Tưởng nhớ nhà thơ Thu Bồn: 10 năm vắng tiếng Ch’rao
10.07.2013
“Thu Bồn từ nhỏ đã thể hiện tính cách của một cậu bé thẳng thắn nhưng giàu tình thương và hay xúc động trước nỗi đau của những người xung quanh mình. Tính cách đó phần nào ảnh hưởng đến những câu thơ dạt dào tình cảm của cậu ấy. Những năm cuối đời, Thu Bồn thường hay về thăm quê hơn, lần nào anh em cũng hàn huyên thâu đêm suốt sáng. Mới đó mà đã 10 năm…”, ông Hà Trình - nguyên Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, là anh ruột của nhà thơ Thu Bồn - nhớ lại.
Con đường dẫn về thôn Phong Ngũ Tây (xã Điện Thắng Nam, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) những ngày này rộn rã hơn mọi khi. Căn nhà nhỏ nơi Thu Bồn sinh ra và trải qua tuổi thơ giữa thời đạn bom ly lạc đông vui hơn mọi ngày, bà con hàng xóm, bạn bè đến thắp nén nhang tưởng nhớ 10 năm ngày nhà văn, nhà thơ, nhà báo Thu Bồn đi về cõi ngàn thu. Căn nhà ấy bây giờ được xây dựng khá khang trang trên nền đất cũ, làm nơi thờ tự thân sinh và các chị em của nhà thơ Thu Bồn đã khuất bóng núi. Nhà day mặt ra phía cánh đồng lúa mênh mang một màu xanh mát rượi. Những cây ăn trái lâu năm tỏa bóng xanh rợp, trĩu quả. Ông Hà Trình - anh ruột của nhà thơ Thu Bồn - bồi hồi nhớ lại: “Năm anh em chúng tôi cất tiếng khóc chào đời và lớn lên ngay trên chính mảnh đất này. Thuở giặc lập ấp chiến lược, nhà ba lần bị đốt sạch. Mới chín, mười tuổi, chúng tôi đã nuôi ý chí đánh đuổi bằng được thằng Tây ra khỏi quê mình. Thu Bồn là em út trong nhà nhưng tính tình mạnh mẽ và ý thức rất rõ việc làng quê bị giặc giày xéo nhưng dễ xúc động và sống rất tình cảm”.
Nhà thơ Thu Bồn tên là Hà Đức Trọng, sinh ngày 1-12-1935 tại xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Năm 12 tuổi, nhà thơ đã tham gia Thiếu sinh quân, làm liên lạc cho bộ đội. 16 tuổi, Thu Bồn theo anh trai vào hoạt động chiến đấu ở vùng núi Tiên Phước (Quảng Nam). “Mãi sau này gặp lại các đồng đội, đồng chí vẫn cứ nhắc miết về Thu Bồn đó. Nó khái tính, ngang thẳng nhưng nhiệt tình, vui tính nên anh em ai cũng mến”, ông Trình nói. Mặc dù thời gian sống bên người em út không được bao lâu do hoàn cảnh chiến tranh và vị trí công tác nhưng trong kí ức sâu thẳm của người anh trai Hà Trình, chân dung nhà thơ Thu Bồn vẫn được khắc họa rõ nét. “Có dạo Thu Bồn mới học lớp 6, người nhỏ thó, vậy mà thấy tôi bước lên bậc thềm vấp ngã, nó đã cười nhạo: Đi đứng chi mà dật dờ. Ở đời còn nhiều lực cản vấp váp lắm, chưa chi mới vấp cục đất đã ngã. Ngoài cái bản tính ngang tàng ấy, chú ấy rất giỏi việc, mà việc chi cũng giỏi. Thuở nhỏ chỉ cần cắp lưới ra đồng là lúc sau về cả rổ cá đầy ắp. Lớn lên chút nữa đi bộ đội, chú ấy nấu cơm cho đồng đội, ôm đại liên bắn máy bay đều rất tháo vát và quyết liệt. Sau những giờ phút ác liệt đối mặt với kẻ địch, Thu Bồn lại thả hồn với thiên nhiên, rừng núi để sáng tác thơ. Trường ca Bài ca chim Ch’rao cũng ra đời trong hoàn cảnh đó. Đó là bài thơ đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác của chú ấy. Sau này trong các câu chuyện hàn huyên tuổi già, chú ấy thường kể, trường ca này được thai nghén và nên dạng hình hài ở làng Đêpapơlêch ở đại ngàn Tây Nguyên hùng vỹ. Cái đêm trường ca được sinh thành, bên cạnh Thu Bồn có già Siu Ken thổi kèn Dingnam cho Thu Bồn nghe và một cô gái tên Hơ Tó ngồi đốt lửa truyền cảm hứng và tạo ánh sáng cho chú ấy sáng tác. Sau này trường ca được Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu, rồi Giải thưởng văn học quốc tế Lotus của Hội Nhà văn Á - Phi”.
