"Rơi" cùng "Cuộc hẹn nơi cổng Thiên Đường"

10.07.2017

Một anh giám đốc trẻ, có thể được xem là thành đạt trong công việc, như ý trong hôn nhân. Thế nhưng, sự đời chẳng có gì là như ý cả, anh chàng bị bệnh rối loạn cương dương, tức không thể duy trì sinh hoạt tình dục với vợ mình. Để chữa được bệnh đó, bác sĩ khuyên anh ta nên đi bộ.

Thế là: "Ngày nào, anh cũng luyện tập bằng cách đi bộ tám mươi tám phút đồng hồ". Sau giờ làm việc và ở bất cứ đâu. Ở các tỉnh, thành mà anh đến. Ở tất cả quốc gia mà anh trải qua. Ở đâu, anh cũng ngó nghiêng những bối cảnh có thể sải bước sau giờ làm việc. Và cứ thế, số giờ đi bộ của anh mỗi ngày một tăng. Không biết rồi anh có chữa được căn bệnh "không có chỗ đứng" kia không nhưng trong hình dung của người đọc thấy nhân vật hiện lên thật cô đơn mà cũng thật đẹp.

Đó là một truyện mà tôi rất thích của Hòa Bình (Báo Người Lao Động) trong tập truyện ngắn "Cuộc hẹn nơi cổng Thiên Đường" (NXB Phụ Nữ, 2017). Tôi thích không phải vì cũng là đàn ông và chia sẻ "căn bệnh thời đại" này. Tôi thích bởi cách chọn điểm rơi của nhà văn. Và khi đọc hết tập bản thảo này, tôi thấy đây là tập truyện của những điểm rơi. Những tình tiết, sự kiện, nhân vật... dường như được giản lược đến hết cỡ, chỉ chọn và chờ những điểm rơi để bung ra, thả xuống.

Như cách người ta chơi nhảy dù. Như cách mà người ta dự phần vào những trò mạo hiểm. Do vậy mà khi đọc "Cuộc hẹn nơi cổng Thiên Đường" hay "Chuyện tình bên bờ Vô Cực", chúng ta có thể thất vọng bởi không dựa vào những éo le thường thấy của những cuộc tình nhưng chúng ta lại có những cảm giác rất phiêu linh, bởi tác giả đã túm được chúng ta rồi ném bay đi cùng nhân vật.

Khi rơi, chúng ta sống với những cảm giác thật nhất của mình.

Khi rơi, chúng ta biết chọn những mẫu sống đúng nhất với mình.

Khi rơi, chúng ta có thể câm lặng hoặc la hét nhưng không phán xét.

Khi rơi, chúng ta nghĩ về những nỗi chết một cách nhẹ nhàng nhất.

Mỗi lần rơi là một lần trải nghim, cho đến chuyến rơi cuối cùng.

Ở đây, đương nhiên là chưa có chuyến rơi chót ấy vì tác giả vẫn còn đang viết, còn đang sung mãn với đời sống và tình yêu.

Cho nên hãy xem "Cuộc hẹn nơi cổng Thiên Đường" là một ẩn dụ và nỗi hoài nghi không dứt vậy!

 

Nhà văn Trần Nhã Thụy