Cuối xóm Chân Mây

23.10.2023
Vũ Ngọc Giao
Xóm nằm dưới chân núi, trơ trọi như một ốc đảo giữa hai cánh đồng trũng sâu, vắng ngắt. Tên xóm Chân Mây có từ bao giờ người ta cũng không còn nhớ nữa, chỉ biết tụi trẻ chăn bò mỗi chiều lại rủ nhau nằm dài trên đống rạ đương phơi ngoài đồng nhìn lên đỉnh núi. Từ nơi này tụi nó thấy mây từng lớp từng lớp kéo về.

Cuối xóm Chân Mây

Thằng Mân nói đám mây có hình con bò một sừng. Thằng Đẹt lập tức bật dậy la lớn: “Bậy nà! Đó là hình ông Bần mài dao kéo ngoài chợ!”. Thằng Túc sau một hồi ngẫm nghĩ, dõng dạc phán: “Tụi bay sai bét! Đó là hình ông Bụt từ trên trời xuống phù hộ cho tụi mình thi học kỳ lần này không đứa nào bị điểm liệt”. Cả bọn lăn ra cười, trong khi thằng Hậu lặng yên ngắm mây. Nó bận làm thơ. Chiều nào lùa bò lên rẫy nó cũng đem theo quyển sổ với cây bút, làm được câu thơ nào nó cũng hí hoáy ghi vô chớ để quên, mặc kệ mấy đứa kia cười cợt, chọc ghẹo nó là “thi sĩ xóm Chân Mây”.

Xóm Chân Mây buồn hiu, đến cây cỏ nơi đây cũng cằn cỗi, trơ cả gốc. Vài nóc nhà lèo tèo xiêu vẹo, bão về cứ chực sụm xuống. Mấy con bò làng bên chẳng buồn sang Chân Mây gặm cỏ, chúng đi xa hơn, chiều nào về ngang qua xóm cũng quất đuôi đi cho nhanh. Đến tiếng gà gáy nghe cũng eo óc buồn. Tụi con nít xóm bên mỗi khi có việc đi qua Chân Mây chúng luôn tìm cách đi đường vòng, không vòng được mới nhắm mắt mà đi, vừa đi vừa im thin thít, hễ nghe tiếng động chúng lại hét lên, ù té bỏ chạy. Chẳng biết từ bao giờ người ta cứ đồn xóm Chân Mây nhiều ma, cứ chạng vạng ma lại lượn lờ trên cánh đồng, bên miếu. Tụi con nít còn rỉ tai nhau, đi qua xóm Chân Mây vào trưa đứng bóng hay chạng vạng là bị ma đem giấu liền, xóm vắng ngắt có ai đâu mà thấy. Vào mùa gặt họa hoằn mới có con chim cu cườm ghé qua gừ gừ vài tiếng gọi bạn rồi lại đập cánh bay tít sang cánh đồng bên.

Nhà thằng Mân, thằng Đẹt ở xóm trên. Xóm giữa có nhà thằng Túc, chị em con Chút, Chít. Xóm dưới có nhà thằng Hậu, con Muối, con Lắm. Xóm Chân Mây nghèo, người làng lần lượt bỏ quê đi nơi khác lập nghiệp, còn ở lại dăm nóc nhà buồn thảm. Nghèo vậy nhưng tụi trẻ rất ngoan, có lẽ chúng ý thức được rằng càng nghèo càng phải siêng năng làm lụng và học hành.

Thằng Hậu mười tuổi đã biết lên rẫy hái củi, chặt lá về bỏ vào chuồng cho heo. Cha mất khi mẹ nó vừa sinh em gái được năm ngày. Mẹ èo uột đau ốm quanh năm. Mười tuổi đầu nó đã là người đàn ông trong gia đình, điềm đạm, chững chạc, gương mặt lúc nào cũng đăm chiêu, khắc khổ. Lần nào ra đồng tụi thằng Đẹt, thằng Mân rủ rê chơi đủ trò, họa hoằn lắm nó mới tham gia, chỉ một chút rồi ba chân bốn cẳng chạy về với em. Ai gặp cũng khen thằng Hậu hiếu thảo. Cái bếp nhỏ xíu nhà nó lúc nào cũng đầy ắp củi khô, một tay nó lên rẫy hái về phơi, đun không hết mẹ nó dành để mùa sau.

Xóm Chân Mây ngày thường đã buồn, vào mùa mưa càng hiu hắt. Những ngày mưa gió không ra đồng đứa nào cũng ở nhà, không băm bèo thì giã cám, có khi ngồi bó gối buồn bã nhìn ra cánh đồng ngập nước trắng xóa, nghe ếch nhái kêu ộp oạp nẫu hết cả ruột gan.

