NSND. Phạm Ngọc Khôi - Nhạc trưởng gắn bó với âm nhạc dân tộc

26.09.2016


Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Ngọc Khôi là người đầu tiên ở Việt Nam được đào tạo cao học trong nước để trở thành Thạc sĩ về chỉ huy. Trong buổi báo cáo tốt nghiệp, Phạm Ngọc Khôi đã đạt điểm xuất sắc của tất cả các thành viên Hội đồng Giám khảo. Điểm đặc biệt, là anh đã dành nhiều tâm huyết và công sức cho âm nhạc dân tộc, từ đó đã dẫn dắt Dàn nhạc dân tộc phát triển nhiều năm qua, dàn dựng, chỉ huy biểu diễn thành công nhiều tác phẩm khí nhạc mang âm hưởng, phong cách dân tộc. 

NSND. Phạm Ngọc Khôi - Nhạc trưởng gắn bó với âm nhạc dân tộc

NSND Phạm Ngọc Khôi đã trao đổi với nhà văn Phạm Việt Long như sau.

Hai mươi năm học tập để trở thành Thạc sĩ chỉ huy

Nói đến việc đào tạo để trở thành người chỉ huy dàn nhạc, tôi là người thuộc thế hệ thứ hai thứ ba. Nhưng về đào tạo trong nước theo quy chuẩn để vượt cấp lên, tôi thuộc số ít và là Thạc sĩ chỉ huy đầu tiên được đào tạo ở Việt Nam, tại Nhạc viện Hà Nội, nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Quá trình học tập như vậy đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian, sự nỗ lực, nội lực rất lớn, đồng thời cũng đòi hỏi sự thông minh, năng khiếu của từng người một. Tôi được đào tạo kĩ càng theo tiêu chuẩn của Liên Xô cũ, một đất nước có nền âm nhạc được coi là mẫu mực trên thế giới. Tôi được học Piano từ rất nhỏ, 5 – 6 tuổi đã miệt mài bên cây đàn, học qua trung cấp một, hết chương trình Piano, rồi mới học sang ngành Lý luận – Sáng tác – Chỉ huy (gọi tắt là Lý Sáng Chỉ). Trong chiến tranh, được các thày truyền dậy tận tình, tôi và các bạn càng đam mê, bằng tình yêu âm nhạc rất lớn để bồi đắp kỹ năng và kiến thức cho mình. Tôi học được những cái hay của âm nhạc cổ điển châu Âu, từ cổ điển Viên, tới trường phái âm nhạc lãng mạn của Pháp, rồi trường phái âm nhạc Nga, và âm nhạc đương đại... Nhờ quá trình đào tạo công phu ấy, tôi tích tụ được vốn liếng âm nhạc khá dày dặn, là chìa khóa để phát triển. Tính ra, tôi phải mất 16 năm học tập, từ sơ cấp lên trung cấp, rồi mới tốt nghiệp đại học. Sau đó, mất 4 năm nữa mới hoàn thành chương trình Cao học, cộng lại là 20 năm học tập.

Trước khi theo học cao học, tôi có một thời gian công tác tại Nhạc viện Hà Nội, đó là thuận lợi, giúp tôi được tiếp cận với đời sống âm nhạc Việt Nam, đời sống xã hội Việt Nam, rút được kinh nghiệm từ thực tiễn, từ những người thầy, những người đi trước.

Cả một quá trình kế thừa tinh hoa âm nhạc cổ điển châu Âu, kết hợp với nền văn hóa Việt Nam, nền âm nhạc Việt Nam, kho tàng âm nhạc Việt Nam, đời sống âm nhạc Việt Nam, giúp tôi nâng cao trình độ, có khả năng thẩm thấu và phát huy các giá trị thẩm mỹ của âm nhạc dân tộc và thế giới. Đó chính là nền móng vững để tôi đi sâu vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp, trở thành người chỉ huy dàn nhạc.

