Vai trò của con người trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh

27.02.2015

Vai trò của con người trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, ý nguyện của Người từ khi ra đi tìm đường cứu nước đến lời di chúc cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi vấn đề trồng người, các công việc của con người là mối quan tâm thường trực, là trách nhiệm hàng đầu trong cuộc đời của mình. Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người, về phát huy sức mạnh con người, về xây dựng con người… đã góp phần to lớn vào việc đào tạo cho dân tộc Việt Nam những con người ưu tú, và những lớp người đó đã đưa dân tộc vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành được những thắng lợi to lớn đem lại tự do, hạnh phúc cho toàn dân.

Trong công cuộc đổi mới đất nước đòi hỏi chúng ta phải đặc biệt chú trọng đến vấn đề phát huy nội lực. Một trong những yếu tố tạo thành sức mạnh nội lực của Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước là sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Nhờ có sức mạnh của khối đại đoàn kết mà nhân dân ta đã giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, phát huy được nội lực của toàn dân tộc.

Tuy nhiên, trong tình hình kinh tế - chính trị - xã hội hiện nay, nhiều thế lực thù địch đang đẩy mạnh các hoạt động chống phá về mọi mặt, nhằm phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Các thế lực thù địch đã có nhiều âm mưu và thủ đoạn để phá hoại, làm lung lay khối đại đoàn kết dân tộc. Do đó, việc củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc có ý nghĩa vô cùng to lớn góp phần ổn định kinh tế - xã hội và quyết định xây dựng thành công hay thất bại chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Để củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trước hết phải hiểu rõ về yếu tố con người trong lịch sử, đặc biệt là hệ thống các quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Người nghiên cứu, đúc kết trong những khái niệm, phạm trù đơn giản nhưng phản ánh được toàn diện về “con người” của dân tộc Việt Nam.

Người không chỉ triết luận về con người, quyền con người; không chỉ nói suông, mà còn, hơn nửa thế kỷ Người đã đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp giải phóng con người. Con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh đó là con người bao trùm cả lịch sử nhân loại, con người được xem xét với nhiều phạm vi khác nhau: gia đình, họ hàng, bầu bạn, đồng bào cả nước, loài người. Con người không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực của cách mạng và sự nghiệp xây dựng xã hội mới. Không chỉ nêu lên các quan điểm về con người mang tính khoa học, cách mạng và nhân đạo, Hồ Chí Minh còn lãnh đạo chỉ đạo Đảng, Nhà nước và toàn xã hội thực hiện sự nghiệp giải phóng con người. Với tư tưởng của Người, hàng triệu người Việt Nam đã vùng lên đấu tranh thoát khỏi áp bức, nô dịch, bất công, giành được độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Khái niệm “con người” được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng ở từng hoàn cảnh, điều khác nhau. Trong lĩnh vực chính trị- xã hội: Hồ Chí Minh thường dùng những cụm từ: Nhân dân, dân, quần chúng, đồng bào, cán bộ, đảng viên… tuỳ theo điều kiện, hoàn cảnh, nội dung cụ thể để đạt tới sự giản dị, dễ hiểu nhưng rất chính xác, tinh tế theo đúng tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin. Còn khi nói tới những vấn đề của con người trong văn hóa, đạo đức, triết học, Hồ Chí Minh thường dùng các từ: Người, con người.

Con người với tư cách là con người xã hội được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra một định nghĩa rất độc đáo: “chữ Người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bạn bè. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người”. Với cách hiểu này, con người là có tính xã hội, là con người xã hội, là thành viên của một cộng đồng nhất định. Cộng đồng đó là: Gia đình, họ tộc, làng xóm, đất nước cho đến cả nhân loại.

Con người là sự thống nhất giữa con người cá nhân và con người xã hội. Trong mọi trường hợp khi nhấn mạnh và coi trọng cá nhân thì Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định vai trò của con người với tư cách là tập thể, cộng đồng xã hội. Ngược lại, khi nói đến những con người tập thể, xã hội thì cũng bao hàm trong đó những con người cụ thể.

