Sóng thời gian hay là sóng tâm hồn?*

06.03.2023
Lê Thị Hồng Diễm
Có lẽ nhà thơ Nguyễn Kim Huy không còn xa lạ với độc giả văn học. Ông là người con xứ Quảng, sinh ra trên mảnh đất Núi Thành - Quảng Nam kiên cường, hào hùng, bất khuất. Bước chân vào con đường văn chương khá trễ tuy nhiên trong sáng tác của mình, nhà thơ đã tạo ra một nét riêng biệt với phong cách nghệ thuật, cùng ngôn ngữ thơ mộc mạc và có sự liên tưởng bất ngờ, độc đáo.

Sóng thời gian hay là sóng tâm hồn?*

Đọc bài thơ “Nghĩ vẩn vơ giữa con sóng thời gian” của nhà thơ Nguyễn Kim Huy được tạp chí Non Nước chọn đăng trong số xuân Quý Mão 2023. Ngay từ tiêu đề bài thơ đã có sự băn khoăn, tò mò của độc giả về một “con sóng thời gian”.

Ngước mặt lên buổi sáng, cúi xuống đã thấy hoàng hôn

Ngày đi qua không một chút dịu dàng

Vừa thấy nắng lên loé sáng lóng lánh đã thấy mưa sầm sập đổ

Mùa đi qua không một chút ngập ngừng

Thời gian như một chiếc vòng xoay, chỉ cần ngước mặt và nhìn lên thì đã là sự thay đổi giữa bình minh và hoàng hôn. Một sự thay đổi dường như chưa thể chỉ cần một cái chớp mắt. Vừa thấy “nắng loé sáng long lanh” đã vội vàng trời chuyển mình “mưa sầm sập đổ”. Những ngày tháng trôi qua, rồi mùa cũng lần lượt rời đi không chờ đợi một ai, và bất cứ điều gì. Thời gian là một guồng quay, cuốn tất cả mọi thứ từ cảnh vật, đến con người đều sẽ đổi thay theo năm tháng. Tác giả sử dụng các hình ảnh đối lập giữa “buổi sáng”" và “hoàng hôn”, “ngày” và “đêm”,  “nắng” và “mưa” với cái nhìn thông thường con người mặc định bắt đầu ngày mới với ánh nắng ban mai và kết thúc khi hoàng hôn về, đêm khuya đến. Nhà thơ còn sử dụng từ “đã thấy” giữa các cặp đối lập như một sự bàng hoàng về những điều đổi thay chóng vánh. Ngày rồi đến đêm, sáng rồi sẽ tối, đó là định luật của tự nhiên, không ai có thể thay đổi được. Thời gian phải chăng là điều khiến con người suy tư nhiều nhất khi nhìn thấy từng ngày trôi qua nhanh chóng, không chút bịn rịn, ngập ngừng.

Và rồi, con người ta đối diện với cái ngày và đêm, cái nắng và mưa ấy ra sao?

Chúng ta đi giữa ngày và đêm, giữa nắng và mưa

Nào đã kịp nói điều gì cùng nhau

Mỗi tâm hồn khép kín nỗi niềm riêng

Mỗi phút giây trôi qua, chúng ta còn hiện hữu bên nhau, cùng đi qua những năm tháng ấy nhưng vốn chưa cùng nhau trò chuyện, mỗi người đều mang trong mình những tâm trạng, nỗi niềm, âu lo riêng, chưa từng cởi mở để có tiếng nói chung. Hình ảnh con người dường như cô độc giữa thế giới, lẻ loi và trơ trọi. Ôm ấp suy nghĩ riêng của bản thân qua những ngày “nắng” “mưa”, không thể cùng ai hoá giải suy tư là một cảm giác vô cùng đau khổ. Nhưng tìm được một tri âm để chuyện trò, trao hết “nỗi niềm riêng” cùng nhau thì lại là một điều khó khăn hơn.

