"Văn học châu Phi” và những tranh cãi

28.09.2020
J.O.J. Nwachukwu-Agbada
Điều đầu tiên phải nói về “văn học châu Phi” mà chúng ta vốn cứ coi là tất lẽ dĩ ngẫu là: “văn học châu Phi” không tới với chúng ta một cách dễ dàng đến vậy. Ý tưởng về một nền văn học của riêng châu Phi khiến một vài người bạn phương Tây của tôi cũng phải ngần ngại trước khi chấp thuận. Nghĩa là không rõ liệu tất cả bọn họ có cảm thấy thoải mái hay không với khái niệm này.

"Văn học châu Phi” và những tranh cãi

Tôi không còn nhớ rõ những gì Wole Soyinka từng nói với đồng nghiệp của mình tại Đại học Cambridge khi ông tham gia một kì nghiên cứu ở đó, nhưng ông có đề cập ý tưởng về một nền văn học của châu Phi. Tuy nhiên đồng nghiệp của ông không tin vào “bất cứ một con quái vật hoang đường nào có tên là văn học châu Phi cả”.

Dù cho cái khái niệm “con quái vật hoang đường” là do những đồng nghiệp của Soyinka hay tự ông ta nghĩ ra thì Soyinka cũng là bậc thầy về sử dụng ngôn ngữ. Văn học Châu Phi ngày nay đã trở thành một con quái vật, một thực thể hết sức đáng sợ về tầm vóc và phạm vi bao trùm rộng lớn, những vùng đất nó đi qua và để lại ảnh hưởng cũng như những thành tựu của nó.

Nhưng điều may mắn là ở chỗ con quái vật hoang đường này là một con quái vật trên đất liền chứ không giống như những con quái vật ở dưới nước hay trên không trung của William Golding từng khiến Ralph, Jack, Piggy, Simon cùng người anh em sinh đôi, và Samneric bối rối và làm họ trở nên nghi kị lẫn nhau.

Định nghĩa “văn học châu Phi”

Một trong những điều gây tranh cãi đầu tiên về văn học châu Phi chính là khái niệm của nó. Văn học Châu Phi là gì? Câu hỏi này đã từng hết sức quan trọng, nhưng hiện nay không mấy ai còn đặt câu hỏi này nữa, bởi đã xuất hiện quá nhiều vấn đề liên quan tới nó.

Việc câu hỏi này không còn được đặt ra nữa liệu có nghĩa là cuộc tranh luận này đã đi đến hồi kết? Cũng giống như tất cả những cuộc tranh luận về văn học khác, câu hỏi mở ra một vấn đề để tranh luận. Sau đó, tranh luận lắng xuống mà chẳng có người thắng kẻ thua. Còn vấn đề đặt ra thì về mặt triết học vẫn còn chưa được giải quyết.

Nếu câu hỏi “văn học châu Phi là gì?” đã trở nên phổ biến trong các kì thi văn học thì đây cũng là vấn đề thường gặp ở trong các cuộc hội thảo văn học trước đây tại châu Phi.

Ngay từ năm 1963 tại hội thảo “Văn học châu Phi và các trường đại học” tổ chức tại trường Đại học Dakar và Cao đẳng Fourah Bay ở Sierra Leone, một trong những tham luận quan trọng tại hội thảo là bài phát biểu của T.R.M. Creighton có tiêu đề “Đi tìm định nghĩa văn học châu Phi”. Trong tham luận của mình, ông định nghĩa: “Văn học châu Phi là bất cứ tác phẩm văn học nào lấy bối cảnh châu Phi chuẩn hoặc những trải nghiệm xuất phát từ châu Phi làm chính”.

Theo định nghĩa này thì các tác phẩm của các nhà văn da trắng như Nadine Gordimer, Athol Fugard, Doris Lessing và Alan Paton được coi là một phần của văn học châu Phi còn những tác phẩm của Joseph Conrad và Graham Green thì không.

Lewis Nkosi cho rằng khái niệm “lấy bối cảnh châu Phi chuẩn” là không chính xác và băn khoăn rằng liệu tiểu thuyết The Radiance of the King (Hào quang của vua) xuất bản năm 1965 của tác giả Camara Laye vốn “dựa nhiều vào ngụ ngôn và thần thoại” có được công nhận là văn học châu Phi hay không. Trong khi đó, Out of Africa (Bên ngoài châu Phi) của Karen Blixen xuất bản năm 1937 theo ông là “có bối cảnh châu Phi chuẩn theo cái cách mà một số tác phẩm của các nhà văn người châu Phi bản địa thì lại không”.

Cũng năm 1963, trong một tiểu luận mang tính đả phá của Obi Wali có tiêu đề “Ngõ cụt của văn học châu Phi”, tiêu chí đưa ra cho văn học châu Phi là ngôn ngữ.

