Nhà văn Đỗ Tiến Thụy: Hành trình bay từ A đến Y với văn chương

19.03.2018

Không khó để nhận ra, không gian sinh thái quen thuộc trong truyện ngắn của Đỗ Tiến Thụy là làng quê Bắc bộ, núi rừng Tây Nguyên và đời sống thành thị. Riêng tôi, ấn tượng và ám ảnh nhất là các truyện anh viết về làng quê...
1.Tôi phải tự thú ngay từ đầu, là title của bài viết này dựa hơi tên tiểu thuyết gần đây nhất của nhà văn Đỗ Tiến Thụy: "Con chim Joong bay từ A đến Z".

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy: Hành trình bay từ A đến Y với văn chương

Trước "Con chim Joong bay từ A đến Z", Đỗ Tiến Thụy có tiểu thuyết "Màu rừng ruộng", ra đời năm 2006. Như vậy, phải mất 11 năm anh mới trình trước độc giả cuốn tiểu thuyết thứ hai, với vài trạm nghỉ chân là các tập truyện/bút kí: "Những nốt nhạc xa xanh", "Người đàn bà đợi mưa", "Gió vẫn thổi qua mùa khô" và "Vết thương thành thị".

Kể ra, ở thời đại này, người ta đi xuyên lục địa nườm nượp như đi chợ, thì việc nhốt mình ở một khoảng không gian nào đó để trăn trở, nghiền ngẫm, viết rồi xóa, xóa rồi viết trong suốt 11 năm để được một cuốn sách cỡ 300 trang, quả là chẳng khác nào trời đày.

 

2.Tác phẩm đầu tiên của Đỗ Tiến Thụy mà tôi đọc được là truyện ngắn "Người về cất nước sông Gianh", trong một số Văn nghệ Quân đội đã cũ. Đọc và nhớ đến giờ. Ấn tượng với chi tiết hằng năm cứ đến giỗ bố là người con trai lại ra giữa sông múc nước về cúng, vì người bố đã hi sinh mất xác do phá bom từ trường Mỹ dưới lòng sông. Ấn tượng với chuyện tình của chàng trai và cô gái - nhân vật kể chuyện. Nhiều đoạn tôi bị câu chuyện kéo đi, rưng rưng.Nhưng tâm huyết của Đỗ Tiến Thụy không đổ sông đổ biển. Ngay sau khi ra mắt, "Con chim Joong" của anh đã được bạn viết và độc giả ghi nhận. "Quá khứ và hiện tại. Chiến tranh và hòa bình. Đức hi sinh và vị kỉ. Xung đột giữa các thế hệ… đã được thể hiện bằng giọng văn linh hoạt, biến hóa và đẹp. Đỗ Tiến Thụy là nhà văn với nhiều băn khoăn thời cuộc và nhiều trăn trở tìm tòi cái mới cho trang viết của mình. Sự tìm tòi của anh đã thành tựu bằng cuốn tiểu thuyết mới này"- Nhà văn Hồ Anh Thái nhận định thế.

Sau đọc lại truyện ngắn này trong tập "Gió đồng se sắt" của Đỗ Tiến Thụy, cộng với sự chồng chất thêm tuổi, cái nhìn có phần khắt khe hơn, thì thấy truyện chưa hẳn đã hơn các truyện ngắn khác của anh. Soi kĩ vẫn nhận ra dấu vết của thời kì mới đến với văn chương.

Có thể nhặt được những từ thừa trong câu văn, thoại của nhân vật còn dính từ ngữ của văn viết chứ không phải văn nói nguyên chất. Chưa kể tác giả cho nhân vật là người địa phương nhưng nói giọng địa phương chưa nhuyễn, lẫn lộn phương ngữ và từ ngữ phổ thông. Song, sự rung cảm với những chi tiết đắt và với tính nhân văn của câu chuyện vẫn vẹn nguyên như lần đọc ban đầu.

