Đà Nẵng – đất “Đồng Long”

11.07.2021
    Lê Duy Anh
Khi nói đến "Đồng Long" chính Minh quân Lê Thánh Tông đã sáng tác thơ ngợi ca được chép tại sách Thiên Nam dư hạ tập:

Đà Nẵng – đất “Đồng Long”

              "Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt.
              Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền".
              (Trăng canh ba tại xứ Đồng Long tĩnh mịch
              Trống canh năm từ thuyền Lộ Hạc vọng lại)

Đối với vùng đất Đà Nẵng thì hơn năm trăm năm về trước, chính Minh quân Lê Thánh Tông, bằng tấm nhìn sâu rộng, đã gọi Đà Nẵng là Đồng Long, tức là xứ của những con rồng (Đà Nẵng ngày nay đã tỏ rõ hiện thực), bao gồm: Ô Long, có ngữ nghĩa là "rồng đen", hàm nghĩa "tiềm lực kinh tế lớn", được vua Minh Mạng cho khắc vào Chương đỉnh, một trong Cửu đỉnh trí tự tại Thế miếu cố đô Huế. Hiện nay Ô Long là Hải cảng Quốc tế Tiên Sa; Bên bờ hữu ngạn sông Hàn được gọi là Nam Long, đầu rồng ngước lên tại Phố cổ Hội An, mười cánh đuôi rồng gồm 10 bãi biển nằm theo ven triền núi Sơn Trà từ tây sang đông; Bên bờ tả ngàn sông Hàn được gọi là Loan Long, ngữ nghĩa là con rồng mái và chính nó đã khai sinh nội thành của thành phố Đà Nẵng, bao gồm các quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu và Cẩm Lệ ngày nay. Vươn xa hơn nữa là di sản nhân loại thế giới Mỹ Sơn, thành phố Tam Kỳ, tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam, đến khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), rồi đến Khu công nghiệp hóa dầu Dung Quất thuộc tỉnh Quảng Ngãi.

Khi nói đến "Đồng Long" chính Minh quân Lê Thánh Tông đã sáng tác thơ ngợi ca được chép tại sách Thiên Nam dư hạ tập:

              "Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt.

              Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền".

              (Trăng canh ba tại xứ Đồng Long tĩnh mịch

              Trống canh năm từ thuyền Lộ Hạc vọng lại)

Đà Nẵng được thiên nhiên ưu đãi với những bãi biển đẹp, được xếp vào một trong sáu bãi biển đẹp nhất của hành tinh. Đà Nẵng còn được thiên nhiên ưu đãi với những danh thắng Sơn Trà, Bà Nà, Hải Vân và Ngũ Hành Sơn. Dựa trên cơ sở tiềm lực được thiên nhiên ưu đãi cảnh quan tuyệt vời và môi trường trong lành. Các nhà lãnh đạo Đà Nẵng đã có tầm nhìn chiến lược qua định hướng đúng đắn, là chọn khai thác tiềm năng du lịch làm mũi nhọn hàng đầu làm động lực phát triển giàu mạnh, được trợ lực bởi nhà ga đường sắt Bắc - Nam, thương cảng (hải cảng) và sân bay Quốc tế, cùng cầu, đường khá qui mô hoàn chỉnh. Do đó, Đà Nẵng thực sự đã trở thành thành phố hai năm liền dẫn đầu trong 64 tỉnh thành của cả nước về thu nhập kinh tế quốc dân.

Nói về núi Tiên Sa sau đổi là Trà Sơn hay Sơn Trà:

              Tiên Sa núi  ấy cách giang Đông

              Thân khi mây phủ  thuyền neo đậu

              Khí  tợ lôi oanh Đỗ Vũ hồn

              Bao thuở  truyền kỳ Tiên Sa Phật hiện.

