Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh: "Khúc ru cuộc đời"

06.05.2022
Ngô Đưc Hành
Nguyễn Ngọc Hạnh đến với văn chương thật sớm. Sau khi đất nước mới giải phóng, khó khăn trăm bề, nhưng ông đã lặn lội từ dòng sông Vu Gia (Quảng Nam) ra Hà Nội gặp bạn bè văn chương, được diện kiến những người như Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm. Ông tìm đến họ vì ngưỡng mộ tài thơ và vì tình yêu khó cắt nghĩa với thi ca.

Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh: "Khúc ru cuộc đời"

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh

1. Lâu nay tôi vẫn quan sát nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, cả về đời sống thường nhật cũng như lao động văn học nghệ thuật. Mặc đời "lao xao", đâu đó tôn thờ chạy theo vật chất, ông vẫn lặng lẽ "lụy thơ". Phục ông và trân trọng.

Nguyễn Ngọc Hạnh đến với văn chương thật sớm. Sau khi đất nước mới giải phóng, khó khăn trăm bề, nhưng ông đã lặn lội từ dòng sông Vu Gia (Quảng Nam) ra Hà Nội gặp bạn bè văn chương, được diện kiến những người như Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm. Ông tìm đến họ vì ngưỡng mộ tài thơ và vì tình yêu khó cắt nghĩa với thi ca. Sau này tôi biết, chính Nguyễn Ngọc Hạnh là người đầu tiên tổ chức đêm thơ Phùng Quán trên quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng... Nói thế để thấy rằng, hình như thơ chọn ông để giao phó một "sứ mệnh" nào đó.

 

Làm thơ trước năm 1975, nhưng năm 1984, Nguyễn Ngọc Hạnh mới có tập "Hoa ven sông" - in chung. Từ đó đến nay, ông đã có 8 tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm được Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật, Hội Nhà văn Đà Nẵng trao giải thưởng. Nếu so sánh đời thơ của một đời người thì gia tài thơ như vậy là chưa nhiều. Nói về thành tựu cũng chưa phải có gì lớn lao. Giá trị thơ Nguyễn Ngọc Hạnh phải quán chiếu theo góc độ khác.

Tháng 5/2000, theo dõi trên mạng xã hội, tôi thấy Nguyễn Ngọc Hạnh tỷ mẩn chăm sóc "Biển bắt đầu từ sóng". Lâu nay ông được Báo Đà Nẵng "chọn mặt gửi vàng" tuyển chọn, biên tập phần thơ cho số cuối tuần. "Biển bắt đầu từ sóng", NXB Đà Nẵng, do ông chủ biên, hội tụ tác phẩm của 108 "gương mặt" thi ca trong và ngoài nước, lâu nay có mặt ở "sân thơ" bên sông Hàn. Giữa thời buổi thơ "rộn ràng" đến mức xuất hiện tâm lý "ngoảnh lưng", "dè bỉu" thơ, việc Nguyễn Ngọc Hạnh chủ biên thơ, quả thật quả cảm.

Quan sát việc xuất bản "Biển bắt đầu từ sóng", tôi nhận ra một "chân dung" khác của Nguyễn Ngọc Hạnh. Không chỉ có trách nhiệm, nâng niu "con chữ" của mình, ông trân trọng nâng niu sáng tạo của người khác.

Thường người làm thơ nói chung, nhà thơ nói riêng dễ "mắc bệnh" chỉ có thơ mình là nhất. Nguyễn Ngọc Hạnh khác. Ông luôn đặc biệt chú ý, phát hiện, nâng niu tài năng trẻ, theo cái cách ông làm được. Đó là cổ vũ, giới thiệu trên "sân thơ" sông Hàn. Đọc các sapo giới thiệu tác giả, tác phẩm của tất cả các nhà thơ mà ông đã chọn trên "Đà Nẵng cuối tuần" - một ấn phẩm của Báo Đà Nẵng, thấy sự công phu. Điều này không phải ai cũng muốn làm và làm được.

