Cuộc đời ngoài cửa - Nguyễn Danh Lam

17.08.2015

Cuộc đời ngoài cửa - Nguyễn Danh Lam

Sau khi trình làng ba cuốn tiểu thuyết đình đám Bến vô thườngGiữa vòng vây trần gian và Giữa dòng chảy lạc, Nguyễn Danh Lam lại tiếp tục gây bất ngờ cho người đọc với Cuộc đời ngoài cửa.
 

Nếu như ở hai cuốn tiểu thuyết đầu tay, bút pháp huyền thoại được Nguyễn Danh Lam sử dụng như là công cụ nghệ thuật chủ đạo để đi vào khai thác thế giới nhân vật, thì đến tiểu thuyết Giữa dòng chảy lạc và Cuộc đời ngoài cửa dấu vết của chủ nghĩa hiện sinh được biểu hiện khá rõ nét.

 

Cuộc đời ngoài cửa của Nguyễn Danh Lam là một câu chuyện khá đau và cay về bi kịch của một người thầy giáo.Những vấn đề nhức nhối gây nhiều ám ảnh của con người thời hiện đại như: nạn bạo hành trong trường lớp, tai nạn đáng tiếc trong nghề nghiệp, sự đổ vỡ trong hôn nhân và gia đình, hiểm họa của tai nạn giao thông,... được người viết khai thác khá hiệu quả, với một lối hành văn giàu tính trải nghiệm, suy tư, nhưng đầy tiết chế.

 

Nhân vật trung tâm của tác phẩm này là một thầy giáo dạy Văn sống khá tình cảm và yêu nghề. Vợ ông cũng là một đồng nghiệp dạy cùng trường. Ông có hai đứa con ngoan hiền, học giỏi. Cuộc sống của gia đình ông tưởng đã đuề huề, viên mãn, thì một biến cố không ngờ giáng xuống. Ông rơi vào cái vực thảm không đáy của sự tự nhận thức và buộc lòng phải rời bỏ trường lớp, vợ ông cũng thôi công việc giảng dạy. Nỗi khổ của ông không phải là nỗi buồn của kẻ thất nghiệp thường tình, mà đó là nỗi đau của người trí thức tự ý thức về bản thân mình. Ông có chuyên môn giảng dạy, có tài làm thơ, là thần tượng của học trò, từng nhận được nhiều ánh nhìn nể trọng của đồng nghiệp, nhưng chỉ một phút nông nổi của học trò, chỉ vì sự lầm lỡ của vợ, ông đã vô tình đánh mất những gì từng thuộc về mình. Điều tệ hại hơn, sau cú sốc đó, gia đình ông đổ vỡ- vợ chồng ông chia ly- con cáiông sống bê tha. 

 

Với lòng cảm thông thiết tha cho những nỗi đau mà nhân vật phải trải qua, Nguyễn Danh Lam đã để  cho  ông làm một chuyến hành trình dài cùng với cô con gái. Chuyến đi này tưởng rằng sẽ giúp tâm hồn ông sớm thanh thản,  tìm lại chính mình, và đứa con gái sẽ vơi đi áp lực tinh thần để bắt đầu lại với công việc học hành; nhưng rồi, mọi sự đều không hề diễn ra như mong muốn. Cuộc hành trình của hai cha con  gặp những tình huống không ngờ xảy ra: gã bạn năm xưa giờ đã không nhận ra ông, trận lụt làm chiếc xe bầy nhầy nước, người vợ điện cho hai cha con ông biết việc con trai ông bị công an bắt vì dính đến ma túy... Nhưng, rủi ro đặc biệt của chuyến đi này đến từ những cuộc tranh luận giữa hai cha con ông.