Núi nằm về phía Đông Bắc của thành phố Đà Nẵng. Hay nói cách khác, núi này nằm về phía cuối hữu ngạn sông Hàn. Từ thế kỷ 15 trở về trước, núi là một hải đảo, trải qua nhiều thế kỷ, triền Nam của núi được gắn liền với lục địa, nên núi trở thành bán đảo. Núi có nhiều cánh ràng xanh tốt bao phủ trên những ngọn đồi cao từ 200 đến 500 mét so với mặt (mực) nước biển, tạo cảnh trí thiên nhiên hùng vĩ, rất đẹp và thơ mộng, nên người đời ngợi ca là danh thắng và được công nhận là "rừng cấm quốc gia Sơn Trà". Núi từng đi vào huyền thoại Tiên Sa giáng trần đánh cờ trên bãi đá Bàn Cờ, Tiên Nữ tắm mình trên bãi biển Tiên Sa, Phật thị hiện nơi Bãi Bụt.

Nằm về triền núi Đông Nam của bán đảo Sơn Trà, có một bãi biển đẹp rộng khoảng 5 ha, nước nông, quanh năm trải qua bao đời nay không hề có sóng lớn, rất thuận tiện cho du khách bơi thuyền dã ngoại, tắm biển, phơi mình trên bãi cát sạch, lặn săn bắt hải thuỷ sản, làm nơi nghỉ dưỡng lý tưởng bởi khí hậu mát mẻ. Nối liền với bãi biển là một ngọn đồi thoai thoải, rộng mênh mông, trên độ cao gần 200 mét. Bãi biển và đồi núi này từng được truyền tụng là vùng đất linh thiêng, từng đi vào huyền thoại đất Phật thị hiện, từ đó có danh xưng là "Bãi Bụt".

    Phát xuất từ cảnh đẹp lý tưởng, không khí mát mẻ, môi trường trong lành gắn cùng huyền thoại thiêng liêng cõi Phật. Bởi vậy, ngày nay tại Bãi Bụt dưới bãi đã sớm hình thành khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp. Trên ngọn đồi, tại khu đất rộng mênh mông, nơi đây được kiến tạo tượng Phật Quán Thế Âm khá bề thế uy nghi. Cùng với tượng Phật Quán Thế Âm sừng sững lộ thiên, lại có một ngôi chùa được xây dựng rất quy mô hoành tráng, khá đẹp và hài hoà theo phong cách Phật giáo Á Đông, được mang tên là chùa "Linh Ứng III". Chùa Linh Ứng III, cùng với Chùa Linh Ứng I tại Ngũ Hành Sơn và chùa Linh Ứng II tại Bà Nà, trở thành một trục tam giác đối xứng để bảo bọc cho Đà Nẵng vững bền vươn lên, vươn xa, thu hút du khách trong và ngoài nước mỗi ngày một tấp nập đến với Đà Nẵng. Có thể nói trong niềm tự hào rằng, chùa Linh Ứng III cùng với tượng Phật Quan Thế Âm là một quần thể qui mô to đẹp hiếm có trong nước, sánh vai cùng các công trình chùa chiền đồ sộ của các nước Đông Nam Á. Và cũng là thể hiện đỉnh cao của thời kỳ phát triển Phật giáo trên đất nước Việt Nam và thành phố Đà Nẵng nói riêng. Chùa chiền và tượng đài Bồ Tát, Quan Thế Âm không chỉ đẹp về kỹ mỹ thuật lồng trong cảnh giới tâm linh mầu nhiệm, lại hài hoà với thiên nhiên sơn thuỷ hữu tình trong cái không gian bao la huyền bí huyền thoại, đã để lại cái ấn tượng lâng lâng sâu lắng khó quên cho mọi người mỗi khi có dịp đến đây vãng cảnh. Chính vì sự hấp dẫn tâm hồn có lực của Bãi Bụt - Đất Phật đó, mà hàng năm có đến hàng triệu lượt người du khách trong nước và ngoài nước đến đây chiêm bái.

