Thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy tại Chương trình Tọa đàm “Văn nghệ sĩ Đà Nẵng góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa của thành phố”

THÀNH ỦY ĐÀ NẴNG

 *

Số 110-TB/TU

  ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

 Đà Nẵng, ngày 29 tháng 4  năm 2021

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THƯỜNG TRỰC THÀNH ỦY

tại Chương trình Tọa đàm “Văn nghệ sĩ Đà Nẵng

 góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa của thành phố”

­----

Ngày 30/3/2021, Thường trực Thành ủy tổ chức Chương trình Tọa đàm “Văn nghệ sĩ Đà Nẵng góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa của thành phố”. Tham dự Chương trình có đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố, các cơ quan tham mưu, giúp việc Thành ủy, Ban Văn hóa - Xã hội thuộc Hội đồng nhân dân thành phố, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, các sở: Văn hóa và Thể thao, Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố, các hội chuyên ngành thuộc Liên hiệp Hội và các đơn vị có liên quan. Sau khi nghe Báo cáo của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố, ý kiến phát biểu của các thành viên dự họp, Thường trực Thành ủy đã thống nhất kết luận:

I. Thời gian qua, hoạt động văn học - nghệ thuật trên địa bàn thành phố đã có bước phát triển tích cực. Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật thành phố đã phát huy tốt vai trò tập hợp, hướng dẫn và động viên các văn nghệ sĩ sáng tác nhiều tác phẩm, công trình có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu tinh thần của xã hội. Nhiều tác phẩm phản ánh rõ nét công cuộc đổi mới và phát triển thành phố, cũng như mọi mặt đời sống xã hội, góp phần tích cực cổ vũ, lan tỏa những điển hình, nhân tố mới, đấu tranh phê phán cái xấu, tiêu cực trong đời sống chính trị, xã hội, góp phần quan trọng xây dựng thương hiệu văn hóa của thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hoạt động văn học - nghệ thuật của thành phố vẫn còn có mặt hạn chế, chưa tạo được hiệu ứng sâu rộng trong đời sống văn hóa của thành phố. Hoạt động lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học - nghệ thuật, triển lãm tuy được chú trọng đầu tư nhưng chất lượng, hiệu quả chưa cao. Các cơ chế, chính sách về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng văn nghệ sỹ trẻ, đội ngũ kế cận; hỗ trợ, đặt hàng sáng tác đối với văn nghệ sỹ còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Một số hội viên, văn nghệ sỹ chưa nhiệt tình, trách nhiệm trong hoạt động sáng tác.

II. Thời gian đến, đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật thành phố và đội ngũ văn nghệ sỹ thành phố tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn và tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1.Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Trung ương và Thành ủy về hoạt động văn hóa, văn học - nghệ thuật, gắn với đẩy mạnh thực hiện chủ trương xây dựng văn hóa, văn minh đô thị nhằm xây dựng môi trường văn hóa thành phố đặc sắc, lành mạnh, hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển toàn diện con người Đà Nẵng, nhất là cụ thể hóa thực hiện các nội dung liên quan theo Chương trình số 29-CTr/TU ngày 10/5/2019 của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chương trình số 01-CTr/TU ngày 10/12/2020 của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố.

- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước gắn với thể chế hóa thực hiện có hiệu quả các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hoá, văn học - nghệ thuật. Xây dựng quy hoạch và triển khai đồng bộ các kế hoạch phát triển văn hóa; trong đó tăng cường đầu tư phát triển lĩnh vực văn hóa tương xứng với đầu tư phát triển kinh tế, ưu tiên phân bổ nguồn lực, kế hoạch vốn phù hợp để đầu tư xây dựng đảm bảo các thiết chế văn hóa - nghệ thuật theo quy hoạch trên địa bàn thành phố.

- Tiếp tục quan tâm bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn thuần phong mỹ tục; đầu tư các sản phẩm, tác phẩm văn hoá, văn học, nghệ thuật có giá trị để phục vụ người dân.

  1. Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan:

- Phối hợp với Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố tham mưu, đề xuất xây dựng thương hiệu văn hóa của thành phố Đà Nẵng. Đối với các chương trình, kế hoạch liên quan đến lĩnh vực văn hóa, đề nghị nghiên cứu tổ chức lấy ý kiến góp ý, phản biện của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố, các hội chuyên ngành và các cơ quan liên quan trước khi triển khai thực hiện.

- Rà soát, điều chỉnh Quyết định số 1210/QĐ-UBND ngày 02/3/2015 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc đổi tên Quỹ Tài trợ sáng tạo văn học - nghệ thuật thành phố thành Quỹ Hỗ trợ sáng tác văn học - nghệ thuật thành phố và công nhận Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) của Quỹ Hỗ trợ sáng tác văn học - nghệ thuật thành phố; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, khuyến khích, tạo động lực để đội ngũ văn nghệ sỹ phát huy năng lực sáng tạo.

