Khói nồng

23.02.2023
Nguyệt Chu
1. Ngày cha mất, mẹ không khóc. Tôi đưa cho phường kèn mấy đồng, bảo ông ta khóc thay mẹ. Mẹ lầm lũi sau cỗ quan tài, chiếc mũ xô gai trùm kín gần hết khuôn mặt.

Khói nồng

Một chốc, phường kèn đã khóc hết số tiền tôi đưa. Họ cũng chuẩn bị thu dọn đồ để về. Đêm rồi, còn kèn trống khóc than gì nữa.

Chẳng còn ai ở lại. Tự nhiên tôi thấy hụt hẫng. Cứ nghĩ sự ra đi của cha sẽ là sự giải thoát cho mọi người nhưng sao tôi không hề cảm thấy nhẹ nhõm. Tôi không biết mẹ nghĩ gì. Đôi mắt thâm quầng và khô cạn không nhỏ xuống một giọt nước mắt nào. Kể cả bà tôi cũng chẳng nói gì. Tất cả đều lặng lẽ, đều muốn tránh nhìn vào mắt nhau.

Có lẽ điều còn lại trong mỗi người là từng mảng ký ức ánh lên như những mảnh thủy tinh vỡ sắc nhọn và đầy sát thương, là phảng phất mùi rượu cồn sực lên cay sè nồng nã. Khuôn mặt cha đứt gãy và biến dạng sau những mảnh thủy tinh lóng lánh. Những tiếng quát tháo, chửi bới cũng nhạt dần. Đúng là rồi cái gì cũng sẽ phai nhạt theo thời gian.

Cuối cùng, cha tôi cũng đã nằm giữa cánh đồng làng. Mùa này, rau khoai lang đang ngằn ngặt xanh. Những bà vãi già mặc bộ quần áo nâu trông hệt như mấy con châu chấu ma đang tí tách nhảy điệu chèo đò, để đưa cha tôi sang sông về thế giới bên kia. Tôi không biết cha có còn lưu luyến gì ở cõi trần thế này không hay ngoan ngoãn ngồi trên con đò chở linh hồn qua sông Mê, bến Lú, uống canh Mạnh Bà để quên hết thảy mọi điều ở dương gian. Sướng khổ, buồn vui, giờ tất cả chẳng còn là gì, đã tan biến theo tiếng chèo đò mê man của những bà vãi già rồi hóa thành hư ảnh.

Mà tôi thì vẫn mải miết đong đếm những sướng khổ, buồn vui.

2. Ngày đó, lần đầu tiên cha đưa tôi lên thành phố, nhập bọn cùng đám thợ xây. Mẹ ngăn, bảo cho tôi ở nhà còn học hành. Cha gạt đi, học hành tốn tiền rồi cũng nên cơm cháo gì đâu. Mẹ khóc. Cha bảo, đàn ông đàn ang phải xông pha, sao có thể ru rú mãi ở cái xó làng được chứ?

Thế là tôi xông pha như lời cha nói, cùng cánh thợ xây lang bạt theo các công trình.

Tôi về thăm mẹ. Đưa cho mẹ mấy đồng tiền rồi khoe công làm thợ phụ. Mẹ cầm bàn tay tôi lên, xoa xoa rồi khóc. Tôi lau nước mắt cho mẹ, bảo, ngoài nhặt gạch, quay tời, xách vữa thì giờ đã biết đánh vữa rồi, chả khác gì mẹ nhào bột làm bánh. Đặc không được mà loãng cũng không được. Cũng phải nêm nếm đủ vị cho vừa vặn. Mẹ cốc đầu tôi, cười, cha bố anh, lại còn biết so sánh thế. Rồi mẹ dúi những đồng tiền tôi vừa đưa vào trong cái túi áo xanh bạc phếch của tôi. Cầm lấy, lên đó nhiều thứ cần chi tiêu. Mẹ và bà ở nhà không thiếu.

Tôi nhất định không cầm lại số tiền ấy. Tôi bảo mẹ, cứ đà này, chả mấy chốc mà tôi được lên thợ chính, lúc ấy thì tha hồ tiền, mẹ tiêu không phải nghĩ.