Ông Trình bảo, nhìn lại hai anh em ông giống nhau ở điểm cả hai đều “có cái chân đi”. Ông Hà Trình sau năm 1956 trở ra miền Bắc, tốt nghiệp ĐH Kỹ thuật Hà Nội rồi tiếp đó học gần ba năm bậc cao cấp tại Trung Quốc. Cuộc đời ông qua nhiều vị trí công tác, đi nhiều nơi, nhiều nước trên thế giới như Tiệp Khắc, Ba Lan, Pháp… Mãi cho đến khi nghỉ hưu, ông vẫn có cuộc hành trình chu du thế giới suốt nửa năm trời, đến khi Thu Bồn mất (ngày 17-6-2003) ông mới quyết định trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Còn với Thu Bồn, những năm chiến tranh chống Mỹ, ông liên tục có mặt ở các chiến trường khốc liệt từ Tây Nguyên, Khu V cho đến chảo lửa Quảng Trị… lúc ông làm phóng viên chiến trường, lúc là lính xung kích, lính pháo... Nhưng khác là Thu Bồn khéo hơn anh trai của mình. Nhà ông ở thì do ông tự xây dựng. Công việc và cả các nếp sinh hoạt được thu xếp ngăn nắp và rất khoa học. Hai anh em xa nhau từ sau năm 1956 khi ông Hà Trình phải ra Bắc. Mãi đến những năm sau hòa bình, họ mới lại gặp nhau ở Hà Nội. “Hồi đó cứ tranh thủ thời gian rảnh là chú ấy tìm đến nơi tôi ở để ngâm thơ, hàn huyên chuyện quê hương. Sau này tôi về hưu, chú ấy lại hay tìm về quê để anh em gặp nhau. Người ta bảo, khi con người đến một giai đoạn nào đó họ sẽ hướng về nơi chôn nhau cắt rốn quả không sai. Những năm gần cuối đời, Thu Bồn có vẻ trầm hơn. Thu Bồn sống chậm hơn, nghiêng về cái suy nghiệm cuộc đời. Thú thật, những ngày đó anh em tôi thấy thật hạnh phúc. Trên nền ngôi nhà cũ dù ba mẹ đã về cõi khác nhưng được ngồi đó chuyện trò thấy lòng ấm áp lắm”.
Ông Trình lặng lau giọt nước mắt: “Hôm tôi đang ở Hà Nội thì nghe tin chú ấy lâm bệnh nặng, tôi vội vã lên máy bay vào Sài Gòn. Lúc đó chú ấy yếu lắm rồi, anh em gặp mặt chỉ biết nhìn nhau trào nước mắt. Hôm sau chú ấy đi…”. Cũng từ sự ra đi của Thu Bồn, ông Hà Trình quyết định dừng “cái chân đi” của mình để về lại sống trên nền đất cha mẹ ngày xưa từng dựng nhà. “Chú Thu Bồn đi rồi, chú ấy chọn nơi thiên nhiên ở con suối Lồ Ồ tận miền Nam để chu du trong một cõi khác, nhưng với chú ấy, quê hương luôn là niềm đau đáu hướng về. Anh em chúng tôi chôn nhau cắt rốn ở đây, tôi chọn về đây để giữ mảnh đất hương hỏa, cũng là giữ cái chất làng quê để một ngày, ở cõi nào đấy Thu Bồn có mỏi bước muốn về thì vẫn còn có tôi đợi”, ông Trình bộc bạch.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
10 năm tác giả trường ca Bài ca chim Ch’rao về với đất mẹ, làng quê Phong Ngũ Tây bây giờ bức tranh quê xưa đã khoác màu áo mới thể hiện một cuộc sống sung túc đủ đầy, học trò được đến lớp, người nông dân đã có phương tiện cơ giới hóa không phải bán mặt cho đất bán lưng cho trời tối ngày vất vả. Bình yên mang đến những tiếng chim reo ca trên những nóc nhà, tán cây rợp màu xanh ngút ngát. Nghe đâu đây, như có tiếng chim Ch’rao líu lo giữa trời chiều yên ả. 10 năm xa nhớ Thu Bồn! |
Nguồn: giaoduc.edu.vn
Có thể bạn quan tâm
Diện mạo văn học Việt Nam từ 1945-1975: Nhìn từ thi pháp thể loạiNhà thơ Vương Cường: Dấu chân không có trên lối mòn22 năm nhìn lại và đi tớiĐược mùa xuất bản truyện trinh thámVề sự di cư của văn học châu PhiDụng ý của Nguyễn Văn Xuân khi sử dụng thủ pháp “mặt nạ tác giả”… của Vũ Đình AnhTừ vẻ đẹp của Giordano đến “tiếng thét” của MunchCon chữ tri âmĐọc truyện "Muối của rừng" từ góc nhìn phê bình sinh tháiVăn học trinh thám Việt: Những gam màu sáng tối