Theo ông, việc “chấp nhận một cách kiên cưỡng” tiếng Anh và tiếng Pháp như một phương tiện để viết nên các tác phẩm có tính văn hóa là chệch hướng và không tạo ra cơ hội cho phát triển văn học cũng như văn hóa châu Phi. Để văn học châu Phi thực sự là của châu Phi thì nó phải được viết bằng chính ngôn ngữ của châu Phi.

Năm 1968, tại một cuộc hội thảo khác Wali cũng cho rằng: “Không thể trộn lẫn các tác phẩm của châu Phi và châu Âu sau đó gọi thứ hỗn hợp đó là văn học châu Phi, mà phải được phân biệt rạch ròi”.

Ngugi Wa Thiong’o là một ví dụ cho mô hình của Wali. Nhà văn này đã sử dụng ngôn ngữ bản địa của mình là tiếng Gikuyu để viết.

Tuy nhiên, nhiều nhà văn châu Phi nổi tiếng khác vẫn chưa chấp nhận hướng tiếp cận của Ngugi. Chinua Achebe không bao giờ chấp nhận cách làm của Ngugi.

Ngay từ năm 1964, một năm sau bài công kích của Wali, tại trường Đại học Ghana, Achebe đã bảo vệ cho việc nhà văn châu Phi sử dụng ngôn ngữ đa văn hóa của châu Âu, nhấn mạnh rằng đó là những ngôn ngữ của thế giới và viết bằng những ngôn ngữ đó thì “chắc chắn có lợi thế”.

Theo lập luận của Achebe, “Có những người trong chúng ta được thừa hưởng ngôn ngữ Anh. Họ có thể không đánh giá cao giá trị của sự thừa hưởng đó… nhưng hãy đừng chỉ vì loại bỏ đi những điểm xấu mà bỏ đi những điểm tốt của nó”.

Achebe cho rằng châu Phi không phải là một nền văn hóa mà là nhiều nền văn hóa cộng lại. Mỗi nền văn hóa trong cái tổng thể đó được biểu đạt qua một ngôn ngữ đặc trưng riêng.

Nhưng rồi các vấn đề nảy sinh trong quá trình giao tiếp qua lại giữa các nền văn hóa hiện nay chỉ có thể được giải quyết tốt hơn bằng cách sử dụng ngoại ngữ, điều chỉnh sửa đi chút ít để phù hợp với không gian sống mới.

Achebe cho rằng: “Cái giá mà một ngôn ngữ toàn cầu phải sẵn sàng chấp nhận là thuận theo việc ngôn ngữ đó sẽ có nhiều hình thức sử dụng. Nhà văn châu Phi cần phải nhắm tới sử dụng tiếng Anh theo cái cách sao cho biểu đạt được thông điệp tốt nhất mà không làm thay đổi ngôn ngữ đó tới mức làm mất đi giá trị của nó với vai trò là phương tiện trao đổi quốc tế” (Nhà văn châu Phi, tr. 61 - The African Writer, 61).

Trong cuốn Mutu xuất bản năm 1961, nhà văn và nhà tư tưởng người Phi gốc Đức Janheinz Jahn đặt vấn đề với từ “châu Phi”, bởi từ này được tìm thấy ở khắp nơi, chiếm gần một nửa thế giới, tại những nơi mà ông gọi là những vùng đất “châu Phi mới” (tr. 268-69). Nói cách khác, sẽ nảy sinh vấn đề nếu văn học châu Phi lấy định nghĩa dựa theo địa lí.

Việc tìm cách định nghĩa văn học châu Phi dựa trên cơ sở các đặc tính về chủng tộc, lịch sử, xã hội và chính trị cũng thất bại bởi với mỗi lĩnh vực đó lại có một xu hướng hoặc nhiều hơn khiến cho những định nghĩa như vậy trở nên không chặt chẽ.

Ngay cả hướng tiếp cận “người ngoài nhìn vào” và “từ trong nhìn ra” của D.I. Nwoga cũng thất bại, đặc biệt là hiện đang có một nhánh văn học châu Phi đang được thiết lập bởi phương Tây với việc các nhà văn châu Phi hiện đang sống ở Mĩ và châu Âu mang theo hành trang của họ từ châu Phi kết hợp với những gì họ trải nghiệm hoặc tiếp nhận nơi đất khách.

Vì vậy, chúng ta có lẽ là không thể tranh luận trên một nền tảng quan điểm vững chắc nếu cứ khăng khăng, như Nwoga đã từng làm vào những năm 1960, cho rằng một nhà văn gốc Phi sinh ra ở Anh là thuộc về nền văn học châu Phi và một người Anh viết những tác phẩm của mình ở châu Phi thì thuộc về nền văn học Anh.

