Đa sắc thơ Phan Vũ với “Ta còn em”

27.04.2018

Đa sắc thơ Phan Vũ với “Ta còn em”

Lâu nay, hẳn nhiều người chỉ biết Phan Vũ qua “Em ơi! Hà Nội phố” do Phú Quang phổ nhạc. Nhưng trong bản trường ca đó còn nhiều câu thơ hay. Và một Phan Vũ cao niên, đa tài, đa sắc, đã được hiện hữu trong “Ta còn em” vừa ra mắt bạn đọc.  

Phan Vũ tên thật là Trần Hồng Hải, sinh năm 1926 tại Hải Phòng. Ở tuổi 20, ông đi bộ đội, làm công tác văn nghệ tại vùngNam Bộ. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, làm việc ở Xưởng Phim truyện Việt Nam tại Hà Nội, đồng thời làm báo.

Ông là tác giả các kịch bản: “Lửa cháy lên rồi” (Giải nhì Hội Văn nghệ Việt Nam, 1955), “Hà Nội”, “Thanh gươm và bà mẹ”, “Dòng sông âm vang”, “Ngọn lửa thành đồng”; Thơ: “Phan Vũ thơ” (NXB Văn học, 2008) và đạo diễn các phim truyện: “Bí mật thành phố cấm”, “Như một huyền thoại”. Sau ngày đất nước thống nhất, Phan Vũ làm việc tại Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh. Từ đầu thập kỷ 1990, ông chủ yếu vẽ tranh.


Số phận của trường ca này khá kỳ lạ: Phan Vũ viết xong, nhưng không được xuất bản. Tới năm 1985, tại Sài Gòn, ông gặp và đưa nhạc sĩ Phú Quang đọc bài thơ này. Tâm hồn đồng điệu giữa thi sĩ và nhạc sĩ đã kiến tạo nên một tuyệt phẩm âm nhạc để đời “Em ơi! Hà Nội phố”, sau khi phát trên sóng phát thanh, đã được nhiều người yêu thích, đồng thời thơ Phan Vũ được biết đến rộng hơn.Phan Vũ viết trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” trên một căn gác nhỏ ở phố Hàng Bún. Ông kể: “Tháng Chạp năm 1972, khi B-52 của Mỹ bắn phá Thủ đô với lời hăm he “đưa Hà Nội trở lại thời kỳ đồ đá”, tôi khởi viết: Em ơi! Hà Nội phố... Ta còn em, mùi hoàng lan, ta còn em, mùi hoa sữa... Điệp từ Ta còn em... được lặp lại trong từng đoạn của bài thơ. Ta còn em... là còn những hoài niệm yêu thương của tôi về Hà Nội mà đôi lần khi trong trạng thái cần nương tựa, an ủi, tôi lại tìm về”.

Trong “Ta còn em” do Nhã Nam ấn hành lần này, gồm 2 phần: Ngoài phần trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” là phần thơ 32bài sáng tác qua nhiều năm, trong đó, một số bài công bố lần đầu. Qua đó, bạn đọc sẽ cảm nhận thấy thơ Phan Vũ giàu tính tự sự, mạnh về hình ảnh và cảm xúc, giản dị, mà rung động lòng người.

Theo biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy - người đã gọi Phan Vũ là một "lãng tử rực rỡ cuồng si": Thơ Phan Vũ có một vẻ đẹp riêng. Nhưng nếu chỉ biết đến bản trường ca của Phan Vũ qua bài hát của Phú Quang thì thật là một thiếu sót lớn. Bởi bản trường ca ấy có những câu thơ tuyệt bút: “Ta còn em ngày vui cũ/Tàn theo mùa hạ/Tiếng ghi ta/Bập bùng tự sự/Đêm kinh kỳ/Thuở ấy/ Xanh lơ”; có những hình ảnh đẹp đến thắt lòng - “năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương”, “ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhỏ”, “mỗi góc phố một trang tình sử”; có những xúc cảm chạm đến cõi lòng thăm thẳm:

"Ta còn em Cổ Ngư, tên thật cũ
Nắng chiều phai
La đà cành phượng vĩ
Bông hoa muộn in hình ngọn lửa…
Chiếc lá rụng 
Khởi đầu nguồn gió
Lao xao sóng biếc Tây Hồ
Hoàng hôn xa đến tự bao giờ?
Những bước chân tìm nhau
Vồi vội
Tiếng thì thầm đến sớm hơn buổi tối
Cuộc tình hờ bỗng chốc nghiêm trang…".

Điểm độc đáo nữa của Phan Vũ là ông làm thơ với tư duy hội họa: “Em ơi! Hà Nội phố” là bức tranh lớn về Hà Nội, với nhiều mảnh ghép, đồng hiện nhiều hình ảnh, nhiều cảm xúc, với không gian đa chiều - quá khứ và hiện tại, ngoại cảnh và nội tâm, với bảng màu rực rỡ.

“Em ơi! Hà Nội phố” đã vẽ nên một Hà Nội rộng lớn mà sâu thẳm, bi tráng mà dịu dàng, và gợi lên một nỗi niềm thiết tha không dứt. Phan Vũ chỉ sống ở Hà Nội vài năm, nhưng chỉ một bài này thôi, cũng đã khiến Phan Vũ mãi mãi trở thành nhà thơ của Hà Nội.

Lê Quang Vinh
(laodongthudo.vn)