Cùng với việc học tập lý luận, người Nhạc trưởng phải đắm chìm trong âm nhạc Việt Nam, đắm chìm với tâm hồn và sự sáng tạo theo tâm lý của người Việt Nam. Tôi rất trân trọng những thành quả về âm nhạc mà thế hệ cha ông đã kiến tạo nên. Chúng ta có một nền âm nhạc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, bắt đầu từ những năm 1954, ở miền Bắc, với một lớp nhạc sĩ đã sáng tác được những tác phẩm để đời cho nền âm nhạc Việt Nam, tạo nên thành tựu để hôm nay chúng ta có một kho tàng, những tượng đài về âm nhạc. Tôi là một trong những người được vinh dự chỉ huy nhiều lần những tác phẩm lớn của các bậc tiền bối. Ngày nay, chúng ta đã có những tác phẩm âm nhạc không chỉ sống trong đời sống âm nhạc Việt Nam, mà đã vươn ra 5 châu. Có những nhạc sĩ đã đi vào lịch sử âm nhạc Việt Nam, và thế giới. Chúng tôi kế tục bước đi của các thế hệ nhạc sĩ đó, tiếp thu những tinh hoa của âm nhạc Việt Nam, tìm tòi phát triển để xây dựng một nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp cận được với âm nhạc thế giới ở thế kỷ mới. Âm nhạc là không biên giới, có khả năng chạm tới trái tim con người thuộc tất cả các quốc gia. Âm nhạc là một mũi nhọn để chúng ta tiếp cận, hòa nhập với văn hóa thế giới, là điểm tựa, niềm tự hào của dân tộc ta.

Để chỉ huy tốt, người Nhạc trưởng phải nghiên cứu những trường phái âm nhạc thế giới đã định hình từ vài trăm đến vài chục năm qua. Đối với từng trường phái âm nhạc, phải làm rõ phong cách của trường phái âm nhạc đó, rồi lại phải tìm ra những tính cách khác nhau của từng tác giả thuộc trường phái âm nhạc đó. Là người biểu diễn, phải làm toát lên tinh thần của từng tác giả cụ thể, từng tác phẩm cụ thể. Ví dụ, khi biểu diễn nhạc Beethoven và Mozart, hai nhạc sĩ trong cùng một trường phái, nhưng họ có phong cách khác nhau, phải nhận thức được và biểu hiện được điều đó bằng âm nhạc: Nhạc của Beethoven có kịch tính rất cao, đối kháng, cách mạng, đột biến, với những sáng tạo đặc biệt, như Giao hưởng có 5 chương, mỗi chương có tiêu đề, và trong tác phẩm đỉnh cao là Giao hưởng số 9, chương cuối cùng có kết hợp giao hưởng với hợp xướng (phổ thơ của Schiller – Hướng tới niềm vui) để trở thành bản Giao hưởng vĩ đại nhất thế giới. Trong khi đó, âm nhạc của Mozart trong sáng, mang tính chất hài hước nhiều. Điều đó đòi hỏi người chỉ huy dàn nhạc không chỉ cảm nhận, mà còn phải nghiên cứu, hiểu biết, tạo cho mình một nền tảng về văn hóa. Cái quan trọng nhất của người chỉ huy dàn nhạc là cái thần biểu diễn tại chỗ – cái khoảnh khắc đó có vẻ là bộc phát, nhưng thực chất là sự bung ra của những tích lũy văn hóa trong mỗi người Nhạc trưởng, không bao giờ lặp lại, chỉ đi qua một lần. Có thể chỉ huy hàng trăm lần một tác phẩm, nhưng không lần nào giống lần nào cả. Khi làm toát lên tinh thần của tác phẩm, người chỉ huy phải có cái tôi trong đó, có nhạc cảm, sự hiểu biết để dẫn công chúng đến sự hòa đồng, đưa tác phẩm đó thành phương tiện để khán giả, tác giả, chỉ huy, dàn nhạc giao tiếp với nhau.

Với âm nhạc Việt Nam, rất khỏ, bởi đang trong quá trình xây dựng một nền âm nhạc Việt Nam chuyên nghiệp. Chúng ta kế thừa một nền âm nhạc rất đa dạng về phong cách, như Tuồng, Chèo, Cải lương, các điệu Lý, điệu Hò, có rất nhiều di sản đã được UNESCO công nhận. Tất cả những di sản đó được những nhạc sĩ của chúng ta, những người được đào tạo, tiếp thu, sáng tạo, biến những vốn liếng của cha ông thành những tác phẩm hiện đại, không chỉ là những ca khúc, mà cả những tác phẩm nhạc khí. Những nhạc sĩ viết nhạc khí hàng đầu Việt Nam như Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Thương, Trọng Bằng, Trần Quý, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Chu Minh, Đỗ Hồng Quân… đã có những đóng góp rất rõ trong nền âm nhạc Việt Nam. Tôi muốn tâm sự và chia sẻ rằng xây dựng nền nhạc khí của âm nhạc Việt Nam rất khó, những nhạc sĩ tiền bối đã có công rất lớn xây dựng nên hình hài của nó, và thế hệ chúng tôi cùng những thế hệ sau này có trách nhiệm kế thừa, làm cho nó phát triển mạnh mẽ hơn. Chúng ta bắt đầu có một nền âm nhạc chuyên nghiệp để nhà nước đầu tư, đào tạo. Những nhạc sĩ có hai trách nhiệm: Bảo tồn, phát triển vốn truyền thống. Sự cơ hữu giữa sáng tác và biểu diễn phải gắn liền. Để thực hiện trách nhiệm đó, người chỉ huy phải giới thiệu cho công chúng trong nước và giới thiệu ra thế giới những tác phẩm của Việt Nam có giá trị, có sức lay động lòng người.