Vị trí Bãi Bụt - Đất Phật nằm cách nội thành Đà Nẵng khoảng 7 - 8 cây số, rất thuận tiện cho việc đi lại tham quan. Nếu là hải trình có thể đi từ Cù Lao Chàm, Khu sinh quyển thế giới, đi bằng tàu thuyền thẳng về hướng Bắc, cập bến Bãi Bụt. Nếu đi đường bộ từ Cố đô Huế, di sản của nhân loại thế giới, qua đường hầm đèo Hải Vân, tiến vào thành phố Đà Nẵng, rẽ theo tuyến đường Nguyễn Tất Thành, qua cầu Thuận Phước, nhằm hướng Đông dọc theo tuyến đường ven triền Nam Sơn Trà, thì sẽ đến Bãi Bụt. Còn như nếu du khách sau khi tham quan Thánh địa Mỹ Sơn, khu di sản nhân loại thế giới, hướng về thành phố Đà Nẵng, qua cầu Tuyên Sơn (Tiên Sơn), rẽ theo tuyến đường Ngũ Hành Sơn và tuyến đường Ngô Quyền sẽ đến Bãi Bụt. Du khách sau khi tham quan thành phố cổ kính Hội An, di sản nhân loại của thế giới, có thể theo tuyến đường ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc tức các tuyến đường Trường Sa và Hoàng Sa, cũng sẽ đến được Bãi Bụt. Còn như du khách sau khi tham quan Bảo tàng Chăm (Cổ Viện Chàm) tại nội thành của thành phố Đà Nẵng, có thể theo tuyến đường Bạch Đằng, qua cầu quay sông Hàn, rồi rẽ về hướng Bắc theo tuyến đường Ngô Quyền, hoặc thẳng theo tuyến đường Phạm Văn Đồng, rẽ hướng Bắc theo đường Hoàng Sa, cũng sẽ đến ngay Bãi Bụt.

Bởi cảnh trí mầu nhiệm non xanh, nước biếc, chùa chiền, tượng đài nguy nga tráng lệ của Bãi Bụt, đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng dân địa phương Sơn Trà bằng câu dân ca mộc mạc:

              Ai về Đà Nẵng quê ta

              Tham quan Bãi Bụt - Tiên Sa đất lành

              Từ đời ông đến đời cha

              Huyền thoại đất Phật vẫn là tâm linh

              Nơi đây vùng đất trữ tình

              Tiếng chuông Linh Ứng lòng mình thảnh thơi

              Đà Nẵng phát triển dựng xây

              Bãi Bụt - Đất Phật chùa đây huy hoàng.

Mong rằng, ai ai trong chúng ta thử một lần đến tham quan Bãi Bụt, sẽ cảm nhận được cái gì đó của hồn thiêng sông núi khó quên và khó tả. Chúng ta đến Bãi Bụt không chỉ hướng về cõi Phật, chiêm ngưỡng tượng đài, chùa chiền, thả hồn theo tiếng chuông ngân nga của "Linh Ứng tự"... mà là còn để chứng kiến sự đổi mới của đất nước của thời kinh tế mở hội nhập và phát triển, để chứng kiến định hướng đúng đắn của thành phố Đà Nẵng trong nỗ lực kiến tạo thành phố xanh, sạch, đẹp, không khói bụi, rác rưỡi, chất thải hoá học gây ô nhiễm môi trường sinh thái. Và cũng để chứng kiến thành phố trẻ Đà Nẵng đã và đang vươn lên bằng nội lực và sức sống mới mãnh liệt, bằng sự đổi thay từng ngày, từng năm tháng trong lợi thế khai thác tiềm năng du lịch, phát triển tiềm lực kinh tế dồi dào.

Đà Nẵng với những cây cầu hiện đại bắc ngang sông Hàn; Những xóm nhà ổ chuột và những xóm nhà chồ ven sông Hàn, được xoá bỏ, thay vào đó là những nhà chung cư cao tầng, những ngôi biệt thự nguy nga sang trọng. Những xóm nhà rách nát xiêu vẹo dọc ven các bãi biển đều xoá bỏ, thay vào đó là những khu nghỉ dưỡng, những nhà hàng khang trang, những khách sạn cao cấp hạng từ 4 đến 5 sao, từng là nơi được chọn tổ chức hội họp của những đoàn khách hữu nghị quốc tế và các nước trong hiệp hội Đông Nam Á và khu vực Á Châu. Những giáo đường, những chùa chiền, những đình làng, những từ đường... được chỉnh trang huy hoàng hơn trước. Đó là hiện thực những gì mà thành phố Đà Nẵng đã làm và đang làm hướng tới tương lai.

                                                                                                                                 LDA