Bà tôi - Quyên Gavoye

04.03.2020

Bà tôi - Quyên Gavoye

Bà ngồi nhìn ra mảnh vườn trước sân. Hôm nay nữa là ba hôm, thằng Thắng bảo về thăm bà. Vậy mà, đã ba hôm rồi bà đợi, thằng Thắng vẫn không thấy đâu.

Mợ Tuyên ở bên hàng rào nói với sang:

- Bà ơi, thằng Thắng gọi điện về, bảo phải đi công tác nước ngoài gấp nên bà đừng đợi nữa.

Bà thở dài đứng dậy, nói một mình:

- Rõ chán, có quả dưa ngon cho lũ trẻ. Bố nó không về thì ai mang đi cho chúng?

Bà vừa nói, vừa đi ra vườn, cái dáng còng xiêu vẹo trong nắng.

Tuy mắt không còn nhìn rõ, nhưng tai bà vẫn còn thính, đôi tay vẫn còn làm được những việc vặt, bà còn có thể lần mò tự nấu nồi cơm. Vì thế, ở cái tuổi “không treo trước gió thì đèn cũng có thể tắt bất cứ lúc nào”, bà vẫn muốn ở lại ngôi nhà nơi có bàn thờ ông, dù thằng Thắng nhiều lần mời bà lên thành phố ở với vợ chồng nó. Lần nào bà cũng từ chối vì không muốn để ông lại một mình.

Ông và bà nên duyên vào mùa xuân 1947, vài tháng sau lời kêu gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Sáng hôm đó, bà đang làm ở ngoài đồng thì cô em gái hớt hải chạy đến gọi: bố mẹ bảo chị về ngay. Bà bỏ vội chiếc liềm, chạy một mạch về nhà. Đến đầu ngõ, bà thấy ông với vài người trong gia đình, ăn mặc có vẻ chỉn chu hơn ngày thường, đang đi lại trong sân. Vừa thấy bóng dáng, mẹ bà chạy ra kéo bà vào gian bếp sau nhà, dúi vào tay bà chiếc áo nâu còn lành lặn rồi bảo:

- Mau lên, sang nhà thím hai tắm rửa mặc quần áo, sắp đến giờ lành rồi!

- Giờ lành? Bà ngơ ngác hỏi mẹ.

- Ừ, bên nhà trai muốn đón dâu ngay cho được ngày. Tuần sau thằng Tính sẽ lên đường tham gia Việt Minh, vì thế họ muốn xin cưới trước khi nó đi. Bố mẹ thấy chúng mày cũng yêu thương nhau nên đã đồng ý.

Bà đã bớt ngơ ngác hơn, nhưng vẫn còn bất ngờ như người vừa bị sét đánh bất thình lình giữa lúc nắng ráo. Bà mân mê chiếc áo, rồi tặc lưỡi: thôi, thời buổi loạn lạc, cưới được người mà mình yêu thương cũng là hạnh phúc. Rồi, từ lúc mặt trời vừa nhô đầu ra khỏi lũy tre cho đến khi chưa kịp đứng bóng, từ một cô thôn nữ tết tóc hai bím mới chỉ biết đỏ mặt nhìn con trai, bà đã trở thành người phụ nữ có gia đình. Năm đó, má đỏ, môi hồng, bà mới tròn mười tám tuổi.

Nhưng thời buổi loạn lạc, hạnh phúc không đo đếm bằng tháng, bằng năm mà bằng giờ, bằng phút. Một tuần sau bữa cơm vu quy với chỉ một con gà, vài quả cau và dăm ba lá trầu, ông lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Từ hôm đó, bà ở lại chăm lo ruộng vườn và cha mẹ hai bên. Thấm thoát cũng đã bảy năm...

Từ ngày ông đi, bà không nhận được một mẩu thư, một lời nhắn nhủ. Năm 1954, sau chiến dịch Điện Biên Phủ, những lớp trai làng trở về, chỉ riêng ông vẫn bặt vô âm tín. Người ta bắt đầu đồn thổi, rằng ông đi chiến dịch nhưng không chịu được khổ nên đã đào tẩu sang phía quân Pháp và chết mất xác trong một trận càn. Người ta đồn cứ đồn, chỉ  bà thì vẫn tin, một ngày không xa, ông sẽ anh hùng trở về. Nhưng, miệng đời sắc hơn dao, làng quê lại bé nhỏ, một mình bà không thể chống lại miệng đời. Nhiều đêm bà ao ước, giá mà trước khi đi, ông để lại cho bà một đứa con, thì giờ đây ít nhất bà cũng có một lí do để sống. Đằng này bà hoàn toàn trắng tay: chồng không về, con không có.

Sức chịu đựng của con người có hạn...

Vào cái ngày bà định bỏ cuộc thì cuộc sống lại tìm đến với bà. Chiều hôm đó, một người phụ nữ dáng cao gầy bước vào căn lều của bà. Từ ngày có tin chồng phản quốc, làng xóm xa lánh, một mình bà tìm ra bìa làng, dựng căn lều ở tạm. Người phụ nữ ấy giới thiệu là hội trưởng hội phụ nữ cứu quốc. Sau vài giờ nói chuyện, người ấy hỏi bà có muốn cống hiến cho tổ quốc, có muốn đi tìm sự thật về chồng không. Lúc đó, bà như người chơi vơi giữa dòng nước xoáy bám được chiếc phao cứu sinh. Không chút chần chừ, bà mỉm cười. Sau cái gật đầu, mọi thứ diễn ra rất nhanh, trong vòng vài ngày bà chính thức ra nhập lực lượng Thanh Niên Xung Phong. Năm đó, tóc bới cao ngang gáy, bà vừa tròn hai mươi nhăm.

