Tường Linh - Hồn thơ xứ Quảng nặng đầy

15.03.2023
Phạm Phú Phong
Hành trình thơ Tường Linh như một cuộc ra đi và một chuyến trở về, nên đã chuẩn bị những lời nhắn nhủ: “Nơi ta về không nhất thiết chốn quê xưa/ Dẫu ở đó trọn đời ta thương nhớ…/ Đi tay trắng thì trở về tay trắng/ Thơ một đời gửi lại phía bình minh (Gặp trên đường về).

Tường Linh - Hồn thơ xứ Quảng nặng đầy

Nhà thơ Tường Linh.

Tường Linh (1931 - 2021) tên thật là Nguyễn Linh, còn có các bút danh Việt Thủy, Trúc Xuyên, Người Sông Thu, Linh Nguyên; quê quán Trung Hạ, Trung Phước, Quế Sơn (nay là xã Quế Trung, huyện Nông Sơn). Ông bắt đầu xa quê từ ngày 1/11/1954, ra Huế, Quảng Trị, rồi vào Nam (ngày 1/3/1956), định cư tại Sài Gòn, làm báo, viết văn, làm thơ và làm nhiều nghề kiếm sống.

Nỗi niềm tha hương

Từ khi trưởng thành cho đến cuối đời, ông phải sống tha hương, nhưng tình quê trong ông bao giờ cũng neo đậu nặng đầy. Gần 70 năm sáng tác, Tường Linh để lại gia sản khá lớn, với 11 tập thơ đã xuất bản, trong đó có 3 tập in chung, chưa tính in báo và những bài ông sáng tác vào những năm cuối đời.

Trước khi qua đời đúng 10 năm, ông gom thành “Thơ Tường Linh tuyển tập”, NXB Văn học, 2011 với 369 bài, dày gần 700 trang sách, đó là một sự nghiệp thơ ca đáng cho người cùng giới phải nể phục.

Tuy tuyển tập được chia thành ba phần: “Nhánh hồn sông Thu” (156 bài), “Chim bay biển Bắc” (112 bài) và “Thao thức phương Nam” (101 bài), nhưng bàng bạc trong cả ba phần đều là nỗi nhớ quê hương xứ Quảng, là tâm trạng của người con xa xứ.

Đọc thơ Tường Linh, dễ dàng đồng cảm với Bùi Thanh Truyền rằng, thơ ông “như là minh chứng cho nỗi lòng những người con ly hương của xứ sở này: ra đi là để trở về, càng xa cố quận càng gần quê xưa. Những phơi trải chân thành xuất phát từ sự thương nhớ, nặng nợ với đất quê sâu nghĩa nặng tình...” (Văn nhân xứ Quảng Sài Gòn, tr.633).

Có thể nói, hiếm có thi nhân xứ Quảng nào viết về quê hương mình nhiều như Tường Linh. Chỉ cần lướt qua các tựa đề, đã đầy ắp cảm xúc, tình yêu và địa danh xứ Quảng: “Quê nhà”, “Thương lắm màu quê”, “Thảm nạn quê hương”, “Thư quê nhà”, “Dấu bưu điện quê nhà”, “Bóng làng”, “Hẹn với làng xưa”, “Mẹ quê xa”, “Tóc mẹ mây quê”, “Quê ngoại”, “Vườn ngoại”, “Chỗ ngồi trong vườn cũ”, “Nam Phước”, “Cửa Đợi”, “Vàng trưa Trung Hạ”, “Trở lại đèo Le”...

Ngay cả những bài thơ ông sáng tác khi bị giam ở lao xá Sài Gòn, trong tâm thức sáng tạo vẫn dày đặc những địa danh của làng quê xứ Quảng, như lúc nào cũng nhìn thấy hiển hiện trước mắt: “Em Mỹ Lược còn đợi đò Trung Phước/ Anh quá giang ghé lại bến Thu Bồn/ Ai xuôi phố, ai rẽ vào chợ Được/ Nước chung dòng sông Cái tiếp sông Con (...) Còn chăng nhỉ, hỡi Thi Lai, Hà Mật/ Hỡi Xuân Đài rộn rã tiếng xa quay/ Giao Thủy ơi, vẫn còn hay đã mất/ Guồng tơ vàng ướm đẹp những bàn tay” (Vang bóng).

