“Đậm nhạt một góc đời” – như một thước phim chân thật về cuộc đời làm cách mạng

25.08.2021
Thái Bình
Tập sách “Đậm nhạt một góc đời” của tác giả Thủy Anh với nhiều thể loại truyện kí, kí, tùy bút, tản văn… và đặt biệt hơn là phần tự truyện, tác giả đã cho ta cái nhìn về chiến tranh một cách rõ nét và chân thật nhất. Không sử dụng ngôn từ hoa mĩ, câu văn không trau chuốt điệu đà, nhưng bằng thứ ngôn ngữ mộc mạc và giản dị nhất, tác giả đã kể lại câu chuyện cuộc đời mình, kể lại những ngày mình được hòa chung một dòng máu với cách mạng.

“Đậm nhạt một góc đời” – như một thước phim chân thật về cuộc đời làm cách mạng

Chiến tranh là kẻ thù lớn của nhân loại nói chung và của Việt Nam nói riêng. Nó đã hủy hoại biết bao nhiêu nền văn hóa, kinh tế, nó là khởi nguồn của mọi đau thương. Bao nhiêu con người đã bị chôn vùi trong bom đạn chiến tranh cùng với tuổi trẻ và ước mơ của họ, những bà mẹ nén đau thương nhìn con mình ra đi để làm nhiệm vụ thiêng liêng là bảo vệ tổ quốc dù biết rằng con có thể hi sinh trên chiến trường bất cứ lúc nào.

Chiến tranh tàn khốc và dữ dội. Chiến tranh đầy mùi máu tanh và thuốc súng. Nó gợi lên trong suy nghĩ mỗi con người sự hoang tàn, cằn cỗi cùng hơi thở dài bất lực của bao nhiêu con người mang trong mình sự tuyệt vọng trong thời loạn lạc ấy. Nhưng trong mỗi bức tranh sẽ có những điểm tối và những điểm sáng và điểm sáng trong bức tranh tàn khốc này là hình ảnh của con người, những con người yêu nước dám bước ra chiến trường, những con người dám hy sinh mạng sống và tuổi trẻ của mình.

Tôi càng thêm thấm thía điều này khi được đọc tập sách “Đậm nhạt một góc đời” của tác giả Thủy Anh. Bằng nhiều mẫu truyện dài ngắn khác nhau được viết với nhiều thể loại truyện kí, kí, tùy bút, tản văn… và đặt biệt hơn là phần tự truyện, tác giả đã cho ta cái nhìn về chiến tranh một cách rõ nét và chân thật nhất. Không sử dụng ngôn từ hoa mĩ, câu văn không trau chuốt điệu đà, nhưng bằng thứ ngôn ngữ mộc mạc và giản dị nhất, tác giả đã kể lại câu chuyện cuộc đời mình, kể lại những ngày mình được hòa chung một dòng máu với cách mạng.

Trong “Đậm nhạt một góc đời” tác giả Thủy Anh đã đưa ta trở về với những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ngụy đầy khốc liệt. Những trận mưa bom, bão đạn, những lần hành quân trên chiến trường đầy nguy hiểm, hay khi bị quân địch tập kích bất ngờ trong những lần làm nhiệm vụ hiện ra trước mắt một cách sinh động và chân thật. Qua đó, ta thấy rằng những con người ấy quả là những người anh hùng, bao lần dù phải trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” họ vẫn bình tĩnh mà vượt qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao mà chưa một lần nhục chí. Để có thể làm được như vậy ngoài tình yêu với cách mạng họ phải là một người có tinh thần thép và dám hy sinh.