 

Trong sự đổ vỡ niềm tin về người bố, đứa con gái đã bỏ đi mấy ngày với một đứa con trai chỉ mới quen biết trên mạng. Điều tồi tệ hơn, khi sự nhục nhã, ê chề của một đứa trẻ chỉ mới mười mấy tuổi đầu đã tự biến mình thành đàn bà chưa được vợi dịu, ông lại đẩy dồn nó tới những cuộc truy vấn, những chuyện trò chỉ làm tăng thêm sự mâu thuẫn giữa hai cha con, khiến nó cùng quẫn và nhảy lầu tự vẫn.

 

 

Cuộc đời ngoài cửa của Nguyễn Danh Lam có một kết cục không thể nào bi đát hơn. Đứa con gái - niềm tin còn lại duy nhất của ông  trên cõi đời này đã trải qua những chấn thương khá nặng nề về mặt tinh thần và thể xác; không biết chờ đến khi nào thì tình trạng con ông mới được cải thiện và hồi phục hoàn toàn. Còn hoàn cảnh của gia đình ôngvốn đã bệ rạc, sầu thảm giờ càng trở nên tan tác, thảm hại đến mức nghiệt ngã hơn bao giờ hết: người vợ cự tuyệt chồng, đứa con trai không thể gần gũi bố vì sợ mẹ, đứa con gái nằm la liệt trên giường bệnh với những quấn băng trắng khắp người và chỉ có biết gọi tên mỗi mẹ.... Ông- người thầy giáo từng dạy người dạy đời nhưng không thể nào dạy nổi vợ con và cứu rỗi lấy hạnh phúc mong manh của mình. Đó là một bi kịch mà chẳng có vở kịch nào bi đát hơn cuộc đời ông. Để kết thúc những chuỗi bi kịch đau đớn thấu máu xương, Nguyễn Danh Lam đã cho nhân vật một lối thoát hết sức bình thản mà xót xa; đó là cái chết trên hành trình nhân vật ông tìm lại bản thể sau những trơn trượt ê chề, tuyệt vọng, trong cơn khổ đau, lẻ loi và dằn vặt tận cùng của sự sống.

 

Ở cuốn tiểu thuyết này, Nguyễn Danh Lam dường như đã cho nhân vật “uống thuốc quá liều”. Nếu như ở Giữa dòng chảy lạc anh còn để cho nhân vật và độc giả một tia hy vọng vào cái kết mở, thì ở cuốn tiểu thuyết này mọi hy vọng đều bị dập tắt khi cuối tác phẩm nhân vật trung tâm phải đi vào cõi vĩnh hằng. Đôi chỗ lời thoại của nhân vật cô con gái khá mạnh tay và già dặn so với lứa tuổi được đề cập. Các nhân vật xuất hiện trong tác phẩm này hầu hết là kiểu nhân vật tự ý thức. Thủ pháp xây dựng nhân vật chủ đạo vẫn là ngôn ngữ đối thoại và dòng ý thức.

 

Điều đáng ghi nhận, Cuộc đời ngoài cửa là cuốn tiểu thuyết đề cập đến nhiều vấn đề nhức nhối, đáng quan tâm và lo ngại trong thời đại hiện nay: bạo lực trong học đường; tác hại của game và in ternet đối với giới trẻ; sự thiếu trách nhiệm của gia đình và nhà trường trong việc dạy bảo - quản lý con em; mối đe dọa của tai nạn giao thông; sự đổ vỡ của tình yêu trong hôn nhân.... Tất cả những vấn đề ấy được Nguyễn Danh Lam khắc họa một cách chân thực và thấu đáo nhất. Cuộc đời ngoài cửa là một cuốn sách mang nhiều thông điệp giáo dục vô cùng ý nghĩa. Hy vọng, với cuốn tiểu thuyết mới này, Nguyễn Danh Lam sẽ sớm nhận được sự ủng hộ, phản hồi nhiệt tình từ phía độc giả và giới nghiên cứu văn học, tương hợp với những gì mà người viết mong đợi.
(Bài đã đăng ở Tạp chí Nhật Lệ tháng 8/2014)

Lê Hương
(nhavantphcm.com.vn)