Chút, Chít là chị em sinh đôi, giống nhau như tạc. Mỗi khi chị em nó cùng nhau đi đâu đó, người ta không cách gì phân biệt được. Đã vậy, tụi nó đi đâu cũng đi chung. Có lần hai chị em qua xóm bên giỗ hội. Đến nơi còn sớm, Chút lang thang vô sân đình coi tụi con nít xóm bên chơi ném còn. Chít ngoài này đi theo đám đá gà. Cô Mận trong xóm bận nấu bếp, con nhỏ cứ bám riết mẹ, cô nhờ Chút giữ giúp con bé. Chút kéo em ngoài ra dỗ dành rồi sa đà dắt đi hái trứng cá, đến quá trưa chưa về. Đến giờ cho con bé ăn, cô Mận thấy Chít đi vô liền đưa cho Chít chén cháo: “Con cho em ăn dùm cô!”. Chít ngơ ngác: “Con có biết em mô?”. Mọi người ngớ ra cho đến khi Chút dắt em lững thững về.

Trong xóm, nhà Muối khó khăn nhất, nhưng so với bọn trẻ, Muối là đứa phổng phao. Mười tuổi, tóc nó đã dài chấm eo, da dẻ mịn màng trắng trẻo. Muối xinh đến độ ai đi qua thấy nó cũng quay lại nhìn. Các cô mỗi khi thấy nó ra đồng với cái đầu trần lại nhắc lấy nón đội, sợ hư hao đi cái nhan sắc trời cho. Muối quanh năm chỉ hai bộ quần áo vải thô sẫm màu, giặt rồi phơi ngoài nắng lúc đem vào vải cứ cứng đờ ra. Chưa bao giờ biết đến bộ đồ mới nhưng lúc nào Muối cũng hồn nhiên tung tẩy với sóng tóc mượt mà, đôi mắt đen láy chẳng vương một chút buồn.

Không rủ mà như hẹn, những đứa trẻ xóm Chân Mây năm lên bảy mới vào lớp Một, sắp xếp kiểu gì mà tụi nó lại cùng một lớp. Thằng Mân ngỗ nghịch vậy chứ đến lớp đứa nào chọc ghẹo hay gây sự với Muối, Lắm hay chị em nhà Chút, Chít, nó xông vào ẩu đả ngay. Cứ sau một trận chiến thằng Mân lại u đầu mẻ trán. Trong khi tụi con gái Chân Mây mếu máo nhìn thằng Mân bầm dập, thằng Đẹt lẳng lặng đi tìm thuốc đỏ bông băng về băng bó cho Mân. Đẹt xưa giờ vẫn vậy, luôn là đứa điềm đạm, chỉn chu. Đẹt là đứa trẻ bị bỏ rơi, bà nội nó trong một lần lên chùa nghe tiếng khóc oe oe bà dừng lại ngó nghiêng, rồi đem Đẹt về nuôi từ đận ấy. Thằng Túc hoàn cảnh trái ngược, cha mẹ hiếm muộn, lấy nhau gần mười năm vẫn không con, chạy chữa mãi ba mẹ nó dắt nhau lên chùa cầu con, sinh được thằng Túc mừng không thể tưởng. Từ nhỏ Túc được cưng chiều, con nhà nông lại ở nơi heo hút nhưng nó chẳng thiếu thốn gì. Cha mẹ chắt bóp để cho nó những gì tốt nhất. Túc không vì thế mà ỷ lại. Nó siêng học, siêng làm, trong lớp nó luôn là đứa đứng đầu về học tập, thầy cô lúc nào cũng khen Túc. Năm năm học cùng nhau, năm năm thằng Túc là niềm tự hào của những đứa trẻ xóm Chân Mây. Về đến nhà cất sách vở nó lại ra đồng coi mẹ làm gì còn phụ, ngày nghỉ thì theo cha lên rẫy.

So với tụi bạn đồng trang lứa, Lắm tỏ ra già dặn trước tuổi, là chị đầu nên Lắm cáng đáng hết việc nhà. Mười tuổi đầu Lắm đã có bốn đứa em, đứa nào đứa nấy lít nhít, đứa nhỏ nhất còn ẵm ngửa. Ngày cha vào tận miền Nam kiếm việc làm là ngày mẹ sinh thằng út. Lắm lặn lội đưa mẹ tới trạm xá trong đêm mưa tầm tã rồi chạy đi chạy về trong đêm tối đen.

