Về sự vận động trong đời sống văn học trẻ

20.11.2020
Phong Điệp
Văn học nói chung, văn học trẻ nói riêng là một dòng chảy liên tục, không ngừng vận động, và có sự tiếp nối giữa các thế hệ. Tuy nhiên để thực sự khơi thông nguồn mạch ấy, cần sự nỗ lực của mỗi cá nhân cũng như sự vào cuộc quyết liệt của Hội Nhà văn với tư cách là hội nghề nghiệp của người sáng tác. Cuộc trao đổi dưới đây giữa nhà văn Phong Điệp (nguyên Trưởng ban Văn nghệ Trẻ) và nhà văn Đỗ Tiến Thụy (Trưởng ban văn xuôi, Tạp chí Văn nghệ Quân đội) gợi mở những vấn đề rất đáng quan tâm.

Về sự vận động trong đời sống văn học trẻ

Phong Điệp: Khoảng 10 năm trở về trước, khi bàn về đời sống văn học trẻ, nhiều người lập tức nghĩ ngay đến thế hệ 7x. Có thể nói khi đó những cây viết thuộc thế hệ này đã tạo dựng được hình ảnh khá ấn tượng: đông về lực lượng, dồi dào về năng lượng sáng tạo, hoạt động sáng tác văn học sôi nổi, và quan trọng nhất là thế hệ này đã có những cây bút nhanh chóng định danh được tên tuổi và khẳng định được chỗ đứng trong đời sống văn học nước nhà với tư cách là nhà văn thực sự. Cá nhân anh cũng là một tác giả trong đội ngũ các nhà văn 7x, anh có cảm nghĩ như thế nào về đời sống văn học giai đoạn này?

Đỗ Tiến Thụy: Đó là một giai đoạn văn học còn thiêng. Văn hóa nghe nhìn chưa bung tỏa. Không điện thoại thông minh, ít máy tính, mạng internet mới vào Việt Nam, tốc độ truy cập chậm, không mạng xã hội facebook, zalo, Twitter... Về cơ bản, đời sống văn học khi đó vẫn chảy theo lối truyền thống, đi con đường truyền thống. Độc giả văn chương vẫn háo hức đón đợi những tác giả, tác phẩm mới in trên giấy. Còn các tác giả trẻ, cơ bản là vẫn viết bằng bút và giấy. Vẫn phập phồng với từng con chữ. Vẫn ngóng đợi những tờ tạp chí và những tờ báo in tác phẩm văn chương. Và vô cùng run rẩy cầm tờ báo có in tác phẩm của mình. Và hân hoan cả tuần, cả tháng... Văn chương khi đó đúng là giá trị tinh thần, thanh đạm và thiêng quý. Chính vì thế nó có sức mê hoặc, hấp dụ, lôi kéo những tác giả trẻ sẵn sàng dấn thân… Tôi được dự hai hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần 6 (năm 2001) và lần 7 (năm 2006), tôi vô cùng ấn tượng bởi mỗi lần hội nghị có tới cả trăm đại biểu, hầu hết là người đã có tác phẩm in trên “báo lớn”, gặp nhau là hồ hởi, vồ vập nhắc nhớ tác phẩm của nhau. Rồi bắt tay quyết tâm. Rồi tuyên ngôn hùng hồn sẽ viết cái này cái nọ để “xứng tầm thời đại”. Có lẽ chính sự hồn nhiên và những ảo tưởng trong sáng đó đã giữ nhiệt cho đội ngũ nhà văn 7x, một thế hệ được coi như khởi đầu của thời kì hội nhập. Và theo quy luật lượng chất, nhiều tác giả xuất hiện thì sẽ có nhiều nhà văn. Thế thôi.