D.S. Izevbaye phân định hai yếu tố trong định nghĩa văn học châu Phi thành “ngoại lai” và “tự thân”. Các yếu tố ngoại lai là phương tiện để các nhà lí thuyết tìm cách nhận biết cái từ “châu Phi” có thể kéo dài đến đâu.

Chúng ta đã thấy cách Janheinz Jahn truy nguyên nguồn gốc châu Phi ở nhiều nơi trên thế giới và kết cục là ông đã phải kết hợp nhiều phần của thế giới này lại khi cố gắng sử dụng địa lí như một tiêu chí.

Tất nhiên là tiêu chí này không thể đứng vững trước những quan điểm phê phán. Chủng tộc cũng là một phương tiện không hề hữu dụng trong một thế giới còn tồn tại nhiều điều phức tạp về chủng tộc như hiện nay.

Đó là lí do tại sao nhà văn đoạt giải Nobel người Nam Phi Nadine Gordimer đã định nghĩa văn học châu Phi là những tác phẩm được người châu Phi viết bằng bất cứ ngôn ngữ nào và do người thuộc bất kì chủng tộc, màu da nào có chung trải nghiệm và có một điều mà bà gọi là “nhận thức lấy châu Phi làm trung tâm”.

Điều gì tạo nên “nhận thức lấy châu Phi làm trung tâm”?

Một tiêu chí nội tại là “tính châu Phi” của tác phẩm văn học. Điều này đưa các nhà phê bình tới việc nghiên cứu một tác phẩm theo cấu trúc hoang đường và nội dung xa lạ, thường thì theo lối nguyên sơ hoặc ngẫu nhiên để tìm kiếm nguồn gốc. Nhiều nhà văn châu Phi cảm thấy không thoải mái khi phê bình trở thành thứ hoạt động giống như điều tra, trinh thám.

Quan trọng hơn là mỗi tác phẩm châu Phi đều phải truy về nguồn gốc viết văn truyền thống của châu Âu mà nếu thiếu nó thì tác phẩm đó không được coi là xuất sắc hoặc là kiệt tác văn học.

Đi tìm mối liên hệ giữa tác phẩm của Armah với châu Âu đã dẫn đến cuộc chiến văn chương giữa Armah và nhà phê bình người Mĩ gốc Phi Charles Larson.

Armah đã rất bực tức về bản chất truy nguyên của Larson, đến độ ông mô tả đó là “phương pháp đặc trưng Larson” hay là “phép giả tưởng trong phê bình tiểu thuyết”.

Khái niệm “tính châu Phi”, đặc biệt là trong lĩnh vực ngôn ngữ, tồn tại rất nhiều vấn đề, bởi các ngôn ngữ của châu Phi tự thân nó đã bao gồm nhiều thứ tiếng khác nhau như Krio, Afrikaans và Pidgin.

Chúng ta sẽ đi tới đâu với tất cả những nhánh ngôn ngữ đó của châu Phi, vốn là sản phẩm của cả ngôn ngữ bản địa và các ngôn ngữ đa văn hóa du nhập vào “lục địa đen”? Bên cạnh đó là nguyên tắc chủ điểm với vai trò là một nhân tố nội tại.

Những nghiên cứu sớm nhất về văn học châu Phi đều liên quan tới việc đi tìm “hình ảnh châu Phi”, được khởi xướng bởi các nhà phê bình người châu Phi như Eldred Jones (xem “Washing the Ethiop White: The African in English Poetry 16th – 18th Century,” 1969 – Tạm dịch “Tẩy trắng người da đen: Người châu Phi trong Thơ ca Anh thế kỉ 16-18, năm 1969).

Sách của Echeruo viết về Joyce Cary (1973) và Joseph Conrad (1978), của G.D. Killam (Africa in English Fiction, 1968 - Châu Phi trong tiểu thuyết Anh, năm 1968), và của E.C. Nwezeh (Africa in French and German Fiction 1978 - Châu Phi trong tiểu thuyết Pháp và Đức, năm 1978) cũng vậy.

Cũng có thể thêm vào danh sách bài tiểu luận của Achebe về Conrad (An Image of Africa, 1977 - Một hình ảnh của châu Phi, năm 1977) và rất nhiều tài liệu của nhiều nghiên cứu sinh nghiên cứu về hình ảnh châu Phi qua văn học, rất có thể được tạo cảm hứng từ bài tiểu luận của Jones viết năm 1969.

Định nghĩa của Izevbaye về văn học châu Phi đáng được lưu tâm khi đưa vào đó “Tác phẩm của Equiano ở thế kỉ 18 và của Fagunwa ở thế kỉ 20…” và có thể là tác phẩm của Adichie ở thế kỉ 21.