Cuối xóm Chân Mây có một cái ao sâu quanh năm ăm ắp nước. Không hiểu lý do gì người trong xóm chẳng mấy khi tới gần ao. Các cụ bà thầm thì chỗ ao đó có ma, cánh đàn ông còn dựng lên một cái hàng rào bao quanh ao để con nít không vô được. Thằng Mân là đứa đầu tiên lén chui qua hàng rào giữa trưa nắng chang chang. Cũng tại nóng quá, nó thèm nhảy xuống ao ùm một phát tắm cho đã. Lúc nhảy xuống ao nó mới phát hiện nơi đây quả là một nơi tuyệt vời nhất ở cái xóm Chân Mây này. Nước trong văn vắt thấy được cả đáy, khắp mặt ao hoa súng trắng, tím dập dềnh trôi như cảnh tiên. Nó lấy tay bắt loa hét lên kêu thằng Hậu, thằng Túc, thằng Đẹt. Ba đứa ban đầu run run chẳng dám chui qua rào, tụi nó nhìn cỏ phủ um tùm bốn bề rồi so vai le lưỡi. Thằng Mân phải biểu diễn lại màn nhảy ùm xuống ao bơi vài vòng như người hùng. Chừng không cầm lòng được, ba đứa rủ nhau nhảy xuống, vùng vẫy đến chiều chẳng đứa nào chịu lên.

Từ ngày phát hiện ra cái ao, tụi thằng Mân đi học về không còn la cà nữa, cả khi tụi con Muối, Chút, Chít… bị bọn con trai chọc ghẹo tụi nó cũng mặc kệ, ba chân bốn cẳng chạy về cho sớm. Đứa đầu tiên phát hiện ra sự thay đổi đó là Lắm, nó lẳng lặng theo dõi cho đến khi biết được nguyên nhân từ “cái ao có ma”.

Ngày chủ nhật tụi thằng Mân lại nháy nhau ra cái ao cuối xóm. Tụi con Lắm liền lẹ làng bám theo. Trong khi tụi thằng Mân vẫy vùng, té nước dưới ao, tụi con Lắm đã chui qua hàng rào, đứng trên bờ gióng xuống: “Té ra các ông mặc kệ tụi tui bị ăn hiếp, chạy về là để tắm ở đây! Chỗ ni cấm vô mà! Tụi tui về méc cho coi!”. Thằng Mân vội phóc lên bờ năn nỉ: “Thôi từ rày tụi tao không để tụi mày bị ăn hiếp nữa, được chưa?”. “Được, nhưng phải cho tụi tui tắm với!”. “Nhảy xuống đi!”. Thằng Mân cười ha hả: “Tụi tao tắm hoài, chẳng có ma quỷ nào đâu!”.

Tần ngần một lúc tụi con Lắm cũng bỏ dép ùm xuống, lát sau đã bơi như rái cá, cười vang cả mặt ao. Một lúc thấm mệt cả bọn lóp ngóp lên bờ, thằng Đẹt bỗng phát hiện một buồng chuối chín đang lủng lẳng trên cây gần cái ao, nó vẫy cả bọn lại gần. Đang đói, lại gặp buồng chuối chín thì còn gì bằng, tụi nó mỗi đứa bẻ vài trái ăn no nê rồi ngửa mặt lên trời ngắm mây bay. Chợt con Muối nghe tiếng ho khe khẽ, nó quay lại, rùng mình khi nhận ra một người đàn ông mặt mũi kỳ dị đang đứng sau lưng. “Ma!” nó hét lên, tức thì cả bọn quay lại, nhìn thấy người đàn ông chúng bật dậy co chân chạy, đứa trước đứa sau chen nhau chui qua hàng rào. Con Muối quýnh quáng, chân vướng dây kẽm gai ngã sõng soài, đầu đập vào cục đá bên đường, máu tứa ra. Muối ngồi thụp xuống ôm đầu, cả bọn thấy vậy quay lại xốc lên nhưng Muối không sao đứng nổi.