“Ừ, đến lúc đó hẵng hay, như cha mày, bao năm làm thợ chính…”. Mẹ nói rồi bất ngờ ngừng lại. Cha tôi quay mặt đi, coi như không nghe thấy gì. Ông vớ lấy cái điếu cày rít một hơi thật dài, khói trắng bay lên... Rồi ho sằng sặc. Lòng tôi băn khoăn. Đáng lẽ cha tôi phải mang về cho mẹ nhiều tiền, vậy mà bao nhiêu năm nay, nhà tôi vẫn khổ.

Bỗng có tiếng ồn ào ngoài cổng, con chó Mực sủa nhặng lên. Mẹ bảo, chắc là đến giờ bọn bạn cùng lứa với tôi đi học về. Thằng Rơm, thằng Mít, thằng Chấu, cả cái Na hàng xóm nữa, chúng nó vẫn cố gắng đến trường mặc dù nhà ai cũng nghèo khó cả. Nghe đâu, năm sau thi hết cấp ba rồi. Chỉ có tôi bỏ học đi làm. Thấy bóng cái Na lướt qua bờ giậu đi vào nhà, tôi vội quay mặt đi.

Hai cha con tôi ăn với bà và mẹ bữa cơm tối rồi sớm hôm sau lại lên đường. Chúng tôi đi khi mặt trời chưa ló rạng. Con Mực nằm ườn ở cổng, hít hà sương sớm. Tôi bước nhanh qua bờ giậu. Vuốt vuốt tà áo thì thấy cộm trong túi, luồn tay sờ vào mới biết là những đồng tiền tôi đưa cho mẹ chiều qua.

3. Công trường nhốn nháo bởi đám thợ xây tứ xứ. Dần dần chúng tôi được nhận những công trình lớn hơn và quân số cũng đông hơn. Tôi đã trở thành thợ chính, lại bắt đầu đi lượm lặt mấy thằng nhóc choai choai thèm tiền về làm thợ phụ. Có khi, tôi và cha được điều đi những công trình ở xa nhau, cỡ đến ngót trăm cây số. Hai cha con có lúc cả tháng không gặp mặt.

Một bữa, khi vừa nghỉ tay, tôi ngỡ ngàng thấy Na đến tìm tôi. Mấy năm không gặp, Na ùa đến trước mắt tôi với vẻ đẹp trong trẻo và thánh thiện. Hai bím tóc tết gọn gàng lúc lắc trên đầu ngộ nghĩnh. Na vẫy gọi tôi, vẫn hồn nhiên như ngày nào nhưng bỗng nhiên tôi cúi mặt. Bất đắc dĩ, tôi kéo Na ngồi xuống một góc. Tôi ngượng ngùng chẳng biết nói chi. Mấy lão thợ kéo nhau ra dòm ngó. Bấy lâu nay, làm gì có đứa con gái nào đặt chân đến đây, trừ mấy ả bán hoa ế khách. Thế là những tiếng bàn tán ngày một rôm rả: “Thằng Sâm vớ được em gái quê ngon thế! Sao giấu kỹ vậy?”. Na nhíu mày khó chịu. Tức thì cả tràng cười rộ lên. Tôi hét lớn: “Các người im ngay!”. Thằng Dụ tiến lên phía trước, hất hàm đầy thách thức: “Bố mày không im đấy, mày làm gì được?”. Tôi ba máu sáu cơn giơ nắm tay đấm thẳng vào mặt nó. Nó nhổ bãi nước bọt xuống đất đánh toẹt một cái, liếm môi rồi thụi cho tôi một cú vào bụng đau điếng. Tôi lảo đảo lùi lại. Na sợ hãi hét lên. Tôi giục Na về đi. Khuôn mặt Na trắng bệch, toàn thân run rẩy. Tôi đẩy vai Na, gắt, về đi.

Tôi nhìn theo bóng Na xa khuất, để đảm bảo rằng Na vẫn còn an toàn trong tầm mắt tôi. Rồi quay lại chỗ thằng Dụ, tôi lao vào đánh nó như điên dại. Tôi cũng không hiểu vì sao mình lại có thể giận dữ đến nhường ấy. Có phải chỉ vì những lời đùa cợt nhả? Hay là bao nhiêu uất ức, bao nỗi chán chường chất chứa trong lòng, giờ có cái cớ để mà bung ra.

Kết quả của trận ẩu đả là cả tôi và thằng Dụ đều mặt mày bầm dập, thâm tím. Hôm sau, chủ thầu chuyển tôi sang công trình khác, nơi cha tôi đang làm việc. Lúc tôi đi, thằng Dụ vẫn nhìn tôi hằn học. Nhưng tôi chẳng có cảm giác gì. Như kiểu hôm qua tôi vừa đánh nhau thừa sống thiếu chết với ai chứ không phải với nó.