Không khó để nhận ra, không gian sinh thái quen thuộc trong truyện ngắn của Đỗ Tiến Thụy là làng quê Bắc bộ, núi rừng Tây Nguyên và đời sống thành thị. Riêng tôi, ấn tượng và ám ảnh nhất là các truyện anh viết về làng quê, như "Chuyện không muốn kể", "Gió đồng se sắt". Tôi đọc và mường tượng Đỗ Tiến Thụy đã vắt từng mảng kí ức xếp lên giấy. Bao nhiêu cái đói, cái nghèo khó ở làng cứ hiện lên rõ mồn một, tưởng như có thể sờ vào được. Nhói đau và xa xót.

Dường như, Đỗ Tiến Thụy là người gần đây viết về cái đói, cái rét ám ảnh tuổi thơ ở làng quê một cách lay động nhất.

3. Hiện Đỗ Tiến Thụy là Trưởng ban văn xuôi của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Có lẽ anh cùng với nhà văn Nguyễn Mạnh Hùng là thế hệ nhà văn quân đội sau cùng được phát hiện và trưởng thành từ đơn vị.  Sinh ra ở làng quê thuộc xã Tốt Động, Hà Tây (cũ) nổi tiếng với chiến thắng Tốt Động được Nguyễn Trãi dẫn thẳng vào "Bình Ngô đại cáo": "Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh hôi vạn dặm/ Tốt Động thây phơi đầy nội, thối để ngàn năm" và có thám hoa đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam, là Đặng Ma La 14 tuổi. Nhưng xuất phát điểm của Đỗ Tiến Thụy chẳng dính dáng gì đến chuyện "đánh đấm" hay khoa cử. Học hết phổ thông, anh nhập ngũ, với mục đích giản dị là tự cứu đói mình và giúp gia đình đỡ một miệng ăn.

Trong quân đội, Đỗ Tiến Thụy được đào tạo làm nhân viên tài chính. Sau ba năm, bắt đầu thấy nhàm chán với chuyện số má và tiền nong, đỉnh điểm một lần quên khóa két sắt, hú vía là toàn bộ số tiền lương cùng phụ cấp của trung đoàn hơn 1000 người không lạc vào túi người khác, biết chắc thần may mắn khó đến lần thứ hai mà tính bồng bềnh hứa hẹn có tiềm năng quên khóa két đến lần thứ n, để không phải… đi tù vì chuyện thất thoát tiền bạc, anh cương quyết "trả hết, trả hết cho người".

Thời điểm ấy, Đỗ Tiến Thụy có thể tiếp tục đi học bất cứ trường nào trong quân đội, và anh chọn học… lái xe, để thỏa chí tang bồng bay nhảy, với lại lái xe hồi ấy là nghề cực hot. Rồi bằng tình yêu văn chương, soái ca ôm vô lăng gầy nhẳng và cao lêu nghêu này khiến đồng đội bất ngờ khi gặp tên mình ở… hộp thư cộng tác viên trên mặt báo.

Từ việc có mặt ở hộp thư cộng tác viên đến việc có mặt nhận giải ở cuộc thi truyện ngắn báo Tiền Phong năm 2002, cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2003, cuộc thi Bút kí Văn học cũng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2004, văn chương đã bốc Đỗ Tiến Thụy cùng gia đình nhỏ bên dòng Đăk Bla ở Kontum ra Hà Nội.

Khép lại 10 năm vi vu dọc đường gió bụi để toàn tâm toàn ý với văn chương. Ở tuổi 35, nói Đỗ Tiến Thụy làm lại từ đầu hoặc chính thức bước vào đời với chữ, đều được. Tuy nhiên, cuộc làm lại này cũng vòng vèo, đòi hỏi nhiều quyết tâm và nghị lực. Anh phải chạy thêm một quãng nữa, là thi vào và Tốt nghiệp Khoa Sáng tác - Lý luận phê bình Văn học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

 

Một số tác phẩm của nhà văn Đỗ Tiến Thụy.


