Người đàn bà nhặt nỗi buồn - Mai Tuyết

19.01.2018

Người đàn bà nhặt nỗi buồn - Mai Tuyết

“Người đàn bà nhặt nỗi buồn”, tập thơ đầu tay của tác giả Mai Tuyết, do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành vào cuối năm 2016, vừa qua được vinh danh Giải B của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT VN năm 2017, là một niềm vui lớn không chỉ đối với bản thân tác giả mà còn là niềm vui chung đối với anh em văn nghệ sĩ của tỉnh Tây Ninh, một tỉnh vùng biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc.

 

Mai Tuyết tên thật là Thành Mai Tuyết, quê quán Trảng Bàng, Tây Ninh, nơi đã đi vào thơ, nhạc và cả ẩm thực của cả nước “Đây Tha La xóm đạo”... vốn yêu thơ từ lúc còn đi học, song ước mơ “chữ nghĩa” hình như đến với chị cũng có nhiều đa đoan trắc trở. Từng làm phóng viên báo Tây Ninh khi mới 20 tuổi, nhưng sau đó lại chuyển sang làm tuyên truyền cho công ty Chiếu bóng, rồi kế toán tư nhân... mãi đến khi đã ngoài “tri thiên mệnh” mới quay lại làm thơ qua phong trào... mạng xã hội, Facebook!  Thơ Mai Tuyết cũng buồn và “thật” giống như cuộc đời của chính tác giả, song là những chiêm nghiệm, hồi tưởng với một tấm lòng rộng mở, vị tha và cả bao dung với những trăn trở của cuộc đời mà chị đã từng trải qua khi làm một người mẹ đơn thân với hai con nhỏ...

 

William Hazlitt, nhà văn, nhà phê bình văn học người Anh, từng nói: “Thơ là những gì đáng ghi nhớ trong cuộc sống”, có phải vậy chăng mà 63 bài thơ trong tập của Mai Tuyết là những mảnh vỡ của cuộc sống mà chị muốn “nhặt” lên và gọi đó là nỗi buồn?: “Mười sáu tuổi / bỏ cuộc vui lên tàu em ra phố/ Con chuồn ớt chao mình/ tìm mùi hương ngày cũ” và tiếp nối: “Mười bảy tuổi / em trở về chốn cũ / Ánh trăng buồn/ che khuất tuổi thơ ngây” để rồi: “Ngày vụn vỡ / đêm nhìn trăng thiếu phụ/ Gối chăn nào/ru em ngủ đêm nay” (Trăng thiếu phụ) đọc nghe như tiếng thở dài của một nỗi đau cam chịu: “Nay tay bế tay bồng/ ai biết sẽ về đâu(!)”!

 

Nhà thơ bắt đầu “truy vấn” nỗi buồn, lục lọi để tìm những thanh tân, ý vị của ngày xưa cũ: “Tôi thả vào đâu ngày mới lớn/ Nhìn em ngon ngọt phiến môi mềm/ Ừ thôi - tôi thả vào đôi mắt/ Mười năm lăng lắc ánh sao đêm” (Tôi thả vào đâu) và : “Làm sao trở lại mười năm trước/ Cùng ngắm hoàng hôn thả dốc dài/ Có buổi tan tầm dong xe ngược/ Đi về cuối dốc chẳng còn ai ..!” Cái thời mới lớn, thi vị ấy, gợi nhớ làm sao: “Khi anh về/ là năm em mười bảy/ Những cơn mưa mùa thu rất mềm/ Cất vào đâu vùng trời ký ức / Nắng lạc mùa cho nhớ nhung thêm” (Nắng lạc mùa).

 

Từ những kỷ niệm hằn sâu vào ký ức, đã nung nấu một hồn thơ, đi từ những cảm xúc nguyên sơ: “Tóc buồn về ngụ bờ môi / Tay buồn se tóc đợi người phương xa” (Buồn),những run rẩy dại khờ: “Tưởng rằng không hẹn vẫn đưa / Dang tay làm nón che mưa một thời” Đến những mênh mông xa vắng: “Em về nhặt gió lặng thinh/ Nghe xao xác nhớ một mình bão giông/ Tưởng là sẽ khóc nhưng không/ Mưa về ướt cỏ chạnh lòng ngày xưa”( Chạnh lòng mùa đau).