Tôi chỉ hơi băn khoăn về Na. Liệu rằng Na có đến đây tìm tôi nữa hay không? Tôi cũng chẳng biết Na ở nơi nào. Chỉ biết đang học ở thành phố này. Mà thành phố thì rộng lắm…

4. Tôi không biết cha tôi nát rượu từ bao giờ. Khi tôi đến đây thì đã thấy bữa nào ông cũng phải có một cút rượu để đưa cơm. Lúc đã ngà ngà say, ông lại loạng choạng tìm ra đường lớn để đổi gió. Tôi chạy theo, kéo cha về. Cha hất tay tôi ra, chỉ thẳng vào mặt tôi mà chửi. Tôi nhìn cha, xót mẹ ở nhà.

Điều tôi không ngờ đến là cha thua lô đề mất mấy chục triệu đồng, bị bọn đầu gấu tìm đến tận lán đánh cho một trận tơi bời. Nó chặt một ngón tay của cha, bảo hạn trong ba ngày, phải trả được tiền, cả gốc lẫn lãi, nếu không thì khó lòng mà sống. Tôi cuống cuồng gom góp số tiền dành dụm, còn gọi về nhà, dối mẹ là cần tiền làm ăn để nhờ mẹ bán gấp con trâu. Trả xong tiền, trắng tay. Tôi không buồn nhìn mặt cha. Ông cũng tránh giáp mặt tôi. Nhưng cái mùi rượu cồn mỗi khi ông đi qua vẫn sực lên nồng nã và chói gắt.

Giờ thì cha tôi không còn uống rượu pha cồn. Mẹ vẫn cúng cho cha rượu được chưng cất từ lúa nếp ngon. Tôi bảo, cha chết rồi mà mẹ vẫn chiều, thế chẳng phải là làm hư cha sao? Mẹ không đáp. Chẳng lẽ đó là cái nghĩa tử nghĩa tận như người ta thường nói. Lòng tôi không được bao dung như mẹ. Tôi nhìn thấy trong rượu mầm mống của tội ác và hận thù. Giá như không say rượu, cha tôi đã không bị ngã giàn giáo đến nỗi liệt cả hai chân. Vậy mà, khi về quê với một thân thể tật nguyền, cha vẫn hành hạ mẹ bằng những cơn khát rượu.

Tôi nhớ những mảnh thủy tinh sắc lạnh vương vãi khắp nền nhà mỗi khi tôi về quê thăm mẹ. Còn đó loang loáng vài vệt máu đã khô.

5. Xong ba ngày của cha, mẹ bảo tôi ở lại vài hôm. Tôi lắc đầu, bảo bận.

Ngày cưới Na, tôi cũng không về. Tôi đưa mẹ phong bì tiền mừng cho Na, nhờ mẹ gửi hộ. Mẹ nói những câu chuyện gì đó về Na, chồng Na, rồi lại về thằng Rơm, thằng Mít, thằng Chấu. Tôi nghe loáng thoáng, câu được câu chăng. Hình như chúng bây giờ đều thành đạt cả. Hình như lần nào chúng về cũng tìm tôi mà không gặp. Còn nhiều điều hình như nữa, tôi cũng không dám chắc.

Tôi quay mặt đi. Rồi thất thểu trên con đường đê tràn ngập gió. Cỏ may cuối chiều xao xác, găm vào lòng tôi buốt nhói. Xuyến chi đã tàn, chỉ còn những đài hoa kết thành gai nhọn tua tủa như những mũi lao chực đâm nát hoàng hôn. Cánh đồng úp mặt vào đất nâu sần. Bàn chân nứt nẻ của mẹ đã tóe máu biết bao lần trong những buổi chiều khô hanh khi giẫm lên những gốc rạ sắc như những đường dao. Xôn xao trong gió chiều là những tiếng cười đùa râm ran của đám trẻ chăn trâu. Mùi khói từ những đống lá khô đang đốt dở sực lên cay nồng khiến mắt tôi nhòe đi. Tôi thấy thằng Rơm, thằng Mít, thằng Chấu và cái Na đang líu ríu tranh nhau miếng khoai đượm khói.

Tôi xốc lại ba lô rồi bước tiếp. Bỏ lại sau lưng vị khói nồng.

 (QNO)