Tiếng lá khô lạo xạo dưới chân. Người đàn ông có gương mặt kỳ dị đã đứng trước mặt. Con Muối cũng thôi thút thít, lấy tay bụm lại chỗ máu chảy, run rẩy nhìn người đàn ông. Thằng Mân gan lì nhất bọn cũng xanh xám mặt mày, cúi gằm ngó lơ đi chỗ khác. “Con bị làm sao? Lại ông coi!” người đàn ông hỏi Muối, giọng trầm ấm đến lạ. Cả bọn không đứa nào lên tiếng, lát sau Lắm mới thẽ thọt: “Nó bị đập đầu vô đá”. “Vô đây ông kiếm lá đắp cho cầm máu, ông ở gần đây thôi”. Cả bọn nhìn nhau, thằng Đẹt mạnh dạn hỏi: “Bọn con chưa biết tên ông?”. “Cứ kêu ông là ông Thờn được rồi” người đàn ông cười hiền lành. Bọn trẻ nhận ra gương mặt kỳ dị kia không đáng sợ như chúng nghĩ, không đứa nào bảo đứa nào, đồng loạt đứng lên đi theo ông.

Từ cái ao sâu, băng qua con mương, ông Thờn dừng lại trước căn nhà được dựng bằng phên tre, bên trong lát bằng đá ong mát rượi. Ông Thờn đem ra nải chuối chín rồi ra vườn, lát sau quay vào với mớ lá trên tay, cặm cụi cho vào cối đá ngồi giã rồi rịt vào vết thương trên đầu Muối. Cả bọn yên lặng theo dõi ông, nải chuối để chỏng chơ giữa sân chẳng đứa nào đụng đến. Nhìn niêu cơm nhỏ xíu bên bếp Lắm thẽ thọt “Ông ở một mình? Sao ông không vô xóm mà ở?”. “Ông… ông không dám vô xóm, ông như vầy tụi con nít sợ, nó khóc!” ông Thờn run run vén ống tay áo, ống quần lên cho bọn trẻ xem. Trên người ông chi chít những cục u lớn nhỏ như những mụn cóc khổng lồ: “Ông vầy, không biết bệnh gì, họ sợ lây” ông Thờn buồn rầu quay đi.

Không gian như chùng lại, bọn trẻ lặng đi hồi lâu. Chúng kín đáo nhìn nhau, khẽ thở dài. “Ông ở đây rồi lấy gì ăn?”. Chút từ nãy ngồi yên, giờ mới ngước lên hỏi ông giọng thương cảm. “Ông nuôi mấy con gà đẻ trứng, trồng luống rau, luống đậu ngoài kia, ăn chi hết” ông Thờn cười buồn. “Rồi lúc ốm đau ông kêu ai cho được?” Chút lại hỏi.

Ông Thờn ngồi yên, đầu gục xuống, rất lâu sau mới ngước lên buồn thiu: “Ông… ông cũng không biết nữa, nhưng lần nào đau ông cũng tự khỏi”. Cả bọn nhìn nhau rưng rưng. Nghe chừng con Muối đã đỡ, mặt mũi bớt tái, con Lắm đứng lên đại diện cả bọn cảm ơn ông rồi xin phép ra về. Ông Thờn đưa bọn trẻ một đoạn. Đi xa rồi thằng Mân ngoái lại còn thấy ông đứng trông theo, hai tay đưa lên bắc làm loa gọi: “Bữa nào quay lại đây chơi với ông nhen, ông ở một mình buồn lắm!”. Dọc đường về thằng Mân dặn cả bọn: “Không được kể với ai chuyện tụi mình tắm ao, chuyện gặp ông Thờn”.

* * *

Dạo này tụi con nít xóm Chân Mây đi học về không còn la cà, chúng thẳng một mạch về nhà, đứa trước đứa sau ra đồng, chui qua hàng rào bên ao. Lần nào thấy tụi nó ông Thờn cũng mừng, ông đi ra đi vô, hết luộc mấy cái trứng gà, lại đem ra chùm dâu da, rổ thù lù chẳng biết ông hái từ bao giờ, có bữa mấy củ khoai lùi trong bếp còn âm ấm. Không đứa nào còn sợ gương mặt kỳ dị của ông Thờn. Chúng bắt đầu quấn quýt ông, lần nào tới cũng vây quanh say sưa nghe ông kể chuyện.