* Phong Điệp: Đó cũng là quãng thời gian vô cùng ý nghĩa khi tôi được trực tiếp tham gia tờ báo Văn nghệ Trẻ, nơi có thể ví như “hàn thử biểu” của đời sống văn học trẻ thời điểm đó. Quả thực không khí văn chương ngày ấy vô cùng sôi động, với sự tham gia của các tác giả từ Nam chí Bắc, nồng nhiệt đến đáng yêu. Thời gian gần đây, tôi theo dõi đời sống văn chương trẻ ở một góc độ khác, song tôi có cảm giác không khí văn học dường như có phần trầm lắng hơn thì phải. Sự tham gia của các tác giả 7x cũng bớt sôi nổi hơn, một số tác giả từng nổi đình đám giờ biệt tăm tích. Liệu cảm nhận này của tôi có chủ quan quá không?

- Đỗ Tiến ThụyDường như gì nữa. Trầm lắng thật sự rồi. Văn chương bây giờ không còn thiêng. Chả riêng gì thế hệ 7x, mà các thế hệ 8x, 9x cũng ơ hờ với chữ nghĩa rồi. Cảm nhận của bạn chuẩn đấy, không hề chủ quan chút nào đâu. Cuộc sống thời công nghệ, có quá nhiều lựa chọn hấp dẫn. Mà cái hấp dẫn nhất chính là mạng xã hội và điện thoại smartphone. Tôi đã nhiều lần tự vấn, một ngày mình dành bao nhiêu thời gian đọc sách, bao nhiêu thời gian lướt net? Và tôi đã giật mình khi thấy thời gian lang thang trên mạng nhiều quá. Số lượng sách đọc hàng năm ít quá. Và tôi tin cũng nhiều người như tôi. Thế nên, việc các tác giả 7x cứ lần lượt “biệt tăm tích” không có gì khó hiểu.

* Phong Điệp: Nhưng tôi lại có băn khoăn thế này: đồng ý là công chúng ngày nay có nhiều lựa chọn, văn chương không hẳn là ưu tiên số 1 nữa. Nhưng với vai trò là người sáng tạo, các nhà văn chúng ta chẳng lẽ không đủ đam mê, nhiệt huyết để cháy hết mình với văn chương hay sao? Người viết có tác phẩm hay tôi chắc độc giả sẽ tìm đến chứ?

- Đỗ Tiến Thụy: Đã là người viết văn thì ai cũng có sự đam mê. Nhưng đam mê thôi, chưa đủ, mà cần phải có thêm năng lượng. Bạn nói đến cái sự “cháy hết mình”, hay đấy. Nhưng nhiệt lượng từ sự “cháy hết mình” của một đống rơm khác với sự “cháy hết mình” của một lò than kíp lê, càng khác với sự “cháy hết mình” của một... ngọn núi lửa. Mà thực tế văn chương nhân loại cho thấy, đa phần tác giả bắt đầu sáng tạo là theo kiểu “Ngồi buồn đốt một đống rơm” và sau khi thấy “Khói lên nghi ngút chả thơm tẹo nào” thì họ tự biết mình, rút lui. Chỉ còn ít, rất ít những “lò than kíp lê”, những “ngọn núi lửa” bền bỉ cháy. Chúng ta phải chấp nhận điều này như một quy luật. Và chúng ta cũng phải cám ơn điều này, vì như thế nghề văn mới thiêng.

* Phong Điệp: Với tư cách là trưởng ban văn xuôi của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, anh đánh giá như thế nào về sự chuyển dịch thế hệ trong văn chương hiện nay? Dường như sự phân định giữa các thế hệ ngày càng ngắn hơn, khác với giai đoạn trước kia? Sự khác biệt rõ nhất của thế hệ sau này với thế hệ 7x của chúng ta là gì?

