phòng đọc, thay vào đó, là The Greeks và Greek Civilization của Jacob Burckhardt (phải, bản dịch tiếng Anh, tôi nhặt trong một hiệu sách cũ ở Houston), một tuyển tập tiểu luận của Emerson, thơ tiếng Pháp của Baudelaire, thơ dịch sang tiếng Ba Lan của Stefan George, cuốn sách kinh điển về Ngộ đạo luận (bằng tiếng Đức) của Hans Jonas, một số bài thơ của Zbigniew Herbert, và Hugo von Hofmannsthal Toàn tập (Gesammelte Werke) chứa đựng những tiểu luận đáng chú ý của ông. Một số cuốn là của các thư viện ở Paris. Điều này cho thấy tôi là một độc giả khá chập mạch, một người trốn tránh trách nhiệm của người sở hữu để đi mượn sách thư viện, cứ như đọc sách không phải của mình thì sẽ cho tôi thêm một chút tự do nào đó.

Nhưng vì sao tôi đọc? Thực ra tôi có cần trả lời câu hỏi này không? Với tôi thì có vẻ như các nhà thơ đọc vì mọi lẽ, một số khá đơn giản và không khác mấy mục đích của những người trần mắt thịt khác. Nhưng việc đọc của [các nhà thơ] chúng ta diễn ra chủ yếu dưới hai tấm biển: tấm biển ký ức [memory] và tấm biển xuất thần [ecstasy]. Chúng ta đọc để ghi nhớ (để có tri thức, để có giáo dục) bởi chúng ta tò mò xem những người đi trước đã làm được gì trước khi đầu óc của chính chúng ta được khai mở. Đây là cái mà chúng ta gọi là truyền thống - hay lịch sử.

Chúng ta cũng đọc để được xuất thần. Vì sao? Chẳng vì sao cả. Bởi vì sách không chỉ chứa đựng minh triết và những thông tin khéo được sắp xếp mà còn chứa đựng một nguồn năng lượng gần với nhảy múa và say sưa lên đồng. Điều này đặc biệt đúng với (một số kiểu) thơ. Bởi bản thân chúng ta trải qua những khoảnh khắc lạ lùng ấy khi được đẩy đi bởi một lực đòi hỏi sự phục tùng nghiêm ngặt và đôi khi, nhưng không phải lúc nào cũng vậy, để lại đằng sau những đốm đen trên giấy giống như cách một ngọn lửa để lại những tàn tro (noircir le papier, như người Pháp vẫn gọi cái hành động cao quý chính là viết ấy). Và một khi đã trải qua một khoảnh khắc viết lách xuất thần, bạn bắt đầu hành động như một gã nghiện, một kẻ có voi đòi tiên. Bạn sẽ làm mọi thứ để có thêm nó; và đọc dường như không phải là một sự hy sinh gì quá mức.

Những cuốn tôi đọc - nếu người ta cần có hay muốn có bất cứ một lời tự bạch nào như thế - thuộc về hai nhóm này, sách của ký ức và sách của xuất thần. Bạn không thể đọc một cuốn xuất thần giữa đêm: như thế sẽ gây ra chứng mất ngủ. Bạn đọc lịch sử trước khi ngủ, và dành Rimbaud cho ban trưa. Quan hệ giữa ký ức và xuất thần rất phong phú, đầy nghịch lý, và rất lôi kéo. Đôi khi sự xuất thần bùng lên từ ký ức, rồi lan ra như lửa cháy rừng - một bài sonnet cũ dưới bàn tay của con mắt tham lam có thể châm lửa cho một bài thơ mới. Nhưng ký ức và xuất thần không phải lúc nào cũng táp lên nhau. Đôi khi giữa chúng là một biển hờ hững.

Có những học giả có ký ức mênh mông vô cùng nhưng tạo ra rất ít. Đôi khi trong thư viện bạn nhìn thấy một ông già đeo nơ, oằn mình dưới sức nặng năm tháng, và nghĩ: Người này biết mọi thứ. Và quả thật có những người trong số những độc giả lớn tuổi đeo những cặp kính dày này biết rất nhiều (dù có thể không phải là ông già bé nhỏ bạn thấy). Nhưng điều này cách xa sự sáng tạo hàng cây số. Ngược lại chúng ta có những cậu thanh niên mê mải với hip-hop, nhưng chúng ta không mong gặt được một vụ mùa nghệ thuật bội thu từ niềm đam mê cá biệt ấy.

Rõ ràng ký ức và xuất thần cần nhau trong tha thiết. Sự xuất thần đòi hỏi một chút kiến thức và ký ức cũng không mất gì khi được tô điểm bằng những cảm xúc mạnh. Việc đọc quan trọng với chúng ta như vậy - chúng ta ở đây là các nhà thơ, nhưng cũng là những người ưa nghĩ, ưa suy tư - bởi vì nền giáo dục của chúng ta quá không hoàn hảo. Các trường khai phóng [liberal] mà các bạn theo học (hay những trường cộng sản mà tôi theo học) đã không mấy quan tâm đến nền thơ ca cổ điển, lại càng ít hứng thú hơn với những người khổng lồ hiện đại. Các trường học của chúng ta tự hào với việc đẻ ra những thành viên được gọt giũa của Sinh vật Vĩ đại ấy, xã hội mới của những người tiêu dùng kiêu hãnh. Đúng là chúng ta không bị tra tấn như những thanh thiếu niên ở Anh (hay Pháp, Đức, hay thậm chí là cả Ba Lan) hồi thế kỷ 19: chúng ta không phải học thuộc lòng Virgil và Ovid. Chúng ta phải tự học; sự khác biệt trong vấn đề này giữa một người như Joseph Brodsky, bỏ học năm mười lăm tuổi rồi sau này đọc mọi thứ anh ta có trong tay, với một người theo đuổi thành công mọi cấp bậc của nền giáo dục Mỹ hiện đại, có bằng tiến sĩ, trong khi hiếm khi bước ra ngoài những vòng an toàn của Ivy League, không cần phải bình luận gì thêm. Chúng ta đọc chủ yếu là ở ngoài trường và trong cuộc sống sau khi ra trường. Các nhà thơ Mỹ mà tôi quen đều đọc rất rộng nhưng tôi thấy rõ ràng là họ có được kiến thức của mình trong cái khoảng thời gian sau khi tốt nghiệp cho đến khi bước vào giai đoạn tuổi trung niên. Hầu hết các học viên sau đại học ở Mỹ đều biết tương đối ít, không bằng các học viên ở châu Âu, nhưng nhiều người trong số họ sẽ bù đắp được cho điều này trong những năm sau này.