Đến trại sáng tác Văn nghệ Quân đội tại Đồng Nai năm 2014, một hôm anh bạn nhờ tôi nhắn tin báo trưởng trại Đỗ Tiến Thụy cắt cơm. Tin nhắn gửi đi, vài phút sau anh nhắn lại: "Cảm ơn chú báo tin. Mọi chuyện đã có anh lo. Việc của chú là tập trung viết truyện thật hay". Đọc tin mà lạnh người. Áp lực dội lên. Người ta vẫn nói ra rả trại sáng tác là… trại an dưỡng.4. Nhớ lần đầu tiên tôi có bài trên Văn nghệ Quân đội. Cái tản văn be bé hồi sinh viên. Sáu năm sau gặp Đỗ Tiến Thụy, thỏ thẻ nói chuyện một hồi, tôi nhắc lại cái tản văn thuở nào, anh hỏi tản văn viết về cây si đúng không, chính anh biên tập bài ấy. Tôi há hốc miệng, kinh ngạc. Cái tản văn chưa được nghìn từ, tãi chữ ra chắc nằm lọt trong lòng bàn tay, thế mà 6 năm anh vẫn nhớ. Tôi phục lăn.

Tuy nhiên, với trại sáng tác do Văn nghệ Quân đội tổ chức tôi chẳng thấy được… an dưỡng chút nào. Người khác thế nào không rõ, riêng tôi, nếu kết thúc trại, truyện chưa đạt để in được trên tạp chí là áy náy không chịu được. Như mắc nợ. Trong khi trại viết ở Sa Pa trước đó, truyện của tôi chỉ in được ở… tạp chí khác, không phải Văn nghệ Quân đội. Lần dự trại ở Đồng Nai gánh nặng trở nên gấp đôi, vì phải trả cả nợ cũ. Vậy mà mới vào đã bị anh dội cho thêm gáo áp lực.

Nhắc lại chuyện tin nhắn, cộng với ngoại hình của Đỗ Tiến Thụy, nhiều người sẽ nghĩ anh là kiểu người chỉ có công việc, lành lạnh, khó gần. Nhưng không phải. Đỗ Tiến Thụy không thuộc kiểu dễ gây "sét đánh" ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên, mà là kiểu người phải tiếp xúc, trò chuyện mới thấy dễ gần, tình cảm, thứ tình cảm sẽ bền và dài lâu.

Cũng như đọc văn Đỗ Tiến Thụy, cứ nghĩ chẳng bao giờ anh quan tâm đến các trào lưu cách tân, đổi mới trong sáng tác. Thì ra không phải. Chuyện là, có nhà thơ trẻ bị món hậu hiện đại "nhập", ngồi ở đâu, gặp bất cứ ai, cũng nói chuyện hậu hiện đại và tân hình thức. Bữa ấy nhà thơ trẻ tiếp tục xuất chiêu. Chúng tôi nghe, không biết làm sao để cắt cơn. Và rồi Đỗ Tiến Thụy lên tiếng. Đá qua đá lại, hóa ra Đỗ Tiến Thụy nói về hậu hiện đại dễ hiểu hơn nhiều.

5.Có thể nói, từ "Gió đồng se sắt" đến "Con chim Joong bay từ A đến Z" chính là hành trình Đỗ Tiến Thụy bay từ A đến Y với văn chương, một hành trình mê mải, nghiêm cẩn và quyết liệt. Sở dĩ tôi không nói bay đến Z, bởi Z, theo như cách nói của anh, vẫn… ở đâu đó trong khuất lấp sương mù, mà tôi hiểu là ở những tác phẩm tiếp theo anh sẽ viết, có thể là 5 năm, 10 năm hay lâu hơn nữa, như cách anh vẫn sống kĩ với mình, sống kĩ với chữ.

Tôi không biết điểm Z mà Đỗ Tiến Thụy sẽ chạm tới là gì. Nhưng tôi biết chắc sẽ khác trước. Bởi anh bảo: "Bây giờ, cho tôi viết hồn nhiên, tôi cũng không viết hồn nhiên được nữa. Tôi ý thức rằng, văn chương là sáng tạo không ngừng. Cái mình sáng tạo đó chưa hẳn là mới với đời sống văn học nói chung và thế giới. Nhưng tôi cần khác tôi đi, đấy đã là sáng tạo của chính tôi rồi. Cũng như sau "Con chim Joong bay từ A đến Z", tôi viết những cuốn sau, tôi không thể viết kiểu ấy nữa. Đó là điều khó, cũng là sức ép tôi luôn nhắc mình".

Và với những gì tôi đã đọc của Đỗ Tiến Thụy, tôi tin anh!

Văn Thành Lê
(vnca.cand.com.vn)