Học âm nhạc nước ngoài là để làm âm nhạc Việt Nam

Tôi rất trăn trở về điều này. Ta phải học âm nhạc cổ điển châu Âu hay phương Tây để ta có nền tảng, từ đó mà phát triển. Nhưng sáng tạo cho âm nhạc Việt Nam là quan trọng nhất. Phải chắt lọc những cái hay của âm nhạc Phương Tây, châu Âu để xây dựng nền âm nhạc Việt Nam. Nhiều nhạc sĩ Việt Nam đã sớm nhận thức được vấn đề này và đã dành tâm huyết sáng tạo nên những bản nhạc đậm đà tính chất dân tộc. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát là người tiêu biểu. Nguyễn Xuân Khoát đã viết tổ khúc giao hưởng “Thánh Gióng” cho dàn nhạc Giao hưởng, có giá trị rất lớn, đến nay vẫn là một mẫu mực. Ngôn ngữ âm nhạc của “Thánh Gióng” là không lời, với một sự sáng tạo rất lớn, ví dụ như miêu tả lò rèn thì tất cả tiết tấu của trống dân gian được khai thác rất hiệu quả, gợi lên một làng quê, một đất nước đang rèn vũ khí cực kì sôi động, rồi “khúc khải hoàn”, thể hiện không khí vừa rộn ràng trong niềm vui chiến thắng, vừa êm đềm của lòng khao khát hòa bình; đây là một Tổ khúc giao hưởng, muôn hình muôn vẻ. Tôi học được ở nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát rất nhiều– đó là nhạc sĩ đầu tiên của nền âm nhạc Việt Nam viết khí nhạc có dung lượng lớn đạt được hiệu quả cao. Từ tự học, dùng Contrabass để học nhạc trong nhà thờ, ông trở thành nhạc sĩ tiên phong của khí nhạc Việt Nam. Tác phẩm “Thánh Gióng” của Nguyễn Xuân Khoát có mảng miếng rất rõ ràng, có sự hội tụ của các thể loại âm nhạc dân tộc và âm nhạc phương Tây, là một đỉnh cao, sẽ trường tồn. Trong âm nhạc của ông, ta thấy có lời hát ru, có khí phách quật cường chống giặc ngoại xâm. Âm nhạc dân tộc của chúng ta đã trình tấu được những tác phẩm khí nhạc khó như vậy, đó là sự đột phá. Bản “Thánh Gióng” được dàn dựng, biểu diễn đầu tiên vào năm 1964, do nhạc sĩ Trần Quý chỉ huy. Tôi dựng lại vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Về cơ bản, âm nhạc không có gì khác lần dựng đầu tiên, nhưng do nhu cầu và điều kiện của cuộc sống hôm nay, tôi đã tìm tòi, dàn dựng cho đồng bộ hơn, ví dụ có đủ các quản trong biên chế dàn nhạc, rồi có thêm nhạc cụ thể hiện tiếng trống dân gian, nhạc cụ kim loại mà trước đây chưa có… đồng thời sử dụng công nghệ hiện đại để tạo hiệu quả cao hơn cho âm nhạc dân tộc. Bên cạnh đó, bây giờ chúng ta có điều kiện biểu diễn ở nhiều nơi khác nhau, có sự sàng lọc, trước đây chỉ diễn được ở nhà hát Lớn, rất khó phổ cập cho công chúng, bây giờ diễn được ở nhiều nơi, nhiều buổi, thậm chí thu thanh, thu hình được trọn bộ tác phẩm ghi vào DVD để lưu lại và phổ biến, làm cho nó được tường tồn với cuộc sống. Tôi luôn luôn biết ơn nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và Nghệ sĩ Nhân dân Trần Quý là những người đã đi đầu khai phá trong sáng tạo nhạc khí để bây giờ chúng tôi có thể kế tiếp. Tôi cũng nguyện chí thú theo con đường âm nhạc dân tộc mà các nhạc sĩ bậc thầy của tôi đã kiến tạo nên.