Nổi bật trong tự truyện là hình ảnh những con người không tiếc mạng sống để hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt là những con người trẻ hy sinh làm cách mạng. Đối với mỗi con người tuổi trẻ là giai đoạn đáng quý nhất, ấy thế mà những con người trẻ trong “Đậm nhạt một góc đời” lại khác. Họ xin được tham gia cách mạng, mong muốn được ra chiến trận để đóng góp một phần nhỏ công lao của mình trong công cuộc đấu tranh chống Mỹ Ngụy mà không màn những hiểm nguy có thể ập đến với mình. Lan Hoa cùng em trai Phạm Thông của mình xin được thoát li làm cách mạng khi chỉ mới 14,15 tuổi, trước đó cô đã được giao những nhiệm vụ nhỏ như rải truyền đơn, giác ngộ cách mạng những đối tượng trong nhà trường. Chị Trần Thị Minh Trung mới 20 tuổi đầu đã được năm năm tuổi quân cùng nhiều những nhân vật khác cũng tham gia cách mạng từ rất sớm. Thật đáng khâm phục thay.

Tác giả Thủy Anh còn khắc họa rất chân thực hình ảnh chiến trường tàn khốc, những trận rà soát rồi nã đạn của địch, cả những lần làm nhiệm vụ đầy gian nan và nguy hiểm của đoàn quân chúng ta, tất cả như một thước phim sinh động hiện lên theo từng con chữ. Đặc biệt là nhân vật tôi – Lan Hoa, nhiều lần bị lâm vào tình thế nguy hiểm, nhưng nhờ sự nhanh nhẹn ứng biến của chính mình và đôi khi là sự giúp đỡ của những người dân nên cô may mắn thoát chết. Song không phải ai cũng may mắn được như thế. Trên chiến trường, con người là cái hữu hạn giữa bom, đạn vô tình, vì thế có người đã hi sinh, người bị thương nặng, người mang thương tích mãi về sau. Liệt sĩ Phạm Em hay theo cách gọi của tác giả là anh Lân, trong một lần bám địch đã bị bắn chết tại chổ. Chị Trần Thị Minh Trung sau ba lần bị thương nặng vẫn tham gia chiến đấu và đem lại rất nhiều thành quả cho cách mạng. Nhân vật tôi cùng những đồng chí của mình đều đã biết ngoài chiến trường kia là nguy hiểm nhưng họ vẫn không ngại ngần xông pha để hoàn thành nhiệm vụ, không đùn đẩy trách nhiệm cho nhau hay than vãn oán trách. Họ như một tấm gương về tinh thần trách nhiệm mà chúng ta cần phải học hỏi theo.

Cuộc sống nơi rừng núi thiếu thốn nhiều thứ về vật chất: lương thực bữa no, bữa thiếu, ngày ba bữa thì ít, hai bữa thì nhiều, nhiều hôm toàn cơ quan phải ăn khoai, sắn, chóc dành ít gạo duy nhất còn lại để mấy anh hậu cần đem đi phục vụ thủ trưởng. Cảnh ăn khoai, sắn chế biến thành đủ món kéo dài đến mức có người nữa đùa nữa thật “ ước gì được ăn no một bữa với cơm không ” [1]. Mặc dù trong hoàn cảnh như thế nhưng mọi người ai cũng lạc quan và vui vẻ, trong một lần bị địch dọ đường ai cũng hoảng sợ bỏ chạy về hầm trú ẩn, nhưng vẫn có cô nhân viên đánh máy bê một rổ củ chóc nặng ịch vẫn còn cười đùa “ Chết cũng phải no chứ lị” [1] Cũng có nhiều tình huống dở khóc dở cười xảy ra trong cảnh thiếu thốn ấy, việc lén về nhà lấy mắm trong lúc làm nhiệm vụ chuyển thuốc về trạm xá là một điển hình. Nhưng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào tinh thần của họ vẫn được giữ vững, họ thiếu thốn về cái ăn, cái mặc nhưng họ vẫn biết sẽ chia, đùm bọc nhau, họ giấu cảnh ăn uống tạm bợ của mình vì sợ cấp trên biết được sẽ lo lắng, họ chấp nhận thiệt thòi cho mình chỉ mong việc lớn, việc nước sẽ chóng thành.