- Rà soát, điều chỉnh quy định về việc thực hiện đặt hàng sáng tác tác phẩm văn học - nghệ thuật (theo Quyết định số 5772/QĐ-UBND ngày 11/8/2015 của Ủy ban nhân dân thành phố); đặt hàng đối với Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố và các hội chuyên ngành để tham gia tư vấn, đề xuất ý tưởng phục vụ phát triển văn hóa thành phố, trước mắt là phục vụ quy hoạch chỉnh trang, cải tạo cảnh quan 2 bờ sông Hàn, trồng hoa trang trí vỉa hè tại một số tuyến đường khu vực trung tâm thành phố, cải tạo cảnh quan công viên, vườn dạo tại khu đất đường Nguyễn Văn Linh; đặt hàng các sản phẩm nghệ thuật biểu diễn như sân khấu, múa... để phục vụ du lịch. - Nghiên cứu, đề xuất phương án tổ chức biểu diễn Dân ca Bài chòi phục vụ du khách trên tàu du lịch sông Hàn đảm bảo an toàn; tổ chức cuộc thi ảnh du lịch dành cho khách du lịch với hình thức phù hợp, hiệu quả nhằm quảng bá hình ảnh thành phố Đà Nẵng đến với du khách trong và ngoài nước; đẩy nhanh xúc tiến thu hút đầu tư loại hình thuyền buồm trên sông Hàn để tạo sản phẩm phục vụ du lịch; đầu tư hình thành Đường Sách, Công viên Sách phục vụ phát triển văn hóa đọc và du lịch.

- Nghiên cứu, tham mưu giải quyết các kiến nghị, đề xuất của văn nghệ sỹ liên quan đến xây dựng Đà Nẵng trở thành Trung tâm liên hoan phim tài liệu quốc tế; giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Tuồng và Dân ca Bài chòi; tổ chức các hoạt động kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam (1471-2021).

  1. Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố lãnh đạo Ban Chấp hành Liên hiệp Hội và ban chấp hành các hội chuyên ngành:

- Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của các hội chuyên ngành. Tiếp tục thực hiện tốt vai trò định hướng, góp ý, thẩm định, phản biện các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật, khuyến khích, hỗ trợ sáng tạo nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật có giá trị, giàu tính nhân văn, giáo dục truyền thống dân tộc và cách mạng, phản ánh chân thực đời sống xã hội... đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của quần chúng nhân dân; đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu các tác phẩm đến công chúng. Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố sửa đổi, bổ sung Điều lệ của Quỹ Hỗ trợ sáng tác tác phẩm văn học - nghệ thuật thành phố đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và quản lý, sử dụng Quỹ này đảm bảo đúng mục đích, có hiệu quả. Xây dựng và phát triển toàn diện đội ngũ văn nghệ sỹ thành phố về số lượng và chất lượng. Động viên đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy vai trò, sứ mệnh khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước trong các tác phẩm văn học - nghệ thuật; tích cực sáng tạo, đóng góp ngày càng nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao, đặc sắc, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, phát triển toàn diện con người thành phố Đà Nẵng.

- Quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, giúp hội viên nhận thức, nắm rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hoá, văn học - nghệ thuật, về công cuộc bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước. Chú ý việc đào tạo, phát hiện các tài năng văn học - nghệ thuật trẻ.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng Đề án nâng cao chất lượng Tạp chí Non Nước bản in giấy và hình thành Tạp chí Non nước bản điện tử trên cơ sở Trang thông tin điện tử tổng hợp Văn nghệ Đà Nẵng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm nâng cao hiệu quả quảng bá các tác phẩm mới và diện mạo văn hóa tinh thần của thành phố.

- Chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức Hội thảo về học giả Nguyễn Văn Xuân. Nghiên cứu, đề xuất danh mục các sản phẩm văn học - nghệ thuật phục vụ phát triển văn hóa và xây dựng thương hiệu văn hóa của thành phố để đặt hàng cho các hội chuyên ngành, đội ngũ văn nghệ sỹ thành phố thực hiện.

  1. Ban Tuyên giáo Thành ủy:

- Tham mưu giúp Ban Thường vụ Thành ủy thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, định hướng về tư tưởng chính trị, hoạt động của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật, các hội chuyên ngành và đội ngũ văn nghệ sĩ trên địa bàn thành phố.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất chủ trương xây dựng các tượng đài chiến thắng, tượng đài các lực lượng vũ trang, nhân dân trên địa bàn thành phố, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy.

Trên đây là ý kiến kết luận của Thường trực Thành ủy tại Chương trình Tọa đàm “Văn nghệ sĩ Đà Nẵng góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa của thành phố”, Văn phòng Thành ủy kính thông báo để các cơ quan, đơn vị biết, thực hiện.




Nơi nhận:

- Đảng đoàn HĐND thành phố, 

- BCS đảng UBND thành phố,

- ĐĐ LH các Hội VH-NT thành phố,  

- Thành phần dự họp,

- Lưu VT, TH.

 

 

 

T/L BAN THƯỜNG VỤ

CHÁNH VĂN PHÒNG

 

(đã ký)

 

Nguyễn Văn Hùng