Âm nhạc và sự ăn theo

24.05.2022
Văn Đoàn
“Bài hát này đã có quảng cáo. Không có tiền thì làm nhạc làm sao?” - Đó chính là câu kết trong bản rap “Bài này chill phết” mà Đen Vâu ra mắt cách đây chừng 3 năm. Câu hát vui vui, nghe có vẻ chân thật ấy hoá ra lại là một nhận định cực chuẩn xác của ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam hôm nay.

Âm nhạc và sự ăn theo

Dù có hiệu ứng lan tỏa vì ra mắt đúng thời điểm SEA Games 31 nhưng Đi trong mùa hè của Đen Vâu còn một số hạn chế về mặt ca từ, phần rap.

Muốn sản xuất một sản phẩm âm nhạc, tất nhiên cần phải có tiền đầu tư. Muốn có tiền đầu tư mà không phải bỏ tiền túi, tất nhiên phải đi tìm quảng cáo. Song, câu chuyện hôm nay không chỉ đơn thuần ở việc nghệ sĩ đi tìm nhà quảng cáo để lồng ghép vào sản phẩm âm nhạc của mình nữa. Đã và đang tồn tại một chiều hoạt động ngược lại: nhãn hàng đi tìm nghệ sĩ.

Dĩ nhiên, phải là nghệ sĩ thuộc diện ăn khách trên mạng xã hội, với một sản phẩm tung ra là số lượt xem phải lên tới cả chục triệu. Nghệ sĩ ăn khách sẽ được nhãn hàng tiếp cận, đặt hàng viết một sản phẩm mới, sản xuất thành MV và phát hành trên các nền tảng chia sẻ video phổ biến. Nghệ sĩ được nhiều cái lợi: có người đầu tư cho mình làm âm nhạc, có sản phẩm mới để giữ chân khán giả hâm mộ, lại có thêm doanh thu rất cao từ lượt xem Youtube.

Cái vòng vận hành ấy thực ra không hề lý tưởng chút nào, bởi sức sáng tạo của nghệ sĩ không chỉ dựa trên tài năng, kỹ thuật mà còn phải dựa trên cảm hứng. Trước những đơn đặt hàng khó về nội dung mà vẫn phải đẻ ra bằng được một sản phẩm âm nhạc có lồng ghép khéo léo, giàu ý nghĩa và đúng tiến độ chương trình marketing của hãng, nhiều sản phẩm trở nên nhạt nhẽo, vô hồn và thậm chí có thể phản cảm.

“Đi trong mùa hè” mà Đen Vâu mới tung ra là một ví dụ. Nội dung của MV này xoay quanh việc cổ vũ bóng đá Việt Nam được một nhãn hàng đặt hàng để ra mắt đúng kỳ SEA Games. Và đã có rất nhiều tranh cãi xoay quanh ca từ của nó. Nhiều phê phán cho rằng nó nặng tính “gia trưởng”, có xu hướng “bạo lực gia đình” và thậm chí cả “cổ vũ đua xe”. Nếu chỉ nhìn vào mặt thẩm mỹ đơn thuần, rõ ràng “Đi trong mùa hè” là một bước lùi của Đen Vâu, người vốn dĩ luôn tung ra các ca từ thú vị đủ sức tạo thành xu hướng mạng xã hội. “Đi trong mùa hè” nhạt nhẽo, lối gieo vần cũng không thực sự uyển chuyển. Lý do cơ bản: Đen Vâu không phải người ham mê bóng đá nên không thể lột tả đúng được tinh thần bóng đá. Hơn nữa, áp lực tiến độ với những yêu cầu lồng ghép của nhãn hàng đã khiến MV ấy không còn được sự tinh tế cần phải có.

Chỉ là một trong vô vàn ví dụ của chuyện nhãn hàng “ăn theo” sức hút của nghệ sĩ. Thực tế, đa số các sản phẩm âm nhạc ra mắt hiện nay đều có một nhãn hàng nào đó “đặt đơn” và nó định hướng luôn người viết phải xoáy vào thông điệp của nhãn hàng đó. Nghệ sĩ cũng bị lệ thuộc xu hướng kể trên để ăn theo nhãn hàng. Rồi kéo theo đó là sự ăn theo xu hướng xã hội kiểu như SEA Games, AFF Cup, các dịp lễ, Tết v.v...

Cùng nương tựa vào nhau để tạo nên sản phẩm không có gì là xấu. Nhưng khi nương tựa đến mức trở thành lệ thuộc, nghệ sĩ sẽ mất đi cái tôi tự do của chính mình. Chắc chắn, các sản phẩm âm nhạc gắn với nhãn hàng nhưng thiếu sự tế nhị sẽ không tồn tại được lâu dài theo thời gian. Bởi vậy, nhiều khán giả vẫn yêu thích những sản phẩm đầu tay của nghệ sĩ hơn rất nhiều bởi vốn dĩ chúng bắt đầu từ số không: không nổi tiếng, không mưu cầu danh lợi, không nhãn hàng và không có sự trói buộc nội dung bất kỳ nào.

(vnca.cand.com.vn)