Khi nhận "Biển bắt đầu từ sóng" từ nhà in về tư gia, đang là "giữa hè nắng đỏ lửa", Nguyễn Ngọc Hạnh tự kiểm tra chất lượng in ấn từng cuốn, gói sách, ghi địa chỉ và chuyển đến các tác giả có thơ in, bạn đọc mua tác phẩm… Ông miệt mài như thế, với tất cả sự tỉ mẩn. Gặp Nguyễn Ngọc Hạnh giữa những ngày đó, thấy ông hoan hỷ: "Vui quá anh ơi, vẫn rất nhiều bạn đọc yêu thơ. Có khi tôi phải tính tái bản đây". Niềm vui của ông thật chân thành.

Nụ cười thánh thiện trên gương mặt của Nguyễn Ngọc Hạnh, tôi từng gặp khi ông vác trên vai từng thùng tập thơ "Phơi cơn mưa lên chiều", NXB Hội Nhà văn năm 2018, từ khách sạn đến địa điểm trên đường Lý Quốc Sư trong dịp tập thơ ra mắt độc giả Thủ đô.

2.Thơ ca là loại hình văn học thể hiện tâm hồn tác giả một cách rõ rệt nhất. "Văn là người" (Le style est l'homme même) - câu nói từ xa xưa của Bá tước xứ Buffon được Phạm Quỳnh dịch, tuyệt đối đúng. "Thơ chỉ bật ra trong tim khi cuộc sống đã thật tràn đầy", (Tố Hữu). "Đầy" ở đây có thể hiểu là khi "hạnh phúc" hoặc đau khổ đã đến tận cùng.

Nguyễn Ngọc Hạnh không phải là cá biệt. Hơn thế, thơ ông có xu hướng trở về bản chất nguyên thủy của nó: phơi cảm xúc của chủ thể về những nỗi niềm muôn thuở của con người. Đó là tình cảm quê hương, tình mẫu tử, phụ tử, tình yêu, tình bạn… chân thực và cảm động. Nó là những đề tài muôn thuở của thi ca, không mới nhưng tài thơ của từng người sẽ tạo ra những thi phẩm khác biệt. Có thể thấy điều này qua "Chợ quê", "Chỗ mẹ nằm", "Khất nợ dòng sông giấc mơ trôi", "Chạm đáy sông đầy", "Cơn mưa phía bèo trôi", "Phố núi là quê", "Về quê", "Lục bát qua sông"… Nguyễn Ngọc Hạnh dường như đã mang tất cả quê hương "Qua sông ngồi nhớ con đò/ Nhớ hoàng hôn lẫn câu thơ ban chiều" (Về quê); Trắc ẩn của con người vào thơ "Nón che không hết mùa đông/ Phố che không hết nỗi buồn trần gian" (Lục bát qua sông).

Quê hương nhà thơ Việt Nam nào cũng có dòng sông. Với Nguyễn Ngọc Hạnh là dòng Vu Gia. Dòng sông nào với bất cứ nhà thơ nào cũng là "dòng ký ức". Nhưng với Nguyễn Ngọc Hạnh, Vu Gia trở thành "dòng xúc thức", ở đó chỉ là ký ức có phận đời, phận người, thức tỉnh.

 

Đọc thơ Nguyễn Ngọc Hạnh nhiều, tôi nhận ra, thơ ông luôn đến với tâm hồn người đọc bằng sự "rung động người". Điều này, khác hẳn với một "xu thế" hiện nay là tìm sự rối rắm của ngôn ngữ để "trình diễn" cảm xúc.

Có lẽ vì vậy, thơ Nguyễn Ngọc Hạnh là những khúc ru của tâm hồn. Thơ ông được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc. Năm 2012, ông đã xuất bản "Giấc mơ" - album gồm 16 ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Trước Tết Nhâm Dần, ông xuất bản ấn phẩm "Khúc ru trầm" tuyển chọn 77 ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Trước đây tôi đã biết, các nhà thơ như Tạ Hữu Yên, Lê Cảnh Nhạc…có nhiều thơ được phổ nhạc; nay biết thêm Nguyễn Ngọc Hạnh.