Chúng ta đi một mình, đi giữa đám đông

Có mấy khi lòng yên tĩnh

Tác giả sử dụng các điệp từ “chúng ta”, “có mấy khi” như một câu hỏi đặt ra và câu trả lời mang tính gợi mở, tự hỏi lại bản thân chính mình. “Chúng ta” là nhiều người đi cùng nhau, nhưng chúng ta lại đi theo nghĩa “một mình”, được mấy khi lòng mình được “yên tĩnh” khi trải qua những gian khó trên con đường hành trình vượt “chân trời góc bể” ấy. Lao mình vào công việc, thời gian, bản thân chi phối bởi hoàn cảnh khiến lòng người phải dậy sóng, quên đi bản thân chính mình.

Có mấy khi ngồi im lắng nghe lòng mình

Khao khát điều gì mơ ước điều gì?

Có phải con người luôn mong muốn thực hiện mọi việc để đạt đến ước mơ của mình không. Thế nhưng bất chợt ngồi lại, nhìn những gì hiện tại ta đang có và đang thực hiện khiến bản thân hoài nghi rằng đây là điều chúng ta khao khát, từng là ước mơ của mình đây ư. Sự yên lặng lắng nghe lòng mình không phải việc làm đơn giản, vì con người dường như chạy theo thời gian một cách vội vã, quên mất đi chính bản thân mình.

Nửa đêm bước ra ngước mặt nhìn trời trông thấy những vì sao

Cứ hiện lên lấp lánh treo lưng trời câu hỏi:

Giữa con sóng thời gian người cũ biệt phương nào?

Tác giả Kim Huy đã khắc hoạ những hình ảnh liên tưởng vô cùng thú vị, “những vì sao”, “con sóng thời gian”. Những vì sao khi đêm đến nhìn thấy là một điều bình thường, nhưng đọc đến câu sau có sự xuất hiện hình ảnh “người cũ”, nay họ nơi đâu, há chăng đã là những vì sao sáng treo trên bầu trời kia không? Không thể giải đáp vì người trước đây đã là người cũ, thời gian cũng xoá đi mọi thứ, còn đâu đó tìm lại trong trong tâm thức con người lưu dấu. Phương trời rộng lớn, tìm ở đâu về đâu bóng hình cũ kia vốn cách biệt chân trời. Tiếp đến hình ảnh “con sóng thời gian” đây là một hình ảnh vô cùng độc đáo. Thời gian sao gọi là sóng? Sóng vỗ bờ từng đợt liên hồi, nối đuôi nhau đánh vào bờ rồi sẽ tan tành bọt biển. Thời gian cũng vậy, tháng ngày kéo nhau đi qua như vô tận, một kiếp người lại được quy định thời bởi quy luật thời gian. Con sóng thời gian kia sẽ cuốn con người theo, sóng hình thành là con người ra đời, sóng hùng dữ kéo vào là con người lao theo thời gian sinh trưởng, khi sóng kia đập vào bờ vỡ vụn thì cũng là lúc con người hoại diệt. Với quan niệm về nghề viết Nguyễn Kim Huy nhận định “Viết là một quá trình tìm kiếm lặng lẽ, trăn trở nghiệt ngã trong ma trận nghệ thuật ngôn từ và tư duy cảm xúc, nhưng cũng chính là một quá trình hạnh phúc kết tinh từ sự chiêm nghiệm”. Có lẽ từ những điều đó với kinh nghiệm, vốn sống, ông đã sự dụng chất thơ mộc mạc, dung dị, gần gũi đời sống con người nhưng đằng sau những lớp ngôn từ bình dị kia là tầng tầng ý nghĩa.

Thời gian cứ trôi đi như vô tận, nhưng thời gian đời người là một giới hạn cụ thể. Nó mang đến cho ta những thành công, những điều tốt đẹp, ký ức và chúng tàn nhẫn lấy đi những người thân yêu, thứ mà ta hằng trân trọng, bảo vệ. Ai có thể chiến đấu với thời gian? Không có bất kỳ ai, trừ bản thân mình. Một giây phút hiện hữu trên cuộc đời như một tài sản vô giá của con người. Vì vậy để không phải hối tiếc về những điều đã qua, hãy thật sự sống ngay trong giây phút hiện tại, bây giờ có mặt và ở đây.

*Đọc bài thơ “Nghĩ vẩn vơ giữa con sóng thời gian” của nhà thơ Nguyễn Kim Huy.

L.T.H.D