Lời tâm tưởng

Tường Linh làm thơ là để biểu tỏ tình cảm, cảm xúc của mình với cuộc đời, với tha nhân. Thơ cho quê hương đất nước, cho người thân trong gia đình, cho vợ con, bằng hữu tri âm, kể cả cho mình. Có không ít bài thơ ông ghi lời đề tặng, kể cả có tên và không tên. Về mặt thi pháp hình thức, những lời đề từ, đề tặng và cả thời gian, nơi chốn sáng tác ghi ở cuối mỗi bài thơ, đều nhằm gửi đến cho người đọc một thông điệp có ý nghĩa nội dung.

Khi thì ông ghi “Gửi về bà con ở Trung Phước” (Hẹn với làng xưa), khi thì “Tặng các nhà thơ đất Quảng xa quê” (Hoa luân lạc), khi thì lại “Tặng bà con xóm Cây Thị” (Xóm nghèo), “Tặng nơi tôi cư trú” (Đất lành)...

Những thân hữu ông tặng thơ, trong đó có những người tài danh như Lê Thương, Thanh Lãng, Kiên Giang, Vũ Hữu Định, Hoàng Lộc, Phạm Doãn Hứa... rồi lại bái niệm Nguyễn Du, niệm Đỗ Phủ và Trần Tử Ngang, niệm Phạm Hầu, nhất là những bài tặng và khóc hai nhà thơ tri âm tri kỷ đồng hương xứ Quảng với ông là Bùi Giáng (Lỡ giấc, Cõi khác) và Tạ Ký (Quê nhà, Trở về).

Cái âm hưởng truyền thống, cổ điển biểu hiện rõ nhất trong thơ Tường Linh là ở tính chất hoài cảm về quá khứ. Dường như khi cảm xúc trào dâng thành câu chữ bất kỳ ở đâu, trong hoàn cảnh nào, ông cũng lấy cảm thức về quá khứ làm điểm tựa, để ướm thử trên tấm thảm nhung luôn lay động của tâm hồn phổ thành giai điệu.

Nỗi hoài cảm như một sinh thể luôn hiện hữu nhưng khó gọi thành tên trong cuộc hiện sinh như một chuyến đi dài. Cổ thi là thi tửu. Người xưa thường đưa thơ đi rong chơi cùng với rượu.

Ông có không dưới 20 bài thơ thấm đẫm nồng say men rượu: “Chén xuân”, “Rượu xuân chờ”, “Tên năm chén rượu đầu xuân”, “Rượu cuối năm”, “Người say”, “Uống rượu với ông lái đò bến cũ”, “Chiếu rượu cố tri”... khi thì chúc tụng đông vui, khi thì đối ẩm, khi thì tự mừng, nhưng cũng không ít lần ông dốc cạn những đắng cay đời mình trong nỗi cô đơn buồn thăm thẳm, rằng “Ta uống rượu một mình/ nhủ với tâm linh rằng đối ẩm/ cùng người đã bỏ ta đi” (Rượu chiều xá tội vong nhân).

Tường Linh là nhà thơ thuộc thế hệ trước, một nhà thơ mới - cổ điển. Sở trường của ông là thơ bảy chữ, tám chữ và lục bát. Thử làm thống kê sơ bộ, trong 369 bài trong tuyển tập, thì có đến 99 bài lục bát và 88 bài bảy chữ, với câu từ, giọng điệu bình dị, chân chất như chính tiếng nói của đời sống của bao người ở làng quê xứ Quảng. Ngoài thơ, Tường Linh còn viết nhiều thể văn khác như tiểu phẩm, thơ trào phúng (ký bút danh là Út Cầu Sơn), tản văn, truyện ngắn... in nhiều trên các tờ báo ở Sài Gòn lúc bấy giờ.

 (QNO)