 

Chỉ chừng ấy những dư âm, đã cồn cào, đau đáu của cuộc sống từ người thiếu nữ trở thành đàn bà và thiếu phụ với bao giông gió của cuộc đời! Mai Tuyết đã có lần tâm sự: “Em tìm lại dấu mùa thu đã mất” Rồi : “Em trở lại tìm mùa thu vẫn thiếu / Anh cất vào đâu một nửa thuở dại khờ” (Tìm lại mùa thu). Nửa thuở dại khờ ấy, cứ dần rạn vỡ, nhưng nhà thơ lại không giận đời, hận đời như lẻ đời thường tình vẫn vậy, vì bởi ẩn dưới bóng hình người đàn bà ấy là trái tim vị tha, mở rộng. Xem những vết tích “tình trường” như những mảnh vỡ, và người đàn bà ấy đã... nhặt gom lại: “Có người đàn bà/ đi qua mùa đông / nhặt nỗi buồn rớt lại / thời xuân thì thơm tho / ai đã hái / suốt một thời con gái / nổi trôi với tình yêu vụng dại / thả cuộc đời vào những vũng mưa...”. Những câu chữ phải ghìm nén lại cơn đau và cả nước mắt, bởi cái “thời xuân thì thơm tho” đó “ai đã hái” hay chỉ là sự dâng hiến cho tình yêu của một thời con gái?

 

Thơ đàn bà và cũng rất đàn bà, khi chị viết: “Có người đàn bà / ngang qua buổi trưa /nhặt nụ cười ai đánh rớt/ bỏ vào túi ngâm cùng giấm ớt” giận hờn ư? Đanh đá ư? Thì cũng là một lẽ “người ta thường tình” như cụ Nguyễn Du xưa từng cảm thán. Song nhặt là để : “có một lần ai làm rớt/ nhặt đem về làm bạn với cô đơn” và lúc thật bình tâm thì đã: “người đàn bà đứng lại nhìn trăng/ trăng lặng lẽ nhưng nhiều bao dung lắm/ trăng chở đi giùm/ bao nổi buồn sâu thẳm/ngổn ngang lòng xin gửi hết vào mây...” (Người đàn bà nhặt nỗi buồn). Vầng trăng đã bao dung, chở dùm đi nỗi buồn thì chắc hẵn lòng người thơ giờ cũng đã an nhiên khi đã ra ngoài cái tuổi hiểu được mệnh trời và con cái đã lớn và trưởng thành!Bởi điều nhân quả, nghĩa nhân: “Em vẫn biết/ trong lòng anh còn nghĩa trước/ Nên tình sau đâu dể phủi một ngày” (Biết phải làm sao).

 

Cuộc sống luôn trôi về phía trước và với nỗi buồn nhặt lên đó, Mai Tuyết đã biết hóa giải và chuyên chở nỗi buồn ấy thành những vần điệu khẽ khàng, nhưng cũng thật đằm thắm và tha thiết, khi chị đã tự thú: “Nói thì em nói vậy thôi / Bao nhiêu nắng rụng rối bời tóc bay / Đếm buồn trên những ngón tay / Cỏ xa xót nhớ gót hài năm xưa” ( Buồn) vẫn những xa xót của thuở nào còn vương vít lại như sự tự trách mình để tìm đến một yên an, tĩnh lặng: “Đêm mưa ướt cỏ lạnh không / Mong manh vết xước mặn nồng nhói đau/ Một lần...dẫu có xa nhau/Đừng quên nhé ...vạt cỏ sầu... dưới chân!” (Chạnh lòng mùa đau).

 

Chợt nhớ M. Gorki cũng đã từng nói: “Văn chương giúp con người tìm hiểu bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân, hướng tới khát khao tìm chân lý”. Thơ Mai Tuyết dường như đã làm được điều đó, chí ít là cho chính bản thân của chị: Nhặt và cất nỗi buồn, thể hiện sự bao dung, vị tha và hướng đến sự tươi đẹp của cuộc sống phía trước. Điều đó đã làm nên thành công của tập thơ khi đã có nhiều bạn bè, người thân cùng đồng cảm...

 

08.01.2018
Trần Hoàng Vy
(nhavantphcm.com.vn)