- Đỗ Tiến Thụy: Văn chương là sản phẩm của nhà văn. Nhà văn là sản phẩm của thời đại. Theo thiển ý của tôi, cái gọi là “sự chuyển dịch giữa các thế hệ” không được tính theo thập niên mà chúng ta quen gọi là “x” đâu, mà chuyển dịch theo bối cảnh chính trị xã hội. Như nhà văn trước Cách mạng tháng 8/1945, nhà văn thời chống Pháp, nhà văn thời chống Mỹ, nhà văn của thời thống nhất đất nước và nhà văn của thời kinh tế thị trường. Và sự chuyển dịch ở đây nên được hiểu là chuyển dịch tư duy sáng tạo. Mỗi thế hệ có tư duy sáng tạo khác nhau, phụ thuộc vào hệ hình thẩm mĩ mà họ được hấp thụ. Đọc một cách hệ thống, sẽ thấy rõ điều này. Chúng ta là nhà văn 7x, được xếp vào thế hệ nhà văn thời thống nhất đất nước, nếm đủ mùi bao cấp, hưởng một nền giáo dục với mục tiêu cho ra đời những con người mới xã hội chủ nghĩa với vô số tiêu chí: tinh thần làm chủ tập thể, trách nhiệm công dân, đề cao cái chung... Thế nên văn chương của chúng ta, dù ít hay nhiều ở mỗi người đều bị chi phối bởi quan niệm văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Đến thế hệ 8x, các bạn đã hạnh phúc hơn chúng ta khi được hưởng một cơ chế xã hội thoáng đạt hơn, có một cuộc sống vật chất đầy đủ hơn, được hưởng không khí văn chương cởi mở hơn, cái tôi được đề cao hơn... Thế nên họ đương nhiên phải khác các thế hệ đi trước.

* Phong Điệp: Chúng ta đều đồng ý với nhau rằng so với thế hệ trước, và ngay cả các nhà văn 7x, các tác giả thuộc thế hệ 8x, 9x,… đang hưởng thụ một môi trường sáng tạo vô cùng tốt, được tạo điều kiện in ấn, xuất bản, việc truyền thông quảng bá tác phẩm thuận tiện, có cơ hội giao lưu học hỏi thế giới… Nhưng cái gì cũng có tính hai mặt, vì người viết đông, tác phẩm nhiều chưa đủ để tạo dựng nên chân dung một thế hệ văn chương đích thực. Vậy điều mà thế hệ các nhà văn trẻ hiện nay còn thiếu là gì theo anh?

- Đỗ Tiến Thụy: Làm nghề biên tập nên tôi rất để tâm theo dõi, phát hiện các tác giả trẻ. Và tôi rất vui mừng khi nhận thấy các bạn bây giờ giỏi hơn tôi ngày xưa rất nhiều. Ngày xưa tôi 30 tuổi mới dám đặt bút viết tác phẩm đầu tay. Còn các bạn trẻ, họ đã viết được trường ca, tiểu thuyết, sách in tơi tới khi tuổi hai mấy, ba mươi. Xét về mặt nghệ thuật xây dựng văn bản, họ rất giỏi trong việc tiếp thu và vận dụng kĩ thuật, thủ pháp... Cái còn thiếu của họ là “chất sống”. Nhưng tôi luôn tin tưởng ở họ. Vì họ còn cả một quỹ thời gian bát ngát phía trước. Qua thời gian họ sẽ dần dần tích lũy đủ chất sống để xác lập căn cước văn chương riêng.

* Phong Điệp: Vậy theo anh, đội ngũ các nhà văn trẻ đang đóng góp như thế nào vào đời sống văn học hôm nay?

- Đỗ Tiến Thụy: Thế hệ nhà văn thời kinh tế thị trường, đúng như thuộc tính của người trẻ, họ không chịu “chảy” theo “dòng cũ.” Và đấy chính là điều độc giả trông đợi. Còn gì thất vọng hơn khi thấy các tác giả 9x viết như 8x, 7x, 6x... Tất nhiên nhiều tác phẩm trong số này chưa chắc đã có giá trị bền lâu. Nhưng thời gian sẽ sàng lọc, đào thải, minh định các giá trị. Và cái sự đóng góp của mỗi thế hệ nhà văn cũng phải chờ độ lùi của thời gian mới tổng kết được.

* Phong Điệp: Lâu nay chúng ta thường bàn ở góc độ Hội Nhà văn có thể làm gì cho các nhà văn trẻ, bây giờ tôi muốn đặt ngược lại vấn đề: các nhà văn trẻ có thể làm gì cho Hội của mình. Anh sẽ trả lời câu hỏi này như thế nào?