Tôi cũng có ấn tượng là nhiều nhà thơ trẻ ở Mỹ ngày nay đọc khá là hẹp; họ chủ yếu đọc thơ và không nhiều thứ khác ngoài có lẽ là một chút phê bình. Chắc chắn là không có vấn đề gì với việc đọc thơ từ Homer đến Zbigniew Herbert và Anne Carson, nhưng với tôi cái chế độ đọc như vậy có vẻ là quá chuyên biệt. Giống như một sinh viên sinh học nói họ chỉ đọc sách sinh học. Hay một nhà thiên văn học trẻ chỉ đọc sách thiên văn. Hay một vận động viên chỉ đọc mục thể thao trên tờ New York Times. Không có vấn đề gì đặc biệt nghiêm trọng với việc “chỉ” đọc thơ - nhưng phủ lên trên điều này là cái bóng của sự chuyên biệt hóa quá sớm. Cái bóng của nông cạn.

Việc “chỉ” đọc thơ gợi ý rằng có một điều gì đó xơ cứng và tách biệt trong bản chất của thực hành thơ đương đại, rằng thơ đã trở nên tách biệt khỏi những vấn đề trọng tâm của triết học, khỏi những mối ưu tư của nhà sử học, khỏi tình cảnh của người họa sĩ, khỏi những dự cảm của một chính trị gia trung thực, chẳng hạn thế, khỏi mối nguồn sâu thẳm của văn hóa. Cách một nhà thơ trẻ sắp xếp việc đọc của mình thực ra rất quan trọng đối với vị trí của thơ giữa các môn nghệ thuật khác. Nó có thể quyết định xem thơ - và không chỉ đối với một cá nhân riêng lẻ - là một ngành trung tâm (cho dù chỉ được đọc bởi một vài người hạnh phúc), biết phản ứng với những xung lực chủ chốt của một thời khắc lịch sử nhất định, hay là một hình thức cực hình ít nhiều hấp dẫn mà bởi vì một lý do nào đó vẫn tiếp tục thu hút một vài người hâm mộ bất hạnh.

Hoặc có lẽ là ngược lại. Cách đọc của chúng ta phản ánh những kết luận sâu hơn, dẫu có lẽ không hoàn toàn là chủ ý, về vị thế trung tâm - hay ngoại biên - của thơ. Chúng ta có hài lòng với cách tiếp cận rụt rè của chuyên gia, với mối quan hệ thận trọng, khép kín với văn chương, điển hình ở những nhà văn đồng ý giam mình trong những câu chuyện nhỏ về những trái tim tan vỡ? Hay chúng ta khao khát một lập trường hào sảng của nhà thơ, kẻ vật lộn để nghĩ, để hát, để nhận lấy rủi ro, để đón nhận một cách quảng đại và bạo dạn cái nhân tính mỏng manh của thời đại chúng ta (mà không quên đi những trái tim tan vỡ)? Vậy thì hỡi các nhà thơ trẻ, xin hãy đọc mọi thứ, đọc Plato và Ortega y Gasset, Horace và Hölderlin, Ronsard và Pascal, Dostoevsky và Tolstoy, Oskar Miłosz và Czesław Miłosz, Keats và Wittgenstein, Emerson và Emily Dickinson, T. S. Eliot và Umberto Saba, Thucydides và Colette, Apollinaire và Virginia Woolf, Anna Akhmatova và Dante, Pasternak và Machado, Montaigne và St. Augustine, Proust và Hofmannsthal, Sappho và Szymborska, Thomas Mann và Aeschylus, đọc tiểu sử và khảo luận, tiểu luận và phân tích chính trị. Đọc vì mình, vì cảm hứng cho mình, vì xáo động ngọt ngào trong cái đầu đáng yêu của bạn. Nhưng cũng đọc để chống lại mình, đọc vì sự chất vấn và sự bất lực, vì sự tuyệt vọng và sự uyên thâm, đọc những lời khô cằn chua chát của những triết gia hoài nghi như Cioran hay thậm chí là Carl Schmitt, đọc báo, đọc những người khinh khi, xem nhẹ, hay đơn giản là bỏ qua thơ và cố gắng hiểu vì sao họ làm như vậy. Đọc kẻ thù và bè bạn, đọc những ai củng cố cảm thức của bạn về những gì đang tiến triển trong thơ, và đọc cả những người mà bạn chưa thể hiểu bóng tối hay cái thâm nho hay sự điên rồ hay vĩ đại của họ, bởi có vậy bạn mới trưởng thành lên, sống vượt lên bản thân, và trở thành con người đích thực của bạn.

(Văn nghệ số 13/2024)