Thao thức quê nhà

07.10.2016

Thao thức quê nhà

Huỳnh Viết Tư, tác giả của những tập thơ Biển, em và dòng sông (NXB Đà Nẵng, 2005), Mật đời (NXB Hội Nhà văn, 2009) và tập truyện ngắn Nơi ấy, tôi gửi lại một tình yêu (NXB Đà Nẵng, 2013). Lần này,  tác giả cho ra đời tập bút ký - truyện ngắn - tạp văn Sông vẫn chảy trong tôi .

Dễ thấy là, vốn là một kỹ sư cơ khí, trải qua nhiều địa bàn và cương vị công tác, Huỳnh Viết Tư tích lũy được vốn sống khá phong phú, nhiều lĩnh vực, lại chú ý tự bồi bổ kiến thức, vì thế, trang viết không đơn điệu, một chiều, mà lại phong phú, thuyết phục.

Sông vẫn chảy trong tôi có 19 bài. Không gian đậm nét là những hình ảnh miền quê xứ Quảng, từng ngày đổi thay, đẹp hơn lên, quyến rũ lòng người, rộng hơn là những miền đất của miền Trung. Không gian thân quen ấy tạo nên một trường thẩm mỹ (champ de l'esthetique), hút lấy ngòi bút của Huỳnh Viết Tư, mãi say đắm và ngợi ca. Có thể thấy, có một dòng sông quê thao thiết chảy qua những trang viết của Huỳnh Viết Tư. Điều này cũng dễ hiểu. Tác giả sinh ra và lớn lên, nhất là tuổi thơ, gắn liền với vùng sông nước Cẩm Nam-Hội An, với dòng sông Thu Bồn. Vì thế, sông quê cứ ngày đêm không ngừng chảy qua những cảm xúc, chảy qua những vui buồn cuộc sống, chảy qua những mảnh đời sông nước, từ đó, làm nên những câu văn, lời thơ của Huỳnh Viết Tư.

Sinh ra, ai cũng có một dòng sông, nói như nhà thơ Bế Kiến Quốc, dòng sông đó gắn bó với mỗi đời người:

                             Mỗi con người gắn bó một dòng sông

                             Khi ta bé dòng sông nào cũng rộng

                             Chiếc thuyền giấy gửi tuổi thơ theo sóng

                             Một cánh cò vỗ lả xuống lòng ta…

 

                             Từ nguồn nào, sông cũng nặng phù sa

 

Con sông quê trong văn Huỳnh Viết Tư trở thành một sinh thể, có cuộc đời riêng, "sông bao bọc quanh làng và đã ôm ấp lấy tôi cả một thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành. Khi phải xa sông để tìm cuộc sống mới, dòng sông vẫn êm ả chảy trong tôi" (Sông vẫn chảy trong tôi). Những cảnh trí, hội hè, sinh hoạt bên dòng sông vẫn luôn đi và về trong nỗi nhớ và trang văn của Huỳnh Viết Tư. Con sông quê như sống dậy vào mỗi dịp xuân về: "Và khi ngọn gió xuân hây hẩy gọi mời, bến sông quê vang lên nhịp chèo làm âm vang đâu đây tiếng xướng, tiếng xô, dạt dào sóng nước trong nỗi nhớ quê da diết khôn cùng" (Nhớ hội đua ghe trên sông Thu Bồn). Làng quê của tác giả, làng "Cẩm Nam là một hòn cù lao nhỏ, nằm cạnh phố cổ Hội An, được bao bọc xung quanh bởi sông nước từ các nhánh sông của hạ lưu sông Thu Bồn trĩu nặng phù sa, tạo nên một vùng đất màu mỡ, trù phú,...". Nơi triền sông ấy, từ bao đời nay,  vẫn giữ hồn cốt của hương bắp. Nơi mà, "một lần đặt chân đến mảnh đất Cẩm Nam, như một lời hẹn ước, lần sau lại phải quay về".

Có lẽ đến bây giờ, chưa có một tác giả nào của xứ Quảng hiểu biết sâu đậm và viết một cách tỉ mỉ, lắng đọng về cây bắp như tác giả. Đọc Hương bắp, sẽ thấy tình yêu ấy. Không có một tình yêu đối với những món thổ ngơi của quê hương thì không có những trang viết đậm đà, tha thiết và bay bổng như thế. Điều này làm nhớ đến Thạch Lam trong Hà Nội băm sáu phố phường. Đó là, hương vị của đất lề Thăng Long phả vào từng trang văn , giản dị và thanh khiết, tinh tế và trân trọng, làm nên văn ấy, giọng ấy của Thạch Lam.

Hội An, cái thị xã bé như bàn tay, qua bao năm tháng, đã để lại cho tác giả những kỷ niệm khó phai mờ. Ngày nhỏ, đó "những hình ảnh, những cảm xúc chân thành của nó đối với những quyển sách cũ, gắn liền với quê nhà của nó như máu thịt... Đi bộ chừng nửa tiếng đồng hồ đã gặp hơn 10 hiệu sách... Sách theo nó đi ra đồng, ngồi trên lưng bò, xuống dưới hầm sâu khi ngoài trời bom đạn ì ầm hay những đêm yên ắng làm bạn với ngọn đèn tù mù, lúc theo ghe trôi trên dòng nước lụt về..." (Sách mãi mãi là người bạn đường). Những con phố nhỏ, dài và hẹp, một đời không thể nào quên "tím bằng lăng, vàng cánh diệp, đỏ thắm trời phượng vĩ" và em "nỗi buồn vu vơ, chợt đến chợt đi, như cơn mưa đầu mùa. Em đã cho tôi tà áo trắng trinh nguyên thuở dại khờ. Trên dòng sông qua con đò nhỏ, gió phất phơ đưa. Có người con gái vô tư đến vô tinh... để bây giờ ngoái đầu nhìn lại, luyến tiếc thật nhiều những gì đã xa. Khát cháy niềm yêu... (Con đường hoa tím).

Tác giả còn yêu những vùng đất như Sơn Trà (Quyến rũ Sơn Trà), Lý Sơn (Lý Sơn-đảo nhỏ trong lòng tôi), Phước Sơn (Những ngày ở Phước Sơn), Hà Nội (Khi mùa đông gõ cửa), Cầu vượt ngã ba Huế (Cảm hứng từ cầu vượt ngã ba Huế)...những miền đất mà "nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương" (Chế Lan Viên).

Văn Huỳnh Viêt Tư là thứ văn nhẹ nhàng, dễ đọc, không điệu đàng câu chữ. Tác giả chủ động cảm xúc, biết chỗ dừng của sự kiện, của tư liệu lịch sử. Tôi vẫn yêu những trang văn thấm đượm chất thơ và màu sắc quê hương của tác giả. Những chi tiết, những hình ảnh về dòng sông, về núi rừng, về các cây cầu, về những mảnh đời xa quê (Vượt cạn), về những con đường sang thu, hanh hao thời tiết, một nhịp cầu, một chút se lạnh và người con gái "làn tóc, bờ vai vương màu lá" (Thu đã sang, mùa vẫn nồng nàn)... dễ thường đánh đắm lòng người.

Giá như tác giả bớt đi những lý luận, những dẫn chứng, những số liệu,... thì các trang viết sẽ mượt mà hơn, lung linh hơn. Song, không sao, vẫn thấy cái duyên của Huỳnh Viết Tư ở những trang viết khác, đậm đà và trữ tình !  

 

Đà Nẵng, tháng 11 năm 2015
Huỳnh Văn Hoa