- Đỗ Tiến Thụy: Nhà văn trẻ có thể làm gì cho Hội Nhà văn ư? Theo quan sát của tôi, đa phần các nhà văn trẻ hiện thời không mặn mà với Hội Nhà văn đâu. Lí do ư? Vì như thế hệ 7x mà một số nhà văn thế hệ trước vẫn còn cho là “xanh và non” thì các thế hệ 8x, 9x... làm gì có cửa. Hiện nay các hoạt động Hội tổ chức cho những người viết văn trẻ chủ yếu mang tính phong trào như 5 năm một lần tổ chức Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc, vài tọa đàm, hội thảo. Vừa qua tại Đại hội Chi hội Nhà văn Quân đội, một nhà văn đã chất vấn nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội về việc tại sao Hội không có giải thưởng thường niên cho các tác giả trẻ chưa là hội viên? Đây là vấn đề được nhiều người trẻ quan tâm. Theo tôi đừng đòi hỏi nhà văn trẻ phải làm gì cho hội. Vì ở những bước đầu chập chững, nhà văn trẻ có thể làm gì ngoài viết? Chính giai đoạn này họ mới cần hội, đợi chờ sự tiếp sức thiết thực từ Hội. Và nếu được quan tâm đúng mức, thì những sáng tác của họ chính là đóng góp vào thành tích của Hội rồi. Thế nhưng thực tế Hội chưa đủ sức hấp dẫn với nhiều tác giả trẻ nên họ đã chọn cách tham gia các hội nhóm văn chương khác, trên facebook chẳng hạn, rất đông tác giả trẻ tham gia, hoạt động chuyên môn học thuật rất sôi nổi và thú vị. Đó là điều mà chúng ta cần phải suy nghĩ.

* Phong Điệp: Tôi cũng quan sát một số diễn đàn văn chương mạng thời gian qua, có cái tốt, có cái vui, nhưng tôi cũng thấy một nguy cơ về sự thiếu chuyên nghiệp, sự tán tụng, tung hô sẽ dễ khiến cho người viết ảo tưởng, chủ quan. Anh nghĩ sao về điều này?

- Đỗ Tiến Thụy: Tôi tin là các tác giả trẻ ai cũng có nhu cầu học hỏi, giao lưu ở một môi trường chuyên nghiệp. Thế nên khi mới vào nghề viết, sự quan tâm đầu tiên của họ chính là Hội Nhà văn Việt Nam. Việc họ tham gia vào các diễn đàn văn chương mạng là việc chẳng đặng đừng. Còn sự thiếu chuyên nghiệp, sự tán tụng, tung hô và sự ảo tưởng chủ quan của người viết, tôi nghĩ không chỉ có ở trên các diễn đàn mạng đâu. Báo chí chính thống và thậm chí ngay cả hội viên của Hội Nhà văn cũng mắc bệnh này, khá trầm trọng đấy. Ở một khía cạnh nào đó, tôi thấy việc trao giải ở một số diễn đàn văn chương mạng rất văn minh. Đó là mọi thứ từ công bố tác phẩm, bình luận, phản biện cho đến việc chấm giải, trao thưởng... đều dân chủ và công khai. Chính những điều này mà các diễn đàn văn chương mạng đã hấp dẫn được rất đông, không chỉ các cây viết trẻ mà còn nhiều nhà văn hội viên Hội Nhà văn “xin được chơi”. Do đó tôi thấy rằng nếu Hội Nhà văn Việt Nam muốn hút được lực lượng về phía mình, đơn giản thôi, hãy đổi mới...

* Phong Điệp: Chúng ta đều là những hội viên Hội Nhà văn, và được kết nạp khi còn trẻ. Do đó chắc hẳn tôi cũng như anh đều mong muốn Hội sẽ ngày càng đón nhận nhiều người viết trẻ tài năng đứng trong đội ngũ của mình, cùng đóng góp cho hoạt động của Hội ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn cũng như cống hiến những tác phẩm có giá trị cho nền văn học nước nhà. Muốn như vậy đòi hỏi sự nỗ lực từ cả hai phía: Hội Nhà văn và cá nhân các tác giả. Xin cảm ơn anh đã tham gia cuộc trò chuyện này.

(Văn nghệ số 47/2020)