Phan Huỳnh Điểu và thiên sứ tên Quơ
01.07.2021
Kỷ niệm 6 năm Ngày mất nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (29/6/2015 - 29/6/2021)
Bãi biển Thanh Bình - Đà Nẵng một chiều hè năm 1936. Tiếng kêu cứu í ới tan trong tiếng sóng. Làn nước hung dữ đang nhấn chìm dần thân thể một cậu bé 13 tuổi. Chiếc phao ống tre đã rời xa tay cậu. Cả chiếc quần dài với hai ống quần cột túm lại để làm phao cũng bị sóng cuốn trôi tự lúc nào. Cái chết đang đến gần, đến gần. Từ trên bờ, bỗng phóng xuống cái dáng lực lưỡng của một chàng trai. Sau gần nửa giờ vật vả với sóng dữ, anh dìu được cậu bé vào bờ. Cả hai ngã lăn trên cát ngất lịm...
Cậu bé ấy chính là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sau này. Còn chàng trai tên Quơ liều thân cứu người trong lúc ra biển hóng mát. Mười năm, 20 năm và nhiều năm sau đó nữa, đã bao lần người thoát chết cố tìm lại ân nhân của mình nhưng anh Quơ vẫn ở đâu xa khuất. “Cứ như anh chỉ đến với tôi một lần, một lần duy nhất thôi. Có thể bây giờ anh Quơ đã mất nhưng trong tôi lúc nào anh cũng hiển hiện như một định mệnh...”. Mái tóc bạc trắng, ánh nhìn xa xăm, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tâm sự. Cây đàn mandoline trong tay ông ngân lên một hợp âm trong trẻo, thánh thót.
Sau này, ông kể, ở chiến trường, ông còn trải qua dăm lần đối diện với cái chết nhưng tất cả đều không “ấn tượng” như lần thoát chết ở tuổi 13. Có phải vì ông vững tin vào số phận? Chưa hẳn như thế, nhưng cứ sau mỗi lần vượt qua những khoảnh khắc khắc nghiệt thì những giai điệu hào sảng, yêu đời trong ông lại vang lên.
Có khoảng 20 giò phong lan treo trước hiên phòng ông trên lầu một căn nhà nằm khuất dưới mấy tán bàng trong cư xá. Đang mùa trổ hoa, những cánh tím cánh vàng lung lay trước gió. Ông bảo rằng hầu hết những giò lan ấy đều là “của người ta vứt đi, cô mày thấy tiếc mang về”. Dưới bàn tay chăm bón của đôi vợ chồng già, chúng hồi sinh dưới ánh mặt trời. “Cũng như hoa thôi - giọng ông chân chất - nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng cần được chăm sóc hằng ngày. Không biết chăm sóc thì người làm nhạc khó có được những ca khúc hay. Còn khi chăm sóc với tất cả niềm say mê, nghệ sĩ có thể biến những thứ bỏ đi thành giai điệu lay động lòng người”...
Cây đàn mandoline nhỏ nhắn luôn được đặt bên cạnh bàn làm việc ngay trong tầm tay của ông để kịp ngân vang mỗi khi cảm xúc dâng trào. Giọng ông hào hứng: “Đàn của nghệ sĩ như kiếm của tráng sĩ, đừng bao giờ để nó trong bọc!”. Rồi ông thêm: “Với tôi, đàn cũng có tâm hồn. Tôi thường tìm thấy những phút cộng hưởng từ hồn tôi và hồn đàn”.
Giữa cuộc chuyện, cu Xỉn, đứa chắt nhỏ bốn tuổi được mẹ đón từ trường mẫu giáo về, sà vào lòng ông cố nũng nịu. “Nó là đứa chắt thứ tư của tôi”. Tôi nhìn mái tóc bạc của ông và mái đầu ca-rê của cu Xỉn để hiểu thêm khoảng cách vời vợi của thời gian: 76 năm. Thật hạnh phúc biết bao, vượt qua bao thăng trầm, bây giờ bốn thế hệ cùng sống chung trong căn nhà này, trong tiếng đàn mandoline hằng đêm vẫn vang lên.
Bãi biển Thanh Bình, Đà Nẵng
Bỗng dưng, tôi hình dung đến buổi chiều mấy mươi năm trước trên bãi biển Thanh Bình với hình ảnh chàng thanh niên vượt qua sóng dữ cứu lấy cậu bé 13 tuổi. Không, anh Quơ không chỉ là ân nhân mà chính là thiên sứ đến tự trời. Anh giật khỏi tay thần chết một con người tài hoa và giữ lại cho đời thật nhiều giai điệu tình yêu...
Nguyễn Đình Xê
(Trích trong tập "Rửa Chén Cùng Mẹ", NXB Tổng hợp TPHCM vừa phát hành)
Có thể bạn quan tâm
Lời thoại trong văn họcNữ nhà văn đầu tiên là Đại biểu Quốc hộiHọa sỹ Trần Nguyên Đán: Tôi không phấn đấu để sangAbdulrazak Gurnah: “Văn chương của tôi có thể gặp gỡ nhiều độc giả hơn”Nhà văn Trần Đức Tiến: Sống và viết đều quyết liệtNhững thanh âm sắc màuNhà văn Thy Ngọc: Đời trong văn, văn trong đờiChuyện của diễn viên Hiền MaiNgười mẹ đời thường trong văn xuôi nữ đương đạiMạch nguồn mỹ học văn hóa Việt trong tác phẩm Hồ Chí Minh