Làng quê vắng bóng bà vài năm. Bố mẹ hai bên cũng bắt đầu già yếu. Anh chị em đều ra hết mặt trận. Vậy là bà trở về. Nhưng bà không về một mình, mà dắt theo một đứa bé. Một thằng bé rõ xinh với cái mũi hếch, nước da trắng hồng, mấy sợi tóc hung hung phất phơ thành lọn. Chẳng thể giấu vào đâu được, một thằng con lai. Làng quê lại dậy sóng. Cái tin bà về còn chưa ráo miệng thì tờ giấy báo tử của ông cũng được gửi về. Bà, một lần nữa, lại đứng trước búa rìu dư luận. Người ta không để bà khóc tang chồng cho đủ lễ. Ngày làm lễ truy điệu cho ông ở hội trường nhân dân hợp tác xã, dù trên danh nghĩa là vợ liệt sĩ nhưng bà không được phép bước chân vào thắp hương. Người ta mạt sát bà như một tội đồ, chồng ra đi vì Tổ quốc, còn bà lại trở về với đứa con lai.

Cuộc đời bà là một chuỗi trường ca buồn. Ngày trước, khi người ta buộc tội chồng bà phản quốc thì ít nhất bà còn có sự đùm bọc của gia đình bên chồng. Giờ thì, một nơi bấu víu cũng không có. Với họ, bà là đứa con dâu lăng loàn. Nhưng, giờ bà đã khác trước, không còn yếu đuối, đắm chìm trong nỗi nhớ mong chồng và khao khát yêu thương. Giờ bà đã là người mẹ của một đứa con cần tình yêu thương hơn bất kì đứa trẻ nào. Ở cái làng quê mà miệng đời cay hơn ớt, chua hơn dấm và độc hơn cả lá ngón, thì cuộc đời của một đứa con lai, con hoang thật khốn khổ biết bao. Bà biết thế, nên bao nhiêu tình yêu bà dồn hết vào con.

Năm 1969, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, thằng con duy nhất của bà làm đơn tình nguyện nhập ngũ khi nó còn chưa hết lớn. Vậy là, bà lại bắt đầu những năm tháng mòn mỏi đợi tin.

Mùa xuân năm 1975, cả nước hát vang bài ca chiến thắng, người người, nhà nhà mở tiệc ăn mừng đoàn viên. Chỉ riêng bà tê tái. Đồng đội của con trai bà mang về trao bà hai tờ giấy báo tử và một hài nhi còn đỏ hỏn, cháu nội của bà. Con trai và con dâu bà ngã xuống trước cửa ngõ Sài Gòn. Trái tim bà lại một lần nữa vỡ vụn. Cuộc đời bà đã thấm hết mọi tủi nhục đớn đau, nhưng có lẽ lần này với bà mới là nỗi thống khổ tận cùng, bà mất đi người con trai duy nhất với đứa con dâu chưa được một lần gặp mặt. Vậy mà, trong tận cùng của nỗi thống khổ, bà cũng không thể buông xuôi. Giờ đây, bà còn có một sinh linh mới để nuôi nấng và yêu thương. Từ bây giờ, bà phải sống cuộc sống của nhiều người, của ông bà, của cha mẹ thằng cu Thắng. Bà phải cho nó đầy đủ tình yêu thương của một gia đình.

Gần bốn mươi năm trôi qua, thằng Thắng giờ đã thành danh với nhiều công trình nghiên cứu lớn nhỏ. Cuộc sống bận rộn, nay nước này, mai nước khác, nhiều lần nó mời bà lên thành phố ở với vợ chồng nó để tiện chăm sóc cho bà, nhưng bà đều từ chối. Bà vẫn ao ước được sống và chết trên mảnh đất nơi ông bà nên duyên.

Chiều nay, đợi mãi không thấy bà ra vườn như mọi khi, mợ Tuyên vội sang thăm bà. Bà nằm đó, khuôn mặt bình thản, nhẹ tênh. Ngày đưa bà đi, người ta tìm thấy trong túi quần áo của bà một quyển nhật kí đã úa vàng, tróc gáy. Người ta trao lại nó cho Thắng và hồi hộp chờ...

Đó là cuốn nhật kí mà người mẹ ruột của con trai bà để lại, một chiến sĩ cộng sản nằm vùng. Khi biết mình có con, chị được tổ chức đưa ra cho bà chăm sóc. Cuộc sống kham khổ nơi vùng chiến, cộng với những tổn hại sức khỏe sau nhiều lần bị tra tấn, người mẹ trẻ đã trút hơi thở khi đứa con thơ vừa kịp cất tiếng khóc chào đời. Bà là người đã chăm sóc cho hai mẹ con trong suốt chín tháng, nên tổ chức ưu tiên cho bà quyền nuôi dưỡng. Bà, khi đó, như sen cuối vụ vẫn chưa chắc hạt, đã mở rộng đôi tay, đón nhận đứa trẻ. Vậy là tổ chức bố trí cho bà về quê, với một đứa con lai mang họ của bà.

Cuốn nhật kí khép lại, kèn thờ cũng vừa dứt, những người già nhất trong làng đứng dậy, xếp vào một góc mấy câu đối trướng, họ lấy ra những lá cờ Tổ quốc đỏ tươi và treo lên bên bàn thờ nghi ngút khói hương. Thằng Thắng gục đầu xuống nức nở...

Q.G