“Cô độc”: Hành trình đi tìm “bản thảo vĩ đại” của một biên tập viên

25.12.2019

“Cô độc”: Hành trình đi tìm “bản thảo vĩ đại” của một biên tập viên

Tiểu thuyết mới nhất vừa được ra mắt của nhà văn Uông Triều - Cô độc (Tao Đàn và NXB Hội Nhà văn) trình bày đến người đọc thông điệp: Để được là chính mình, đôi khi con người ta phải chấp nhận đánh đổi. Danh vọng, tiền bạc, hay địa vị liệu có còn ý nghĩa khi ta phải sống dưới sự sắp đặt của kẻ khác.

Sau Tưởng tượng và dấu vếtSương mù tháng Giêng và Người mê, nhà văn Uông Triều tiếp tục thử thách mình với thể loại tiểu thuyết. Cô độc - một cái tên ngắn gọn nhưng khiến người ta phải suy tư. Tác phẩm là một thách thức mới mà tác giả dành cho độc giả. Quá khứ và hiện tại, những ảo mộng đầy hoài nghi và thực tế quá phũ phàng.

Chúng ta là ai và chúng ta thực sự cần điều gì? Làm sao để ước mơ của một con người nhỏ bé có thể tồn tại trong lòng xã hội đầy những đua tranh và toan tính? Tất cả đã được nhà văn thể hiện một cách khá trọn vẹn trong gần 300 trang sách.

Ám ảnh của chữ nghĩa

Nhân vật chính của Cô độc là B., biên tập viên quyền lực trong một nhà xuất bản có tiếng tăm. Khi còn nhỏ, anh ta có nghe thầy giáo nói về một bản thảo vĩ đại, khiến người ta phải lâng lâng trong khoái cảm vì được đọc một sản phẩm hoàn mỹ của ngôn từ. B. khao khát được đọc nó, nhưng dường như anh ta luôn là kẻ đến sau. Bởi thế, anh ta quyết tâm trở thành một biên tập viên kỳ cựu để có thể tự tìm cho mình một bản thảo vĩ đại.

 
Càng tìm kiếm, B. càng thất vọng. Trong suốt mấy chục năm làm nghề, anh chỉ thấy những thứ rỗng tuếch, nhạt nhẽo được viết đầy trên trang giấy. Dường như các nhà văn luôn sống trong ảo tưởng, họ quá tự tin vào “đứa con tinh thần của mình”. Nhân vật B. dần đắm chìm vào “cuộc hành hương của chữ” và “bản thảo vĩ đại” luôn hiển hiện trong tâm trí anh, chính là “ngôi đền thiêng” mà kẻ độc hành muốn đặt chân tới.

Bản thảo vĩ đại mà nhân vật B. luôn đau đáu đi tìm là ẩn dụ sâu sắc về cái đẹp của văn chương. Là “người gác đền” trong thế giới mênh mông của chữ nghĩa, B. đau đớn khi người ta chỉ biết in những thứ vô vị để ve vuốt số đông huyên náo ngoài kia. Tiền bạc, quyền lực vẫn luôn cản trở anh ta trong chuyến hành hương đầy mệt mỏi.

Những thành trì cần phá bỏ trong cuộc đời

Trong sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại, nhà văn Uông Triều cho người đọc thấy một “bức chân dung” khác của nhân vật. Đó là B., một người đàn ông ngoài bốn mươi, đã ly dị vợ, có dăm ba người tình, lầm lũi với công việc, những bản thảo chưa hoàn thiện và những suy nghĩ rất riêng. Cha mẹ đều đã khuất núi, người chị gái duy nhất sống một cuộc đời rất khác. Cả hai dường như không tìm được điểm giao trong tư tưởng. Người đàn ông ấy chỉ có một mình.

Ngày bé, B. muốn trở thành một nhà văn, nhưng anh ta bị cha ngăn cản. Suy nghĩ của người bố đã ám ảnh đứa con trai bé nhỏ đến tột độ. Sau tất cả, văn chương vẫn là cứu cánh cuối cùng của con người tội nghiệp ấy. Trong câu chuyện của B., người đọc sẽ cảm nhận được nỗi đau của một con người bị trói buộc trong những định kiến của gia đình và xã hội. Anh ta luôn cảm thấy tội lỗi khi sống thật với chính mình.

 
Từng ngày, người đàn ông ấy gặm nhấm khoái cảm của sự cô độc. Những cô người tình đến và đi, họ chỉ như một thứ công cụ để B. giải tỏa nhu cầu bản năng của một người đàn ông. Giữa họ không tồn tại tình yêu, sự thấu hiểu hay những chia sẻ cần thiết giữa người với người. B. chưa từng tâm sự cùng những người đàn bà đã bước qua đời mình. Dù cho đó là vợ, cô người tình lâu năm, hay chỉ là cuộc vui trong thoáng chốc. Người đàn ông ấy hài lòng với sự cô độc đang xâm chiếm toàn bộ tâm hồn anh ta.

Uông Triều là một nhà văn luôn tìm cách làm mới mình. Với cuốn tiểu thuyết thứ tư này, người đọc sẽ cảm nhận được sự chuyển mình mạnh mẽ của anh trong bút pháp miêu tả cũng như cách xây dựng bố cục cho tác phẩm. Giọng văn thay đổi liên tục, tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau cho độc giả.

Xen lẫn giữa thực tại và những tưởng tượng đầy cá tính của nhà văn là những câu chuyện mang đầy tính thế sự mà mỗi chúng ta có thể soi mình trong đó. Muốn sống một cuộc đời trọn vẹn, chúng ta phải học cách thay đổi tư duy, buông bỏ những tư tưởng cũ kĩ gây áp lực không đáng có cho con người. Ẩn sau trong câu chuyện của mỗi cá nhân, tác giả đã gửi gắm những thông điệp về giá trị của văn chương trong đời sống hiện đại.

Trong Cô độc, người đọc sẽ chứng kiến một cuộc đấu tranh dai dẳng giữa “cái tôi” cá nhân để định danh những điều khác biệt giữa một xã hội luôn tìm cách triệt tiêu cá tính, bắt “cái riêng” hòa lẫn trong “cái chung”. Nhà văn Uông Triều đã rất táo bạo khi tạo nên một nhân vật dị biệt, đầy khác lạ. B. luôn tìm cách vượt thoát ra khỏi những quy chuẩn và quan niệm của xã hội để được là chính mình. B. lựa chọn cô độc hay bị cô lập đó là một câu hỏi đang chờ được giải đáp bằng những cảm nhận rất riêng.

Quỳnh Anh
(sggp.org.vn)