Tôn Nữ Thu Thuỷ đan dệt chữ nghĩa Dưới mái nhà xanh

27.12.2017

Tôn Nữ Thu Thuỷ đan dệt chữ nghĩa Dưới mái nhà xanh

Với một giọng điệu khá mới và lạ nhưng lại dung dị, nhẹ nhàng, âm trầm, sâu lắng, mang một tính cách Huế rất riêng, những bài thơ trong tập Dưới mái nhà xanh, nhà thơ Tôn Nữ Thu Thuỷ dẫn tôi vào một khu vườn đa sắc chị dày công đan dệt bằng chữ nghĩa.

 

Mới đầu, ghé qua đề tựa của tập thơ, tôi đã có ý định nói với chị tìm cho đứa con tinh thần này một cái tên khác vì thấy cái tên này nó cứ hơi cù cũ thế nào. Nhưng rồi lại nghĩ, mình chưa đọc kỹ nội dung sao dám phán bừa! Giờ thì tôi thấy mừng. May mà tôi còn một chút sáng suốt ấy. Đọc những bài thơ trong tập, tôi mới hiểu tác giả thật ý nhị, sâu xa. Chị gửi tiếng lòng khẩn thiết, đầy ắp thương yêu tới tất cả chúng ta, những người đang chung sống Dưới mái nhà xanh, rằng: “Có những vẻ đẹp, những ý nghĩa ẩn tàng trong mỗi sự vật, sự việc chung quanh mình”, hãy gìn giữ, vun đắp và bảo vệ nó, cho sự sống Dưới mái nhà xanh ngày thêm tươi đẹp.

 

Một sớm mai, ta gặp ngay bên ngoài khung cửa nhà mình:

 

Hoa súng trắng ngẩng nhìn bầu trời trắng hơn chút nữa

Cánh chim với bầu trời bay lên

Nguồn nắng rót niềm ấm áp vô tận

Có phải bầu trời cũng tự nhủ sẽ xanh hơn

 

                                        (Ngoài cửa)

 

Khung cảnh bình dị, yên lành khiến cho lòng ta dù đang ưu tư, phiền muộn cũng lắng lại như “bầu trời cũng tự nhủ sẽ xanh hơn”.

 

Trong cuộc sống, đôi khi sự vô cảm làm cho chính con người bị nhốt trong một bức tường trong suốt, không cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên, không cảm nhận được và sẻ chia nỗi đau mất mát của đồng loại khi tất cả đều lặng im, thế giới quanh ta chỉ là không gian trắng lạnh lẽo. Nhưng:

 

Trong không gian trắng

Có người biết mình yêu điều gì, cần phải làm gì

Cặm cụi bên những vi mạch từng ngôn ngữ kết nối sinh sôi cho đời…

 

                                                       (Hương lặng im)

 

Thì sự im lặng đầy trách nhiệm, thương yêu và đồng cảm ấy tự nó tỏa hương: Hương của lặng im. Một mùi hương ta cảm nhận được bằng tấm lòng, bằng trái tim.

 

Qua vài nét chấm phá nhẹ nhàng từ sự kết hợp tài tình giữa văn xuôi, hội họa và thơ của nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy, ta như đang được đứng giữa một khu rừng nguyên sinh huyền bí. Sức sống mãnh liệt của cây cối trong khu rừng cho ta một sự chiêm nghiệm, liên tưởng về cuộc sống cõi người: Nơi đây hiển hiện cuộc sống của từng sự vật, chen chúc mà không lẫn lộn, đối nghịch mà vẫn bên nhau… Cây sao cao vời nghiêng gợi nhớ thế giới cổ tích của người già… Rồi nơi kia, một nhánh dương xỉ xanh nõn hình tháp nhọn… (Ở Tam Hải). Đó không chỉ là rừng cây. Đó là hiện thân của sự cảm thông, sẻ chia, chở che, bao bọc đã làm nên sự sống luôn tươi trẻ ở trái đất này.

 

Con đường của người đàn bà chọn cho mình công việc gieo cấy nhọc nhằn trên cánh đồng chữ nghĩa chắc chắn chẳng dễ dàng, chẳng bằng phẳng hơn những người đàn bà chọn con đường khác. Cũng mang trên vai gánh nặng áo cơm, gánh nặng thiên chức như mẹ, như chị, như em, người đàn bà văn chương còn mang trên vai một gánh nặng của sự cô đơn nhọc nhằn trong sáng tạo: Chị viết như đày ải chính mình/ Lọc trong nước mắt/ Gửi gắm/ Dấu vết khổ đau, hạnh phúc… (Con đường). Dưới những ngón tay gầy của chị, từng con chữ hiện ra, cuộc sống hiện ra muôn hình, muôn vẻ, hơn tất cả là vẻ đẹp, là tình yêu như những ngọn cây vươn cao, như những đóa hoa thanh khiết trong khu vườn cuộc sống. Hoa sinh ra cùng giấc mơ/ Ở cách xa những dối lừa/ Ở cách xa điều ác/ Hoa sinh ra như tuổi thơ (Hoa tiểu quỳnh giữa tinh sương).