Chiều tan học thằng Mân ba chân bốn cẳng chạy về, nó chui qua hàng rào, vô nhà không thấy ông Thờn đâu, định quay về bỗng linh tính nó ra sau vườn. Bên luống đậu vừa ra hoa, ông Thờn nằm sấp, mặt úp xuống cát. Nó hốt hoảng lay ông. Mặt mũi tái xanh, ông Thờn thều thào không ra hơi. Thằng Mân quýnh quáng, may mắn sao thằng Hậu xuất hiện, hai đứa hì hục dìu ông vào nhà. Trán ông Thờn nóng ran, ông lên cơn co giật từng hồi. Thằng Hậu nhớ mỗi lần nó sốt mẹ thường giã lá rau tần vắt lấy nước. Nó chạy về hái rau tần, dọc đường gặp chị em Chút, Chít đang thơ thẩn bắt chuồn chuồn bên mương nước. Nghe ông Thờn bị sốt, Chút nhanh nhảu vào nhà, sẵn cơm nguội trong nồi, nó cho vào nấu cháo. Chít lanh trí ra vườn hái thêm tía tô, chui vào chuồng gà lấy ra cái trứng. Nồi cháo chín, Chút đập trứng gà, xắt tía tô bỏ vô cái cà mèn. Hai đứa vội vàng đi, đến nơi đã thấy Hậu đút từng muỗng nước lá tần cho ông Thờn. Cả bọn ngồi đến chạng vạng mới về. Ra đến cửa Chút còn lo lắng quay lại dặn dò ông đủ điều. Hôm sau tan học, đến lượt tụi con Muối và thằng Đẹt chạy tới với ông. Thằng Mân ra dáng trưởng nhóm, nó phân công, cắt đặt việc cho từng đứa.

Mọi thứ sẽ chẳng có gì nếu tình cờ mẹ thằng Mân không gặp mẹ thằng Hậu ngoài chợ. Hai bà hỏi nhau sao dạo này tụi nó chẳng còn chơi banh đất, thả diều hay bẫy chim như trước, cứ đi học về là không thấy mặt mũi tăm hơi đâu. Mẹ Lắm tình cờ đi qua nghe chuyện cũng dừng lại thắc mắc sao cứ thấy tụi nó thầm thầm thì thì chui vào bếp, rồi đứa trước đứa sau đi mất…

Chiều chủ nhật cả bọn được nghỉ học, Mân hí húi thui con cá tràu trong lửa rơm, gói vào lá chuối. Ngoài ngõ tụi con Muối đã đợi sẵn, đứa trước đứa sau chạy về cuối xóm, chui qua hàng rào ao. Ông Thờn ngồi trên giường, dưới nền nhà bọn trẻ vây quanh, đứa đút cháo cho ông, đứa hì hụi gỡ cá. Ông Thờn đã khỏe hơn, sắc mặt không còn tái xanh như mấy hôm trước, rưng rưng nhìn tụi trẻ xúm xít vây quanh. Đợi ông Thờn ăn xong Lắm nhanh nhảu đem chén bát ra sau hè ngồi rửa, Chút, Chít quét lại cái nhà, Muối giặt khăn lau mặt cho ông. Cả bọn ngồi thành vòng tròn, thằng Mân bắt đầu tiết mục kể chuyện Tôn Ngộ Không cùng Đường Tăng sang Tây Trúc thỉnh kinh, cứ đến đoạn Bát Giới hay Tôn Ngộ Không thỉnh cầu Đường Tăng việc gì, nó lại đứng lên làm điệu bộ y chang, cả bọn cười lăn lộn. Câu chuyện đang hồi gay cấn, chợt ngoài hiên có tiếng chân lạo xạo, quay ra đã thấy ba thằng Mân đi vào, theo sau là ba thằng Đẹt, mẹ con Lắm.

Ông Thờn ngồi trên giường, gương mặt kỳ dị cúi xuống như người có lỗi. Mân sè sẽ lại gần ba thỏ thẻ: “Thương ông quá ba! Ba nói ông dọn nhà vô xóm mình ở đi!”. Bên kia Lắm cũng níu áo mẹ thầm thì, chẳng biết nó nói gì, chỉ thấy mẹ nó gật gật. Ba thằng Mân lúc này mới lên tiếng: “Ba với mấy cô chú trong xóm biết hết rồi, từ hôm bữa giờ thấy tụi con thầm thì rồi rủ nhau chạy về phía ao. Để lần này tính coi đưa ông vô xóm chớ ngoài này hiu quạnh quá!”.

Mân sung sướng hét lên chạy quanh nhà, Hậu, Đẹt cũng không nén được, chạy đến ôm ông Thờn. Muối và Lắm lỏn lẻn cười, rủ nhau ra sau nhà giặt cho ông Thờn bộ quần áo. Cả bọn ngồi ngoài sân, thỉnh thoảng ghé tai vô nghe ngóng ba mẹ bàn chuyện đưa ông Thờn vô xóm. Ông Thờn ngồi lặng trên chiếc giường tre, gương mặt kỳ dị chảy dài, hai hàng nước mắt chầm chậm lăn xuống gò má.

(Non nước số 308)