“Đậm nhạt một góc đời” đâu chỉ có những giây phút căng thẳng với bom đạn, đâu chỉ có những khoảnh khắc cắt lòng khi một ai đó bị thương, mà còn có những ngọt ngào, lãng mạn của tình yêu đôi lứa. Chị Khiêm có tiếng hoa khôi của trạm xá Bắc Tam Kỳ nên được ông Hoàng Nam đặt cách lấy thuốc và cho lương thực. Có thể vì sự hoạt bát và thông minh của mình mà Lan Hoa được khá nhiều đàn anh yêu mến và có cảm tình, nhưng hầu như đều không thành. Ấn tượng nhất trong đó vẫn là “anh thương binh một cánh tay” đã vội chia xa và “NQN” người trải qua gần 3 năm mới thành đôi với Lan Hoa. Những con người xa lạ, họ có duyên gặp nhau trong hành trình cuộc đời mình, có người vì ở cạnh nhau lâu dần mà nảy sinh tình cảm, có người chỉ cần một khoảnh khắc nào đó đã chớm rung động với đối phương, nhưng không cần biết ra sao thì đó vẫn là những tình cảm đẹp và đáng được trân trọng. Họ có thể đến được với nhau hoặc không, nhưng những tình cảm họ đã cho và nhận đều là chân thật nhất và cũng có thể những điều ấy phần nào đó nó giúp những người anh hùng xoa dịu bớt nổi đau và sự tàn khốc mà mình nhận được từ chiến tranh, máu, lửa.

Trong hơn một trăm trang của tự truyện, ta không chỉ được biết thêm về những trải nghiệm chinh chiến của tác giả mà còn được hưởng thụ tâm hồn thi ca của bà qua rất nhiều những bài thơ tự làm. Hầu như mỗi bài thơ đều được tác giả viết gắn liền với một kỷ niệm nào đó trong cuộc đời mình, có thể là về một mối tình dở dang, cũng có thể đó là một niềm cảm xúc dạt dào dâng lên khi nhớ về một người đã khuất, được tác giả trân trọng, như bài thơ viết về người thầy Nguyễn Hiến “Bất tử một màu hoa” hay “Mưa xuân” viết để tiếc thương liệt sĩ Lê Đinh. Những bài thơ tuy được lồng ghép trong những dòng kể một cách vô tình thôi nhưng đã làm cho tự truyện trở nên nhẹ nhàng hơn, thu hút và dễ đi vào lòng người hơn.

Qua những lời kể chân thật của tác giả trong “Đậm nhạt một góc đời”, tôi thêm hiểu về cuộc sống thời chinh chiến, thêm yêu quý và hâm mộ những con người có thể hy sinh tuổi trẻ và không tiếc mạng sống của mình để đem lại tự do dân tộc. Nếu hỏi “họ có sợ không?” thì câu trả lời chắc chắn là “có”. Ai mà không có những nổi sợ cho riêng mình: sợ một mình, sợ tối, sợ máu, sợ thú dữ trên đường hành quân trong rừng, nhưng động lực nào để họ có thể vượt qua những nổi sợ đó? Tôi may mắn được nghe những giải bày của tác giả Thủy Anh trong một lần gặp mặt, cô nói rằng “ Sợ gì chung quy cũng là sợ chết, nhưng mình đã không màn sống chết để làm cách mạng thì còn gì mà phải sợ, nghĩ thế rồi cái sợ tự nhiên nó không còn nữa”. Nghe xong mà thấy khâm phục thay tinh thần của những con người ấy, họ quy tất cả về cách mạng rồi lấy đó làm động lực để vượt qua. Qua những lời “có gì kể nấy” của tác giả trong hơn một trăm trang của tự truyện, tôi cảm thấy thêm trân trọng bầu trời tự do mà mình đang được hưởng thụ lúc này.

                                                                                                                           T.B