Như thể biết rõ Ngugi sau này sẽ trở về với Gikuyu, ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, Izevbaye cảnh báo về thứ tranh cãi không quá quan trọng là ngôn ngữ, bởi “khi một ngôn ngữ bản địa châu Phi trở thành ngôn ngữ của văn học châu Phi thì văn học sẽ được giảng dạy bằng ngôn ngữ đó”.

Trong khi định nghĩa như của Izevbaye không hẳn là không có khiếm khuyết, thì ít nhất nó cũng công nhận văn học của cộng đồng người châu Phi di cư là một phần của văn học châu Phi.

Tuy nhiên, chúng ta không thể kết thúc bài tiểu luận về châu Phi này mà không nhắc tới bộ ba Troika: Chinweizu và cộng sự.

Bộ ba này cho rằng các tác phẩm văn học châu Phi “là dành cho độc giả châu Phi, do người châu Phi sáng tác và sáng tác bằng ngôn ngữ của châu Phi, bằng hình thức khẩu ngữ hay văn viết”.

Như vậy, với họ, văn học châu Phi là một định nghĩa phải đáp ứng đủ bốn tiêu chí là: độc giả chính, nhận thức văn hóa và dân tộc thể hiện trong tác phẩm, quốc tịch của tác giả, và ngôn ngữ sáng tác của tác phẩm. Cả bốn tiêu chí đó đều phải thuộc về châu Phi.

Theo định nghĩa này, những tác phẩm của Athol Fugard và André Brink đáp ứng được những điều kiện của bộ ba Troika trong khi các tác phẩm của Joyce Cary, đặc biệt là trong tiểu thuyết Mister Johnson (Ông Johnson), lại không qua nổi bài kiểm tra ngặt nghèo này.

Đi kèm với vấn đề phân định văn học châu Phi là gì và những ai đủ điều kiện để sáng tác tác phẩm văn học châu Phi là vấn đề phê bình văn học châu Phi như thế nào và ai sẽ là người làm điều đó.

Phê bình văn học của người ngoài châu Phi đối với “tiểu thuyết về châu Phi” đã tạo ra một phức cảm giận dữ giữa các tác giả châu Phi. Do ngôn ngữ của văn học châu Phi phần lớn lại là ngôn ngữ của châu Âu, những nhà phê bình da trắng đã xâm chiếm văn học châu Phi với mục đích có lẽ là đưa ra các tiêu chuẩn phê bình dựa trên văn hóa và tập tục của châu Âu. Câu hỏi của Mudimbe dường như khắc họa rõ nét tình huống mà các nhà phê bình bản địa châu Phi phải đối mặt:

“Làm sao có thể tồn tại một thứ lí thuyết nghiêm túc nào bên cạnh những giá trị tự do tuyệt vời khi nghiên cứu văn học châu Phi, khi mà chí ít thì một mặt chúng tôi không nhất trí với tính cấp thiết phải phân tích các điều kiện cho sự tồn tại của nền văn học này, và mặt khác là chúng tôi không chấp nhận giả thuyết cho rằng phê bình văn học châu Phi đương đại có thể không phải là hoạt động của người châu Phi?”

Do đó, văn học châu Phi đã chuyển từ chỗ bị nghi ngờ có phải tự thân nó là một nền văn học hay không với việc tồn tại một cách độc lập, (khái niệm “con quái vật hoang đường” cũng từ ý tưởng này mà sinh ra), sang việc được các nhà phê bình bên ngoài châu Phi để tâm tới. Những nhà phê bình này coi văn học châu Phi như một thể loại trong hệ sinh thái mà họ có thể thực thi quyền lực bất chấp một thực tế là nó mang bản chất hoặc mang tới một thế giới quan khác.

Những kẻ săn lùng vận may này trong văn học châu Phi được Achebe đặt cho cái tên là những “nhà phê bình thực dân”.

Trong bài tiểu luận “Phê bình thực dân” (Morning Yet, 3-18 - Trời đã sáng hay chưa, tr. 3-18), Achebe so sánh thái độ của nhà phê bình theo chủ nghĩa thực dân với thái độ của nhà triết học và thần học nổi tiếng người Đức gốc Pháp Albert Schweitzer, người đã tuyên bố rằng tất cả mọi người đều là anh em, nhưng người châu Phi là em trai của ông!

Những nhà phê bình theo chủ nghĩa thực dân cũng mang trong mình cái ý nghĩ về bảo trợ đó và coi nhà văn châu Phi là “người châu Âu còn chưa hoàn thiện, nếu được dẫn dắt một cách kiên trì thì một ngày nào đó sẽ trưởng thành và biết viết như mọi người châu Âu khác”.

Hữu Dương theo The Guardian (african-literature-the-english-language-and-the-nation-part-1)

Tên bài viết do baovannghe.com.vn đặt.

Nguồn VNQĐ