Chờ đợi lực lượng viết văn trẻ

30.05.2022
Đoàn Gia Huy
“Tôi sẽ thử viết truyện dài, nếu được thì cả tiểu thuyết. Chẳng sao cả, tôi có một cuộc đời để mơ lớn, và giấc mơ là đôi cánh khiến người ta bay xa. Nhưng tôi cần phải hiện thực hóa nó, nếu không, tôi chỉ là con cừu biết bay trong giấc mơ của riêng tôi thôi”, nhà văn trẻ Phát Dương (Cần Thơ) chia sẻ về những dự định sáng tác sắp tới của mình.

Chờ đợi lực lượng viết văn trẻ

Nhà văn trẻ Phát Dương bên tác phẩm “Tự nhiên say” của mình. Ảnh: Đ.G.H

Thời gian qua, nhiều người viết trẻ đam mê văn chương vẫn không ngừng tìm tòi sáng tạo nhưng đến nay văn học trẻ vẫn hiếm có những tác phẩm có giá trị, để đời. Không nhìn đâu xa, những năm gần đây, hầu như không có, hoặc rất ít tác giả trẻ người Đà Nẵng, Quảng Nam ra tác phẩm mới.

Điểm mốc gọi tên một thế hệ viết văn mới

Ông Nguyễn Kim Huy, Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Đà Nẵng cho biết, hiện nay, Hội Nhà văn thành phố có độ tuổi hội viên trung bình khá cao: 50-60 tuổi. Do đó, Hội Nhà văn mong muốn tiếp nhận một lực lượng sáng tác trẻ chọn con đường văn chương. Làm sao để hội trở thành mái ấm của những người sáng tác thuộc các thế hệ, từ đó đưa phong trào sáng tác phát triển và có những chuyển biến, tạo vị thế bằng những tác phẩm của hội viên, đóng góp vào đời sống văn hóa tinh thần của thành phố và cả nước. “Cái khó là nắm bắt thị hiếu của bạn đọc. Ngày nay, lớp trẻ có xu hướng tự sáng tác, tự tiếp cận bạn đọc, do đó rất khó chọn lọc tác phẩm khi họ gửi đến. Hơn nữa, lớp trẻ Đà Nẵng ít viết nên không hình dung được sẽ tiếp cận bạn đọc như thế nào”, ông Nguyễn Kim Huy chia sẻ.

Trong thời đại thông tin bùng nổ, mọi thứ đều được cập nhật nhanh chóng nên cách viết, cách nghĩ và cách thể hiện của các nhà văn trẻ cũng đã thay đổi so với trước đây. Bên cạnh những cuốn sách hay, không tránh khỏi có những cuốn sách “mì ăn liền”. Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 6-2022 là cơ hội để các nhà văn trẻ trên mọi miền Tổ quốc gặp gỡ, giao lưu và tìm ra những hướng đi mới mẻ, rành mạch, thúc đẩy sự phát triển của mỗi người viết trẻ.

Tham gia hội nghị lần này, nhà văn Đức Anh (Hà Nội) cho rằng, cuộc gặp gỡ những người viết văn trẻ chính là điểm mốc để xác quyết một giai đoạn văn chương mới, gọi tên một thế hệ viết văn mới và củng cố đam mê cho nhiều cây viết. Vì thế, nhà văn Đức Anh kỳ vọng những tham luận cá tính, dựa trên kiến văn rộng rãi và óc quan sát tỉ mỉ của những đại biểu tham dự, đặc biệt từ phía các nhà phê bình lâu nay không có đề tài gì mới mẻ.

Sáng tác trong thầm lặng

Mặc dù những người viết văn trẻ gặp khó khăn về kinh nghiệm, vốn sống nhưng chính họ lại có niềm say mê viết lách và khả năng sáng tạo dồi dào. Với những cơ hội “xê dịch” và tiếp cận nhanh nhạy nhiều nguồn thông tin thông qua thực tiễn cuộc sống cũng như công nghệ 4.0, các cây viết trẻ luôn tự làm mới mình bằng nguồn năng lượng tích cực.

Chia sẻ về những dự định sáng tác sắp tới, nhà văn trẻ Phan Đức Lộc (Điện Biên) cho biết: “Tôi sẽ tiếp tục đọc, viết, đăng báo và ra sách. Tôi đang có xu hướng làm những điều đó trong thầm lặng để có thời gian lắng lại, đối thoại với chính mình nhiều hơn”.

Nhà văn trẻ Đức Anh nhận định: Năm nay sẽ là quãng thời gian của các dòng tiểu thuyết giải trí đậm chất Việt Nam và các bộ phim chuyển thể. Một số nhà văn trẻ sẽ viết những truyện vừa (novella), có thể truyện ngắn sẽ bùng nổ trở lại vào năm 2023 hoặc 2024. “Tôi muốn kết hợp nhiều hơn chất giải trí với văn chương. Các tác phẩm của tôi được đón nhận bởi kịch tính của cốt truyện cũng như nét thoáng đãng của văn phong. Đây là lúc tôi cần đẩy chất lượng của chúng lên. Năm nay, tôi hy vọng sẽ tìm được đơn vị xuất bản cho một câu chuyện hư cấu về những người sống bằng hai thể xác khác nhau. Tôi cũng muốn viết về những khác biệt thế hệ mà chúng tôi nhìn thấy ở thế hệ Z, về chân dung một người Việt Nam sinh năm 2000 sẽ thế nào”, Đức Anh nhấn mạnh.

Nhà văn trẻ Phát Dương muốn thử thách mình ở mảng huyền ảo và giả tưởng. Anh cho biết: “Tôi ấp ủ khá nhiều dự định và còn quá nhiều thứ tôi cần học hỏi cũng như thử sức. Tôi muốn viết nhiều hơn, trong quá trình đó tự vấn bản thân và nghiệm lại những lời khuyên quý giá đã được nhận từ các tiền bối, đồng thời áp dụng những gì đã học được và nhìn nhận những điều chưa học được. Bên cạnh hiện thực, tôi yêu thích sự bay bổng của tưởng tượng, những phép màu thần tiên. Thế nên, tôi muốn viết cho trẻ em nữa. Thế giới của các em cần những tác phẩm mới mẻ, sáng tạo; đây là một thách thức lớn với tôi”.

Trong khi đó, nhà thơ trẻ Trương Công Tưởng (Bình Định) cho biết, từ sau hội nghị viết văn trẻ lần thứ 9, anh đã in 2 tập thơ và được đón nhận tích cực. “Đọc và viết là công việc của mỗi người viết. Mà viết là quá trình âm thầm trong im lặng, nó chỉ cất tiếng nói khi nó đã thành hình, sẽ lan tỏa khi có dư luận và ở lại trong lòng bạn đọc khi nó có giá trị. Tôi mong độc giả của tôi vẫn sẽ theo dõi và chờ đợi những sản phẩm tiếp theo của mình!”, Trương Công Tưởng bày tỏ.

(baodanang.vn)