“Làm mới” những tác phẩm âm nhạc đã đi cùng năm tháng: Phải tôn trọng tác giả, tác phẩm, không được thay đổi giai điệu, lời ca

Đây không phải vấn đề mới, bây giờ mới có. Trên thế giới và trong nước đã thực hiện việc làm mới các tác phẩm xưa từ lâu và khá phổ biến. Bây giờ, vấn đề đặt ra là làm mới cái gì, làm mới như thế nào. Những tác phẩm được coi là đi cùng năm tháng, bản thân nó đã có đời sống, đã có lý do để được lưu truyền qua nhiều thế hệ, có một giá trị, đó là giá trị nguyên gốc của nó. Một ca khúc phải có giai điệu, có lời hát, do vậy muốn làm mới thì phải tôn trọng giai điệu, lời ca, phần làm mới cần hướng vào cách hòa âm, cách sử dụng nhạc cụ, phương tiện, loại hình biểu diễn, hoặc chọn phương pháp – biểu diễn theo nhạc Pop, nhạc Zazz, hay Semi classic… chứ không được làm thay đổi giai điệu, lời ca gốc. Nhìn từ góc độ khác, nghệ sĩ của thế hệ trước hát, nay có nghệ sĩ của thế hệ này hát tiếp, cũng đã thể hiện sự mới mẻ. Với không khí của thời đại mới, ca sĩ thời nay có cách cảm thụ và biểu đạt mới trong khi hát những tác phẩm của thời đại trước kia, tạo ra sự truyền cảm liên thế hệ, từ đó tạo ra cái mới cho ca khúc, nhưng không được thay đổi giai điệu và lời ca! Cần lưu ý là với những tác phẩm có tính chuyên nghiệp, bao giờ tác giả cũng ghi chú về tính chất âm nhạc, tốc độ âm nhạc, đã định hình tác phẩm trên văn bản, và phải có sự định hình đó thì chúng ta mới có thể có tác phẩm biểu diễn ngày hôm nay, chúng ta không thể tùy tiện thay đổi, làm cho tác phẩm không còn là bản nguyên gốc nữa. Đừng cho rằng tất cả những cái cũ là lạc hậu! Không phải, thời nay có thể có những phương tiện hiện đại hơn, nhịp sống gấp gáp hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là cái gì của quá khứ cũng lạc hậu, không phù hợp nữa. Tác phẩm có giá trị nguyên gốc của nó, chúng ta phải tôn trọng tác giả, tác phẩm, những giá trị đã tồn tại, đã có đời sống, đã vượt không gian, thời gian rồi.

Đôi nét về NSND Phạm Ngọc Khôi (theo hoinhacsi.vn)
Chuyên ngành biểu diễn
 Sinh ngày 19 tháng 7 năm 1964. Quê ở Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Piano và Chỉ huy Nhạc viện Hà Nội. Hiện là giảng viên Nhạc viện Hà Nội, Thạc sĩ chuyên ngành Chỉ huy dàn nhạc. Là Phó chủ tịch, Ban Thường vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam Khóa VIII.
Từ 1983, tham gia biên soạn, phối khí và dàn dựng, chỉ huy nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp lớn của quốc gia, Nhạc viện Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, các Đài Phát thanh và Truyền hình, và là cộng tác viên thường xuyên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, DIHAVINA và nhiều đơn vị nghệ thuật khác (biểu diễn tác phẩm mới, dàn dựng, thu thanh…). Là thành viên sáng lập Ban nhạc “Hoa Sữa”, tham gia xây dựng nhiều chương trình biểu diễn có hiệu quả nghệ thuật đáng kể. Ngoài ra, ông còn sáng tác ca khúc, khí nhạc và nhạc cho phim truyền hình, phim truyện, âm nhạc cho sân khấu.
Ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (2001). Nghệ sĩ Nhân dân (2016).

Phạm Việt Long
(vanhien.vn)