 

Trong đời, ta đã có nhiều lần đến với biển, lội ào xuống nước, hòa vào với sóng và được sóng iu ấp, vỗ về nhưng chắc mấy ai coi những con sóng tung bọt trắng xóa như những phím đàn của biển như nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy: Để làm dịu nỗi đau/ Tôi xoay trở/ nghiêng nghiêng, bám tay vào hàng phím sóng/ Trùng khơi đáp lời (Chiếc đàn biển). Như vậy, âm thanh lan tỏa theo từng nhịp phím sóng, mọi nỗi đau được sẻ chia, vợi bớt. Biển hòa với người, người hòa với biển một tiếng lòng tha thiết.

 

Qua sự biến hóa của chữ nghĩa, nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy  đã khắc hình hài của thời gian lưu lại trên ngôi nhà cổ: Nỗi buồn vui bao đời người đã lên đấy/ Từng đôi mắt ưu tư chưa hề khép lại/ Bao đứa trẻ chơi đùa bên hàng rào …Cái bóng nhỏ nhoi, những ý tưởng bao trùm còn lại/Cát bụi bay lên góc đời còn thanh xuân mãi (Nơi thời gian chưa nhòa). Chị trải lòng mình với những nơi mình có dịp đi qua trong các bài thơ: Với sông Seine, Chiếc cổng gỗ trên núi, Dưới gốc cây anh đào, Trà núi… Những câu thơ dung dị thôi mà hàm chứa ăm ắp những bâng khuâng, day dứt.

 

Mảnh vườn nhỏ bên căn nhà nhỏ luôn chứa đầy hình bóng mẹ cùng bóng lá luôn xòa bóng mát,  ấp iu, che chở cho từng tháng ngày của con: Hơi thở của lá có mẹ…Mẹ gói cả tấm tình trong thếp lá/ Cho con làn hương thương yêu (Mẹ và lá vườn).

 

Những câu thơ của chị đưa ta lững thững dạo trong một miền riêng rất Huế. Một chiều nào lặng lẽ ngồi trên bậc thềm nhà cha mẹ xưa mà ngậm ngùi nhớ một thời thơ ấu: Chìm đâu tiếng sẻ khêu mưa/ Từng mùa lá rụng cho thừa nhớ quên/…Trời thì cao, bậc thềm gần lặng yên… Mộc hoa vẫn nở bên viền gạch nâu/…Nụ cười của mẹ trong hoa / Con từ mạch thở nghe ra nỗi mình (Thềm xưa). Rồi ta nhìn thấy: Ở góc vườn bên hàng gạch cũ/ Lan kim điệp thoảng gió/ Lan kim điệp nhẹ thở/ Rung đài hoa (Khoảnh khắc). Theo câu thơ của chị, ta nhẹ bước vào vườn Từ Viên trong thành nội một đêm không trăng, chỉ có ánh sao xanh lành lạnh: Những giọt sương vẫn chậm rơi trên lá sứ/ Ngùn ngụt hơi lạnh đông xuân chẳng ru ngủ nổi mình/ Nghe một điều gì chớm khẽ/ Níu lòng trong ánh sáng của đêm (Đêm sao ở vườn Từ Viên). Trong tĩnh lặng khu vườn chỉ thoảng nghe tiếng những hạt sương chầm chậm buông mình trên lá mà tưởng như xiêm áo người xưa lòa xòa, loạt xoạt trên lối rêu phong. Một khu vườn rất Huế và dường như chỉ Huế thôi!

 

Tôi rất thích một  tĩnh vật giày của Van Gogh được nhà thơ đan dệt bằng chữ nghĩa đặt cạnh khu vườn Từ Viên. Cũng vẫn những câu chữ bình dị mà níu lòng người đọc lại với bức tranh tĩnh vật giày của danh họa: Chẳng giấu mình mòn vẹt/ Những chiếc giày đi tìm giấc mơ đến đứt dây/ Xấu cũ sau hành trình mải miết/ Những chiếc giày mỉm cười bước cùng số phận ai (Tĩnh vật giày của Van Gogh).

 

Đọc đến bài cuối của tập thơ, tôi vẫn không muốn dừng lại. Tôi thả hồn mình dạo trong khu vườn đa sắc của nhà thơ đã dày công đan dệt bằng chữ nghĩa mà ngẫm ngợi, mà suy tư, để rồi thấm thía, tâm đắc với điều tâm đắc của nhà thơ: “Có những vẻ đẹp, những ý nghĩa ẩn tàng trong mỗi sự vật, sự việc chung quanh mình”.

 

Vâng! Ta yêu những vẻ đẹp đó, thấu hiểu những ý  nghĩa đó và chung tay đan dệt  cho sự sống tươi đẹp, trường tồn Dưới mái nhà xanh!

 

Chúc mừng sự thành công của nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy!                                                                 

Sài Gòn 11.2017
 Hoàng Phương Nhâm 
(nhavantphcm.com.vn)