Điều khác biệt của Nguyễn Ngọc Hạnh là có trường hợp một bài thơ, ngẫu nhiên có đến ba nhạc sĩ phổ nhạc, như bài "Làng"; không chỉ các nhạc sĩ lớn tuổi mà cả các tác giả âm nhạc trẻ; không chỉ nhạc sĩ trong nước mà cả các nhạc sĩ ngoài nước. Phan Huỳnh Điểu, Nguyễn Đình Thậm, Trần Tuấn Khanh, Trọng Đài, Nguyễn Cường, Hoài An… các "thương hiệu" âm nhạc đã từng tìm thơ Nguyễn Ngọc Hạnh để phổ nhạc. Đặc biệt, từ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, nhạc sĩ Trọng Đài đã có đến 9 tác phẩm âm nhạc "Phố núi là quê", "Biển lặng", "Đà Nẵng trên cao", "Giấc mơ cỏ xanh", "Chợ quê", "Nhớ Hội An", "Lục bát qua sông", "Lời yêu", "Tìm lại tuổi thơ". Các nhạc sỹ Nguyễn Trần Đức Anh, Quỳnh Hợp, Trung Kim, Trọng Lưu, Huỳnh Văn Tấn đều phổ nhạc từ 4 - 5 bài từ thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh.

Khác biệt và đặc biệt. Sau khi "Khúc ru trầm" xuất bản, trong chương trình âm nhạc đón Xuân Nhâm Dần, các Đài Truyền hình Đà Nẵng, Quảng Nam… đều phát sóng nhiều ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Âm nhạc làm cho thơ Nguyễn Ngọc Hạnh như bay lên một giai điệu mới.

Vì sao thơ Nguyễn Ngọc Hạnh được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc? Các nhạc sĩ từng phổ thơ ông như Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Thị Thu Thủy, Phan Văn Minh… có những đánh giá, riêng tôi thấy rằng, đó chính nhờ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh vừa tinh tế vừa giàu suy tư trong cảm xúc. Thơ ông chính là sự giao thoa chặt chẽ giữa ý và nhạc điệu.

3.Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh là người con quê hương Đại Lộc, Quảng Nam. Nguyễn Ngọc Hạnh có sự "vô lý" đến đáng quý. Trong ông hài hòa "nguyên tắc" và "tiếp nhận". "Nguyên tắc" của ông, ở ông là chung thủy với nguyên tắc sống của mình: Tôn thờ sự thật và nhân cách; "tiếp nhận" của ông, ở ông là biết lắng nghe, đối thoại.

Tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh

Cách chơi, cách cảm của ông mang phong cách riêng. Nếu như trong thơ, ông trung thành với cảm xúc nhân bản, trở về với bản thể, thì trong cuộc đời ông nhân ái, vị tha, thủy chung với bạn bè. Không phải đơn giản, các văn nhân nổi tiếng từ hải ngoại như nhà thơ Du Tử Lê…; các văn nhân trong nước như nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, các nhà văn, nhà thơ đương đại Việt Nam khi qua Đà Nẵng đều được ông giao thiệp chân tình.

Hẳn nhiên, có trao, có nhận; mang sự chân thành tặng người, ông nhận lại được sự chân thành. Tôi cứ nhớ mãi lần ông ra mắt tập thơ "Phơi cơn mưa lên chiều" tại Hà Nội, không chỉ các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ nổi danh ở Hà Nội như Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Hữu Quý, Đoàn Xuân Hòa, Nguyễn Cường, Thùy Dương…. đến dự mà còn có sự hiện diện của nhiều nhà thơ, nhà giáo đến từ Nghệ An, Hà Tĩnh.

Giữa đông người, nhìn các quan hệ của mỗi người, dễ nhận ra một phần phẩm cách cá nhân. "Khúc ru trầm" của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh không chỉ trong tác phẩm thơ, âm nhạc, mà còn rộng ra ở cuộc đời.

(vnca.cand.com.vn)