Sự thống nhất giữa con người cá nhân và con người xã hội trong tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là sự thống nhất giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, lợi ích xã hội, giữa lợi ích chung và lợi ích riêng. Cụ thể là sự thống nhất giữa lợi ích của mỗi cá nhân với lợi ích của Đảng, của dân tộc

Con người là sự thống nhất giữa con người giai cấp, dân tộc và nhân loại. Con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là con người giai cấp, dân tộc mà còn là con người nhân loại. Con người dù thuộc dân tộc nào, giai cấp nào thì cũng đều có đặc điểm chung là sinh ra phải được bình đẳng, tự do và được mưu cầu hạnh phúc, phải được hưởng các quyền con người.

Từ đó, Người quan niệm vai trò của con người được thể hiện tập trung ở vai trò của quần chúng nhân dân, là người sáng tạo chân chính ra lịch sử chứ không phải ở vài ba cá nhân anh hùng nào. Con người là vốn quý nhất, yếu tố quyết định thành công của cách mạng. Con người là mục tiêu, động lực của cách mạng và công cuộc xây dựng xã hội mới

Con người không chỉ là mục tiêu của cách mạng mà còn là mục tiêu của công cuộc xây dựng xã hội mới. Vì vậy, xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm tạo cho nhân dân một cuộc sống ngày càng đầy đủ về vật chất và tinh thần; “Làm cho nhân dân lao động thoát khỏi sự bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được no ấm và sống một đời hạnh phúc”; “làm cho đời sống của nhân dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn”.

Người khẳng định rằng, nhân dân lao động là người sáng tạo ra mọi của cải vật chất và tinh thần của xã hội, là người sáng tạo ra lịch sử xã hội. Và Người khẳng định: Lực lượng dân thật vĩ đại, khả năng của dân thật phi thường nhưng điều đó chỉ có được khi nhân dân đoàn kết. Sự đoàn kết là sức mạnh vô địch. Vì vậy trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng sự đoàn kết nhân dân coi đó là vấn đề chủ chốt có ý nghĩa chiến lược của cách mạng Việt Nam. Người đã thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất để thực hiện sự đoàn kết toàn dân.

Kế thừa và vận dụng các quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về con người, về vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ngày càng quan tâm chú ý đến việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Trong quá trình đổi mới tư duy, nhận thức của Đảng ta về đại đoàn kết dân tộc đã có những phát triển mới với tư tưởng bao trùm là “lấy dân làm gốc”. Trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, khi nói về đại đoàn kết Đảng ta dùng cụm từ “đại đoàn kết dân tộc”, đến Đại hội lần thứ IX Đảng ta dùng cụm từ “đại đoàn kết toàn dân tộc” cho thấy sự phát triển trong nhận thức của Đảng, đại đoàn kết là đại đoàn kết toàn dân, Đảng ta luôn khẳng định: “Đại đoàn kết dân tộc là một đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Đại hội lần thứ XI khẳng định lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh làm điểm tương đồng…”. Đồng thời đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc:

Một là, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân gắn liền với việc bảo đảm công bằng xã hội.

Hai là, bảo đảm và thực hiện ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân.

Ba là, đẩy mạnh việc giáo dục các giá trị tinh thần truyền thống cho thế hệ trẻ.

Bốn là, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước

Năm là, đẩy mạnh công tác giáo dục, đề cao cảnh giác với những âm mưu lợi dụng, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc trong quá trình đẩy mạnh công cuộc đổi mới.

Với nước ta hiện nay, để giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bắt kịp xu thế phát triển của thời đại chúng ta phải phát huy được sức mạnh nội lực đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế. Vì vậy, việc củng cố xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc để phát huy sức mạnh nội lực mang tính thời sự cấp bách. Tuy nhiên, truyền thống đại đoàn kết dân tộc đang đứng trước những thách thức lớn lao đối với tồn vong của chế độ. Để củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, Đảng, Nhà nước cần phải kế thừa, phát triển, vận dụng sáng tạo các quan điểm của Hồ Chí Minh về con người, đặc biệt là tư tưởng coi con người không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực của cách mạng để có những biện pháp tập hợp lực lượng cho phù hợp với mục tiêu của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới./.

(bqllang.gov.vn) 

Tâm Trang